Mục lục [Ẩn]
Tình trạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu thường có những nỗi sợ kỳ lạ, chẳng hạn như sợ ma, sợ yêu hay sợ đụng chạm... Lúc này, người bệnh thường tìm mọi cách để tránh phải đối diện với nỗi sợ đó, khiến công việc, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu hội chứng sợ đụng chạm, mời các bạn cùng đón đọc!
Hội chứng sợ đụng chạm là gì?
Hội chứng sợ đụng chạm là gì?
Hội chứng sợ đụng chạm - Haphephobia là tình trạng mà một người sợ hãi tột độ khi ai đó chạm vào người họ, trừ người thân thiết trong gia đình và một số bạn bè. Họ cũng biết nỗi sợ đó là vô lý nhưng không thể nào kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
Thực tế trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải tiếp xúc ít nhiều với người lạ, chẳng hạn như đi nơi đông người, chen chúc trên xe bus… Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không cần bận tâm. Tuy nhiên, với người bị hội chứng sợ đụng chạm, họ sẽ cố gắng tối đa việc phải tiếp xúc cơ thể với người khác. Nếu tình huống đó xảy ra, họ sẽ giật mình, hoảng loạn, phản ứng quá mức vô lý.
Các triệu chứng của hội chứng sợ đụng chạm
Hội chứng sợ đụng chạm đặc trưng bởi nỗi sợ mãnh liệt, dữ dội và phi lý về việc bị người khác chạm vào mình. Cụ thể, họ thường có các triệu chứng sau:
- Xuất hiện triệu chứng thể chất khi cảm thấy ai đó sắp chạm vào người: Run rẩy, đánh trống ngực, toát mồ hôi, khó thở, đau tức ngực, choáng váng, mất phương hướng, khô miệng, buồn nôn, đứng không vững…
- Nếu bị ai đó vô tình hay cố ý chạm vào, họ có thể la hét, hoảng loạn, kích đụng, bỏ chạy hoặc thậm chí là ngất xỉu.
- Luôn cảm thấy nguy hiểm mỗi khi ra ngoài, thường tìm cách né tránh bởi có nguy cơ va chạm với người khác.
Người bị hội chứng sợ đụng chạm luôn cảm thấy nguy hiểm mỗi khi ra ngoài
- Từ chối đến nơi đông người, nơi có nguy cơ va chạm cao, chẳng hạn như xe bus, các buổi tiệc, các sự kiện vui chơi ngoài trời hay các trò chơi tập thể…
- Luôn trong trạng thái lo âu, phòng bị vì sợ sẽ va chạm với ai đó, không thể tập trung làm bất cứ việc gì.
- Dễ gặp ác mộng vì suy nghĩ, lo âu quá nhiều
- Trẻ nhỏ có thể xuất hiện xu hướng la hét, khóc lóc, giận dữ nếu bị ai đó chạm vào.
Dù bản thân người bệnh biết rằng nỗi sợ đó là phi lý nhưng họ không thể nào kiểm soát được cảm xúc và các phản ứng của bản thân.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ đụng chạm
Những yếu tố dẫn đến hội chứng sợ đụng chạm bao gồm:
Ám ảnh từ quá khứ: Những trải nghiệm đau thương từ quá khứ như:
- Bị bạo hành, tra tấn về thể xác
- Tấn công tình dục
Chúng tác động trực tiếp đến hạch hạnh nhân, hình thành nỗi sợ hãi ám ảnh về sau.
Tính chất di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc hội chứng sợ đụng chạm thì các thành viên khác cũng có nguy cơ cao gặp tình trạng này.
Yếu tố di truyền cũng góp phần dẫn đến hội chứng sợ đụng chạm
Yếu tố tính cách: Những người có tính cách nhút nhát, ngại ngùng, hay xấu hổ, ít tiếp xúc với bên ngoài hoặc quá lo âu cũng có nguy cơ mắc hội chứng sợ đụng chạm.
- Mắc các vấn đề tâm lý khác: Hội chứng sợ đụng chạm có thể phát triển từ các vấn đề tâm lý, tâm thần khác bao gồm:
- Hội chứng sợ đám đông
- Hội chứng sợ vi trùng (Mysophobia)
- Sang chấn tâm lý sau khi bị cưỡng bức, lạm dụng hoặc bạo hành.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Hội chứng sợ đụng chạm gây hệ lụy gì?
Hội chứng sợ đụng chạm không đe dọa ngay lập tức đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Họ thường phản ứng thái quá với hành vi va chạm nên dễ mất lòng người khác. Nhiều trường hợp chọn cách trốn ở nhà, tách biệt bản thân với xung quanh, không ra ngoài để không phải va chạm với ai khác. Theo đó, họ ít mối quan hệ thân thiết, gần như không có bạn bè để chia sẻ.
Mặt khác, hội chứng sợ đụng chạm khiến người bệnh khó tìm kiếm các công việc phù hợp. Nếu còn là học sinh, họ không dám đến trường. Các mối quan hệ yêu đương cũng hầu như không thể diễn ra. Bởi lẽ, người bệnh sợ hãi việc thân mật hay tình dục, nguy cơ phải sống cô độc suốt đời.
Người bị hội chứng sợ đụng chạm nguy cơ phải sống cô độc
Đặc biệt, tâm trạng căng thẳng, âu lo và sợ hãi cũng gia tăng các vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, suy nhược cơ thể,… Nhiều người bất lực trước nỗi sợ của bản thân, xu hướng lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất gây nghiện để giải tỏa cảm xúc. Những trường hợp này gần như không còn khả năng học tập, làm việc, đánh mất các mối quan hệ và sống phụ thuộc vào gia đình.
Cách điều trị hội chứng sợ đụng chạm
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ đụng chạm bao gồm:
Liệu pháp tâm lý
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ đụng chạm nói riêng. Nó xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, giảm bớt nỗi sợ phi lý về việc tiếp xúc cơ thể, giúp người bệnh có phản ứng bình thường khi ai đó chạm vào.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ đụng chạm thường là:
- Liệu pháp tiếp xúc: Đây là liệu pháp hiệu quả nhất đối với hội chứng sợ đụng chạm. Bệnh nhân sẽ đối mặt với tình huống ai đó chạm vào người thông qua suy nghĩ, hình ảnh và cuối cùng là để chuyên gia chạm trực tiếp vào cơ thể. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách kiểm soát nỗi sợ để tránh hoảng loạn và mất kiểm soát. Khi đã thích nghi với suy nghĩ bị ai đó chạm vào, chuyên gia sẽ tăng dần mức độ cho đến khi bệnh nhân không cảm thấy sợ hãi.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Phương pháp này hướng đến việc thay đổi những suy nghĩ tiêu cực bằng nhận thức đúng đắn hơn. Qua đó, người bệnh sẽ giảm cảm giác sợ hãi, lo lắng và ngừng các hành vi né tránh.
- Liệu pháp thôi miên: Chuyên gia chỉ định thôi miên để giúp người bệnh cởi mở và tiếp nhận tốt hơn với việc tiếp xúc cơ thể.
Sử dụng thuốc
Khi người bệnh có các triệu chứng thể chất nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các thuốc để cải thiện. Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm có: Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta…
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết thông tin về hội chứng sợ đụng chạm. Hội chứng này mang lại nhiều phiền toái trong công việc và cuộc sống, nguy cơ dẫn tới nhiều bệnh lý tinh thần nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên khắc phục nó càng sớm càng tốt. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập