Mục lục [Ẩn]
Đã bao giờ bạn nhìn vào gương và tự nói với mình rằng “Mày là kẻ thua cuộc" hay "Không ai yêu quý mày cả” hay chưa? Đó là những biểu hiện của tự chán ghét bản thân. Việc bạn cảm thấy chán ghét bản thân mình không chỉ gây tác động đến cuộc sống hàng ngày mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, đặc biệt là trầm cảm. Vậy phải làm sao để ngừng tự chán ghét bản thân? Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé!
Làm sao để chiến đấu với sự tự chán ghét bản thân?
Tự chán ghét bản thân là gì?
Tự chán ghét bản thân là tình trạng một người luôn suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình. Họ luôn cảm thấy rằng mình không tốt (hoặc không đủ tốt về mọi mặt), không xứng đáng để nhận được những điều tốt hoặc có những mối quan hệ tốt đẹp. Bên cạnh họ luôn như có một người vô hình theo dõi họ, chỉ trích họ, khiến họ cảm thấy xấu hổ vì những lỗi lầm của bản thân.
Nguyên nhân dẫn đến tự chán ghét bản thân
Trải nghiệm thời thơ ấu
Sự tự chán ghét bản thân có thể xuất phát từ những trải nghiệm đau thương trong quá khứ. Ví dụ, đứa trẻ luôn bị cha mẹ chỉ trích, chê bai, thiếu sự khen ngợi khi còn nhỏ sẽ luôn tự hoài nghi bản thân, sống trong thấp thỏm, lo âu sợ mình làm sai điều gì đó khiến cha mẹ mất lòng. Đứa trẻ ấy luôn cố gắng, tự bắt mình phải thật tốt, thật hoàn hảo, không dám có sai sót. Điều này sẽ gây ra sự chán ghét bản thân khi lớn lên.
Trong mối quan hệ độc hại
Nếu bạn ở trong mối quan hệ lâu dài mà người kia luôn có xu hướng xem thường, đánh giá thấp bạn thì bạn cũng sẽ có thể hình thành xu hướng tự chán ghét, xem thường bản thân mình. Mối quan hệ độc hại này có thể là tình yêu, tình bạn, đồng nghiệp,....
Chủ nghĩa cầu toàn
Những người theo chủ nghĩa cầu toàn thường mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo, không cho phép bản thân mình phạm sai lầm trong mọi lúc, mọi tình huống. Nếu không làm được như vậy, họ sẽ cảm thấy bản thân mình là kẻ thất bại, kém cỏi, không thể tha thứ cho bản thân mình, lâu dài họ trở nên chán ghét bản thân.
Các vấn đề sức khỏe tinh thần
Sự tự chán ghét bản thân có thể là triệu chứng của một rối loạn tâm thần, thường gặp nhất là trầm cảm. Bệnh trầm cảm sẽ khiến bạn có cảm giác tuyệt vọng, tội lỗi và xấu hổ, thấy mình là người vô dụng. Ngoài tự chán ghét bản thân, bệnh nhân trầm cảm còn có các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán nản, buồn bã kéo dài, mất năng lượng, mất hứng thú với mọi thứ, giấc ngủ bị rối loạn,...
7 cách chống lại sự tự chán ghét bản thân
Xác định nguyên nhân
Nếu thường xuyên cảm thấy căm ghét bản thân, bạn hãy ngồi lại, cố gắng xác định xem vì sao điều gì dẫn tới cảm giác này. Để làm được điều này, bạn có thể viết nhật ký vào cuối ngày và ghi lại những việc bạn đã làm, cảm xúc với các hoạt động khác nhau, ai ở bên mình suốt ngày,...
Việc này sẽ giúp bạn xác định được nguyên nhân gây ra suy nghĩ tiêu cực. Từ đó, bạn có thể tìm ra các cách để tránh những suy nghĩ này.
Tự phản đối những lời tự chỉ trích
Khi bạn bắt đầu nhận thức rõ hơn về cảm xúc của mình và các yếu tố kích hoạt chúng, hãy cố gắng xác định những suy nghĩ mà bạn có khi đối mặt với các sự kiện tiêu cực. Hãy tự đặt câu hỏi về việc liệu suy nghĩ của bạn có thực tế hay liệu bạn có đang suy nghĩ lệch lạc hay không. Sau đó, bạn hãy tập phản bác lại những lời tự chỉ trích này.
Tập tha thứ cho bản thân mình
Bạn hãy hiểu rằng trên đời này không có bất kỳ ai hoàn hảo cả, ai cũng có những sai lầm, thiếu sót nào đó. Vì vậy, thay vì luôn trì chiết, oán hận bản thân, bạn hãy tập tha thứ cho chính bản thân mình.
>>> Xem thêm: Tha thứ cho bản thân: Tầm quan trọng và cách thực hiện
Dành thời gian với những người tích cực
Nếu bạn đang trong một mối quan hệ mà bản thân không được tôn trọng, hãy tránh xa mối quan hệ độc hại đó và kết giao với những người thực sự coi trọng mình.
>>> Xem thêm: 8 bước để thoát khỏi một mối quan hệ độc hại
Thiền định
Nếu bạn cảm thấy khó để sống chậm lại và tách mình ra khỏi suy nghĩ tiêu cực, hãy thử bắt đầu với các bài thiền định hoặc yoga một cách đều đặn. Tham gia vào thiền định là một cách để ngắt tiếng nói tiêu cực trong đầu bạn. Nó cũng giống như một nhóm cơ; bạn càng luyện tập nhiều, bạn càng dễ dàng tĩnh tâm hơn.
Thực hành chăm sóc bản thân
Thay vì gắng sức vào các hành vi tự hủy hoại bản thân, bạn hãy tập chăm sóc bản thân mình, cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và sử dụng các thiết bị điện tử, dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên và nói chuyện tử tế với bản thân, nêu một vài phương pháp chăm sóc bản thân hiệu quả.
Nhờ tới sự giúp đỡ khi cần thiết
Nếu cứ chìm đắm trong sự chán ghét bản thân mà không thể vượt qua được thì bạn nên tìm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Thông qua các liệu pháp trò chuyện, các chuyên gia tâm lý sẽ nhận ra các suy nghĩ sai lệch dẫn đến những cảm xúc tiêu cực của bạn. Sau đó, họ sẽ hướng dẫn bạn điều chỉnh lại những suy nghĩ tiêu cực này.
Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn nhận ra và điều chỉnh lại các suy nghĩ tiêu cực.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu được những vấn đề về tự chán ghét bản thân và vượt qua nó. Hãy nhớ rằng việc đối phó với tình trạng tự ghét bản thân cần có thời gian. Bạn hãy cố gắng làm theo những lời khuyên kể trên để có thể xua tan những cảm xúc tiêu cực, thêm yêu cuộc đời hơn.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập