Mục lục [Ẩn]
Những áp lực trong công việc, gia đình đều dẫn đến tâm lý căng thẳng, stress. Đây là một trạng thái thường gặp và khó tránh trong cuộc sống hiện đại. Nếu kéo dài trạng thái này, bạn sẽ phải đối mặt với các rối loạn tâm lý nghiêm trọng khác.
Các rối loạn liên quan đến căng thẳng, stress thường gặp
Stress là trạng thái căng thẳng về tinh thần, có thể khiến một người xuất hiện suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi. Nguyên nhân gây stress rất đa dạng, chẳng hạn như làm việc quá sức, áp lực từ gia đình, bạn bè, khó khăn về tài chính… Nếu biết cách cân bằng cảm xúc, bạn sẽ sớm kiểm soát được căng thẳng. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài, cả sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn đều sẽ bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ mắc các rối loạn nghiêm trọng, chẳng hạn như:
Các rối loạn liên quan đến căng thẳng, stress thường gặp: Rối loạn giấc ngủ
Stress thường làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ bình thường. Bởi lẽ khi căng thẳng, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra hormone cortisol tạo năng lượng, tăng cường sự tỉnh táo và tập trung.
Bình thường, loại hormone này được tiết nhiều vào buổi sáng, nhưng khi có stress, cortisol được sản sinh vào cả buổi tối khiến con người tỉnh táo, khó ngủ, ngủ trằn trọc, dễ tỉnh giấc, dần mất ngủ.
Ngược lại, mất ngủ sẽ khiến cơ thể không được nghỉ ngơi để hồi phục lại năng lượng, nhất là các tế bào thần kinh và não bộ. Vốn dĩ các tế bào đó đang trong trạng thái căng thẳng, lại không được nghỉ ngơi làm cho tình trạng stress tồi tệ hơn. Cứ như vậy, stress và mất ngủ tác động qua lại, tạo nên một vòng xoắn bệnh lý kéo dài dai dẳng rất khó điều trị. Về lâu dài, tình trạng này còn dẫn đến các bệnh tâm lý khác.
Các rối loạn thần kinh, tâm thần
Các bệnh tâm lý thường có liên quan trực tiếp đến stress, căng thẳng kéo dài. Chúng bao gồm:
Bệnh trầm cảm
Stress là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm. Bệnh lý này đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, u uất, con người không còn cảm nhận được niềm vui, mất hứng thú, động lực trong cuộc sống. Họ thường chìm đắm trong suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy tự ti và chán ghét bản thân, tự cô lập với cộng đồng.
Bệnh trầm cảm là hậu quả của stress kéo dài
Về thể chất, trầm cảm khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, vã mồ hôi, tim đập nhanh, tay lạnh, khô miệng, buồn nôn, đau mỏi cổ, nóng lạnh bất thường…
Căn bệnh này có thể gặp ở bất cứ ai, dù là trẻ nhỏ hay người già, học sinh hay công nhân… Nếu không được điều trị kịp thời, trầm cảm tiến triển nặng sẽ khiến người bệnh thực hiện các hành vi tiêu cực như tự hại bản thân, thậm chí là tự tử.
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là tình trạng một người có nỗi lo sợ quá mức trước một tình huống nào đó. Nó mang tính chất vô lý, lặp lại, kéo dài, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Khi phải đối diện với nỗi sợ, người bệnh sẽ trở nên hoảng loạn, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu.
Rối loạn lo âu có rất nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
- Rối loạn lo âu xã hội: Người bệnh lo lắng một cách thái quá khi bị người khác nhìn hoặc phê bình, khi đứng nói trước đám đông, khi nói chuyện với người lạ hay hẹn hò, ăn trước mặt người khác…
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Người bệnh cực kỳ lo lắng và thường xuyên căng thẳng, sợ hãi về nhiều điều khác nhau, ngay cả khi điều đó rất đỗi bình thường, chẳng hạn như: Vấn đề tài chính, hiệu quả công việc, sức khỏe, sự chậm trễ (đi làm muộn, đến cuộc hẹn muộn…)
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Người bệnh thường có hành vi, suy nghĩ lặp đi, lặp lại một cách vô nghĩa để giảm bớt căng thẳng hay lo âu, ví dụ như: Rửa tay liên tục, kiểm tra mọi thứ thường xuyên, dọn dẹp nhà theo nguyên tắc và lúc nào nhà cửa cũng phải ở trạng thái sạch sẽ…
Rối loạn dạng cơ thể
Đây là một dạng rối loạn liên quan đến stress căng thẳng kéo dài. Người bệnh cảm thấy đau nhức khắp cơ thể, ám ảnh bản thân đang bị bệnh nhưng khi làm các xét nghiệm chuyên môn lại không gây ra bất cứ tổn thương thực thể nào.
Rối loạn dạng cơ thể tự coi mình xấu và tránh tiếp xúc với xã hội
Nhiều trường hợp mắc rối loạn này còn tự coi mình "xấu" và thường tránh tiếp xúc với xã hội. Nỗi lo lắng, căng thẳng còn hình thành một số thói quen nhất định như liên tục nhìn vào gương hoặc ngoáy vào da và cố gắng che đậy khuyết điểm trên cơ thể.
Nếu không điều trị kịp thời, rối loạn dạng cơ thể sẽ tiến triển thành hành vi tự hại bản thân, bệnh trầm cảm hay các bệnh tâm lý khác.
Rối loạn lưỡng cực
Ở bệnh lý này, bệnh nhân thường có khí sắc u buồn nhưng tâm trạng vui – buồn có thể thay đổi đột ngột. Khi ở giai đoạn trầm cảm, họ mệt mỏi, dường như không thể bước ra khỏi giường hoặc chán nản đến mức không muốn sống. Ngược lại, khi ở giai đoạn hưng cảm, họ phấn khích quá mức, có những hành vi bộc phát rất khó kiểm soát như trộm cắp, phá hoại hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
Rối loạn lưỡng cực là bệnh lý rất nguy hiểm và khó kiểm soát, có thể gây hại cho cả bản thân và những người xung quanh nếu không điều trị sớm.
Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần mức độ nặng. Người bệnh thường xuyên có những hành vi, suy nghĩ bất thường do họ nghe thấy ảo thanh, nhìn thấy ảo giác và tin vào những năng lực siêu nhiên.
Stress kéo dài gây hoang tưởng, ảo giác
Với những suy nghĩ xa rời thực tế, bệnh nhân tâm thần phân liệt luôn cảm thấy người khác nói xấu, muốn giết hại họ. Theo đó, họ không chỉ làm hại bản thân mà còn làm hại cả những người xung quanh. Stress kéo dài chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra hoang tưởng, ảo giác của bệnh nhân.
Các rối loạn liên quan đến căng thẳng, stress thường gặp
Rối loạn tiền đình
Tiền đình là một bộ phận thuộc hệ thần kinh, đảm nhiệm vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể khi di chuyển. Stress kéo dài khiến người bệnh thiếu ngủ, giảm hoạt động chức năng của các cơ quan tiền đình, gây chứng rối loạn tiền đình.
Các triệu chứng của tình trạng này thường là chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, dễ ngã, ù tai, rung giật nhãn cầu… Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, khiến người bệnh ăn ngủ không ngon, sức khỏe giảm sút.
Rối loạn tiêu hóa
Stress kéo dài còn ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề sức khỏe, điển hình là gây rối loạn tiêu hóa. Bình thường, não bộ chi phối hoạt động của đại tràng thông qua trục thần kinh não - ruột. Khi căng thẳng, stress, các tín hiệu được truyền đến ruột, khiến thần kinh ruột trở nên nhạy cảm và rối loạn hoạt động co bóp của đại tràng.
Khi thần kinh ruột nhạy cảm, đại tràng co bóp nhiều (nhu động ruột tăng) sẽ khiến phân nhanh chóng được vận chuyển về phía hậu môn và tống ra ngoài, từ đó gây tình trạng đau bụng, đi ngoài.
Ngược lại khi stress, tín hiệu từ thần kinh não bộ truyền xuống làm giảm nhu động ruột, khiến phân được giữ lại trong lòng ruột lâu hơn, nước bị hấp thu hết thì tình trạng táo bón sẽ xuất hiện.
Các biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài lại khiến chúng ta băn khoăn, lo sợ bản thân mắc bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Cứ như thế, stress lại càng trầm trọng hơn, dần hình thành hội chứng ruột kích thích.
Có thể thấy, tâm lý căng thẳng, stress kéo dài gây nhiều rối loạn nghiêm trọng. Do đó, bạn cần áp dụng biện pháp thư giãn tinh thần, xả stress bằng cách vận động thể lực, đi dạo, tắm nắng, viết nhật ký… Nếu cần thiết, bạn hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập