Mục lục [Ẩn]
Trong bài viết trước đó, chúng ta đã cùng tìm hiểu được ái kỷ là gì và những ảnh hưởng có thể gặp phải khi sống cùng người ái kỷ. Việc sống chung với người ái kỷ có thể dẫn đến những mệt mỏi về mặt cảm xúc và cả những vấn đề khác trong cuộc sống. Vậy phải làm sao khi chẳng may phải sống chung với người ái kỷ? Mời bạn cùng theo dõi trong bài viết sau nhé!
Làm sao để đối phó với người ái kỷ?
Bạn có đang sống chung với người ái kỷ không?
Việc coi trọng nhu cầu của chính bản thân là chuyện không sai, tuy nhiên, những người ái kỷ lại thường chỉ biết đến nhu cầu của bản thân họ và làm tất cả để đáp ứng được những nhu cầu này. Điều này sẽ khiến những người giao tiếp với họ cảm thấy bối rối, mệt mỏi và tổn thương.
Để đối phó với những người mắc chứng ái kỷ, bước đầu tiên bạn phải nhận diện được bản thân mình có đang sống cùng hay giao tiếp cùng những người ái kỷ hay không. Dưới đây là những câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình:
- Họ có thiếu sự đồng cảm không? - Những người ái kỷ thường chỉ tập trung vào bản thân mình đến mức họ khó có thể đồng cảm với người khác.
- Họ có tự đề cao bản thân không? Những người ái kỷ luôn tự tôn thái quá, có hành vi như phóng đại thành tích và tài năng, muốn được công nhận là vượt trội ngay cả khi không có thành tích tương xứng - thường để che giấu những khuyết điểm và sự tự ti của bản thân mình.
- Họ có bao giờ thừa nhận sai lầm không? - Những người ái kỷ ít quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của người khác. Họ sẽ không xin lỗi vì làm tổn thương người khác, trừ khi điều đó có lợi cho họ theo một cách nào đó.
- Họ có phản ứng thái quá với lời chỉ trích không? - Những người ái kỷ vô cùng tự ti. Chính vì vậy, họ ngay lập tức nổi đóa với bất kỳ ai muốn chỉ trích họ. Cách họ phản ứng lại luôn là gây hấn thụ động (phản ứng hoặc công kích người khác mà không để người đó nhận thấy) hoặc công kích cá nhân chứ nhất quyết không chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình.
- Họ có hành vi thao túng tâm lý không? - Khi bạn sống với một người ái kỷ, bạn sẽ thường cảm thấy như mình đang bị lừa dối, bị thao túng hoặc bị đối xử tệ bạc. Tất cả những việc họ làm, từ tỏ ra là mình 'biết tuốt', có khả năng lo toan mọi thứ, cho đến việc lựa chọn nghề nghiệp đều dẫn tới một mục đích là để điều khiển người khác.
Coi chừng bị thao túng tâm lý bởi người ái kỷ!
Đôi khi, các đặc điểm ái kỷ dễ nhận biết, nhưng có những trường hợp ái kỷ ngầm khó phát hiện hơn. Người ái kỷ ngầm cũng đề cao bản thân quá mức, lợi dụng người khác và thiếu sự đồng cảm, nhưng hành vi ái kỷ của họ khó phát hiện hơn.
Mẹo đối phó với người mắc chứng ái kỷ
Đối phó với người mắc chứng ái kỷ thường rất mệt mỏi và căng thẳng. Điều này khiến bạn khó cảm thấy thoải mái ở nhà hoặc nơi làm việc và gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn bắt buộc phải giao tiếp (hay sống cùng) với những đối tượng này, một số mẹo dưới đây có thể hữu ích cho bạn:
Tìm hiểu về ái kỷ
Nếu bạn đang cần giao tiếp với một người ái kỷ, bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu về ái kỷ và những tác động của nó. Việc này sẽ giúp bạn hiểu và tránh được việc bị thao túng tâm lý hay lợi dụng bởi người ái kỷ.
Hơn hết, bạn cần hiểu rằng những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ không thể tự thay đổi hành vi của mình, thậm chí họ còn không thể nhận ra những bất thường của họ. Điều họ cần là sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ những chuyên gia tâm lý nhưng họ lại hiếm khi tìm sự giúp đỡ. Thậm chí, những người xung quanh khuyến khích họ đi trị liệu tâm lý thì họ có thể đáp lại bằng những phản ứng tiêu cực.
Thiết lập (và thực thi) ranh giới lành mạnh
Khi cần phải sống hay giao tiếp cùng người ái kỷ, một ranh giới cá nhân vững chắc là điều vô cùng quan trọng giúp bạn tránh khỏi việc bị lạm dụng tình cảm và tổn thương. Ranh giới là những điều bạn sẵn sàng và không sẵn sàng chấp nhận trong một mối quan hệ. Việc tạo ra ranh giới không phải để thay đổi người kia mà để bảo vệ bạn không bị tổn thương.
Khi đã xác định được ranh giới cá nhân của mình, bạn cần truyền đạt chúng cho người khác một cách rõ ràng và quyết đoán và đừng quên đưa ra những hậu quả nếu như họ không tôn trọng ranh giới của bạn. Bạn không nên chỉ nói suông hoặc mủi lòng nếu người kia xâm phạm ranh giới này. Người ái kỷ là người luôn phá vỡ mọi luật lệ và vượt ranh giới để đạt được điều mình muốn. Nếu bạn tha thứ một lần, họ sẽ nhanh chóng vượt khỏi ranh giới thêm nhiều lần nữa.
Tạo ra những ranh giới lành mạnh để bảo vệ bản thân mình.
Hãy coi chừng thao túng tâm lý
Những người ái kỷ là bậc thầy trong việc thao túng và lợi dụng. Việc thao túng của họ rất dễ khiến bạn nghi ngờ bản thân và trải nghiệm của mình. Ví dụ:
- Anh chỉ muốn tốt cho em thôi.
- Họ hạ thấp bạn trước đám đông, khi bạn phản ứng lại thì sẽ nói: “Tôi chỉ đùa thôi, bạn đừng có nhạy cảm như thế”, đồng thời thanh minh rằng bạn mới là người chọc tức họ trước.
- Khi bị chỉ ra sai lầm, họ có thể phủ nhận những điều đã làm hoặc đã nói "Tôi làm vậy bao giờ!”,
- ….
Việc nhận ra và đối phó với thao túng tâm lý không phải là một điều dễ dàng. Bạn hãy luôn tự hỏi bản thân “Mình có bao giờ tự nghi ngờ bản thân vì người ái kỷ không? Mình có bao giờ phải tự hỏi rằng bản thân có phải là người gây ra tất cả các vấn đề không?” - Nếu câu trả lời là có, rất có thể bạn đang bị thao túng tâm lý.
Để tránh điều này, bạn hãy ghi chép lại các sự kiện bằng cách viết chúng ra và giữ lại làm bằng chứng, hoặc nhờ người khác chứng kiến cuộc trò chuyện của bạn với người kia. Điều này đặc biệt quan trọng ở nơi làm việc, vì người ái kỷ có thể có hành vi hạ thấp bạn để cạnh tranh không lành mạnh.
Học cách bỏ qua những lời chỉ trích của họ
Không ai thích bị chỉ trích, nhưng những người ái kỷ thường xuyên nuôi dưỡng cái tôi của họ thông qua việc chỉ trích người khác. Việc bạn phòng thủ hoặc trở nên giận dữ trước những lời chỉ trích này sẽ khiến cho họ càng lấn tới. Bạn rất khó để có thể tranh luận thắng những người ái kỷ và điều này sẽ khiến bạn rơi vào thế bí. Thay vào đấy, bạn hãy giữ bình tĩnh và điềm đạm, làm lơ những chỉ trích của họ để không nuôi dưỡng cái tôi của họ và không cho họ cơ hội để tranh cãi.
Tăng cường lòng tự trọng của bạn
Một người ái kỷ thường hạ thấp người khác để nâng cao bản thân mình lên. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình, bạn cần nuôi dưỡng lòng tự trọng của bản thân ngay cả khi đối mặt với những thách thức.
Hãy xây dựng lòng tự trọng của riêng bạn bằng cách:
- Phản bác lại lời tự chỉ trích.
- Hãy “đương đầu”, chớ “cúi đầu”: Phải đối diện với khó khăn, tìm ra nguyên nhân gốc rễ để giải quyết nó, lựa chọn né tránh sẽ chỉ khiến bạn hạ thấp lòng tự trọng của bản thân hơn.
- Phản bác lại lời chỉ trích từ người khác.
- Chấp nhận bản thân không hoàn hảo.
- Ở cạnh những người ủng hộ và tin tưởng bạn.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Việc phải đối phó với những hành vi thao túng và lạm dụng của người ái kỷ rất mệt mỏi. Vì vậy, bạn hãy tìm đến sự hỗ trợ khi cần thiết, như:
- Nhờ người xung quanh đưa ra cái nhìn về những gì bạn đang phải đối mặt, góc nhìn của người ngoài cuộc thường sáng suốt hơn những người trong cuộc.
- Xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, nơi mà bạn có thể lắng nghe và chia sẻ cùng nhau.
- Báo cáo với cấp trên về hành vi của người ái kỷ nếu cần thiết.
Cuối cùng, bạn hãy cân nhắc rời đi khi cần thiết.
Trên đây là một số mẹo giúp bạn có thể đối phó với người ái kỷ. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hoặc bạn nhận sức khỏe tinh thần của bạn đang bị ảnh hưởng, bạn nên cân nhắc đến việc rời đi càng sớm càng tốt. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập