Mục lục [Ẩn]
Đã bao giờ bạn gặp phải một người mà họ tự cho rằng bản thân là cái rốn của vũ trụ, mọi thứ đều phải xoay quanh họ, họ tuyệt vời hơn bất kỳ ai mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác chưa? Đây là những dấu hiệu đặc trưng của người ái kỷ. Vậy ái kỷ là gì? Sống chung với người ái kỷ có thể dẫn đến những hậu quả gì? Mời bạn theo dõi bài viết sau để cùng tìm hiểu nhé!
Người ái kỷ là gì?
Ái kỷ là gì?
Ái kỷ (narcissism) hay rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder - NPD) là một bệnh lý tâm thần trong đó những người mắc bệnh này có cảm giác tự tôn thái quá, luôn nghĩ mình vượt trội hơn người khác, có nhu cầu được ngưỡng mộ cao và thiếu sự đồng cảm với người khác.
Nguồn gốc của cái tên narcissism được lấy cảm hứng từ chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp. Câu chuyện kể rằng Narcissus là chàng trai có dung mạo tuấn tú nhưng lại không thể yêu ai. Một ngày nọ thấy bóng mình trên mặt nước, chàng đã say mê bản thân đến mức héo mòn.
Rối loạn nhân cách ái kỷ là một rối loạn nhân cách nhóm B, cùng nhóm với rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách chống đối xã hội,...
Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), một người có thể mắc rối loạn nhân cách ái kỷ nếu có ít nhất 5 đặc điểm sau:
- Cảm giác tự tôn thái quá, chẳng hạn như phóng đại thành tích và tài năng, muốn được công nhận là vượt trội ngay cả khi không có thành tích tương xứng.
- Luôn bận tâm với những tưởng tượng về sự thành công, quyền lực, vẻ đẹp và sự lý tưởng của bản thân.
- Luôn cho rằng mình đặc biệt và xứng đáng được kết nối với những người (hoặc tổ chức) có địa vị cao khác.
- Đòi hỏi sự ngưỡng mộ quá mức.
- Muốn được hưởng quyền lợi lớn hơn mọi người. Người ái kỷ thường phá vỡ luật lệ và chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như chen hàng, vượt luật giao thông.
- Không có sự cảm thông với người khác.
- Người ái kỷ thao túng và lợi dụng người khác.
- Ghen tị với người khác hoặc cho rằng người khác ghen tị với họ.
- Có hành vi và thái độ kiêu ngạo, ngạo mạn.
Chung sống với người ái kỷ có thể dẫn đến hiện tượng gọi là hội chứng bạo hành bởi chứng ái kỷ (narcissistic abuse syndrome - NAS), hay còn được gọi là hội chứng nạn nhân của chứng ái kỷ (narcissistic victim syndrome), mà trong đó, sự tự tin về bản thân và sức khỏe tinh thần của một người bị ảnh hưởng trầm trọng.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị bạo hành bởi người ái kỷ
Bước đầu tiên để chữa lành và phòng tránh việc bạo hành bởi người ái kỷ là việc bạn nhận ra được các dấu hiệu bạo hành. Tuy nhiên, bạo hành ái kỷ rất khác so với những bạo hành thông thường. Thứ nhất, nó tổng hòa tất cả các kiểu bạo hành khác, bao gồm: bạo hành cảm xúc, bạo hành ngôn từ, bạo hành thể chất, bạo hành tài chính.
Thứ hai, với khả năng thao túng tâm lý và lợi dụng của người ái kỷ, việc bạo hành ái kỷ như những viên thuốc độc bọc đường, nó mang danh nghĩa của tình yêu thương nhằm có được quyền lực và sự kiểm soát. Người ái kỷ thường sử dụng các chiêu thức thao túng tinh vi như: gây hấn ngấm ngầm, im lặng độc hại, sử dụng cơn giận dữ ái kỷ để ép buộc, nói những lời đường mật xen lẫn những hành vi bạo hành, thao túng tâm lý (tiếng Anh là "gaslighting") khiến cho nạn nhân luôn cảm thấy bản thân vô dụng, không bao giờ là đủ tốt, không xứng đáng được người ái kỷ tôn trọng và yêu thương.
Vì vậy, nạn nhân của bạo hành ái kỷ thường không nhận ra điều này để kịp thời thoát ra.
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cảnh báo bạo hành ái kỷ bạn cần phải lưu ý:
- Mất lòng tin và bị cô lập với gia đình và bạn bè và tin rằng người ái kỷ là người duy nhất nhìn thấy được giá trị của họ.
- Nghi ngờ năng lực bản thân và xấu hổ với những điều trước đây họ từng tự hào.
- Bị bóc lột về mặt tài chính hay xã hội.
- Các ranh giới của bản thân không được tôn trọng.
Nạn nhân của bạo hành ái kỷ thường có lòng tự trọng thấp.
4 tác động lâu dài của việc sống chung với người ái kỷ
Bạo hành của người ái kỷ có thể có tác động nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất của nạn nhân. Dưới đây là 4 tác động lâu dài nếu sống chung với người ái kỷ:
Lòng tự trọng thấp
Sự bạo hành của người ái kỷ có thể có tác động sâu sắc và ngấm ngầm đến lòng tự trọng của một người. Họ liên tục thao túng, chỉ trích và hạ thấp nạn nhân, dần dần làm suy yếu lòng tự trọng của nạn nhân, từ đó làm rõ ràng hơn sự quan trọng và quyền lực của mình.
Ví dụ:
- Cha mẹ ái kỷ sử dụng con cái như vật trang sức, bắt chúng phải có nghĩa vụ làm đẹp mặt cho cha mẹ. Nếu không được như vậy, họ sẽ liên tục chì chiết, phàn nàn, đổ lỗi cho trẻ vì đã khiến họ xấu hổ.
- Người bạn đời ái kỷ sẽ thường xuyên phàn nàn, kêu ca không ngừng nghỉ, họ là bậc thầy trong việc đóng vai nạn nhân, luôn buộc tội và chỉ trích người khác vì không thể khiến cho họ hạnh phúc.
Nạn nhân ái kỷ thường sẽ khó nhận định chính xác tình trạng bị bạo hành. Họ bị bạo hành bằng ngôn từ mỗi ngày nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là vì người kia muốn tốt cho mình nên mới nói những lời khó nghe. Nạn nhân bị hạ thấp giá trị và lòng tự trọng, đẩy họ vào nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu,... nhưng vẫn nghĩ do bản thân mình kém cỏi và yếu đuối. Qua thời gian, việc cố gắng quá mức để giành được sự chấp thuận của người ái kỷ có thể khiến họ đánh mất đi chính mình.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Nạn nhân của bạo hành ái kỷ thường gặp chấn thương về cảm xúc, gây ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần của họ. Việc trở thành nạn nhân của rối loạn bạo hành bởi chứng ái kỷ (narcissistic abuse disorder) có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (post-traumatic stress disorder - PTSD).
Bạo hành ái kỷ rất dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý.
Giống như các hình thức bạo hành tâm lý khác, bạo hành ái kỷ cũng có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu. Nạn nhân cũng thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của bản thân, dẫn đến thường xuyên bùng phát cơn giận dữ hoặc tê liệt cảm xúc.
Các vấn đề về mối quan hệ
Bị bạo hành ái kỷ trong thời gian dài ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ lành mạnh của nạn nhân. Họ có thể gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác, gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới lành mạnh. Điều này khiến họ dễ lặp lại các mô hình mối quan hệ không lành mạnh.
Các vấn đề về sức khỏe thể chất
Bạo hành tâm lý cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất. Bên cạnh các triệu chứng thể chất của rối loạn tâm thần như đau đầu, đau bụng,... thì ảnh hưởng này cũng có thể bắt nguồn từ việc nạn nhân bỏ bê sức khỏe của mình. Họ áp dụng các thói quen không lành mạnh (như không ăn uống, lạm dụng chất gây nghiện, không hoạt động thể chất) hay thậm chí là có những hành vi tự hại.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ nhận diện được người ái kỷ và những dấu hiệu của bạo hành ái kỷ, từ đó có biện pháp phòng tránh và khắc phục kịp thời. Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp giúp bạn nắm được cách sống chung với người ái kỷ (trong trường hợp không thể cắt đứt quan hệ), mời bạn cùng đón đọc. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập