Mục lục [Ẩn]
Mạng xã hội hiện trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người với nhiều chức năng như giao tiếp, chia sẻ thông tin, giải trí. Sử dụng mạng xã hội rất dễ trở thành một thói quen, khiến người dùng bị phụ thuộc, thậm chí “nghiện” mạng xã hội, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. Mới đây, đã có trường hợp một bệnh nhân 14 tuổi phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm, nguyên nhân do lạm dụng mạng xã hội, thường xuyên truy cập các nội dung tiêu cực.
Trẻ mắc bệnh tâm thần vì lạm dụng mạng xã hội.
Trẻ mắc bệnh tâm thần vì lạm dụng mạng xã hội
Đi cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trẻ em được tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị điện tử là máy tính và điện thoại thông minh (smartphone). Nhiều gia đình dường như đã quên mất việc hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là mạng xã hội khiến tỷ lệ trẻ nghiện điện thoại, mạng xã hội… tăng lên. Thậm chí, đã có những trường hợp phải nhập viện vì nghiện mạng xã hội.
Như trường hợp của em Khang (14 tuổi), phải nhập viện điều trị vì bị trầm cảm do lạm dụng mạng xã hội, thường xuyên truy cập các nội dung tiêu cực ngay trước kỳ thi cấp 3.
Được biết, do bố mẹ thường xuyên công tác xa nhà nên Khang ở với bà nội, được "thoải mái" dùng điện thoại và máy tính. Đầu năm nay, mẹ Khang chuyển việc về gần nhà để tiện đưa đón, chăm sóc con khi cậu bé có kỳ thi đầu cấp quan trọng. Lúc này, chị phát hiện con học hành sa sút, không tập trung, thường xuyên cáu giận, mệt mỏi, có xu hướng rút lui khỏi mọi hoạt động xã hội.
Một lần tình cờ xem điện thoại của con, chị phát hiện Khang tham gia vào các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, thường xuyên nhắn tin với những từ tục tĩu. Đặc biệt, lịch sử truy cập xuất hiện nhiều nội dung dạy cách tự làm đau (self harm), các thử thách gây hại, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Khi bị tịch thu điện thoại, Khang đã phản kháng, thậm chí đòi tự tử.
>>> Xem thêm: Tiếp xúc với nhiều tin tức tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như thế nào?
Khang được gia đình đưa đến bệnh viện tâm thần để khám. Tại đây, cậu tâm sự với bác sĩ rằng "thích xem hình ảnh tai nạn, chảy máu vì dễ chịu, thư giãn" và "không thể rời bỏ mạng xã hội". Qua khám và làm các xét nghiệm, Khang được chẩn đoán mắc chứng nghiện mạng xã hội, trầm cảm nặng, phải nhập viện điều trị nội trú.
Cũng nghiện mạng xã hội, năm ngoái, con gái 16 tuổi của chị Hồng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) phải nhập viện vì rối loạn lo âu chỉ sau một tháng nghỉ hè ở nhà dùng điện thoại. Theo chia sẻ của chị Hồng, em "ôm" điện thoại lúc ăn, đi tắm, thậm chí cả khi đi ngủ. Em thường xuyên thức khuya lướt mạng đến khi ngủ thiếp đi vì mệt. Song chỉ cần nghe chuông báo từ điện thoại, nữ sinh nhanh chóng bật dậy mở xem.
Lo lắng, chị Hồng yêu cầu con chỉ được dùng điện thoại 3 giờ một ngày. Bị giới hạn thời gian, con chị luôn vùng vằng, khó chịu, thường tranh thủ lúc chị Hồng không có nhà để dùng điện thoại. Dần dần, nữ sinh sụt cân nhanh, tự nhốt mình trong phòng, thường nghe thấy tiếng mắng chửi bên tai. Lúc này, chị Hồng vội đưa con đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán, con gái chị bị trầm cảm với triệu chứng loạn thần, phải điều trị thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý, không được tiếp xúc điện thoại.
Nhiều trẻ có xu hướng lạm dụng mạng xã hội.
Nghiện mạng xã hội là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện là trạng thái phụ thuộc định kỳ hoặc mãn tính vào các chất hoặc hành vi, với các đặc trưng không thể kiểm soát hành vi nhiều lần, bất chấp những tác động và hậu quả tiêu cực, nhằm đạt mục đích giữ cho con người ở trạng thái vui vẻ ngay lập tức, hoặc giảm cảm giác khó chịu.
Nghiện mạng xã hội được biểu hiện qua các đặc điểm sau:
- Luôn bận tâm và liên tục sử dụng internet.
- Nhu cầu dùng ngày càng tăng.
- Không thể chịu đựng nếu không vào mạng.
- Buồn, ủ rũ chán nản khi không được dùng.
- Sử dụng mạng như một biện pháp để thoát khỏi các vấn đề bản thân...
Ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá tình trạng lệ thuộc mạng xã hội là rất phổ biến. Báo cáo Digital năm 2021 cho thấy, mỗi ngày, người Việt dùng internet trung bình 6 tiếng 47 phút, trong đó 2 tiếng 21 phút dành riêng cho mạng xã hội. Hiện chưa có thống kê về số trẻ vị thành niên nghiện mạng xã hội. Song tỷ lệ học sinh mắc các chứng rối loạn tâm thần ngày càng tăng, và mạng xã hội là một trong nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần khi nghiện mạng xã hội
Theo các chuyên gia, việc nghiện mạng xã hội sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần của trẻ do:
- Tiếp xúc, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội quá nhiều sẽ thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ, tập thể dục, gặp gỡ người thân, bạn bè.
- Các nền tảng mạng xã hội tràn ngập nội dung cực đoan, có hại, gồm cả những nội dung nguy hiểm nhưng được "bình thường hóa", như hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống, tự sát...
- Người dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thường so sánh bản thân với người khác, cảm thấy thua kém, dễ dẫn đến thất vọng, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
- Sự tập trung quá mức vào mạng xã hội của người trẻ ngăn cản họ hình thành những mối quan hệ thực tế.
- Nghiện mạng xã hội khiến họ không còn dành thời gian để suy nghĩ về những mục tiêu trong cuộc sống, gây mất động lực, đồng thời kích thích những suy nghĩ tiêu cực.
Người nghiện mạng xã hội thường so sánh bản thân với người khác.
Vì vậy, việc giáo dục và truyền thông những tác hại của mạng xã hội cần được đẩy mạnh trong gia đình cũng như nhà trường. Gia đình cần dạy trẻ các kỹ năng về cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng,...
Ngoài ra, nhà trường và gia đình cần chú ý, đánh giá các trẻ đang có xu hướng nghiện mạng xã hội, từ đó có phương hướng ngăn chặn và xử lý kịp thời các hậu quả xấu.
Mạng xã hội rất hữu ích, tuy nhiên việc nghiện mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của chúng ta, đặc biệt ở giới trẻ. Vì vậy, nhà trường và gia đình cần phải chú ý, giáo dục cho trẻ những tác hại của mạng xã hội và nhận diện các trẻ có xu hướng nghiện mạng xã hội, từ đó xử lý kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập