Mục lục [Ẩn]
Với nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nỗi lo về công việc, gia đình, tài chính, các mối quan hệ xã hội… dễ khiến chúng ta bị stress. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên, không chỉ sức khỏe tinh thần bị sụt giảm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng như trầm cảm, mất ngủ, tim mạch… Vậy cụ thể, tác hại của stress với sức khỏe là gì?
Stress đến từ đâu?
Stress đến từ đâu?
Stress là trạng thái thần kinh căng thẳng, bao gồm nhiều yếu tố như vật lý, hóa học và phản ứng của một cá thể đang cố gắng thích nghi với áp lực từ bên trong hoặc bên ngoài. Khi gặp tác nhân gây stress, cơ thể sẽ tiết ra các hormone giúp cung cấp năng lượng mạnh mẽ cho cơ bắp, làm nhịp thở nhanh hơn, nhịp tim tăng lên.
Những nguyên nhân gây stress trong cuộc sống bao gồm:
Yếu tố từ cơ thể
- Sức khỏe: Người gặp những tình trạng sức khỏe không tốt như ốm đau, suy nhược hoặc mắc bệnh hiểm nghèo…
- Tâm lý: Suy nghĩ tiêu cực mọi việc, đặt quá nhiều kỳ vọng không thực tế, tự tạo áp lực cho bản thân, thường xuyên mất ngủ và sử dụng chất kích thích…
Yếu tố từ môi trường
- Nơi sống hoặc làm việc nhiều tiếng ồn
- Thay đổi thời tiết đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh
- Môi trường ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông
- Gia đình bất hòa, mâu thuẫn với người thân, bạn bè
- Áp lực công việc, tài chính…
Thực tế, stress là trạng thái tự nhiên, bất cứ ai cũng phải đối mặt nó. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách hạn chế trạng thái này, cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tác hại của stress với sức khỏe là gì?
Điểm danh các tác hại của stress đối với sức khỏe
Nếu bạn chỉ stress tức thời, trạng thái này sẽ giúp cơ thể dồi dào năng lượng để vượt qua khó khăn, thử thách. Thế nhưng, tình trạng căng thẳng kéo dài lại gây hại cho sức khỏe.
Cụ thể, những tác hại của stress gồm có:
Mất ngủ
Một loại hormone được cơ thể tiết ra khi stress chính là cortisol. Nó cung cấp năng lượng, tăng cường sự tỉnh táo và tập trung cho con người.
Bình thường, loại hormone này được tiết nhiều vào buổi sáng. Nhưng khi tâm lý căng thẳng, cortisol được sản sinh vào cả buổi tối khiến con người tỉnh táo, khó ngủ, ngủ trằn trọc, dễ tỉnh giấc, dần hình thành bệnh mất ngủ.
Ngược lại, mất ngủ sẽ khiến cơ thể không được nghỉ ngơi để hồi phục lại năng lượng, nhất là các tế bào thần kinh và não bộ. Vốn dĩ các tế bào đó đang trong trạng thái căng thẳng, lại không được nghỉ ngơi làm cho tình trạng stress tồi tệ hơn. Cứ như vậy, stress và mất ngủ tác động qua lại, tạo nên một vòng xoắn bệnh lý kéo dài dai dẳng rất khó điều trị.
Tăng nguy cơ béo phì
Hormone cortisol được sản sinh liên tục do stress kéo dài sẽ làm tăng mức đường huyết và insulin. Ngoài tác dụng vận chuyển đường vào tế bào, insulin còn là hormone tích trữ chất béo trong cơ thể, gây tăng cân, béo phì.
Ngoài ra, nhiều người bị stress còn có xu hướng ăn quá nhiều hoặc ăn những loại thức ăn không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ béo… Thêm nữa, họ trở nên lười vận động, không có tâm trạng làm việc gì. Chính vì thế, cân nặng ngày một tăng lên.
Stress tăng nguy cơ béo phì
Tăng huyết áp
Ngoài cortisol, stress còn làm cơ thể tăng tiết epinephrine. Cả hai hormone này đều làm tăng nhịp tim, nhịp thở và huyết áp. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, huyết áp luôn ở ngưỡng cao sẽ dần phát triển thành bệnh lý.
Với những người có sẵn các bệnh tim mạch, căng thẳng quá mức còn làm tăng các biến chứng nguy hiểm như đau tim, đột tử.
Đau đầu
Hormone cortisol và epinephrine tăng cao khi stress làm mạch máu co lại. Tình trạng này cản trở tuần hoàn máu lên não, gây đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Người bệnh thường thấy cơn đau âm ỉ, căng tức hoặc có áp lực xung quanh trán, sau đầu và cổ. Một số trường hợp còn mô tả chứng đau đầu cho stress giống như có chiếc kẹp đang bóp chặt hộp sọ. Đây là tình trạng đau đầu phổ biến nhất ở người trưởng thành.
Tác hại của stress làm suy giảm trí nhớ
Đại não là cơ quan hình thành, lưu trữ trí nhớ, điều tiết cảm xúc và ham muốn tình dục. Khi đối mặt với căng thẳng, cơ quan này phải hoạt động quá mức để điều chỉnh tâm trạng, từ đó giảm ham muốn tình dục và khả năng ghi nhớ.
Ngoài ra, stress cũng gây rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của đại não. Đa số những người bị stress trường diễn đều hay quên, lơ đễnh, khó tập trung trong công việc.
Stress làm suy giảm trí nhớ
Stress gây rụng tóc và bạc tóc
Ở trạng thái stress, các tế bào trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả, trong đó có tế bào nang tóc. Khi tâm lý căng thẳng kéo dài, tình trạng rụng tóc sẽ xuất hiện.
Mặt khác, cortisol được cơ thể tiết ra khi stress còn cản trở hoạt động sản xuất của melanin. Đây là một loại sắc tố có nhiệm vụ duy trì màu tóc tự nhiên của con người. Nếu thiếu hụt melanin, màu tóc sẽ chuyển dần sang bạc trắng. Theo đó, người nào càng stress, tóc càng rụng và bạc màu.
Các vấn đề về da
Stress gây mất ngủ, khiến cơ thể bị rối loạn sắc tố. Chúng dần tích tụ lại ở da, làm da trở nên xỉn màu, sạm đi. Lớp biểu bì suy yếu vừa giảm khả năng bảo vệ da, lại vừa tạo nhiều nếp nhăn và vết chân chim. Hơn nữa, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vết thương ngoài da, khiến vết thương lâu lành.
Cortisol tăng cao còn gây hại đến cấu trúc collagen và elastin. Đây đều là thành phần giúp da có độ đàn hồi, làm da mềm mại. Khi cấu trúc của chúng bị phá hủy, da sẽ chuyển sang trạng thái thô ráp.
Các nội tiết tố do cơ thể tiết ra lúc căng thẳng còn là chất xúc tác của mụn trứng cá, làm da tiết nhiều dầu. Da cũng mỏng và dễ tổn thương hơn, có quầng thâm vùng da dưới mắt, bọng mắt.
Stress làm da nhăn nheo, hình thành vết chân chim
Tác hại của stress là gây các vấn đề tiêu hóa
Bình thường, hoạt động của nhu động ruột được chi phối bởi não bộ thông qua trục thần kinh não ruột. Khi stress, hệ thần kinh trung ương sẽ truyền tín hiệu xuống thần kinh ruột, khiến đại tràng rối loạn co bóp. Hậu quả là người bệnh bị đau bụng, đi ngoài nhiều lần, tiêu chảy, táo bón, phân không thành khuôn, đầy bụng chướng hơi… Về lâu dài, stress sẽ dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
Thêm nữa, stress còn gây co thắt thực quản, làm tăng tiết axit trong dạ dày. Tình trạng này là khởi nguồn của bệnh viêm loét dạ dày.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tâm lý
Stress kéo dài là khởi nguồn của các bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh, trầm cảm.
Khi stress, cơ thể giảm tiết các hormone hạnh phúc như serotonin và dopamin. Chúng có tác dụng giúp điều chỉnh tâm trạng, mang lại cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Nếu thiếu hụt các hormone này, con người sẽ rơi vào trạng thái buồn bã, mất hết động lực, hứng thú trong cuộc sống, dần mắc các bệnh tâm lý.
Có thể thấy, tác hại của stress vô cùng đa dạng. Để tránh những tác hại đó, bạn nên trang bị cho mình những cách kiểm soát căng thẳng, thư giãn tinh thần ngay từ bây giờ. Chúc các bạn sức khỏe!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập