Mục lục [Ẩn]
Suy nhược thần kinh là một bệnh lý gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người bệnh, khi họ luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, tâm trạng bất ổn và thường xuyên mất ngủ.Vậy, nguyên nhân gây suy nhược thần kinh là gì? Những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Suy nhược thần kinh do nguyên nhân nào gây ra?
Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh là tình trạng chức năng của vỏ não và một số trung khu thần kinh dưới vỏ bị rối loạn. Điều này khiến cho người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, kiệt sức, thường xuyên lo lắng, mất ngủ, tự cô lập bản thân, suy giảm trí nhớ, dễ mất tập trung và tâm trạng thay đổi thất thường.
Đây là một tình trạng khá phổ biến, được bắt gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra suy nhược thần kinh. Chúng có thể được xếp vào 3 nhóm như sau:
Do suy giảm chất dẫn truyền thần kinh
Chất dẫn truyền thần kinh là những chất hóa học nội sinh. Chúng có nhiệm vụ dẫn truyền các tín hiệu giữa các tế bào thần kinh hoặc từ một tế bào thần kinh đến một tế bào đích thông qua synap, hay còn được gọi là khớp thần kinh.
Mỗi chất dẫn truyền thần kinh đều nắm giữ có một chức năng nhất định. Ví dụ như: GABA giúp giảm cảm giác lo lắng, căng thẳng và sợ hãi; Endorphin có tác dụng giảm đau, tăng khoái cảm,...
Theo các chuyên gia, suy nhược thần kinh xảy ra khi thiếu hụt hai chất dẫn truyền thần kinh là: Dopamine và Serotonin. Trong đó, Serotonin chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng, ổn định cảm xúc, giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc, bình tĩnh và ngủ ngon hơn. Dopamine lại giúp tạo cảm giác hưng phấn, thích thú và tràn đầy năng lượng, thôi thúc chúng ta thực hiện các mục tiêu.
Chính vì vậy, khi hai chất dẫn truyền thần kinh này suy giảm, chúng ta sẽ cảm thấy buồn bã, lo lắng, bất an, mệt mỏi,... Đây chính là các triệu chứng suy nhược thần kinh.
Suy giảm chất dẫn truyền thần kinh là nguyên nhân chính gây suy nhược thần kinh
Do sang chấn tâm lý
Trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng đều sẽ có lúc gặp phải những biến cố lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần. Có những người chỉ mất một thời gian ngắn để vượt qua những biến cố này và trở lại với cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, có những người không thể chịu đựng được cú sốc tinh thần, hoặc do nỗi đau để lại quá lớn khiến họ không thoát ra được. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến cho não bộ cạn kiệt sức lức và hoạt động thần kinh bị rối loạn, dẫn đến chứng suy nhược thần kinh.
Do tế bào não không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng
Các tế bào thần kinh luôn cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp duy trì hoạt động ổn định. Vì vậy, nếu không nhận được đủ dinh dưỡng, chúng có thể bị suy giảm chức năng, thậm chí là chết đi nhanh hơn và nhiều hơn.
Các tế bào thần kinh chết đi sẽ khiến kết nối giữa chúng đứt gãy theo, làm cho hoạt động của não bộ bị suy giảm. Đến một mức độ nhất định, điều này sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh, trí nhớ giảm sút, giảm khả năng tập trung và tư duy chậm chạp.
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc suy nhược thần kinh?
Dựa trên những nguyên nhân gây suy nhược thần kinh kể trên, chúng ta có thể điểm danh một số đối tượng có nguy cơ cao là:
Người có tuổi
Chức năng não bộ của những người có tuổi thường bị giảm sút, do các tế bào thần kinh đã chết đi rất nhiều. Bên cạnh đó, đây là những đối tượng có tâm lý khá nhạy cảm, thường xuyên lo lắng, bất an, dễ bị mất ngủ, mắc phải nhiều bệnh lý nền và ăn uống không được đầy đủ. Chính vì vậy, suy nhược thần kinh ở người cao tuổi rất phổ biến.
Người phải lao động trí óc cường độ cao
Một đối tượng khác có nguy cơ mắc suy nhược thần kinh cao là người đang trong độ tuổi lao động, đặc biệt là người phải làm việc trí óc cường độ cao. Nếu não bộ phải làm việc liên tục, tập trung cao độ, xử lý lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng và có thể dẫn đến suy nhược thần kinh.
Người lao động trí óc cường độ cao dễ bị suy nhược thần kinh
Người phải trải qua những cú sốc tâm lý
Những đối tượng này có thể kể đến như:
- Trẻ em bị bỏ rơi, bị bạo hành, lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục, xâm hại, bị cô lập,...
- Người bị miệt thị ngoại hình, kỳ thị giới tính.
- Người chịu áp lực từ gánh nặng tài chính, bị phá sản, thất nghiệp, bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
- Người trải qua sự đổ vỡ trong các mối quan hệ hoặc chia ly, thất lạc người thân.
- Người chịu nỗi đau mất người thân.
Người có lối sống không khoa học
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam có lối sống không khoa học như: Thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, uống rượu bia nhiều, sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá,... Trong đó, những người trẻ tuổi chiếm một phần không nhỏ. Đây cũng chính lý do tại sao suy nhược thần kinh ở người trẻ tuổi đang ngày càng phổ biến.
Người mắc bệnh lý mãn tính
Những người mắc phải các bệnh lý mãn tính như: Tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, suy tim,... cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc suy nhược thần kinh. Điều này là do họ có sức khỏe kém, cơ thể suy nhược, thường xuyên lo lắng, suy nghĩ về bệnh tật. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên phải ăn kiêng, khiến cơ thể không nhận được đủ chất dinh dưỡng.
Người hướng nội
Thực tế cho thấy, những người hướng nội dễ bị mắc suy nhược thần kinh hơn. Bởi lẽ, họ thường dành nhiều thời gian hơn để ở một mình, ít giao tiếp với người khác, luôn thận trọng, lo nghĩ mọi việc một cách thái quá và gặp nhiều khó khăn hơn khi xử lý các vấn đề trong cuộc sống..
Người sống hướng nội cũng có nguy cơ bị suy nhược thần kinh cao hơn
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về nguyên nhân gây suy nhược thần kinh, cũng như các đối tượng dễ mắc phải bệnh lý này. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 0243.760. 6666. Cảm ơn quý bạn đã dành thời gian theo dõi!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập