Mục lục [Ẩn]
Khi biết tin có thai, hầu hết các chị em đều cảm thấy vui mừng, hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại rơi vào khủng hoảng tâm lý bởi chưa sẵn sàng làm mẹ. Nếu không biết cách vượt qua trạng thái này, không chỉ sức khỏe mẹ bầu mà cả sự phát triển của thai nhi đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thế nào là khủng hoảng tâm lý khi mang thai?
Thế nào là khủng hoảng tâm lý khi mang thai?
Khủng hoảng tâm lý là tình trạng một người khó kiểm soát được tâm lý của bản thân, dễ xuất hiện cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tuyệt vọng, chán nản, bi quan, bồn chồn, lo lắng, sợ hãi,… Tình trạng này thường xảy ra khi phải đối mặt với những sự kiện quan trọng, chẳng hạn như mang thai.
Trong quá trình phát triển, thai nhi không chỉ nhận chất dinh dưỡng mà còn bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc vui, buồn của mẹ. Theo đó, nếu chị em không biết cách thư giãn tinh thần, khủng hoảng tâm lý sẽ tác động tiêu cực đến thai nhi.
Khủng hoảng tâm lý khi mang thai do nguyên nhân nào gây ra?
Những nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý khi mang thai bao gồm:
Do sự thay đổi của hormone
Khi mang bầu, các nội tiết tố trong cơ thể người mẹ sẽ thay đổi, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu. Tình trạng này làm họ trở nên nhạy cảm hơn. Đôi khi, sự việc không có gì nhưng họ vẫn xúc động, buồn bã, suy nghĩ tiêu cực. Tình trạng khủng hoảng tâm lý cứ thế diễn ra.
Lo lắng về sức khỏe
Khi mang thai, phản ứng chung của mẹ bầu là lo lắng về sức khỏe của bản thân và thai nhi. Tình trạng này thường gặp ở những người lần đầu tiên làm mẹ và những người có sức khỏe kém, khó đậu thai. Sự lo lắng quá mức khiến mẹ bầu phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý và nhiều vấn đề khác.
Mẹ bầu lo lắng về sức khỏe cũng tăng nguy cơ khủng hoảng tâm lý
Mang thai ngoài ý muốn
Nếu chưa sẵn sàng làm mẹ lại có thai, chị em sẽ dễ bị khủng hoảng tâm lý, nhất là những trường hợp bao gồm:
- Mang thai khi còn quá trẻ
- Chưa vững vàng về kinh tế
- Đối phương không chịu trách nhiệm
- Gia đình không ủng hộ
Nếu quyết định giữ lại đứa bé, mẹ bầu sẽ bị khủng hoảng tâm lý trong một khoảng thời gian do áp lực về trách nhiệm, tài chính và những định kiến từ gia đình, xã hội. Tổn thương tâm lý không được chữa lành là nguồn cơn dẫn đến trầm cảm khi mang thai và sau sinh, gây nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Do các sự kiện dễ gây sang chấn
Vốn dĩ, tâm lý của phụ nữ có thai vô cùng nhạy cảm. Nếu phải đối mặt với các sự kiện tiêu cực, họ sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng tâm lý, chẳng hạn như:
- Vấn đề tài chính
- Mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu
- Chồng ngoại tình
- Bị chẩn đoán mắc các vấn đề sức khỏe trong thời gian mang thai
- Bị động thai hoặc thai nhi bị chẩn đoán có nguy cơ mắc phải các vấn đề bất thường
- Mất người thân
- Bản thân mẹ bầu hoặc người thân bị tai nạn
- Công việc không được như mong muốn và bị giới hạn khả năng phát triển, thăng tiến do mang thai.
Đang bầu lại áp lực công việc khiến các mẹ khủng hoảng tâm lý
Một số yếu tố nguy cơ khác
- Có tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm khi mang thai
- Từng bị sảy thai và gặp phải các biến chứng thai kỳ khác
- Từng chứng kiến người thân, bạn bè bị sảy thai, mất con sau khi sinh
- Bản thân bị stress dai dẳng
- Không chuẩn bị tâm lý vững vàng khi mang thai
Dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tâm lý khi mang thai
Các dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tâm lý khi mang thai bao gồm:
- Tâm trạng buồn bã, lo lắng, suy nghĩ nhiều về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tài chính, tương lai của con,…
- Nhạy cảm, dễ xúc động, có thể khóc mà không rõ nguyên nhân
- Thường xuyên than phiền về việc đau nhức, mệt mỏi, lo lắng quá mức về các vấn đề sức khỏe.
- Ngủ nhiều hoặc mất ngủ, thay đổi thói quen ăn uống, có xu hướng ăn nhiều hoặc chán ăn.
- Mệt mỏi, cơ thể giảm năng lượng
- Căng thẳng, hay đau đầu, chóng mặt,…
Khủng hoảng tâm lý làm mẹ bầu hay đau đầu, chóng mặt
Khủng hoảng tâm lý khi mang thai gây hệ lụy gì?
Sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Khi có những cảm xúc tiêu cực, cơ thể mẹ sẽ truyền tín hiệu cho bào thai, làm thai nhi có phản ứng tương tự.
Sức khỏe tinh thần có mối liên kết chặt chẽ với thể chất. Nếu tinh thần bất ổn, thể chất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ đau nhức, mất ngủ. Đặc biệt với phụ nữ có thai, người mẹ cần có sức khỏe để con khỏe. Mẹ yếu, con cũng phát triển kém hơn, thậm chí tăng nguy cơ sảy thai.
Thêm nữa, khủng hoảng tâm lý làm cơ thể mẹ gia tăng hormone cortisol. Tình trạng này kéo dài dễ gây tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa, tăng nhịp tim, huyết áp,… Hơn nữa, hormone cortisol còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và tim mạch của thai nhi. Đứa trẻ sinh ra cũng thường xuyên cáu gắt, nhõng nhẽo hoặc tư duy, nhận thức chậm chạp hơn bình thường.
Nếu khủng hoảng tâm lý diễn ra kéo dài, người mẹ còn có nguy cơ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Theo đó, chế độ ăn uống, giấc ngủ đều bị rối loạn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nghiêm trọng hơn, người mẹ bị trầm cảm nặng còn kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc như tự hại bản thân, hại con, tự sát.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết khủng hoảng tâm lý khi mang thai do những nguyên nhân nào gây ra. Tuy tình trạng này không đe dọa ngay lập tức đến tính mạng người mẹ nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Nó cũng là nguồn cơn dẫn đến bệnh trầm cảm. Vì vậy, nếu thấy bản thân có dấu hiệu khủng hoảng tâm lý, các mẹ nên áp dụng biện pháp khắc phục sớm nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập