Mục lục [Ẩn]
Một hệ lụy sau ly hôn ít được các cặp vợ chồng để ý đến chính là tổn thương tâm lý ở con trẻ. Chúng thường cảm thấy buồn chán, lo sợ bị bỏ rơi, khó kiểm soát cảm xúc, nguy cơ cao dẫn đến các bệnh về tâm lý. Vậy phải làm sao để ly hôn văn minh, tránh tổn thương con trẻ?
Làm sao để trẻ không bị tổn thương tâm lý khi cha mẹ ly hôn?
Những tổn thương tâm lý ở trẻ sau khi cha mẹ ly hôn
Ly hôn là quyết định cuối cùng và cần thiết khi cuộc hôn nhân không còn khả năng cứu vãn.
Sau ly hôn, người lớn sẽ ổn định lại được tinh thần, thậm chí có niềm vui mới, mối quan hệ mới. Thế nhưng, con trẻ lại dễ bị tổn thương tâm lý, nhất là khi chứng kiến cha mẹ ly hôn đột ngột hoặc ly hôn nhiều tranh chấp.
Một số sự biến đổi trong tâm lý trẻ sau khi cha mẹ ly hôn bao gồm:
Hay cáu kỉnh, tức giận, khó kiểm soát cảm xúc
Cảm xúc giận dữ, cáu gắt, hoảng sợ… là tâm lý thường gặp ở trẻ nhỏ sau khi cha mẹ ly hôn.
Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tính cách của mỗi bé mà biểu hiện cảm xúc cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng thường sẽ bị tổn thương tâm lý, khó kiểm soát cảm xúc hơn so với những bé được sống trong gia đình hạnh phúc.
Sự tổn thương tâm lý này có thể xuất hiện do trẻ phải thay đổi môi trường sống. Sau khi ly hôn, con cái chỉ được quyền lựa chọn sống cùng với một người, thậm chí là thay đổi cả chỗ ở. Sự lạ lẫm về môi trường sống có thể làm cho tâm lý của trẻ trở nên hoang mang, lo lắng.
Đặc biệt, khi con cái không nhận được đầy đủ tình yêu thương từ cha mẹ, trẻ sẽ dễ cảm thấy hoảng loạn, lo lắng, bất an, sợ bị bỏ rơi. Nhiều trẻ còn thể hiện sự bất ổn về mặt cảm xúc thông qua các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn ăn uống, mất dần hứng thú với mọi thứ, trở nên buồn bã, chán chường,…
Nhiều trẻ buồn bã, mất hứng thú với mọi thứ
Cảm giác hụt hẫng, bất lực
Đây là tổn thương tâm lý nặng nề nhất xuất hiện ở trẻ khi cha mẹ ly hôn.
Trước đây, các con đã quen sống trong tình yêu thương, quan tâm và che chở của cả cha và mẹ. Chính vì thế, khi bố mẹ không còn sống chung một nhà, chúng sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Cho dù cha hoặc mẹ có cố gắng bù đắp, dành nhiều sự quan tâm, chiều chuộng cũng không thể nào thay thế hoàn toàn cho vị trí của người còn lại.
Thực tế, có những đứa trẻ đã rất cố gắng tìm cách hàn gắn mối quan hệ của cha mẹ. Khi việc đó thất bại, chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng.
Trở nên nhạy cảm hơn
Thời gian qua đi có thể giúp người lớn ổn định lại cảm xúc. Nhưng với con cái, vết thương tâm lý vẫn tồn tại khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh, có xu hướng thu mình lại, không còn năng nổ, hoạt bát như trước.
Sự nhạy cảm quá mức có thể cản trở đến các mối quan hệ, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn, nhất là khi con phải chuyển nơi ở mới.
Tự dằn vặt bản thân
Một vài trường hợp trẻ cho rằng do bản thân đã không biết nghe lời, học hành không tốt, hay phá phách nên cha mẹ mới bỏ mình mà đi. Những suy nghĩ này sẽ luôn tồn tại trong tâm trí của trẻ nhỏ, tạo thành vết sẹo khó lành trong tâm hồn con.
Nếu tình trạng này không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, trẻ sẽ có nguy cơ cao phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng thần kinh…
Xuất hiện tâm lý chống đối
Nhiều trẻ xuất hiện tâm lý chống đối khi cha mẹ ly hôn
Nhiều trường hợp con cái khi biết cha mẹ ly hôn sẽ hình thành tâm lý phản kháng, chống đối dữ dội. Chúng không chỉ mất sự kiểm soát về cảm xúc mà còn dễ hình thành hành vi chống đối nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm của người lớn.
Khi thấy con như vậy, nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng con hư, không hiểu chuyện mà không hề biết rằng chúng chỉ đang bị tổn thương tâm lý quá lớn. Theo đó, thay vì tâm sự và thấu hiểu con thì cha mẹ lại có những lời nói trách móc chỉ trích con cái, khiến cho tâm lý trẻ tổn thương nhiều hơn.
Mất niềm tin
Đối với trẻ em, gia đình chính là điểm tựa vững chắc và có sự ảnh hưởng lớn trong cuộc sống. Vì vậy, khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, cha mẹ ly hôn sẽ khiến trẻ bị hụt hẫng, lạc lõng, bi quan, dần mất niềm tin vào cuộc sống.
Thậm chí, vết thương lòng này sẽ theo trẻ tới khi trưởng thành, khiến chúng sợ hãi hôn nhân, lo lắng về việc kết hôn và những hậu quả có thể xảy ra tương tự đối với đứa con của mình. Theo đó, chúng có xu hướng muốn sống độc lập, không ràng buộc.
Cha mẹ ly hôn được xem là một trong những loại tổn thương thời thơ ấu có tác động vô cùng nặng nề tới tâm lý của con trẻ. Để tìm hiểu thêm về những loại tổn thương này, xin mời các bạn theo dõi bài viết: 7 loại tổn thương trong những ngày thơ ấu và cách vượt qua chúng.
Có thể thấy, cha mẹ ly hôn gây ra rất nhiều tổn thương tâm lý ở trẻ. Vậy phụ huynh nên làm gì để ly hôn văn minh, hạn chế những tổn thương đó?
Ly hôn văn minh: Cách để những đứa trẻ không bị tổn thương
Để tránh tổn thương tâm lý cho con trẻ khi cha mẹ ly hôn, các cặp vợ chồng nên:
Thống nhất quan điểm
- Ngồi xuống nói chuyện nhẹ nhàng với nhau, bỏ qua các mâu thuẫn và thỏa thuận cách ly hôn văn minh nhất, ít ảnh hưởng đến con cái nhất.
- Bàn về việc nuôi dạy con cái: Bố mẹ vẫn quan tâm chăm sóc con như bình thường, chỉ không ở cùng nhau mà thôi. Con ở với mẹ hoặc bố và sẽ sang chơi với người kia, nhận sự giáo dục của người kia, nhận cả tình cảm và sự quan tâm của người kia hàng tuần, hàng tháng.
Cha mẹ nên ngồi xuống nói chuyện, thống nhất mọi quan điểm trước và sau khi ly hôn
- Cam kết giữ hình ảnh đẹp của người kia trong mắt con.
- Loại bỏ ý nghĩ trả thù người kia bằng cách giữ con hay làm điều gì đó bất lợi, không nói xấu mẹ hoặc bố trước mặt con cái.
- Thỏa thuận phân chia tài sản công bằng, văn minh. Cha mẹ nên nhờ luật sư tư vấn về việc này.
- Không nói xấu người cũ với ai bởi người kia dù gì cũng là bố/mẹ của con mình, tránh làm người ta coi thường người cũ, coi thường con mình.
- Khi tới tòa án, không nên nói nhiều về mâu thuẫn vì đằng nào cũng ly hôn, hãy nhẹ nhàng với nhau trong những phút giây cuối cùng này.
- Tạo lịch hẹn để con gặp gỡ bố/mẹ nếu con ở với mình, tránh để con tủi thân vì bố mẹ ly hôn xong là con có cảm giác bị mất bố hoặc mẹ.
Tâm sự trước với con
- Hãy nói rõ cho trẻ biết những gì sắp xảy ra để con có thời gian chuẩn bị tâm lý cho bản thân. Lựa chọn thời điểm thích hợp để con có thể tiếp nhận thông tin một cách tốt nhất.
- Nói rõ nguyên nhân khách quan dẫn đến ly hôn, cần giải thích cụ thể cho trẻ hiểu và khẳng định rằng ly hôn là giải pháp cuối cùng, con hoàn toàn không có lỗi và trách nhiệm cho việc này. Khi ấy, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Lắng nghe con nói, tôn trọng quyết định của trẻ
Đây cũng là một cách giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi cha mẹ ly hôn. Phụ huynh nên lắng nghe và tôn trọng ý kiến, mong muốn của trẻ.
Với những trẻ nhỏ, chúng có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc và những suy nghĩ của bản thân. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn 15 tuổi lại có xu hướng muốn che giấu, ít thể hiện ra bên ngoài. Do đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian xoa dịu tâm hồn cho trẻ, hãy để con lựa chọn sống cùng ai. Đừng vì sự ích kỷ cá nhân mà làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ.
Lắng nghe con nói, tôn trọng quyết định của trẻ
Dành thời gian để quan tâm và giáo dục con nhiều hơn
Cha mẹ cần thể hiện cho con biết rằng dù không còn sống cùng nhau nhưng vẫn sẽ dành cho con sự yêu thương như thuở ban đầu, các con vẫn là anh chị em của nhau và có thể liên lạc, gặp gỡ nhau.
Cha mẹ cũng cần phải ổn định về mặt tâm lý
Dù ly hôn vì nguyên nhân gì, bạn cũng cần phải ổn định và kiểm soát tốt tâm lý của bản thân, nhất là trước mặt con cái.
Cha mẹ nên tránh những lời nói, hành động, hình ảnh tiêu cực xảy ra trước mặt trẻ. Khi tâm lý cả hai ổn định, việc chăm sóc và nuôi dạy con sẽ tốt hơn.
Như vậy, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc rất quan trọng với sự phát triển của trẻ, nhất là sức khỏe tinh thần. Nếu chẳng may không thể duy trì được hạnh phúc đó, cha mẹ hãy ly hôn văn minh để tránh tổn thương tâm lý con trẻ nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập