Mục lục [Ẩn]
Sự suy giảm sức khỏe do tuổi tác cùng với nỗi đau buồn, mất mát vì sự ra đi của người thân, bạn bè hay gặp vấn đề với con cái… là những nguyên nhân khiến người già cô đơn. Theo thời gian, chính cảm xúc tiêu cực này sẽ bào mòn tinh thần của họ, khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm.
Hình ảnh người già cô đơn
Vì sao người già cô đơn?
Những nguyên nhân thường gặp khiến người già cô đơn, lạc lõng bao gồm:
- Sống cô độc một mình: Khi con cái đi làm ăn xa nhà, người bạn đời ra đi trước khiến người già phải sống một mình, lâu dần cảm thấy buồn khổ, cô đơn vì không còn ai bầu bạn. Đặc biệt, họ không có người quan tâm, chăm sóc, chia sẻ những khó khăn mà tuổi này phải đối mặt như đau ốm, bệnh tật.
- Mất kết nối với con cái do:
- Con cái ở xa, ít về thăm.
- Suy nghĩ, lối sống và cách ăn uống của người già không hợp với người trẻ. Ví dụ: Người trẻ thích giặt quần áo bằng máy nhưng người già lại cho rằng không sạch và phải giặt tay… Kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020 cho thấy, cứ 2,2 người cao tuổi thì có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu trong gia đình.
- Con cái ứng xử thiếu tinh tế: Việc con cái trò chuyện không giữ ý cũng có thể khiến cha mẹ buồn lòng. Chẳng hạn như chỉ với câu nói vô tình: “mẹ không hiểu được đâu” đã đủ khiến nhiều người già để bụng. Họ cảm thấy lạc lõng, không hợp khi sống cùng con cái.
- Tâm lý cô lập bản thân: Đa phần người có tuổi thường tự thu mình lại, ngại giao tiếp, ngại gặp gỡ mọi người dẫn đến cô đơn, buồn bã. Có trường hợp còn sợ con cái lo lắng nên không nói ra chuyện mình mệt mỏi, ốm đau hay buồn bực, khiến khoảng cách thế hệ càng xa.
- Khó khăn về kinh tế: Trường hợp người già không có lương, không có trợ cấp, phụ thuộc vào con cái, thậm chí con cái khó khăn không thể hỗ trợ, họ sẽ càng buồn phiền, thu mình lại, dẫn đến cô đơn.
Người già cô đơn: Nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm
Người già cô đơn: Nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm
Cô đơn và trầm cảm thường gây nhiều cảm giác tương đối giống nhau như:
- Cảm thấy buồn bã, khó chịu
- Năng lượng thấp, ủ rũ, không muốn làm gì
- Thiếu tự tin
- Rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi cảm giác thèm ăn, có thể chán ăn hoặc ăn nhiều hơn
- Nhức mỏi không rõ nguyên nhân
Sự khác biệt lớn nhất giữa cô đơn và trầm cảm là:
- Cô đơn là trạng thái cảm xúc thoáng qua liên quan cụ thể đến nhu cầu kết nối của bạn. Một khi đáp ứng được những nhu cầu đó, bạn có thể sẽ cảm thấy bớt cô đơn, dễ chịu hơn.
- Còn trầm cảm là chứng rối loạn tâm thần gây cảm xúc buồn bã, chán nản, mất hứng thú với mọi thứ. Kể cả khi kết nối với người thân, gia đình, bạn bè, bạn vẫn tiếp tục cảm thấy mệt mỏi, bơ phờ, muốn cô lập bản thân. Trầm cảm còn khiến bạn thấy vô dụng, tội lỗi hoặc tin rằng người khác không muốn dành thời gian cho mình.
Người già cô đơn trong thời gian dài, vấn đề không được giải quyết sẽ dẫn đến trầm cảm.
Bởi lẽ, khi cô đơn lâu ngày, người cao tuổi dần xuất hiện suy nghĩ chán ghét bản thân, nghĩ rằng mình là người thừa của xã hội. Ngày ngày chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực sẽ khiến họ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Người già cô đơn phải làm sao?
Để tiêu tan cảm xúc cô đơn, bản thân bạn nên:
Chủ động khiến bản thân bận rộn
- Ra khỏi nhà và hoạt động mỗi ngày như: Đi dạo, đi chơi, đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè.
Ra khỏi nhà và đi dạo sẽ giúp người già bớt cảm giác cô đơn
- Tham gia các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi
- Học thêm nhiều điều mới như khiêu vũ, nhạc cụ, vẽ, ngoại ngữ…
- Nuôi thú cưng như chó, mèo, chim chóc…
- Dọn dẹp nhà cửa, nấu những món ăn ngon
Sống khoa học
Một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học sẽ giúp người cao tuổi khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, tràn đầy năng lượng hơn. Bạn nên:
- Tập luyện thể dục thể thao, vận động cơ thể ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Chơi những bộ môn kích thích não bộ như cờ vua, cờ tướng… tăng khả năng tư duy, trí nhớ.
- Ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường rau củ quả, hạn chế đồ nhiều dầu mỡ, chiên rán, tinh bột, đường.
- Uống đủ 1.5 đến 2 lít nước mỗi ngày, bổ sung thêm sữa tươi không hoặc ít đường để phòng ngừa chứng loãng xương và suy dinh dưỡng.
- Ngủ đủ giấc và khám sức khỏe định kỳ.
- Dành thời gian phơi nắng thường xuyên.
Tham gia hoạt động sáng tạo cho đời thêm vui
Bạn có thể viết nhật ký, viết sách kể về câu chuyện của cuộc đời mình. Sáng tác bài thơ, bài hát hay vẽ tranh cũng là những hoạt động rất phù hợp với bạn. Khi hoàn thành một việc nào đó, bạn sẽ cảm thấy phấn chấn, vui vẻ hơn.
Thưởng thức cuộc sống hiện tại
Bạn hãy suy ngẫm lại những điều tốt đẹp đã diễn ra trong cuộc đời của bản thân để trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.
Ngoài ra, việc giúp đỡ và chia sẻ nỗi bất hạnh với người đang có hoàn cảnh khó khăn cũng là cách giúp bạn giảm bớt cô đơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, yếu tố rất quan trọng để xóa tan nỗi cô đơn cho người cao tuổi chính là sự quan tâm, yêu thương đúng mực từ người thân, bạn bè. Vì vậy, nếu là một người con, bạn nên:
Thường xuyên thăm hỏi cha mẹ
Thường xuyên thăm hỏi cha mẹ
Nếu bạn sống gần bố mẹ, hãy thường xuyên đến thăm và đưa ông bà đi chơi, đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè, tham quan hoặc đơn giản chỉ là dạo quanh công viên để hít thở không khí.
Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để các cháu vui chơi với ông bà. Hơn nữa, bạn còn có thể chỉ cho cha mẹ cách sử dụng điện thoại di động, máy tính để cùng nhau chia sẻ những thông tin, hình ảnh thú vị qua mạng Internet.
Gọi điện thoại khi không thể ghé thăm
Nếu bạn đi học, đi làm xa nhà, bạn có thể tận dụng điện thoại, mạng Internet… để gọi về thăm hỏi ông bà từ bất cứ nơi nào. Giọng nói, lời quan tâm của bạn sẽ giúp họ vui vẻ hơn, xua tan nỗi cô đơn, lạc lõng.
Khuyến khích cha mẹ thực hiện những thú vui riêng
Các ông bà có tuổi thường thích giao lưu với bạn bè hay tham gia hoạt động nào đó nhưng đa phần họ đều ngại. Bạn hãy động viên, khuyến khích cha mẹ tham gia những việc họ muốn. Hỏi thăm xem họ đang vân phân, ngại ngùng điều gì và cùng họ tìm cách giải quyết nó.
Bên cạnh nỗi cơ đơn, vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới chứng rối loạn lo âu, trầm cảm ở người cao tuổi. Xin mời bạn theo dõi thêm bài viết: Những nguyên nhân nào khiến người cao tuổi bị rối loạn lo âu, trầm cảm?
Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng người già cô đơn. Nếu cảm thấy bản thân đang có cảm xúc như vậy mà không thể giãi bày với ai, bạn hãy liên hệ 0243.760.6666 để chúng tôi tâm sự với bạn nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập