Mục lục [Ẩn]
Mạng xã hội là nơi chứa đựng rất nhiều kiến thức hữu ích. Thế nhưng chúng cũng đầy rẫy thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý con người. Nếu không biết cách kiểm soát những ảnh hưởng đó, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với các bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm. Vậy cụ thể, mạng xã hội tác động đến tâm lý người dùng như thế nào?
Mạng xã hội tác động đến tâm lý người dùng như thế nào?
Mạng xã hội tác động đến tâm lý người dùng như thế nào?
Xã hội càng phát triển, công nghệ thông tin đại chúng càng hiện đại. Sự ra đời của mạng xã hội như facebook, instagram, zalo, youtube, tiktok… cho phép con người giải trí, học tập, làm việc và kết nối với nhau mà không bị giới hạn bởi vị trí địa lý.
Tuy mạng xã hội rất hữu ích nhưng thực tế, nó cũng kèm theo nhiều rủi ro và hệ lụy. Mức độ ảnh hưởng thường tỷ lệ thuận với thời gian sử dụng các nền tảng này, cụ thể:
Tăng cảm xúc tiêu cực
Người ta thường sử dụng mạng xã hội để đăng tải những hình ảnh đẹp với mục đích phơi bày cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Trước những hào nhoáng đó, không ít người trở nên tự ti, đố kỵ, cảm thấy bản thân kém cỏi, vô dụng hơn so với người khác.
Mặt khác, các thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm chứng. Theo đó, có rất nhiều nguồn tin tiêu cực tràn lan trên khắp các trang mạng. Việc thường xuyên tiếp xúc nhiều với các loại thông tin này cũng làm tăng nguy cơ stress.
Bắt nạt trực tuyến
Đây là một dạng bắt nạt được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử như laptop, máy tính, điện thoại,… Nạn nhân nhận được những bình luận hoặc tin nhắn đe dọa, chỉ trích, phê bình. Bởi không phải đối mặt trực tiếp nên nhiều người hay có câu nói đùa mang tính xúc phạm, gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho người khác.
Mạng xã hội là nơi xảy ra tình trạng bắt nạt trực tuyến
Mạng xã hội càng phát triển, tình trạng bắt nạt trực tuyến càng rầm rộ. Nạn nhân của tình trạng này thường là học sinh, sinh viên. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các em dễ bị rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu…
Tăng nguy cơ mắc hội chứng FOMO
Hội chứng FOMO - hội chứng sợ bị bỏ lỡ chủ yếu gặp ở người trẻ. Đặc điểm của người mắc hội chứng này là luôn lo sợ bản thân đánh mất cơ hội đầu tư, trải nghiệm và chinh phục những điều thú vị.
Mạng xã hội chính là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng FOMO. Xu hướng ngày nay của giới trẻ thường thay đổi liên tục, khiến họ phải dành nhiều thời gian để cập nhật thông tin. Mà càng sử dụng mạng xã hội, họ càng dễ mắc hội chứng này.
Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại
Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại (Nomophobia) là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu. Người bệnh sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng quá mức nếu không có điện thoại bên cạnh hoặc điện thoại tắt nguồn, không có wifi. Một số trường hợp còn bị choáng váng, khó thở, mệt mỏi, đỏ bừng mặt, loạn nhịp và ngất xỉu.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý
Mạng xã hội là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý như:
- Rối loạn lo âu: Việc tiếp cận với các thông tin tiêu cực khiến người dùng lo lắng, sợ hãi về những vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khi chứng kiến thành công của giới trẻ, họ vô tình tạo áp lực cho bản thân, cảm thấy yếu kém, thậm chí lo lắng thái quá về công việc, học tập,…
Mạng xã hội làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý
- Trầm cảm: Nhiều trường hợp bị vu khống, lăng mạ bằng những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Thậm chí, họ còn bị người khác tung hình ảnh, clip riêng tư, thêu dệt những câu chuyện không có thực… Những lời nói cay nghiệt, chửi rủa của cộng đồng mạng chính là nguyên nhân khiến người dùng bị trầm cảm.
- Các vấn đề tâm lý khác: Mạng xã hội còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý khác như hội chứng mặc cảm ngoại hình, hội chứng tự ngược đãi bản thân, hội chứng sợ xã hội,…
Có thể thấy, những tác hại do mạng xã hội đem tới cũng rất đa dạng. Nếu không biết cách sử dụng internet phù hợp, bạn dễ trở thành nạn nhân của chúng.
Cách sử dụng mạng xã hội an toàn
Để tránh những tác động tiêu cực của mạng xã hội với tâm lý người dùng, bạn nên:
Chỉ sử dụng khi cần thiết
Một số người có thói quen dùng mạng xã hội mỗi khi rảnh rỗi. Chính thói quen đó khiến họ ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng internet, dễ bị các tác động tiêu cực. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng mạng xã hội khi có tin nhắn, thông báo hoặc khi cần kiểm tra một số thông tin quan trọng.
Tốt nhất, bạn nên giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội trong ngày và không nên dùng vào buổi tối.
Hiểu rõ mạng xã hội là thế giới ảo
Nhiều người trở nên đố kỵ, cảm thấy bản thân thua kém người khác khi nhìn vào những bức ảnh lung linh, hào nhoáng. Thế nhưng, mạng xã hội không phải đời thực. Những hình đó không phản ánh đúng 100% cuộc sống thật của họ.
Do vậy, bạn không nên quá tin tưởng vào những điều trên internet. Nơi đó chỉ là cuộc sống ảo mà thôi.
Mạng xã hội chỉ là thế giới ảo, không nên quá tin tưởng vào nó
Tăng cường các hoạt động lành mạnh ngoài đời thực
Thay vì giải trí bằng cách xem mạng xã hội, bạn nên tăng cường các hoạt động lành mạnh ngoài đời thực. Những hoạt động như tập thể dục, đi hẹn hò với bạn bè, làm tình nguyện, đọc sách, nghe nhạc, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cối, nấu nướng và chơi với thú cưng… vừa giúp thư giãn tinh thần, lại tốt cho sức khỏe thể chất.
Việc thường xuyên gặp gỡ bạn bè, người thân còn giúp bạn gắn kết các mối quan hệ xã hội.
Nếu đã bị mạng xã hội ảnh hưởng quá mức, bạn không tự mình thoát ra được thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Họ sẽ hướng dẫn bạn những kỹ năng cần thiết để đối phó với sự căng thẳng, tình huống tiêu cực do internet gây ra.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết những tác động của mạng xã hội với tâm lý người dùng. Để tránh tổn thương tinh thần khi sử dụng internet, bạn nên hạn chế thời gian sử dụng chúng, tăng cường các hoạt động lành mạnh ngoài đời thực, cảm ơn các bạn!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập