Mục lục [Ẩn]
Bạn đã từng ở trong một mối quan hệ mà không có kết quả, dù bất chấp những nỗ lực tốt nhất của bạn, nhưng mọi thứ bắt đầu rạn nứt, và cuối cùng mối quan hệ đó đi đến hồi kết? Một mối quan hệ tan vỡ có thể mang đến những tổn thương khó lành nhưng vẫn sẽ có nhiều cách để chúng ta vượt qua nó.
Những dấu hiệu “đỏ” báo động một mối quan hệ sắp đổ vỡ
Những mối quan hệ khi mới bắt đầu thường rất đẹp, tuy nhiên bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều trải qua những thăng trầm. Đôi khi chúng có thể trở nên lộn xộn và phức tạp, điều quan trọng là mỗi cá nhân trong mối quan hệ đó phải thừa nhận và cùng hành động nhằm giải quyết các vấn đề đang gặp phải.
Bỏ qua, né tránh vấn đề sẽ chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và đa phần các mối quan hệ đều bắt đầu rạn nứt từ đó. Dưới đây là một số dấu hiệu “đỏ”, báo động một mối quan hệ đang trên đà đổ vỡ:
1. Các bạn không còn nói chuyện như trước đây
Giao tiếp là nền tảng quan trọng nhất của bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào. Nhưng nếu hai người không còn muốn nói chuyện với nhau nữa, không còn những tin nhắn hay cuộc gọi, không còn những lần khí thể kể cho nhau nghe một ngày của mình diễn ra như thế nào, hôm nay mình gặp ai, làm việc gì, đó có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn đang gặp trục trặc.
2. Hai bạn không còn cảm thấy thân thiết như trước
Các bạn không còn những cử chỉ thân mật như trước đây, những lần bạn ngỏ ý muốn đi đâu đó thì chỉ nhận được những lời từ chối từ phía đối phương rằng “đang mệt” hay “đang bận”. Nếu tần suất những lần bận bịu và mệt mỏi của đối phương diễn ra thường xuyên thì điều đó có nghĩa là mối quan hệ của bạn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
3. Bạn không chắc mình có thể tin tưởng đối phương hay không
Niềm tin là điều cần thiết trong bất kỳ mối quan hệ nào, và quan trọng là nó phải đến từ hai phía. Một khi niềm tin đã bị phá vỡ, nó rất khó để có thể chữa lành. Niềm tin cũng giống như một tờ giấy vậy, khi đã bị vò nát thì cho dù có cố gắng duỗi phẳng bằng bất kỳ cách nào đi chăng nữa thì trên tờ giấy đó vẫn luôn tồn tại những nếp nhăn.
Nếu bạn thấy mình đang đặt câu hỏi về sự trung thực hoặc chung thủy của đối phương, hoặc nếu họ có vẻ đang giấu diếm bạn một điều gì đó, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn đang gặp trục trặc.
4. Thường xuyên cãi vã vì những chuyện lặt vặt
Trước đây hai bạn rất tâm đầu ý hợp, đương nhiên một cá nhân không thể hoàn hảo tuyệt đối, đối phương cũng có thể có một số khuyết điểm, nhưng dưới con mắt của bạn, bạn thấy chúng cũng đáng yêu đó chứ. Thế nhưng giờ đây, hai bạn thường xuyên cãi vã vì những thứ dù rất nhỏ nhặt, thậm chí có những thứ mà bạn đã từng tự nhủ rằng sẽ chấp nhận ở đối phương.
Những trận cãi vã nhỏ có thể trở thành một chất xúc tác tuyệt vời cho mối quan hệ của hai bạn, nhưng nếu cãi vã thường xuyên thì đó lại là một liều thuốc độc giết chết mối quan hệ này.
5. Bạn cảm thấy “cô đơn” trong chính mối quan hệ của mình
Việc một mối quan hệ phải trải qua những khoảng thời gian xa cách hoặc tạm thời ngắt kết nối đó là điều bình thường. Nhưng nếu điều này kéo dài trong một khoảng thời gian, bạn hoặc đối phương có thể cảm thấy như hai người đang dần rời xa nhau hoặc hai người không còn thống nhất với nhau nữa.
5 dấu hiệu của một mối quan hệ sắp đổ vỡ
Đó chính là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn đang gặp vấn đề và hai bạn phải cùng hành động để giải quyết vấn đề đó.
Những giai đoạn cảm xúc sau khi một mối quan hệ tan vỡ
Chia tay không bao giờ là điều dễ dàng và quá trình này có thể sẽ khiến chúng ta cảm thấy lạc lõng, choáng ngợp. Không ít người sau khi chia tay đã rơi vào trạng thái stress, thậm chí là trầm cảm. Đặc biệt, nếu hai bạn đã là vợ chồng hoặc bản thân bạn là người dành rất nhiều tình cảm thì mức độ ảnh hưởng của nó càng lớn.
Nhưng nếu chúng ta hiểu được các giai đoạn của một mối quan hệ đổ vỡ thì chúng ta sẽ hiểu được cảm xúc của chính mình và tìm ra con đường phía trước phù hợp. Dưới đây là năm giai đoạn của sự tan vỡ trong một mối quan hệ:
1. Phủ nhận - Từ chối thực tế rằng mối quan hệ này đang dần đi đến hồi kết
Giai đoạn đầu tiên của sự tan vỡ mối quan hệ thường được đặc trưng bởi sự phủ nhận. Bạn không muốn tin rằng mối quan hệ mà bạn đã từng dành rất nhiều công sức vun đắp lại đang dần tan vỡ.
Bạn có thể đang cố gắng thuyết phục bản thân rằng đây chỉ là sóng gió nhất thời, mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn.
2. Tức giận
Khi đã vượt qua sự từ chối, bạn dần chấp nhận sự thật rằng mối quan hệ của mình đang đổ vỡ, bạn có thể bắt đầu cảm thấy tức giận. Bạn tức giận với chính đối tác của mình vì đã không đối xử tốt với bạn, không lắng nghe bạn hoặc không đủ cố gắng để duy trì mối quan hệ.
Đôi khi bạn cũng có thể tức giận với chính mình vì đã không nhận ra những dấu hiệu sớm hơn hoặc không đủ khả năng để cứu vãn mối quan hệ.
3. Thương lượng - Cố gắng cứu vãn những gì còn lại của mối quan hệ
Trong giai đoạn này, bạn bắt đầu thương lượng với đối phương để cố gắng cứu vãn mối quan hệ. Bạn có thể hứa sẽ thay đổi hành vi của mình hoặc làm những điều khác biệt với hy vọng rằng đối phương sẽ ở lại bên bạn.
4. Trầm cảm - Đương đầu với nỗi đau và mất mát
Trầm cảm và mối quan hệ tan vỡ thường đi đôi với nhau. Nỗi đau và sự mất mát có thể để lại cho chúng ta những cảm giác buồn bã, tuyệt vọng. Khi bạn nhận ra mối quan hệ của mình là không thể cứu vãn, đó chính là lúc bạn bắt đầu bước vào giai đoạn này.
Bạn nên bắt đầu đấu tranh để tìm kiếm niềm vui từ những điều cho dù là nhỏ nhặt nhất, miễn là chúng khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm đối phó với sự đổ vỡ từ một mối quan hệ. Nhưng nếu bạn cảm thấy bản thân đang phải vật lộn với nó, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà bạn cho rằng đáng tin nhất.
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Làm thế nào để chia sẻ với bạn bè, người thân về chứng trầm cảm của bạn?
5. Chấp nhận - Đón lấy tương lai và tìm ra con đường phía trước
Trong giai đoạn cuối cùng này, bạn chấp nhận rằng mối quan hệ của mình đã thực sự kết thúc. Bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì nỗi buồn và sự lo lắng của các giai đoạn trước đã đi qua.
Bạn bắt đầu cảm thấy hy vọng về tương lai và hào hứng với những khả năng phía trước, đây là lúc mà bạn có thể đã sẵn sàng suy nghĩ tới một mối quan hệ mới.
Xin mời bạn theo dõi bài viết: 8 dấu hiệu cho thấy bạn đã sẵn sàng cho một mối quan hệ mới.
Làm thế nào để đối phó với một mối quan hệ bị đổ vỡ?
Đối phó với sự đổ vỡ trong một mối quan hệ là thử thách vô cùng khó khăn. Tuy nhiên với tư duy đúng đắn, nhận biết được giai đoạn cảm xúc mà mình đang trải qua, bạn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này và trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn bao giờ hết.
Dưới đây là một số lời khuyên quan trọng bạn cần ghi nhớ khi trải qua sự đổ vỡ trong một mối quan hệ:
1. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Khi mối quan hệ tan vỡ, điều quan trọng là bạn cần có một sự hỗ trợ mạnh mẽ để bạn có thể điều hướng cảm xúc của mình, giúp đi đúng hướng, tránh lệch lạc. Mọi suy nghĩ, tư duy sai lệch sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, và nặng nề hơn đó là trầm cảm. Nên nhớ rằng, bệnh nhân trầm cảm không thể tự kéo mình khỏi hố sâu của sự tuyệt vọng. Họ cần sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân hoặc chuyên gia tâm lý.
Tâm sự với những người thông thái sẽ giúp bạn xử lý cảm xúc của mình tốt hơn và bớt cảm thấy cô đơn hơn.
Tâm sự cùng người khác sẽ giúp bạn bớt cô đơn
2. Chăm sóc bản thân
Khi một mối quan hệ tan vỡ, bạn dễ dàng bỏ qua những nhu cầu của bản thân, nhưng chăm sóc bản thân mới là yếu tố cốt yếu giúp bạn hàn gắn tổn thương và tiến về phía trước.
Những hành động chăm sóc bản thân đơn giản mà bạn có thể thực hiện như: đi tắm, ngủ một giấc thật thoải mái, đi dạo, tập yoga, thiền, đọc sách…
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: 10 thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng, giảm stress.
3. Tránh đổ lỗi cho bản thân hoặc đối phương
Hãy nhớ rằng, đổ lỗi cho bản thân hay cho đối phương sẽ chỉ dẫn đến tổn thương và oán giận nhiều hơn nữa. Vì vậy, hãy cố gắng tránh lối suy nghĩ này, tha thứ mới chính là hạnh phúc.
4. Cân nhắc tìm tư vấn pháp lý, nếu cần
Nếu hai bạn đã là vợ chồng mà mối quan hệ của các bạn tan vỡ, bạn có thể cần tìm kiếm lời khuyên từ pháp lý để giúp bạn định hướng các khía cạnh pháp lý và tài chính của cuộc ly hôn.
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Biện pháp tốt nhất giúp xóa bỏ cảm xúc tiêu cực: Buông bỏ và tha thứ.
Mặc dù đổ vỡ trong mối quan hệ là một trải nghiệm đầy thử thách và đau đớn, nhưng nó cũng là cơ hội cho bạn để trưởng thành và khám phá bản thân. Hãy nhớ đối xử tốt với bản thân và kiên trì thực hiện từng bước một. Theo thời gian, vết thương cảm xúc dù lớn thì cũng có thể được chữa lành và những hy vọng mới cho tương lai sẽ lại đến với bạn. Chúc các bạn hạnh phúc!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập