Mục lục [Ẩn]
Bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về căn bệnh này, dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vậy những lầm tưởng đó là gì? Phải làm gì để phòng ngừa bệnh trầm cảm? Mời các bạn tìm hiểu đáp án ở bài viết dưới đây!
Các lầm tưởng về bệnh trầm cảm thường gặp hiện nay
Các lầm tưởng về bệnh trầm cảm thường gặp hiện nay
Những lầm tưởng về bệnh trầm cảm thường gặp bao gồm:
Trầm cảm không phải là một căn bệnh
Nhiều người nghĩ rằng, trầm cảm chỉ là một nỗi buồn hoặc một đặc điểm tính cách chứ không phải bệnh lý. Họ cho rằng người bị trầm cảm cứ làm quá vấn đề của họ lên. Chính lối suy nghĩ này đã vô tình đẩy người bệnh vào bế tắc. Họ ngày càng tuyệt vọng về cuộc sống, xuất hiện suy nghĩ và hành vi tự tử.
Chẳng hạn như trường hợp của chị Hương, 27 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội. Sau sinh con 1 tháng, chị nhận thấy mình gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chị ám ảnh tiếng khóc của con, mỗi lần con khóc là chị bồn chồn, bất an, tuyệt vọng. Chị luôn sống trong tâm lý căng thẳng, dễ khóc, mất tập trung, mất ngủ, suy nghĩ tiêu cực, mặc cảm tội lỗi. Để giải tỏa cảm xúc, chị tự hại bản thân bằng cách cấu véo mình.
Chị muốn chia sẻ với người thân nhưng lại sợ bị mọi người chê bai. Đến khi chị dũng cảm nói ra tình trạng của mình, cả nhà lại không ai tin chị, cho rằng chị cố tình tô vẽ, làm quá lên. Sau cùng, chị phải lén đi khám một mình.
Trường hợp chị Hương là điển hình của tình trạng lầm tưởng về trầm cảm không phải bệnh lý. Bởi gia đình không thấu hiểu nên nhiều bà mẹ sau sinh có hành vi tiêu cực, tự hại bản thân hoặc thậm chí là hại đứa trẻ.
Thực tế, bệnh trầm cảm là một rối loạn tâm thần phức tạp, phải được điều trị đúng cách mới hiệu quả. Bệnh nhân không thể tự mình thoát ra khỏi căn bệnh này. Vì vậy, họ rất cần sự quan tâm, thấu hiểu của gia đình và xã hội.
Bệnh trầm cảm uống thuốc là khỏi
Đây cũng là một lầm tưởng thường gặp trong xã hội hiện nay. Nhiều người cho rằng, mắc bệnh trầm cảm thì uống thuốc là khỏi. Thực tế, thuốc tây y hoạt động bằng cách thay đổi chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, dopamin. Từ đó, nó giúp thư giãn tinh thần cho người bệnh, giảm các triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, đau nhức mình mẩy…
Lầm tưởng thường gặp: bệnh trầm cảm uống thuốc là khỏi
Tuy nhiên, thuốc trầm cảm không giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Đa phần, nguyên nhân gây trầm cảm là do người bệnh trải qua cú sốc tâm lý chẳng hạn như mất người thân, hôn nhân đổ vỡ, tổn thương thời thơ ấu, bị mắc bệnh hiểm nghèo… Thuốc chống trầm cảm không giải quyết những nút thắt trong tâm lý. Vì vậy, việc chỉ dùng thuốc tây y thôi là chưa đủ. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp tâm lý cho người bệnh trầm cảm.
Người lớn tuổi không bị trầm cảm
Không ít người lầm tưởng bệnh trầm cảm chỉ gặp ở giới trẻ. Đối tượng này chưa có nhiều kinh nghiệm sống, khó kiểm soát cảm xúc, dễ căng thẳng nên bị trầm cảm. Còn khi có tuổi, trải qua nhiều sự kiện trong cuộc sống rồi thì không thể bị trầm cảm nữa.
Thực tế, càng có tuổi, não bộ càng giảm tiết hormone hạnh phúc là serotonin và dopamin. Khi thiếu hụt hormone này, con người sẽ trở nên buồn bã, suy nghĩ tiêu cực, bi quan, dễ mắc bệnh trầm cảm.
Đồng thời, người lớn tuổi còn có nguy cơ mắc bệnh này bởi hàng loạt nguyên nhân sau:
- Cuộc sống cô đơn, con cái ở xa, người bạn đời đã mất
- Mắc nhiều bệnh mãn tính, đau ốm thường xuyên
- Khó khăn về kinh tế
- Bị lừa đảo mất số tiền lớn
- Con cái bất hiếu
- …
Người lớn tuổi cũng có nguy cơ bị trầm cảm
Bệnh trầm cảm chỉ xảy ra với phụ nữ
Nhiều người cho rằng, phụ nữ yếu đuối, dễ khóc nên mới bị trầm cảm. Thực tế, căn bệnh này có thể gặp ở mọi đối tượng. Đối với nam giới, những nguyên nhân khiến họ mắc bệnh này bao gồm:
- Đầu tư thua lỗ, công ty phá sản, thất nghiệp…
- Vợ ngoại tình, hôn nhân đổ vỡ
- Mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư
- Sốc tâm lý sau khi về hưu
- Vợ không đáp ứng được nhu cầu sinh lý
- …
Khi nam giới mắc trầm cảm, nếu không được điều trị sớm, họ cũng có nguy cơ xuất hiện suy nghĩ và hành vi tự sát. Thậm chí, ý định tự tử của họ mạnh mẽ hơn phụ nữ.
Các lầm tưởng trên đây rất thường gặp trong cuộc sống hiện đại. Chính vì không hiểu rõ căn bệnh trầm cảm mà nhiều gia đình đã phải đối mặt với hệ lụy đáng tiếc. Vậy phải làm sao để phòng ngừa căn bệnh này?
Cách phòng ngừa bệnh trầm cảm
Để phòng ngừa bệnh trầm cảm, bạn nên áp dụng các biện pháp sau:
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động cơ thể vừa tốt cho sức khỏe thể chất, vừa giảm căng thẳng, stress hiệu quả. Đặc biệt, tập thể dục còn kích thích não bộ sản sinh hormone dopamine, endorphin. Đây đều là hormone giúp cải thiện tâm trạng, mang lại cảm giác sảng khoái, tạo động lực và giảm đau cho cơ thể. Vì vậy, bạn nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, tăng cường sức khỏe nhé!
Tập thể dục giúp giảm nguy cơ trầm cảm
- Hạn chế tiếp nhận thông tin tiêu cực bằng cách cắt giảm thời gian sử dụng mạng xã hội.
- Xây dựng mối quan hệ bền chặt trong cuộc sống bằng cách thường xuyên kết nối, gọi điện, gặp gỡ bạn bè, người thân trong gia đình.
- Suy nghĩ tích cực mọi việc, lập kế hoạch học tập, làm việc cụ thể, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng stress.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế những đồ có hại cho sức khỏe như rượu bia, chất kích thích, món ăn nhiều dầu mỡ…
- Đảm bảo giấc ngủ chất lượng, tránh thức khuya cũng không nên ngủ quá nhiều.
- Duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì.
- Tránh xa mối quan hệ độc hại, kể cả mối quan hệ đó rất thân thiết.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết những lầm tưởng thường gặp về bệnh trầm cảm. Căn bệnh này đang ngày càng trở nên phổ biến, gây nhiều hệ lụy đáng tiếc. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ về nó để phòng ngừa ngay từ bây giờ. Nếu có băn khoăn gì về căn bệnh này, mời các bạn gọi đến số điện thoại 0243.760.6666 giờ hành chính, các chuyên gia sẽ tư vấn chi tiết cho bạn!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập