Mục lục [Ẩn]
Chia sẻ được với người thân, bạn bè về chứng trầm cảm của bạn là một bước tiến lớn trong quá trình điều trị bệnh.
Nếu bạn đang muốn chia sẻ về bệnh trầm cảm của mình với những người thân thiết nhưng không biết bắt đầu từ đâu, nên làm như thế nào, thì bài viết sau đây sẽ có rất nhiều điều hữu ích dành cho bạn.
Làm thế nào để chia sẻ với bạn bè, người thân về chứng trầm cảm của bạn?
Tại sao chúng ta lại khó chia sẻ về chứng trầm cảm của mình?
Hiện nay, có nhiều người không hiểu rõ, không có cái nhìn đúng về bệnh trầm cảm, từ đó xuất hiện những quan điểm sai lầm và có nhìn nhận tiêu cực về căn bệnh này.
Việc người trầm cảm gặp khó khăn trong việc nói cho người khác biết về bệnh của mình xuất phát từ một số lý do như:
- Sợ bị kỳ thị: Người bị trầm cảm sợ rằng khi nói về chứng trầm cảm của mình, họ sẽ bị chính những người thân yêu, người mà họ tin tưởng nhất đánh giá, chỉ trích, từ chối giúp đỡ, thậm chí là kỳ thị, xa lánh.
- Thu mình khỏi xã hội: Trầm cảm thường khiến người bệnh thu mình lại, xa lánh bạn bè và gia đình. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc chia sẻ về những gì họ đang gặp phải, không biết phải nói như thế nào, nên bắt đầu từ đâu.
- Xấu hổ: Người bệnh đôi khi thấy mình bị trầm cảm là biểu hiện của sự yếu đuối, thất bại, thấy những gì mình đang cảm nhận và trải qua thật đáng xấu hổ nên không muốn chia sẻ nó với ai.
Người trầm cảm tự thu mình khỏi xã hội và gặp khó khăn trong việc chia sẻ tình trạng của mình
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng bạn sẽ không thể tự mình chiến thắng bệnh trầm cảm mà cần có sự giúp đỡ của người khác. Bước đầu tiên và hiệu quả nhất đó là cởi mở, chia sẻ với những người thân thiết mà bạn tin tưởng về những gì mình đang gặp phải, từ đó nhận được sự giúp đỡ, đặc biệt là vào những thời điểm bạn cảm thấy cô đơn và dễ bị tổn thương.
Tại sao bạn nên chia sẻ về bệnh trầm cảm của mình?
Việc chia sẻ với đúng người về chứng trầm cảm của mình có tác dụng chữa lành rất nhiều, đặc biệt là khi họ hiểu, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ và động viên bạn.
Nghiên cứu về các bệnh lý trên tâm thần cho thấy, chỉ cần người bệnh chịu chia sẻ, đồng thời có một người lắng nghe và đồng cảm với họ thì sẽ giúp giảm mức độ căng thẳng, cải thiện tâm trạng của họ.
Việc nhiều người thân thiết và đáng tin cậy biết về chứng trầm cảm của bạn sẽ tạo thành 1 mạng lưới giúp đỡ và hỗ trợ bạn vượt qua những khó khăn khi chiến đấu với căn bệnh này.
Ngoài ra, đôi khi người trầm cảm chia sẻ về một kế hoạch tiêu cực của họ với người đáng tin cậy, họ sẽ kịp thời ở bên và ngăn chặn các tình huống xấu xảy ra, ví như tự làm hại bản thân, thậm chí là tự tử.
Chia sẻ để nhận được sự giúp đỡ của những người thân thiết
Vì những lý do trên, hãy đừng cố gắng tự đối phó với chứng trầm cảm một mình. Bạn có thể chống lại cảm giác bị cô lập, cô đơn và vô vọng do trầm cảm gây ra bằng cách chia sẻ với người khác, để họ cho bạn biết rằng bạn không hề đơn độc, bạn luôn được yêu thương, và dần kéo bạn thoát khỏi hố sâu đen tối của căn bệnh này.
Những điều cần biết trước khi chia sẻ về chứng trầm cảm của mình
Thật tuyệt vời nếu bạn đã sẵn sàng cởi mở và dám chia sẻ về chứng trầm cảm của mình, đồng thời có người nghe, đồng cảm và thấu thiểu, dang tay giúp đỡ. Nhưng bạn cũng cần biết rằng, ngay cả những người gần gũi nhất với bạn, họ có thể không hiểu về trầm cảm và những điều khủng khiếp mà bạn đang phải trải qua. Vì vậy, trước khi chia sẻ về tình trạng của mình, bạn hãy chắc chắn những điều sau đây:
Biết rằng, sẽ có nhiều người chưa hiểu về bệnh trầm cảm
Không phải ai cũng hiểu những gì bạn đang trải qua. Khi nghe bạn chia sẻ, có thể người ta rất muốn giúp đỡ bạn nhưng họ lại thực sự không hiểu về bệnh trầm cảm, đồng thời không biết nên hỗ trợ, khuyên nhủ, động viên bạn bằng cách nào.
Vì vậy, bạn cần biết mình nên chia sẻ với ai và chia sẻ khi nào.
Trước hết, bạn hãy lập 1 danh sách những người thân thiết và đáng tin tưởng nhất, đây là những người bạn nên chia sẻ đầu tiên. Nhưng hãy nhớ rằng, không phải ai cũng biết cách hỗ trợ về tinh thần, đồng cảm đúng cách với bạn. Không phải là họ không yêu thương bạn, mà chỉ là do họ thiếu hiểu biết về căn bệnh bạn đang mắc phải. Việc chia sẻ với những người đó trong lúc bạn đang yếu đuối nhất có thể gây tác dụng ngược, khiến bạn trầm cảm nặng hơn.
Vì vậy, hãy chia sẻ với những người thân thiết và thông thái, ví dụ như người cao tuổi, người đã có nhiều kinh nghiệm sống đồng thời có hiểu biết sâu rộng, người biết lắng nghe và quan tâm người khác. Đồng thời, bạn chỉ nên nói vào lúc bạn đã cảm thấy thật sự cởi mở về căn bệnh của mình.
Bạn nên chia sẻ với bao nhiêu người?
Sẽ không có một con số cụ thể về việc bạn nên chia sẻ với bao nhiêu người. Một số người sẽ cảm thấy ổn khi chỉ chia sẻ với một người duy nhất họ tin tưởng. Nhưng một số khác lại cảm thấy tốt hơn khi kể với nhiều người thân thiết xung quanh.
Chỉ có bạn mới hiểu rõ nhất về tình trạng của mình và mối quan hệ với những người xung quanh, từ đó quyết định sẽ chia sẻ với bao nhiêu người.
Đôi khi, chỉ chia sẻ với 1 người cũng giúp người trầm cảm thấy ổn hơn
Bạn đang cảm thấy thế nào về chứng trầm cảm của mình
Khi bạn chuẩn bị chia sẻ với người khác về chứng trầm cảm của mình, trước tiên bạn phải thấy được cảm nhận thật sự của mình về căn bệnh này thế nào.
Bạn cần nắm được mức độ nhận thức của bệnh trầm cảm của mình đến đâu, mình đang kỳ vọng những gì ở bản thân, hiểu được cảm xúc của mình, chấp nhận rằng mình đang bị trầm cảm và muốn được chia sẻ với người khác, từ đó nhận được sự giúp đỡ từ họ.
Việc có nhận thức đúng và tâm thế sẵn sàng sẽ giúp bạn tự tin hơn khi chia sẻ với người khác mà không cảm thấy sợ hãi hay xấu hổ.
Cách chia sẻ với bạn bè, người thân về chứng trầm cảm của bạn
Khi bạn đã quyết định và sẵn sàng chia sẻ về bệnh của mình thì sau đây là những lời khuyên giúp thực hiện tốt điều đó.
Chọn đúng thời gian và địa điểm
Hãy chia sẻ về chứng trầm cảm của mình vào một ngày bạn thấy ổn, cởi mở hơn và muốn được nói chuyện. Bạn không cần phải ép bản thân thảo luận về chứng trầm cảm của mình nếu bạn không muốn làm điều đó hoặc vào những lúc bạn cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương.
Về không gian, bạn không cần chia sẻ ở một nơi quá trang trọng và nghiêm túc. Bạn có thể chọn một thời điểm thật tự nhiên và bình thường, ví dụ như khi đang đi dạo, đang đi uống cà phê.
Những điều này sẽ giúp bạn thả lỏng tốt hơn, không quá căng thẳng khi nói về tình trạng của mình và đạt được hiệu quả tốt hơn.
Chia sẻ về chứng trầm cảm của mình ở không gian thoải mái và thời điểm thích hợp
Bạn nên chia sẻ những gì và chia sẻ bao nhiêu là đủ
Tùy vào mong muốn của bản thân mà bạn có thể chia sẻ ít hay nhiều về tình trạng của mình. Đừng bao giờ cảm thấy bắt buộc phải kể lể mọi thứ và nếu họ đặt câu hỏi mà bạn không thoải mái khi trả lời, chỉ cần trả lời rằng "Tôi chưa sẵn sàng để nói về điều đó."
Chuẩn bị tốt cho cuộc trò chuyện
Để cuộc chia sẻ được diễn ra tốt hơn, đề cập được đến tất cả những điều quan trọng mà bạn muốn người thân của mình biết thì bạn có thể tập dượt trước khi nói chuyện với người ấy.
Bạn có thể tưởng tượng cuộc đối thoại trong đầu, hoặc viết ra giấy trước. Chú ý, hãy cố gắng đừng lo lắng về những gì người đó sẽ nghĩ về tình trạng của bạn. Đừng suy đoán việc khi mình kể thì người ta sẽ phản ứng như thế nào. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng họ yêu quý bạn, muốn những điều tốt nhất đến với bạn và luôn muốn giúp đỡ (ngay cả khi họ không biết làm thế nào).
Bạn có thể viết ra giấy trước những gì mình muốn nói để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc trò chuyện
Cho phép họ trợ giúp bạn
Hãy cho người đó biết họ có thể giúp đỡ bạn như thế nào. Bởi như đã nói ở trên, những người thân thiết và yêu quý bạn sẽ muốn hỗ trợ bạn vượt qua căn bệnh này, nhưng đôi khi họ không biết nên nói gì và làm gì.
Bạn hãy nói ra những gì bạn mong muốn họ sẽ làm với bạn. Ví dụ như bạn chỉ cần một người lắng nghe thì hãy nói điều đó khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Hoặc như bạn cần họ “giám sát” để bạn dùng thuốc đúng và ngăn cản bạn kịp thời khi có những hành động không phải, ví dụ như uống rượu, hoặc là ngăn bạn tự làm hại bản thân.
Biết cách đáp lại những phản ứng của bạn bè và người thân
Tốt hơn hết là bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng để đáp lại những phản ứng của bạn bè và những người thân yêu sau khi bạn nói với họ về chứng trầm cảm của mình, cụ thể như sau:
- Luôn nhớ rằng: “Phản ứng của họ không phản ánh bạn”. Nếu người đó không thông cảm, không ủng hộ thì đó không phải lỗi của bạn. Nếu họ không tin lời bạn chia sẻ, nói rằng bạn chỉ đang làm quá lên thôi thì hãy nhẹ nhàng nhắc nhở họ rằng bạn là người đang sống chung với chứng trầm cảm và bạn là người hiểu rõ bản thân mình nhất.
- Tránh tham gia vào các cuộc tranh luận về chứng trầm cảm. Bởi nhiệm vụ của bạn không phải là dạy cho người ta trầm cảm là gì hay phải chứng minh mình đang bị bệnh thật. Bạn chỉ nên dừng lại ở bước hướng dẫn họ biết làm sao để hiểu hơn về trầm cảm (nếu họ quan tâm), đừng mất quá nhiều sức lực để cố gắng thay đổi ý kiến của họ.
- Đặt ra một ranh giới rõ ràng, nghĩa là nếu người đó cố gắng đưa ra các phương pháp điều trị cho bạn, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở họ rằng bạn đã gặp chuyên gia tư vấn tâm lý và điều bạn cần nhất ở họ là sự hỗ trợ và động viên.
Cuối cùng
Hãy nhớ rằng, khi nói về chứng trầm cảm nghĩa là bạn đang chia sẻ về 1 vấn đề về sức khỏe tâm thần, và đó không phải là điều cần che giấu hay đáng xấu hổ.
Vượt qua trầm cảm khi có sự giúp đỡ của bạn bè, người thân
Khi đã đọc đến đây thì xin chúc mừng bạn vì đã mong muốn, sẵn sàng và can đảm chia sẻ về chứng trầm cảm của mình với người khác. Bạn vừa tiến thêm một bước lớn trong quá trình điều trị và chữa lành tâm hồn, vá lại những vết thương tinh thần của mình!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập