Mục lục [Ẩn]
Đã từ lâu ở nước ta, cờ bạc được xếp vào nhóm tệ nạn xã hội. Bởi lẽ, nó không chỉ gây khuynh gia bại sản, vợ chồng ly tán mà còn là khởi nguồn của các vấn đề khác như lạm dụng chất gây nghiện, tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần. Nó hủy hoại tương lai tươi đẹp của người chơi, đồng thời gây hệ lụy nghiêm trọng cho gia đình và xã hội.
Thua cờ bạc tiền tỷ: Người đàn ông phát bệnh tâm thần
Tìm hiểu về chứng nghiện cờ bạc
Ngày 26/2, TS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết, nghiện cờ bạc hay rối loạn cờ bạc liên quan đến hành vi cờ bạc lặp lại nhiều lần, dẫn đến các vấn đề cá nhân, gia đình và xã hội.
Nghiện cờ bạc là một rối loạn tâm thần tương đương với nghiện rượu, ma túy. Nó xảy ra do hệ thống não bộ bị rối loạn. Người nghiện cờ bạc có 4 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu như:
- Nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn như mong muốn.
- Bồn chồn, cáu gắt khi cố gắng giảm hoặc ngừng đánh bạc.
- Thường để tâm đến cờ bạc, chẳng hạn như:
- Suy nghĩ dai dẳng, hồi tưởng lại những trải nghiệm cờ bạc trong quá khứ
- Lên kế hoạch cho cuộc mạo hiểm tiếp theo
- Nghĩ ra cách kiếm tiền để đánh bạc
- Nói dối để che giấu mức độ liên quan đến cờ bạc
Những người mắc chứng rối loạn cờ bạc còn kèm theo rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tập luyện và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác. Vì vậy, họ có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm…
Thua cờ bạc tiền tỷ: Người đàn ông phát bệnh tâm thần
Đó là câu chuyện của người đàn ông 34 tuổi trú tại thành phố Hà Tĩnh. Trước đây, sức khỏe anh bình thường, không sử dụng chất kích thích. Từ khi còn là sinh viên đại học, anh đã chơi cờ bạc thông qua hình thức cá độ bóng đá. Lúc này, tần suất và số tiền chơi chưa nhiều.
Người đàn ông chơi cá độ bóng đá từ thời sinh viên
Sau khi ra trường, anh làm việc cho công ty nước ngoài, thu nhập khá. Đây cũng là khởi nguồn cho chuỗi ngày dẫn thân vào cờ bạc của anh. Tần suất và số tiền chơi trò đỏ đen ngày càng tăng lên. Nó kéo theo mâu thuẫn gia đình, ly hôn. Từ đó, người đàn ông ra quán internet ăn uống, sinh hoạt và đánh bài online hàng tháng.
Gia đình anh chia sẻ, mỗi tháng anh chi 60-80 triệu đồng cho việc đánh bạc. Hiện số nợ của anh đã lên tới vài tỷ đồng. Cách đây vài tuần, anh mệt mỏi, tự ti về bản thân, hay suy nghĩ tiêu cực, sụt 10 kg. Đồng thời, anh còn xuất hiện tình trạng hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh, chân tay run, toàn thân nóng bừng, được người nhà đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai, Hà Nội thăm khám.
Kết quả kiểm tra cho thấy, người đàn ông bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc kết hợp với tư vấn tâm lý.
Các bác sĩ cũng chia sẻ nghiện cờ bạc thường xảy ra đồng thời với các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, rối loạn lo âu trầm cảm và rối loạn nhân cách. Trong đó, tỷ lệ người bị rối loạn nhân cách rất cao, trên 60%; rối loạn cảm xúc khoảng 50%; rối loạn lo âu trên 40%.
Tìm hiểu các bệnh tâm thần thường gặp
Các nhà khoa học nhận thấy hiện nay, có đến 300 chứng bệnh tâm thần khác nhau, thường gặp nhất bao gồm:
Trầm cảm (Depression) đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, trống rỗng và mất hứng thú dai dẳng. Người bệnh thường suy nghĩ mọi việc theo hướng bi quan, cảm thấy tự ti và chán ghét bản thân, tự cô lập với cộng đồng.
Trầm cảm khiến người bệnh tự ti, chán ghét bản thân
Về thể chất, trầm cảm khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, vã mồ hôi tim đập nhanh, tay lạnh, khô miệng, buồn nôn, đau mỏi cổ, nóng lạnh bất thường…
Nếu không được điều trị kịp thời, trầm cảm tiến triển nặng sẽ khiến người bệnh thực hiện các hành vi tiêu cực như tự hại bản thân, thậm chí là tự tử.
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là tình trạng một người có nỗi lo sợ thái quá trước một tình huống nào đó. Nó mang tính chất vô lý, lặp lại, kéo dài, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Khi phải đối diện với nỗi sợ, người bệnh sẽ trở nên hoảng loạn, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu.
Rối loạn lo âu cho rất nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
- Rối loạn lo âu xã hội: Người bệnh lo lắng một cách thái quá khi bị người khác nhìn hoặc phê bình, khi đứng nói trước đám đông, khi nói chuyện với người lạ hay hẹn hò, ăn trước mặt người khác…
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Người bệnh cực kỳ lo lắng và thường xuyên căng thẳng, sợ hãi về nhiều điều khác nhau, ngay cả khi điều đó rất đỗi bình thường, chẳng hạn như: Vấn đề tài chính, hiệu quả công việc, sức khỏe, sự chậm trễ (đi làm muộn, đến cuộc hẹn muộn…)
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Người bệnh thường có hành vi, suy nghĩ lặp đi, lặp lại một cách vô nghĩa để giảm bớt căng thẳng hay lo âu, ví dụ như: Rửa tay liên tục, kiểm tra mọi thứ thường xuyên, dọn dẹp nhà theo nguyên tắc và lúc nào nhà cửa cũng phải ở trạng thái sạch sẽ…
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Đặc trưng của chứng bệnh này là những suy nghĩ, hành vi lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa để giảm bớt căng thẳng, lo âu. Bạn dễ dàng nhận biết người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thông qua các hành vi sau:
- Lúc nào cũng muốn kiểm tra mọi thứ vì tâm lý bất an.
- Dọn dẹp nhà cửa theo nguyên tắc, lúc nào nhà cũng phải ở trạng thái sạch sẽ.
Người mắc chứng OCD hay dọn dẹp nhà cửa theo nguyên tắc
- Ám ảnh về những con số, lo lắng thái quá khi gặp số không may.
- Phóng đại về vấn đề bạo lực đến nỗi họ không dám đến nơi công cộng vì sợ bị bạo hành.
- Có suy nghĩ bất thường về tình dục như muốn quan hệ với người lạ, trẻ em hoặc người đồng giới…
- Dằn vặt về các mối quan hệ, sợ làm tổn thương đối phương.
- Thiếu tin tưởng vào quyết định của bản thân, hay hỏi ý kiến mọi người xung quanh về mọi thứ.
- Cực kỳ ghét soi gương, không tin vào những lời khen về ngoại hình, cảm thấy bản thân sinh ra đã không được đẹp.
Rối loạn hành vi
Rối loạn hành vi là tình trạng một người khó kiểm soát được hành động của bản thân, gặp khó khăn khi phải tuân theo nguyên tắc hành xử thông thường. Dấu hiệu thường gặp ở người mắc tình trạng này bao gồm:
- Cư xử hung hãn với đồ vật hay mọi người xung quanh.
- Uống rượu, hút thuốc, làm những hành động gây hại cho bản thân.
- Hành vi tiêu cực, không tuân theo các quy định, quy tắc xã hội.
- Thường gây gổ, đánh nhau, nói dối, ăn cắp...
- Việc hòa nhập với xã hội trở nên khó khăn
Các chứng bệnh tâm thần nêu trên đều thường gặp trong xã hội hiện nay. Tùy từng tình trạng bệnh, các chuyên gia sẽ chỉ định liệu pháp điều trị phù hợp.
Có thể thấy, nghiện cờ bạc vừa tàn phá sức khỏe người chơi, vừa ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Nó còn là nguồn cơn dẫn đến các bệnh tâm thần khác khi hậu quả vượt quá mức kiểm soát. Do đó, bạn không nên liên quan đến trò đỏ đen này.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập