Mục lục [Ẩn]
Mặc dù buồn bã là một trong những cảm xúc cơ bản của con người, nhưng thường xuyên thấy buồn mà không vì lý do nào cả lại có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm. Hãy cùng tìm hiểu vì sao đôi khi chúng ta lại có những nỗi buồn vô cớ như vậy và làm thế nào để điều tiết chúng.
Khi nỗi buồn trở thành trạng thái cảm xúc mặc định của bạn
Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục (lần lượt tương ứng với “Mừng, Giận, Yêu thương, Ghét, Buồn, Vui vẻ, Ham muốn”) là bảy trạng thái cảm xúc cơ bản nhất của con người. Điều đó có nghĩa là nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy buồn thì điều đó vẫn hoàn toàn bình thường. Nhưng khi bạn không thể tiết chế được những cơn buồn vô cớ thì đó là điều đáng quan ngại.
Nỗi buồn là một cảm xúc mạnh mẽ phát sinh sau khi chúng ta trải qua một sự kiện đau buồn nào đó. Theo thời gian, chúng ta dần học cách xử lý và kiểm soát cảm xúc của mình. Khi có những sự kiện tương tự diễn ra trong tương lai, chúng ta dễ dàng khống chế cơn buồn của mình và không để nó lặp đi lặp lại.
Tuy nhiên, khi nỗi buồn của bạn không do bất kỳ nguyên nhân cụ thể nào thúc đẩy và kéo dài trong một thời gian thì đây là lúc bạn nên xem xét kỹ hơn vấn đề này.
Cảm thấy buồn vô cơ có bình thường không?
Câu trả lời là “Có!”, nhưng chỉ khi nỗi buồn đó là tạm thời và kết thúc sau một thời gian ngắn. Hầu hết chúng ta thỉnh thoảng vẫn cảm thấy buồn mà không có lý do cụ thể và như vậy là hoàn toàn bình thường vì cảm xúc là một thứ gì đó rất phức tạp.
Một số sự kiện có thể kích hoạt những ký ức bị đè nén trong quá khứ mà chúng ta không nhận thức một cách có ý thức được. Tuy nhiên, những suy nghĩ trong tiềm thức của chúng ta vẫn được kích hoạt mà chúng ta không hề hay biết, dẫn đến cảm giác buồn bã, trống rỗng và vô vọng.
Điều quan trọng cần nhớ là cảm xúc chỉ là một phần bình thường trong trải nghiệm của con người nên đôi khi thấy buồn thì không có gì đáng lo. Cảm giác như vậy sẽ tự nhiên biến mất trong một thời gian ngắn, sau một giấc ngủ sâu hoặc sau một việc làm thú vị mà không ảnh hưởng gì tới tâm lý tổng thể của bạn.
Tuy nhiên, nếu nỗi buồn không lý do đó kéo dài hơn hai tuần thì đây là một điều bất bình thường. Nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn như trầm cảm.
Tại sao tôi cảm thấy buồn không rõ lý do?
Có thể có một số lý do tiềm ẩn đằng sau nỗi buồn của bạn, chỉ là bạn không nhận thức được điều đó. Và khi bạn đã nắm rõ được một số nguyên nhân dưới đây, bạn sẽ dễ dàng tìm ra cách để ngừng cảm thấy buồn bã vô cớ.
1. Trầm cảm
Đầu tiên, điều quan trọng phải nhận ra rằng nỗi buồn hoặc buồn vô cớ là một triệu chứng điển hình của trầm cảm. Mặc dù trầm cảm có thể được kích hoạt sau một hoặc một số sự kiện cụ thể, chẳng hạn như: nỗi đau mất người thân, thất nghiệp, trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, trải qua mối quan hệ đổ vỡ… nhưng đôi khi nó cũng có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng.
Nỗi buồn vô cớ có thể là dấu hiệu của trầm cảm
Bên cạnh cảm giác buồn bã, trầm cảm còn đi kèm với rất nhiều bất thường trên tâm lý và cả thể chất. Một số triệu chứng điển hình nhất có thể tới như:
- Cảm giác trống rỗng
- Cáu gắt
- Mất hứng thú với mọi hoạt động
- Cảm giác tội lỗi, vô giá trị
- Giảm sự tập trung
- Thay đổi thói quen giấc ngủ
- Tự làm hại bản thân hoặc thậm chí là có ý định tự tử
Nếu bạn có những biểu hiện như vậy thì rất có thể bạn đã bị trầm cảm. Điều cần thiết lúc này đó là thực hiện bài test trầm cảm, đi gặp chuyên gia tâm lý để có chiến lược điều trị hiệu quả.
Không còn nghi ngờ gì nữa, trầm cảm là một trong những lý do chính khiến bạn cảm thấy buồn vô cớ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng nỗi buồn và trầm cảm là một. Nỗi buồn còn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác.
Mời bạn đọc thêm: Sự khác biệt giữa “Nỗi buồn” và “Trầm cảm”.
2. Căng thẳng mãn tính
Một lý do khác có thể khiến bạn cảm thấy chán nản vô cớ là căng thẳng mãn tính, một mức độ nhẹ hơn của trầm cảm. Căng thẳng mãn tính có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm căng thẳng liên quan đến công việc, tài chính hoặc các vấn đề về mối quan hệ.
Điều đáng quan tâm đó là căng thẳng mãn tính có hiệu ứng tích lũy. Tức là nếu vấn đề không được giải quyết, tâm trạng của chúng ta sẽ ngày càng nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích. Khi đó, chỉ cần một tác động nhỏ mà chúng ta không để ý tới, nó cũng có thể kích hoạt một nỗi buồn dai dẳng.
3. Tổn thương trong quá khứ
Tổn thương trong quá khứ là những sự kiện đau buồn vượt quá khả năng đối phó của một cá nhân, chẳng hạn như bị lạm dụng thể chất hoặc tinh thần, bỏ rơi hoặc mất người thân. Những trải nghiệm này có thể dẫn đến một loạt các vấn đề, bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Ngay cả khi sự kiện đau thương đã đi qua, cá nhân đó vẫn có thể tiếp tục trải qua những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, tổn thương trong những ngày thơ ấu gây ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi đây là thời điểm mà khả năng nhận thức cũng như xây dựng chiến lược đối phó của chúng ta còn rất non nớt. Nó hằn vào trong bộ não ta những lối suy nghĩ sai lệch, ảnh hưởng tới việc hình thành các mối quan hệ lành mạnh. Chính điều này góp phần rất lớn gây ra cảm giác buồn bã và trống rỗng.
Nỗi buồn vô cớ thường xuất hiện nhiều ở người có những tổn thương trong quá khứ
Nếu bạn đã từng trải qua một tổn thương nào đó trong quá khứ và nó vẫn đang khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi nhớ lại thì lời khuyên mà chúng tôi muốn dành cho bạn đó là hãy chia sẻ câu chuyện của mình tới một người thân thiết hoặc một chuyên gia tâm lý nào đó. Chỉ có chia sẻ mới giúp bạn vơi bớt hoặc loại bỏ triệt để những tổn thương bạn đang mang.
4. Nỗi buồn theo mùa
Còn được gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), một trong 6 loại trầm cảm phổ biến nhất. Nó gây ra cảm giác buồn bã vô cớ do sự thay đổi của ánh sáng ban ngày và kiểu thời tiết.
Việc thiếu ánh sáng mặt trời gây phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone hạnh phúc, tiêu biểu như serotonin. Do đó, những người bị SAD thường gặp các triệu chứng mệt mỏi, mất hứng thú với các hoạt động, cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng.
SAD có thể được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp tâm lý kết hợp với tắm nắng thường xuyên.
5. Thiếu kết nối xã hội
Con người là một sinh vật xã hội và chúng ta phải dựa vào các kết nối xã hội để cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc. Điều này được thể hiện rất rõ trong “Tháp nhu cầu của Maslow”, khi “Nhu cầu xã hội” được đặt ở vị trí thứ ba trong tổng số năm nhu cầu cơ bản của con người.
Tháp nhu cầu Maslow
Nếu bạn đang cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập, điều đó sẽ dẫn đến cảm giác buồn bã. Điều này đặc biệt đúng với những cá nhân vừa mới chuyển đến một thành phố mới, hậu chia tay, thay đổi môi trường làm việc…
Lời khuyên cho bạn trong giai đoạn này đó là hãy duy trì các mối liên kết xã hội đang có và cố gắng xây dựng các mối quan hệ mới. Điều này có thể sẽ tốn khá nhiều thời gian nhưng chắc chắn, nó sẽ xua tan nỗi buồn vô cớ của bạn.
6. Thiếu mục đích
Một lời giải thích khả dĩ khác cho việc tại sao tôi cảm thấy buồn vô cớ, đó là thiếu mục đích hoặc ý nghĩa trong cuộc sống. Khi chúng ta mất phương hướng, không có ý thức rõ ràng về mục đích sống của mình, điều đó có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng hoặc buồn bã.
Giải pháp cho bạn trong trường hợp này đó là xác định những ưu tiên của mình, biết ơn những gì đang có, giữ kết nối với mọi người, hoặc có thể tìm tới sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.
Để tìm hiểu rõ hơn, xin mời bạn theo dõi bài viết: Khủng hoảng hiện sinh: Khi cảm thấy cuộc sống trống rỗng và biện pháp đối phó.
Nỗi buồn là một cảm xúc phổ biến của con người, nó phát sinh để đáp ứng với các sự kiện khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên xuất hiện những nỗi buồn vô cớ thì hãy tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân tiềm ẩn của nó. Nếu một mình bạn không thể thực hiện được, hãy tìm tới sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập