Mục lục [Ẩn]
Bạn có bao giờ cảm thấy mình là một người vô dụng, sự tồn tại của mình đang làm phiền và là gánh nặng của những người xung quanh hay chưa? Suy nghĩ mình là gánh nặng của người khác gây ra cảm giác bất lực, xấu hổ và tội lỗi, có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần hiện có và gây căng thẳng cho các mối quan hệ cá nhân. Trong bài viết này, mời bạn cùng đi sâu vào tìm hiểu các nguyên nhân chính khiến một người cảm thấy mình là gánh nặng của người khác và cách vượt qua.
Cảm thấy mình là gánh nặng của người khác - Một cảm xúc thường gặp
Cảm thấy mình là gánh nặng là việc một người thường xuyên sợ rằng mình đang làm phiền, làm ảnh hưởng hoặc khiến người khác thất vọng.
Trong thời gian qua, khi tư vấn tâm lý cho hàng ngàn người, chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều người chia sẻ, tâm sự rằng họ cảm thấy mình vô dụng, đang là gánh nặng cho con cái, bố mẹ hay bạn đời.
Như trường hợp của một người phụ nữ 66 tuổi ở Hà Nội. Sau khi chồng mất, bà sống thu mình, không muốn giao du tiếp xúc với mọi người, luôn trong trạng thái bi quan, buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, khó tập trung vào công việc hàng ngày. Thời gian gần đây, bà thường xuyên khóc lóc, than phiền với các con rằng mình là người có tội, đáng bị trừng phạt và là gánh nặng của cả gia đình.
Mặc dù được người nhà giải thích, khuyên can nhiều nhưng bà vẫn không tin, thậm chí muốn tự sát để được giải thoát. Người phụ nữ được chẩn đoán bị trầm cảm - một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà chúng tôi gặp phải. Vậy điều gì dẫn đến những suy nghĩ này và làm sao để vượt qua? Bạn hãy theo dõi tiếp các phần tiếp theo để có câu trả lời nhé!
Tại sao bạn cảm thấy mình như một gánh nặng của người khác?
Lòng tự trọng thấp
Những người có lòng tự trọng thấp luôn đánh giá thấp giá trị của mình. Họ luôn cảm thấy xấu hổ và thiếu tự tin, luôn dành nhiều thời gian để chỉ trích bản thân, cảm thấy mình không xứng đáng được chăm sóc hoặc yêu thương. Vì vậy, họ thường nghi ngờ rằng liệu người khác có thật sự muốn ở bên cạnh mình không, những nhu cầu của mình có phải là quá đáng không.
Khi một người không nhìn thấy những giá trị của mình, họ sẽ không nhìn ra những gì họ có thể mang lại cho mối quan hệ của bản thân Lúc này, họ sẽ dễ cảm thấy như mình đang là gánh nặng cho người khác.
Những mối quan hệ không lành mạnh
Đôi khi, căn nguyên của cảm giác mình là một gánh nặng xuất phát từ một mối quan hệ độc hại. Ví dụ: Những bậc cha mẹ đặt tiêu chuẩn cao cho con cái hay thường xuyên so sánh trẻ với con nhà người ta sẽ khiến chúng cảm thấy mình chỉ xứng đáng được yêu thương, trìu mến nếu chúng hoàn hảo về mọi mặt, đáp ứng được kỳ vọng của họ. Và nếu chẳng may không đáp ứng được, trẻ sẽ có suy nghĩ rằng mình là người vô dụng, không xứng đáng được yêu thương.
Hoặc trong mối quan hệ, người kia có thể chỉ trích, hạ thấp hoặc có hành vi kiểm soát quá mức, hoặc bạn bị thao túng tâm lý, người kia cố gắng nói và hành động để khiến bạn tin tưởng rằng bạn không là gì nếu như không có họ. Theo thời gian, bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ giá trị của mình và tin theo những gì họ nói.
Giai đoạn khó khăn của cuộc sống
Ai cũng có những lúc trải qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, như chưa tìm được việc làm, chia tay người yêu, mất người thân,... Những lúc này, chúng ta cần đến nhiều sự hỗ trợ của người khác hơn bình thường. Thêm vào đó, những cảm xúc buồn rầu, căng thẳng, lo lắng vào lúc này sẽ khiến bạn có xu hướng suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy mình đang phụ thuộc và là gánh nặng của người khác. Điều này lại khiến bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ.
Những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống khiến một người dễ thấy mình là gánh nặng.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,... đều có thể gây ra lòng tự trọng thấp và những suy nghĩ tiêu cực, góp phần gây ra suy nghĩ mình là người vô dụng.
Sự phụ thuộc về tài chính
Việc phụ thuộc tài chính vào cha mẹ, bạn đời hoặc người khác sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến lòng tự trọng của bạn. Vì tiền bạc gắn với nhiều khía cạnh của cuộc sống nên việc không thể tự lo cho bản thân sẽ khiến một người dễ dàng cảm thấy mình không có năng lực, kém độc lập và là gánh nặng của người khác.
Xu hướng cầu toàn
Với một người có xu hướng cầu toàn, họ sẽ không bao giờ đạt được những kỳ vọng của chính mình, khiến họ cảm thấy mình vô dụng, đặc biệt nếu cần đến sự hỗ trợ từ xung quanh. Chủ nghĩa cầu toàn khiến bạn khó chấp nhận rằng ai cũng có những lúc cần sự giúp đỡ của người khác.
Bệnh lý về thể chất
Khi phải đối diện với bệnh tật, chấn thương hoặc đang phục hồi sau phẫu thuật, chúng ta thường cần nhiều sự giúp đỡ hơn bình thường - từ bữa ăn, việc đi lại hay các công việc hàng ngày. Điều này khiến một số người lo sợ rằng mình đang làm phiền những người xung quanh, đặc biệt khi họ không thể đáp lại sự hỗ trợ này.
Trường hợp này thường gặp nhất ở những người lớn tuổi, phải đối diện với sức khỏe yếu và nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, tai biến, ung thư,... cần phụ thuộc nhiều vào con cái. Họ thường có tâm lý sợ làm phiền cuộc sống của con mình. Trong mắt họ, “con dù lớn vẫn là con của mẹ”, họ luôn lo sợ các con có cuộc sống không tốt nhưng sức lực của bản thân có hạn, không thể giúp gì được. Vì vậy, những người lớn tuổi thường không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con và sẽ cảm thấy vô cùng áy náy nếu phải cần đến sự giúp đỡ quá nhiều của con cái họ.
Làm thế nào để vượt qua sự tự ti và ngừng cảm thấy như một gánh nặng?
Có nhiều biện pháp để giúp bạn vượt qua sự tự ti và cảm thấy mình là một gánh nặng:
Xây dựng lòng tự trọng
Lòng tự trọng thấp chính là nền tảng của việc cảm thấy mình vô dụng, là gánh nặng của người khác. Vì vậy, việc xây dựng lòng tự trọng là vô cùng quan trọng trong trường hợp này. Một số phương pháp để xây dựng lòng tự trọng:
- Lặp lại những lời khẳng định tích cực hàng ngày
- Dành nhiều thời gian hơn với những người khiến bạn cảm thấy được yêu thương và trân trọng
- Đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ có thể đạt được và hoàn thành chúng
- Thách thức những suy nghĩ tiêu cực khi chúng xuất hiện và thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực
Nhận ra rằng bạn xứng đáng được hỗ trợ
Bạn hãy tưởng tượng tình huống đảo ngược: Nếu một người bạn yêu thương yêu cầu bạn giúp đỡ, hỗ trợ, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chắc chắn rằng bạn sẽ sẵn lòng giúp đỡ họ mà không cảm thấy họ là gánh nặng của mình đúng không. Chính vì vậy, bạn đừng cảm thấy mình là gánh nặng, vì những người xung quanh bạn cũng vậy, vì yêu thương bạn nên sẵn lòng giúp đỡ bạn.
Yêu bản thân
Thực hành yêu bản thân sẽ giúp bạn chống lại các suy nghĩ tiêu cực và nuôi dưỡng sức khỏe của chính mình. Dưới đây là một số cách đơn giản và nhanh chóng để thực hành yêu bản thân:
- Tự ôm mình: Bạn hãy xoa hai lòng bàn tay vào nhau thật nhanh cho đến khi chúng ấm lên, và đặt chúng lên tim bạn với một lực nhẹ nhàng, đồng thời, tự nói với chính mình rằng “Tôi yêu bạn”.
- Đặt tên cho điểm mạnh của bạn: Dành vài phút trước khi đi ngủ để suy ngẫm về 3 điểm mạnh của bản thân, kể cả khi nó không quá lớn lao, điều này sẽ giúp bạn nhận ra mình có ích thế nào.
- Dành thời gian để làm những việc mình yêu thích
Chia sẻ về cảm xúc của bạn
Chia sẻ với người khác về cảm xúc của bản thân sẽ giúp làm dịu cảm giác đó. Bạn hãy nói những điều mà mình cảm thấy và cho họ biết rằng đây là điều bạn muốn thay đổi. Bạn không nên đổ trách nhiệm của cảm xúc này cho họ nhưng hãy cho họ biết mình cần hỗ trợ như nào.
Hãy chia sẻ với người thân về cảm xúc của bạn.
Chăm sóc bản thân
Sức khỏe thể chất và tinh thần ảnh hưởng rất lớn tới cảm xúc và tinh thần của bản. Khi bạn yêu thương và trân trọng cơ thể mình, tinh thần của bạn cũng trở nên tích cực hơn. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Ăn những thức ăn giàu chất dinh dưỡng, đủ chất, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, tốt cho cơ thể. Hạn chế ăn những thức ăn không tốt cho cơ thể như đồ ăn nhiều đường, dầu mỡ, thức ăn nhanh,...
- Dành thời gian nghỉ ngơi, hòa mình với thiên nhiên, làm những việc mà bạn yêu thích.
- Ngủ đủ giấc, mỗi đêm nên ngủ từ 7 - 8 giờ, tốt nhất nên ngủ trước 23 giờ.
- Chăm chỉ rèn luyện thể dục, thể thao.
- Không làm việc quá sức.
Bên cạnh đó, khi những cảm xúc tiêu cực của bạn trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp của chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.
Việc cảm thấy mình là gánh nặng của người khác không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn khiến các mối quan hệ trở nên căng thẳng, xa cách hơn. Hy vọng các biện pháp trong bài sẽ giúp bạn vượt qua được suy nghĩ này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập