Mục lục [Ẩn]
Mỗi gia đình ngày nay hầu hết chỉ có một đến hai con, vì vậy, nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng rất lớn vào con cái. Tuy nhiên, sự kỳ vọng quá nhiều của các bậc phụ huynh đôi khi lại tạo nên một áp lực lớn đối với con cái, khiến cho nhiều trẻ cảm thấy mệt mỏi và vô cùng căng thẳng.
Áp lực vì bị cha mẹ kỳ vọng quá nhiều.
Vì sao cha mẹ lại kỳ vọng quá nhiều vào con cái?
Sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ thường xuất phát từ các nguyên nhân như:
- Tình yêu thương đối với con cái, muốn con có được một cuộc sống vui vẻ, đạt được những thành công nhất định. Vì không muốn trẻ phải vất vả, bố mẹ luôn cố gắng để con được học tập trong môi trường tốt nhất với mong muốn con có đủ năng lực để tìm kiếm những công việc ổn định.
- Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể kỳ vọng vào con cái vì không hài lòng với cuộc đời. Họ không muốn con cái phải khổ sở như bản thân nên luôn kỳ vọng và tạo áp lực để con cố gắng hơn nữa.
- Một số bậc cha mẹ muốn biến con cái thành niềm hãnh diện, tự hào của mình nên luôn thúc ép, bắt buộc con phải học tập và đạt được những thành tích đạt ngưỡng mộ.
- Những cha mẹ có địa vị xã hội cao thường kỳ vọng nhiều vào con cháu, mong muốn các con cũng đạt được thành tựu như mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì những kỳ vọng ấy lại khá cao so với năng lực của trẻ.
Biểu hiện của cha mẹ đang kỳ vọng quá mức vào con cái
Để có thể nhận biết được tình trạng cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái bạn có thể dựa vào những biểu hiện cụ thể sau đây:
- Cha mẹ không cho con tham gia vào bất kì hoạt động vui chơi, giải trí nào mà chỉ được tập trung vào chuyện học tập. Họ xây dựng cho con một lịch trình học tập dày đặc. Bên cạnh việc hoàn thành tốt việc học tại trường thì trẻ còn phải tham gia rất nhiều các lớp học thêm, các khóa học năng khiếu, lớp dạy kỹ năng.
- Họ rất ít khi khen ngợi hoặc tán dương con dù con đạt được những thành tích tốt mà luôn chê bai để con nỗ lực nhiều hơn.
- Kiểm soát trẻ quá mức: Trộm xem nhật ký, xem điện thoại, không cho con chơi với bạn này bạn kia vì thành tích học tập kém.
- Thường đem con so sánh với những bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là những đứa trẻ có thành tích tốt hơn. Họ thường không muốn công nhận những sự cố gắng của con cái mà chỉ hi vọng con càng phải phát triển và nỗ lực nhiều hơn nữa.
- Mắc nhiếc, chỉ trích con thậm tệ nếu con không đạt được những thành tích mà cha mẹ mong muốn.
- ….
Áp lực của trẻ khi bị cha mẹ kỳ vọng quá nhiều
Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ thường tạo nên các áp lực vô hình và tiêu cực lên trẻ. Điều này khiến trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu và mệt mỏi, lâu dần trở nên suy kiệt về mặt sức lực và tinh thần.
Việc cha mẹ thường xuyên đem con ra so sánh với những bạn cùng trang lứa cũng khiến cho trẻ cảm thấy mất dần sự tự tin, trở nên nhút nhát, lòng tự trọng thấp, cho rằng bản thân yếu kém, bất tài. Với tính cách này, trẻ không thể nổi bật dù có thành tích tốt và cũng sẽ khó thành công trong tương lai. Trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ sa lầy vào các tệ nạn xã hội như bạo lực, trộm cắp, nghiện ngập do bị cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào bản thân.
Áp lực quá lớn khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý. Nhiều trẻ hình thành trạng thái chán nản, buồn bã, bi quan, tuyệt vọng và có xu hướng muốn lẩn tránh, bỏ trốn khỏi việc học tập vì cảm thấy quá mệt mỏi. Theo thời gian, những phẫn uất ngày một lớn dần khiến trẻ gặp phải những vấn đề tâm lý như tự làm hại bản thân, căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Ngoài ra, một số trẻ còn hình thành tâm lý thù địch bố mẹ vì cho rằng những mệt mỏi bản thân đang phải đối mặt là do gia đình gây ra. Trẻ thường xuyên kích động, chống phá, phản kháng lại cha mẹ, thậm chí có những hành vi tiêu cực, làm tổn thương đến bản thân và cả cha mẹ của mình.
Sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ có thể kéo xa khoảng cách thế hệ
Điều này cũng khiến cho khoảng cách giữa hai thế hệ dần trở nên xa cách. Con trẻ sẽ không thể nào thổ lộ và bày tỏ mong muốn của mình với cha mẹ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, những áp lực của con cứ kéo dài dai dẳng và không được tháo gỡ tốt sẽ khiến cho trẻ dễ hình thành các suy nghĩ tiêu cực. Đã có một vài trường hợp con trẻ lựa chọn cái chết để có thể tự giải thoát bản thân ra khỏi các áp lực vô hình từ chính những kỳ vọng lớn lao của cha mẹ.
Cách để thoát khỏi những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ
Hướng xử lý cho con cái
Sự kỳ vọng của cha mẹ thường xuất phát từ tình yêu thương, vì thế, con cái cũng nên thấu hiểu và thông cảm cho nỗi lòng của những bậc làm cha, làm mẹ.
Khi phải đối diện với những áp lực do kỳ vọng quá lớn của cha mẹ thì điều đầu tiên các con cần làm là thẳng thắn chia sẻ và tâm sự với họ hoặc những người thân thiết trong gia đình. Hãy nói rõ suy nghĩ của bản thân với thái độ nghiêm túc và bình tĩnh để bố mẹ biết được năng lực, thế mạnh, hạn chế và mong muốn thực sự của bản thân. Đồng thời phải cho bố mẹ thấy, bản thân con đã rất nỗ lực và luôn nghiêm túc trong việc học nhưng năng lực mỗi người mỗi khác nên đôi khi con không thể giành được vị trí như bố mẹ mong đợi.
Nếu cha mẹ quá hà khắc và bảo thủ thì con cái có thể nhờ đến sự hỗ trợ của ông bà, thầy cô. Thầy cô chính là người trực tiếp chỉ dạy và gần gũi với trẻ nhất trong môi trường học tập, hiểu rõ về năng lực của trẻ nhỏ và cũng có tiếng nói nhất định đối với các bậc phụ huynh. Lời nói của thầy cô sẽ có giá trị hơn trong mắt bố mẹ nên phần nào có thể giúp bố mẹ thay đổi suy nghĩ.
Lời khuyên cho bố mẹ
Trong những năm gần đây, những trường hợp trẻ bị trầm cảm, rối loạn lo âu,… ngày càng tăng do áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn từ gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ cũng cần đánh giá lại bản thân để kịp thời điều chỉnh. Những mong đợi từ gia đình có thể giúp trẻ hình thành động lực để phát triển bản thân. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên tiết chế sự kỳ vọng ở mức vừa phải và tránh tình trạng áp đặt con cái quá mức để con có thể học tập với tâm thế thoải mái nhất.
Cha mẹ cũng cần hiểu rằng, năng lực của mỗi người là không giống nhau. Đôi khi, sự nỗ lực và cố gắng có thể không mang lại kết quả như mong đợi. Chính vì vậy, nên khích lệ để con trẻ học tập siêng năng thay vì tạo áp lực quá lớn.
Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo áp lực lớn cho con cái. Đôi khi điều này không mang lại kết quả tốt mà ngược lại còn kìm hãm sự phát triển của con. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần đánh giá khách quan năng lực của con và lắng nghe mong muốn của trẻ thay vì áp đặt. Hãy để cho trẻ có cơ hội học những gì con thích và trở thành người mà con mong muốn.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập