Mục lục [Ẩn]
Trong vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, chúng ta thường xuyên bị bủa vây trong các luồng suy nghĩ, các ám ảnh về quá khứ, lo âu về tương lai hay cảm thấy bấp bênh trước những trắc trở của cuộc hiện tại. Nhiều chuyên gia tâm lý đã khuyên bệnh nhân nên thực hành chánh niệm để vượt qua những cảm xúc tiêu cực này. Vậy chánh niệm là gì? Chánh niệm mang lại những lợi ích gì?? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Chánh niệm là gì?
Chánh niệm là gì?
Khi để ý đến hoạt động của tâm trí, bạn sẽ nhận thấy những suy nghĩ trong tâm trí mình có hai xu hướng quan trọng:
- Tâm trí chúng ta tập trung vào những thứ không xảy ra trong hiện tại: Chúng ta dành phần lớn thời gian để nghĩ về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ hoặc có thể sẽ xảy ra trong tương lai.
- Tâm trí chúng ta liên tục đánh giá sự tốt xấu của cuộc sống hiện tại: Chúng ta đánh giá xem mọi thứ có đang xảy ra như mình mong muốn hay không, níu kéo những điều khiến bản thân thích thú và trì hoãn những thứ chúng ta không mong muốn.
Những suy nghĩ này có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực không cần thiết. Chúng ta sẽ bỏ lỡ đi những trải nghiệm về những điều đang hiện hữu.
Ví dụ:
- Quá bận tâm về tương lai khiến chúng ta thường xuyên lo âu và căng thẳng vì những sự kiện thậm chí còn không xảy ra.
- Chìm đắm trong quá khứ khiến bạn phiền muộn, hối hận về những việc mà bản thân không còn có thể kiểm soát được.
- Liên tục đánh giá cuộc sống hiện tại khiến chúng ta kháng cự lại những điều mình không thích, kể cả khi hành động đó là vô ích. Điều này gây ra những mệt mỏi không đáng có.
Thực hành chánh niệm sẽ giúp bạn chữa lành cả hai xu hướng trên.
Vậy chánh niệm là gì? Chánh niệm là việc bạn đặt toàn bộ tâm trí vào khoảnh khắc hiện tại, một cách toàn tâm toàn ý và không phán xét.
Nguyên tắc cốt lõi của chánh niệm
Để hiểu rõ hơn chánh niệm là gì, chúng ta sẽ đi sâu vào nguyên tắc cốt lõi của phương pháp này. Chánh niệm có 2 nguyên tắc rất đơn giản chính là hiện hữu và chấp nhận.
Hiện hữu
Nguyên tắc này có nghĩa là bạn đưa nhận thức quay về hiện tại, bạn không cần làm gì hơn những việc bạn đang làm cả.
Ví dụ: Nếu bạn đang ăn trưa, hãy tập trung vào việc ăn trưa. Bạn hãy cảm nhận màu sắc, mùi hương của từng món ăn, cảm nhận hương vị món ăn trên đầu lưỡi.
Trên thực tế, có rất nhiều lo âu, căng thẳng, đau khổ xuất phát từ những việc không liên quan gì đến hiện tại.
Ví dụ: Bạn nghe các kênh thông tin về kinh tế đang bị suy thoái, nhiều công ty sa thải nhân viên và bạn lo lắng rằng công ty mình cũng như vậy. Và thế là, lúc nào bạn cũng sống trong lo âu và căng thẳng, bạn không biết nếu mình bị đuổi việc thì phải kiếm việc ở đâu, lấy gì để nuôi gia đình, cho con cái ăn học… Bạn thấy đấy, điều gây lo lắng và căng thẳng cho bạn hiện đang không xảy ra, thậm chí có thể không bao giờ xảy ra, nhưng nó vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Việc tập trung về những thứ đang hiện hữu giúp bạn:
- Cảm nhận rõ ràng hơn về cuộc sống hiện tại. Bạn không mơ hồ lướt qua cuộc sống nữa mà sẽ cảm nhận rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
- Bạn không còn chìm đắm trong những đau khổ ở quá khứ hay lo sợ về tương lai nữa. Đó chính là lý do tại sao thực hành chánh niệm giúp bạn giảm trầm cảm và rối loạn lo âu.
Chánh niệm là việc bạn tận hưởng những thứ đang hiện hữu.
Quay lại với ví dụ bên trên, thay vì lo lắng mình sẽ bị sa thải trong tương lai, bạn hãy dành sự tập trung cho cuộc sống hiện tại. Bạn tập trung hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, cảm nhận những niềm vui trong công việc mình đang làm.
Chấp nhận
Nguyên tắc cốt lõi thứ hai của chánh niệm là chấp nhận, tức bạn chấp nhận tất cả những gì đang diễn ra mà không phán xét, không xua đuổi hay tích cực - tiêu cực hóa vấn đề.
Chấp nhận không có nghĩa là chúng ta bỏ qua những mong muốn của bản thân về cách mọi việc diễn ra mà là chấp nhận rằng đôi khi trong cuộc sống luôn có những lúc không xảy ra như những gì ta muốn.
Ví dụ: Người bạn của bạn thường không xem trọng cảm xúc của bạn và khiến bạn bị tổn thương nhiều lần. Điều này khiến bạn cứ suy nghĩ luẩn quẩn và cố gắng hiểu tại sao cô ấy lại đối xử với bạn như vậy. Cuối cùng, bạn chấp nhận rằng đấy đơn thuần là tính cách của cô ấy. Sự chấp nhận này không khiến thay đổi tính cách của cô ấy nhưng sẽ giúp bạn không còn bất ngờ hay tổn thương bởi những gì cô ấy làm nữa. Vì bạn biết được cô ấy là người như vậy.
Chấp nhận không có nghĩa là chúng ta không cố gắng thay đổi điều gì. Chấp nhận trong chánh niệm có nghĩa là không chối bỏ hiện thực. Chúng ta nhìn nhận tình huống theo đúng bản chất của nó và đặt nền móng cho sự thay đổi. Sự chấp nhận cho phép bạn có những phản ứng phù hợp với những gì đang diễn ra.
Ví dụ: Việc bạn chấp nhận tính cách của người bạn kia giúp bạn hiểu rằng đây là một mối quan hệ không lành mạnh, người bạn kia không phù hợp với bạn và đã đến lúc phải từ bỏ mối quan hệ gây ra nhiều tổn thương này.
Những lợi ích của chánh niệm là gì?
Chánh niệm giúp giải quyết rất nhiều vấn đề về tâm lý, như:
Rối loạn lo âu
Theo một thử nghiệm trên Tạp chí Tâm thần học lâm sàng năm 2013, chánh niệm giúp giảm đáng kể các triệu chứng của rối loạn lo âu. Nguyên nhân do phương pháp này giúp bạn giảm đáng kể những lo lắng về tương lai, giúp bạn thoát khỏi sự căng thẳng và cho phép tinh thần bạn được nghỉ ngơi, thư giãn.
Trầm cảm
Chánh niệm hữu ích trong việc giúp mọi người ngừng suy ngẫm về những điều gây căng thẳng và không chìm đắm vào những suy nghĩ tiêu cực.
Do đó, phương pháp này rất hữu ích để cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Một nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý học và Tâm lý trị liệu năm 2010 cho thấy, phương pháp nhận thức dựa trên chánh niệm giúp giảm rõ rệt những suy nghĩ tiêu cực quá mức ở bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm.
Chánh niệm giúp bệnh nhân trầm cảm ngừng chìm đắm vào các suy nghĩ tiêu cực.
Cải thiện tâm lý căng thẳng ở những người mắc bệnh mạn tính
Phương pháp chánh niệm rất hữu ích để giảm căng thẳng ở những người mắc các bệnh mạn tính hoặc các bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.
Ví dụ: Một nghiên cứu cho thấy phương pháp nhận thức dựa trên chánh niệm rất có hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe tâm lý của những người bị ung thư vú.
Rối loạn ăn uống
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy chánh niệm hiệu quả trong việc cải thiện các rối loạn ăn uống như ăn uống vô độ, ăn theo cảm xúc, giảm béo phì.
Ngoài ra, chánh niệm còn giúp cải thiện các tình trạng sau:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD.
- Gặp khó khăn trong các mối quan hệ.
- Hội chứng cai thuốc.
- Căng thẳng mãn tính.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu được chánh niệm là gì và các lợi ích của việc thực hành chánh niệm. Đây không phải là phương pháp giải quyết mọi vấn đề nhưng nó sẽ giúp bạn thay đổi thái độ nhìn nhận vấn đề, từ đó có biện pháp phản ứng với các tình huống tốt hơn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập