Mục lục [Ẩn]
Paroxetine thường được các bác sĩ chỉ định trong điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,... Vậy Paroxetine là thuốc gì? Thuốc có tác dụng phụ gì không? Khi sử dụng cần lưu ý những gì? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây!
Tìm hiểu về thuốc chống trầm cảm Paroxetine
Paroxetine là thuốc gì?
Paroxetine là thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị trầm cảm. Paroxetine được biết đến với các loại biệt dược quen thuộc như Parokey, Bluetine, Medi - Paroxetin, Xalexa, Sumiko,...
Thuốc này trên thị trường hiện có có các dạng bào chế và hàm lượng như sau:
- Viên nén bao phim 10 mg, 20 mg, 30 mg, 40 mg (dạng paroxetine hydrochloride anhydrous hoặc hemihydrat).
- Hỗn dịch uống 20 mg/10 ml (dạng paroxetine hydroclorid hemihydrat).
- Viên nén phóng thích kéo dài 12,5 mg; 25 mg; 37,5 mg (dạng paroxetine hydroclorid hemihydrat).
Paroxetine được dùng để điều trị bệnh gì?
Paroxetine được chỉ định để điều trị các bệnh sau:
- Bệnh trầm cảm.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Rối loạn hoảng sợ.
- Chứng ám ảnh sợ xã hội (rối loạn lo âu xã hội).
- Rối loạn lo âu.
- Rối loạn sau sang chấn tâm lý.
- Rối loạn cảm xúc trước hành kinh.
- Triệu chứng sau mãn kinh.
Ngoài các tác dụng trên, thuốc chống trầm cảm Paroxetine còn có thể được dùng với một số tác dụng khác ngoài bao bì theo chỉ định của bác sĩ, ví dụ hội chứng tiền kinh nguyệt.
Cơ chế tác dụng của Paroxetine
Paroxetine là thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI). Cũng giống như các thuốc khác cùng nhóm, Paroxetine làm tăng nồng độ serotonin trong não bộ, giúp cải thiện cảm xúc u buồn, tiêu cực, hoảng sợ,... của bệnh nhân trầm cảm.
Do Paroxetine chỉ ức chế chọn lọc serotonin và ít có ảnh hưởng trên các thụ thể khác nên nó ít tác động đến nhịp tim, huyết áp hay đường huyết.
Thuốc Paroxetine hấp thu, phân bố trong cơ thể như thế nào?
Paroxetine hấp thu chậm nhưng hoàn toàn ở đường tiêu hóa sau khi uống, đạt nồng độ tối đa sau 5 giờ. Thức ăn không ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hấp thu của thuốc.
Paroxetine phân bố rộng khắp trong các mô cơ thể, có thể qua hàng rào máu - não, sữa và liên kết cao với protein huyết tương, xấp xỉ 95%.
Nồng độ ổn định của thuốc thường đạt được sau 7–14 ngày sử dụng, đây cũng là lúc thuốc bắt đầu kích hoạt tác dụng, người bệnh bắt đầu có những chuyển biến trong tâm lý rõ rệt hơn.
Liều dùng
Trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn
- Liều khuyến cáo: 20mg mỗi ngày. Bệnh nhân bắt đầu cải thiện triệu chứng sau 7 ngày nhưng hiệu quả chỉ trở nên rõ ràng từ tuần điều trị thứ 2.
- Nếu bệnh nhân không đáp ứng với liều 20mg, bác sĩ có thể tăng liều dần 10mg sau 1 tuần, có thể lên tối đa 50mg mỗi ngày.
- Bệnh nhân nên được điều trị theo liệu trình ít nhất 6 tháng để đảm bảo giảm hết các triệu chứng.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ
- Liều khuyến cáo: 40mg/ ngày.
- Liều khởi đầu: 20mg/ ngày, tăng dần theo từng mức 10mg cho đến khi đạt mức liều khuyến cáo.
- Nếu bệnh nhân không đáp ứng với liều khuyến cáo 40mg/ ngày, bác sĩ có thể tăng lên đến tối đa 60mg/ngày.
Liều dùng cho đối tượng đặc biệt
Người già:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn căng thẳng sau chấn thương: Đối với dạng bào chế là viên nén, hỗn dịch uống dùng liều khởi đầu là 10mg/ngày và duy trì tăng 10mg mỗi tuần đến khi đạt liều dùng tối đa là 40mg/ngày.
- Trầm cảm, hội chứng hoảng sợ: Đối với Paroxetine 20mg dạng bào chế là viên nén, hỗn dịch uống dùng liều khởi đầu là 10mg/ngày và duy trì tăng 10mg mỗi tuần đến khi đạt liều dùng tối đa là 40mg/ngày. Đối với dạng bào chế là viên nén phóng thích kéo dài dùng liều khởi đầu là 12,5mg/ngày và duy trì tăng 12,5mg mỗi tuần đến khi đạt liều dùng tối đa là 50mg/ngày.
Người suy gan, suy thận
- Viên nén, hỗn dịch uống: Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan/thận mức độ nhẹ - trung bình. Đối với bệnh nhân suy gan/thận mức độ nặng dùng liều khởi đầu là 10mg/ngày và duy trì tăng 10mg mỗi tuần đến khi đạt liều dùng tối đa là 40mg/ngày.
- Viên nén phóng thích kéo dài: Dùng liều khởi đầu là 12,5mg/ngày và duy trì tăng 12,5mg mỗi tuần đến khi đạt liều dùng tối đa là 50mg/ngày ở bệnh nhân suy gan/thận nhẹ - trung bình và 37,5mg/ngày ở bệnh nhân suy gan/thận nặng.
Tác dụng phụ của Paroxetine
Thường gặp (≥ 1/100 đến <1/10)
- Mệt mỏi, chóng mặt, ra mồ hôi, ngáp,
- Suy nhược, tăng cân, run, nhức đầu, giảm tập trung,
- Suy giảm chức năng tình dục.
- Buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, chán ăn, khô miệng, mờ mắt,
- Bồn chồn, mất ngủ, kích động, lo lắng, gặp ác mộng,
- Tăng nồng độ cholesterol.
Ít gặp
- Lú lẫn, ảo giác,
- Phát ban da, ngứa, chảy máu bất thường dưới da,
- Nhịp tim nhanh, rối loạn huyết áp, hạ huyết áp khi thay đổi tư thế,
- Bí tiểu, tiểu tiện không tự chủ,
- Giãn đồng tử.
Hiếm gặp
- Phù ngoại vi, đau cơ, đau khớp,
- Giảm tiểu cầu, nhịp tim chậm,
- Hưng cảm, lo âu, rối loạn vận động, co giật,
- Hội chứng chân không yên, hội chứng serotonin, xuất huyết tiêu hóa, tăng prolactin huyết,
- Chứng to vú ở nam giới,
- Chứng tiết nhiều sữa,
- Phát ban da, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc,
- Viêm gan, vàng da ứ mật,
- Giảm natri huyết.
Chống chỉ định của thuốc Paroxetine
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Paroxetine cho những bệnh nhân sau đây
- Người có mẫn cảm với các thành phần của thuốc
- Phụ nữ có thai cần cân nhắc giữa lợi ích và hậu quả của thuốc trên thai nhi
- Phụ nữ cho con bú không nên sử dụng vì có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ và tác động xấu đến thai nhi
- Một số nghiên cứu cho thấy việc dùng thuốc chống trầm cảm Paroxetine đôi khi có thể làm gia tăng nguy cơ tự tử ở trẻ dưới 18 tuổi. Do đó thường không được chỉ định cho đối tượng này.
- Với người già cần xem xét giữa lợi ích và hậu quả do có thể làm hạ natri máu
- Không dùng cho bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc như pimozide hoặc thioridazine, chất ức chế MAO và tiêm xanh methylen
Một số lưu ý khi dùng thuốc Paroxetine
Tương tác thuốc
Những thuốc không được sử dụng chung:
- Thuốc tim (Amifampridine);
- Thuốc trị trầm cảm (Clorgyline; Isocarboxazid; Moclobemide; Nialamide; Pargyline; Phenelzine; Pimozide; Procarbazine; Rasagiline; Selegiline; Thioridazine; Toloxatone; Tranylcypromine);
- Kháng sinh (Furazolidone; Iproniazid; Linezolid; Methylene Blue; Metoclopramide; Piperaquine).
Thận trọng khi sử dụng chung
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu, ví dụ: Acenocoumarol, Clopidogrel, Ticlopidine; Tinzaparin; Tirofiban; Warfarin,...
- Thuốc kháng viêm không steroid, ví dụ: Aceclofenac, Celecoxib; Aspirin, Etoricoxib, Ibuprofen, Indomethacin; Ketoprofen; Ketorolac; Lornoxicam,...
- Thuốc trị đau nửa đầu: Almotriptan; Eletriptan; Frovatriptan; Naratriptan; Rizatriptan; Sumatriptan; Zolmitriptan.
- Thuốc kháng sinh: Clarithromycin; Delamanid; Ketoconazole; Metronidazole.
- Thuốc trị ung thư.
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Fentanyl; Morphine; Morphine Sulfate Liposome; Oxymorphone; Tapentadol; Tramadol.
Thuốc chống trầm cảm Paroxetine được đánh giá mang đến hiệu quả khá tốt trong cải thiện các vấn đề về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi cho bệnh nhân. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, thực hiện trị liệu tâm lý đều đặn để đảm bảo loại bỏ bệnh hoàn toàn. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập