Mục lục [Ẩn]
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là 1 trong 5 dạng của rối loạn lo âu. Bệnh đặc trưng bởi nỗi sợ, sự lo lắng quá mức và dai dẳng về những đối tượng và tình huống thông thường. Rối loạn ám ảnh này ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của con người. Vậy rối loạn lo âu ám ảnh sợ là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh là gì? Có các loại rối loạn lo âu ám ảnh sợ nào thường gặp?
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là gì?
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ là gì?
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ: “Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là nỗi sợ hãi phi lý và quá mức đối với một đối tượng hoặc tình huống nào đó”. Trong hầu hết các trường hợp, các nỗi ám ảnh liên quan đến cảm giác nguy hiểm hoặc sợ bị tổn hại.
Bệnh nhân biết nỗi sợ hãi của họ là quá mức, nhưng không thể kiểm soát được nó. Do đó, họ thường thường tạo ra cho mình một vùng an toàn để tránh xa nỗi sợ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bệnh nhân như công việc, sức khỏe và khiến họ có nguy cơ bị trầm cảm và thậm chí là có ý định tự sát.
Ví dụ: Bệnh nhân mắc hội chứng sợ đám đông rất sợ phải đến những nơi đông người.
>>> Xem thêm: Cách khắc phục hội chứng sợ đám đông.
Các loại rối loạn lo âu ám ảnh sợ
Tùy vào đặc trưng của nỗi sợ hãi và ám ảnh các nhà khoa học đã chia rối loạn lo âu ám ảnh sợ thành các rối loạn cơ bản như:
- Ám ảnh sợ khoảng trống: Đây là một dạng rối loạn lo âu được phát động bởi một đối tượng hoặc một tình huống nhất định mà bản thân nó chẳng có gì nguy hiểm đối với bệnh nhân. Chứng bệnh này khiến người bệnh sợ hãi và tránh né các địa điểm hoặc tình huống có thể làm họ cảm thấy hoảng loạn và bế tắc, bất lực hoặc xấu hổ. Trong một số trường hợp, nỗi sợ hãi quá lớn còn ngăn cản người bệnh ra khỏi nhà của họ.
- Ám ảnh sợ xã hội: Ám ảnh sợ xã hội là một dạng bệnh tâm lý, còn được biết đến với tên gọi là rối loạn lo âu xã hội (SAD). Những người mắc bệnh này thường khá sợ hãi khi đứng trước những tình huống xã hội hoặc khi tham gia những hoạt động đông người. Họ xấu hổ, sợ bị sỉ nhục, sợ những đánh giá tiêu cực mà người khác dành cho mình.
- Ám ảnh sợ đặc hiệu: Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu là trạng thái lo âu, sợ hãi kéo dài, mãnh liệt, bất hợp lý liên quan đến các đối tượng hay các tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu lại được chia thành 4 loại tuỳ theo đối tượng gây sợ hãi là: Động vật (sợ rắn, sợ chim,...), y tế (sợ máu, sợ kim tiêm,..) , môi trường tự nhiên (sợ sét, nước, bão,...), tình huống (sợ cầu, rời khỏi nhà hoặc sợ lái xe,..).
Người bị ám ảnh sợ xã hội rất sợ khi phải tham gia hoạt động đông người.
Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu ám ảnh sợ
Các yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra chứng bệnh này là:
Sang chấn tâm lý
Những người từng đã trải qua các tình huống ảnh hưởng tâm lý trong quá khứ sẽ có nguy cơ cao mắc phải chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi trong tương lai.
Khi họ gặp phải một tình huống có liên quan đến sự kiện đó thì người bệnh sẽ trở nên vô cùng sợ hãi và có các triệu chứng như run rẩy, tim đập nhanh, dễ kích động …
Ví dụ: Bệnh nhân bị sợ không gian hẹp do ngày trước đã từng bị mắc kẹt trong thang máy. Họ sẽ sẽ bị mắc kẹt không thoát ra được một lần nữa.
Ảnh hưởng từ gia đình
Nếu trẻ sống cùng những người bị mắc bệnh ám ảnh sợ hãi trong thời gian dài thì trẻ rất dễ bị ảnh hưởng. Bởi khi nhìn thấy người trong gia đình quá sợ hãi một điều gì đó, trẻ nghĩ rằng thứ đó thật sự vô cùng đáng sợ và hình thành nỗi ám ảnh sợ hãi tương tự.
Di truyền
Rối loạn ám ảnh sợ hãi nói riêng và các bệnh rối loạn lo âu nói chung đều có khả năng di truyền. Các chuyên gia nhận thấy, người mắc chứng bệnh này có tiền sử gia đình có người bị rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu bệnh tật, ám ảnh sợ hãi,…Tuy nhiên, hiện tại khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế di truyền của những bệnh này.
Hoạt động của não bộ
Ở bệnh nhân rối loạn ám ảnh sợ hãi, các chuyên gia nhận thấy hoạt động của não bộ có nhiều điểm bất thường và đặc biệt luôn có sự sụt giảm của một số chất dẫn truyền thần kinh.
Bệnh nhân rối loạn ám ảnh sợ thường có đặc điểm bất thường trong não bộ.
Chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn ám ảnh sợ là:
- Nỗi sợ hãi quá mức, vô lý: Người thể hiện sự sợ hãi quá mức hoặc vô lý, dai dẳng và dữ dội do một đối tượng hoặc tình huống cụ thể gây ra.
- Phản ứng lo lắng ngay lập tức: Phản ứng sợ hãi, lo lắng xuất hiện gần như ngay lập tức khi đối tượng hoặc tình huống gây sợ hãi xuất hiện.
- Trốn tránh hoặc cực kỳ đau khổ : Người bệnh tìm mọi cách để trốn tránh đối tượng hoặc tình huống gây sợ hãi hoặc chịu đựng nó với sự đau khổ tột cùng.
- Gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Nỗi sợ hãi, ám ảnh gây ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập, công việc hoặc cuộc sống cá nhân của người bệnh.
- Thời gian kéo dài ít nhất sáu tháng: Ở trẻ em và người lớn, các triệu chứng trên phải kéo dài ít nhất sáu tháng.
- Không phải do rối loạn khác gây ra: Nhiều chứng rối loạn lo âu có các triệu chứng tương tự. Trước tiên, bác sĩ phải loại trừ các tình trạng tương tự như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn lo âu chia ly trước khi chẩn đoán một rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nào đó.
Phương pháp điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính được áp dụng cho quá trình điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Phương pháp này được thực hiện nhằm giúp bệnh nhân chế ngự nỗi sợ và cảm xúc tiêu cực. Đồng thời giúp người bệnh nhìn nhận đối tượng và tình huống một cách đúng đắn, từ đó có thể giảm bớt nỗi sợ vô lý và thái quá.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là:
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với đối tượng gây sợ hãi với mức độ tăng dần. Ban đầu, bệnh nhân sẽ được tiếp xúc qua tưởng tượng và tăng dần đến tiếp xúc trên thực tế. Người bệnh sẽ được học cách kiểm soát sự lo lắng và sợ hãi của mình.
- Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi cũng là phương pháp được áp dụng phổ biến. Mục tiêu của phương pháp này là tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của nỗi sợ, sau đó tác động đến nhận thức (tư duy) của bệnh nhân nhằm điều chỉnh cảm xúc và hành vi phù hợp. Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp bệnh nhân tự tin vào bản thân và làm chủ tốt cảm xúc, suy nghĩ của chính mình.
Liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả cao và hầu như không có tác dụng phụ. Do đó, phương pháp này được ưu tiên cho trẻ em và những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, cho con bú và người có các bệnh lý nền không thể sử dụng thuốc.
Các liệu pháp tâm lý được ưu tiên trong điều trị.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng thể chất, cải thiện tình trạng sợ hãi, hoảng sợ, lo lắng, căng thẳng,…
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi:
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepin
- Thuốc chống trầm cảm (thường được dùng nếu bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm, lo âu, buồn bã,…)
- Thuốc chẹn beta (được sử dụng để giảm các triệu chứng thể chất)
Thuốc chỉ có tác dụng cải thiện các triệu chứng tạm thời chứ không có tác dụng khắc phục được nỗi sợ cho bệnh nhân. Do đó, các bác sĩ sẽ kết hợp với các liệu pháp tâm lý phù hợp, đặc biệt ở những bệnh nhân bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ nặng.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được về rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi - Đây là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến chỉ sau trầm cảm và rối loạn lo âu lan tỏa. Bệnh lý này gây ra nhiều phiền toái trong công việc, học tập, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và sức khỏe của chính bệnh nhân. Nếu bạn muốn được chia sẻ, tư vấn tâm lý, mời gọi đến tổng đài 0243.760.6666. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập