Mục lục [Ẩn]
Một vụ cháy thảm khốc không chỉ gây ra những mất mát về người và của mà còn dẫn đến những sang chấn về mặt tâm lý rất khó phai nhờ trong lòng của các nạn nhân và gia đình. Sang chấn tâm lý sau hỏa hoạn có thể kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài hơn, thậm chí theo họ suốt phần đời còn lại. Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu về sang chấn tâm lý sau hỏa hoạn và cách vượt qua nó nhé!
Làm sao để vượt qua sang chấn tâm lý sau hỏa hoạn?
Sang chấn tâm lý sau hỏa hoạn
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), sang chấn tâm lý là phản ứng của một người trước một sự kiện gây căng thẳng, sợ hãi, vô vọng, bất lực hoặc kinh hoàng.
Sau một vụ hỏa hoạn, những mất mát, đau thương đến một cách đột ngột khiến sang chấn tâm lý ở những người thoát chết và thân nhân nạn nhân là một điều khó tránh khỏi. Cú sốc tâm lý lớn khiến một số người không chấp nhận được sự việc đã diễn ra, đau khổ tột cùng,.. Ở một số người khác, mức độ đau khổ quá lớn khiến họ bị tê liệt cảm xúc, không thể khóc, không muốn tiếp xúc với mọi người, tự cô lập mình với xung quanh.
Sang chấn tâm lý thường phát sinh ngay sau khi nạn nhân kề cận với cái chết hoặc thân nhân của họ nhìn thấy những hình ảnh về vụ cháy. Tùy vào mức độ sang chấn hoặc tâm lý của nạn nhân, nó có thể kéo dài trong thời gian ngắn (một tuần, một tháng) hoặc cũng có thể kéo dài hơn, thậm chí theo họ suốt phần đời còn lại.
3 giai đoạn sang chấn sau hỏa hoạn
Tùy vào từng người và mức độ sang chấn tâm lý, bệnh nhân có thể trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn thứ nhất
Giai đoạn này thường kéo dài từ một tuần đến một tháng sau khi xảy ra sự việc. Nạn nhân thường bị ám ảnh, sợ hãi. Họ cảm thấy bất an, hồi hộp khi nhớ lại những gì bản thân đã trải qua trong hỏa hoạn. Thậm chí, nỗi bất an ấy còn nhiều đến nỗi họ thường xuyên nằm mơ thấy nó.
Một số người lo lắng, sợ hãi đến mức không thể tập trung làm bất kỳ việc gì, không thể ra ngoài hay không thể đi làm,... Nếu bạn có những biểu hiện trên thì nên áp dụng các biện pháp giảm stress như chia sẻ sự lo lắng, sợ hãi với người thân.
Giai đoạn thứ 2
Giai đoạn này bắt đầu từ sau một tháng đến sáu tháng sau sang chấn. Ở một vài người, các biểu hiện đã dần vơi đi. Tuy nhiên, nếu những biểu hiện trên vẫn còn xảy ra nhiều, không cải thiện thì bạn nên đến gặp các bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
Giai đoạn thứ 3
Nếu các triệu này kéo dài sau sáu tháng thì bạn đã bước vào giai đoạn thứ 3. Lúc này, bạn đã gặp vấn đề tâm lý nặng nề hơn như rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (như sợ lửa, sợ khói, sợ vào phòng kín,…) hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Bệnh nhân có thể mắc phải hội chứng sợ lửa nếu bị sang chấn sau hỏa hoạn kéo dài.
Dấu hiệu nhận biết một người bị sang chấn tâm lý
Những người bị sang chấn tâm lý thường có những dấu hiệu sau:
- Về nhận thức: Họ thường khó tập trung, dễ nhầm lẫn, mất trí nhớ, hay gặp ác mộng về vụ hỏa hoạn, có cảm giác lâng lâng, bị mất phương hướng,...
- Về hành vi: Né tránh địa điểm diễn ra vụ cháy hoặc không dám làm những hoạt động dễ kích hoạt ký ức của vụ cháy. Một số người thu mình và cách ly với xã hội, trở nên thiếu hứng thú với những hoạt động trước đây vốn thấy rất thú vị,...
- Về sức khỏe thể chất: Dễ giật mình, cảm thấy kiệt sức, dễ tức giận, nhịp tim nhanh, mất ngủ, chức năng tình dục rối loạn, luôn cảnh giác với các nguy cơ tiềm ẩn,...
- Về tâm lý: Họ luôn tràn ngập nỗi lo sợ, cảm xúc bị tê liệt, hay muộn phiền, có cảm giác tội lỗi, phẫn nộ, lo ngại,...
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn của vụ hỏa hoạn
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn là hậu quả lâu dài trên tâm lý do từng chứng kiến hoặc trải qua các sự kiện đau thương gây ra nỗi sợ hãi, bất lực hoặc kinh hoàng. Đây là một dạng của rối loạn lo âu.
Những người bị sang chấn tâm lý do hỏa hoạn nếu không được khắc phục tốt và kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Lúc này, các triệu chứng của họ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, kéo dài hàng tháng thậm chí hàng năm.
Bạn có thể nhận biết những người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn qua những nhóm triệu chứng sau:
- Hồi tưởng lại: Họ luôn nghĩ đi nghĩ lại về các ký ức đau buồn và không thể kiểm soát được suy nghĩ này. Họ có những giấc mơ hãi hùng về vụ cháy đó. Điều này khiến họ cảm giác rất đau khổ, hoảng loạn và sợ hãi. Trong trường hợp nặng, họ có thể thấy xuất hiện ảo thanh, ảo thị.
- Triệu chứng tránh né: Họ cố gắng tránh né câu hỏi của mọi người về vụ hỏa hoạn và cố gắng không nhắc đến những gì đã xảy ra. Một số người sống cô lập, tách biệt với mọi người và đôi khi có các dấu hiệu trầm cảm.
- Triệu chứng tăng nhạy cảm quá độ: Mất ngủ, dễ thức giấc, ngủ chập chờn do các cơn ác mộng xuất hiện liên tục. Luôn đề phòng xung quanh vì lo sợ có mối nguy hiểm rình rập dù thực tế đang ở nhà và những nơi rất an toàn. Do hệ thần kinh bị căng thẳng và quá nhạy cảm nên đôi khi bệnh nhân có cảm giác đau nhức ở nhiều vị trí nhưng khi chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng đều không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào khác thường.
Nếu bạn thấy bản thân hoặc người xung quanh có những triệu chứng này, hãy đến gặp các bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và điều trị nhé!
Biện pháp vượt qua sang chấn tâm lý sau hỏa hoạn
Sang chấn tâm lý cần được chữa trị bởi nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí có người còn tự hủy hoại sự sống của chính mình. Bệnh nhân bị sang chấn tâm lý sau hỏa hoạn nên đến gặp các bác sĩ tâm lý. Bác sĩ sẽ có một số bài kiểm tra phù hợp để chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Các phương pháp thường dùng là:
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý thường được ưu tiên sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân bị sang chấn tâm lý nhờ tính hiệu quả và an toàn của nó.
Chia sẻ với chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Khi điều trị tâm lý, chuyên gia sẽ trò chuyện để người bệnh hiểu hơn về bản thân và nỗi sợ mà mình đang trải qua. Từ đó, chuyên gia tâm lý sẽ biết cách giúp cho họ vượt qua được chấn thương và đối diện với hiện thực tốt hơn, dễ cởi mở và chia sẻ về những gì mà mình đang gặp phải.
Nhờ vậy, người bệnh sẽ dần dần vượt qua được nỗi lo sợ để quay lại với thực tại cuộc sống. Tuy nhiên, không có chung một liệu pháp tâm lý cho tất cả bệnh nhân mà cần căn cứ trên tình trạng bệnh của từng người để áp dụng phương pháp phù hợp. Một số phương pháp thường được sử dụng là liệu pháp nhận thức - hành vi CBT, liệu pháp tiếp xúc,...
Sử dụng thuốc
Thuốc không có tác dụng đẩy lùi sang chấn tâm lý mà chỉ giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng do nó gây ra như mất ngủ, lo âu, căng thẳng,...
Do đó, nó thường được sử dụng kết hợp với các liệu pháp tâm lý.
Tự chăm sóc bản thân
Bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh cũng nên tự chăm sóc bản thân để giúp kiểm soát các triệu chứng về thể chất, tâm lý và cảm xúc do sang chấn tâm lý, như:
- Rèn luyện thể chất phù hợp, thiền và hít thở sâu nhằm giảm stress.
- Hạn chế tiếp xúc với cảnh tượng, âm thanh gợi nhớ hỏa hoạn, đặc biệt là từ tivi, radio hoặc báo chí.
- Cho phép bản thân được giải tỏa năng lượng tiêu cực như khóc, chia sẻ với người khác,... Không nên cố gắng che giấu cảm xúc.
- Hạn chế nghĩ về những điều bạn "đáng lẽ ra phải làm" trong vụ hỏa hoạn.
- Không cô lập bản thân, nên dành thời gian nói chuyện với bạn bè, gia đình và những người có cảm xúc tích cực.
- Làm những gì bạn thích để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Tránh xa các chất kích thích như rượu bia.
- Ngủ đủ giấc, nên ngủ trước 11 giờ đêm và ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm.
- Ăn uống cân bằng, khoa học.
Mong rằng bài viết dưới đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về sang chấn tâm lý sau hỏa hoạn. Sau khi hỏa hoạn xảy ra, rất nhiều nỗi đau ập đến khiến bạn rất dễ bị rơi vào những cảm xúc tiêu cực. Nếu thấy bản thân mình có những triệu chứng trong bài, hãy đến gặp các chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập