Mục lục [Ẩn]
Cha mẹ được coi là những người giữ vai trò định hướng trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Họ là những người chăm sóc chính, người sẽ nuôi dạy con nhỏ những giá trị của cuộc sống và giúp chúng hình thành nhân cách của mình. Tuy nhiên, không phải tất cả các bậc cha mẹ đều tuyệt vời và một số kiểu cha mẹ độc hại có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của con cái họ.
Dấu hiệu nuôi dạy con độc hại
Cha mẹ độc hại là những người có tác động tiêu cực đến cuộc sống của con cái họ thông qua hành vi hoặc lời nói. Chúng có thể gây tổn hại về cảm xúc, tâm lý và đôi khi cả về thể chất cho con cái.
Nhận biết cha mẹ độc hại có thể là một thách thức lớn, đặc biệt là nếu bạn đã lớn lên với hành vi của họ bởi đôi khi, bạn sẽ coi đó là những điều bình thường. Một số dấu hiệu của cha mẹ độc hại bao gồm:
- Hành vi coi thường hoặc hạ thấp phẩm giá con cái
- Lạm dụng thể chất hoặc tinh thần con trẻ
- Phớt lờ nhu cầu của trẻ
- Tham gia quá mức vào cuộc sống của trẻ
- Kỳ vọng không thực tế
- Thao túng và kiểm soát
- Lạm dụng chất gây nghiện
- Luôn đùn đẩy trách nhiệm trước những hành động của mình
- Thường xuyên chỉ trích hoặc cằn nhằn
Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những kiểu cha mẹ độc hại đó là gì và cách đối phó ra sao.
10 kiểu cha mẹ nuôi dạy con độc hại
1. Cha mẹ ái kỷ
Ái kỷ là thuật ngữ để chỉ những người quá yêu bản thân, họ đánh giá quá cao khả năng của mình và phóng đại thành quả của họ.
Cha mẹ ái kỷ có thể lạm dụng tinh thần và bỏ bê con cái, đồng thời họ có xu hướng coi con cái như những bản sao, phiên bản mở rộng của chính họ thay vì để chúng phát triển những bản sắc cá nhân của mình. Họ thường sử dụng con cái để đáp ứng nhu cầu quyền lực của họ, họ có thể trở nên ghen tị với chính thành tích của con hoặc ghen tị khi con cái nhận được nhiều sự chú ý của người khác hơn.
Cha mẹ ái kỷ coi con mình như những “bản sao” của họ
Họ cũng có thể chỉ trích, đòi hỏi và kiểm soát thái quá, đặt ra những kỳ vọng không thực tế và trừng phạt con cái khi chúng không đáp ứng được.
Con cái của những bậc cha mẹ ái kỷ thường phải vật lộn với lòng tự trọng thấp, cảm giác không thỏa đáng và thiếu khả năng xác định ranh giới trong các mối quan hệ. Họ cũng có thể cảm thấy lo lắng, rối loạn lo âu, trầm cảm và khó hình thành các mối quan hệ sau này trong cuộc sống.
2. Cha mẹ ngược đãi
Ngược đãi trong quá trình nuôi dạy con có thể có nhiều hình thức, bao gồm lạm dụng thể thất và tình cảm. Lạm dụng thể chất là các hành vi đá, đánh, thậm chí là ném đồ vật, còn lạm dụng tình cảm bao gồm gọi tên cùng những từ ngữ xúc phạm, coi thường và từ chối đáp lại tình cảm của con cái.
Con cái của cha mẹ ngược đãi thường phải vật lộn với những ảnh hưởng lâu dài của sang chấn tâm lý, bao gồm trầm cảm, lo lắng quá mức. Họ cũng có thể phải đấu tranh với các vấn đề về giá trị bản thân, lòng tin và hình thành các mối quan hệ lành mạnh, bao gồm tình yêu và tình bạn.
3. Cha mẹ bỏ bê
Cha mẹ thờ ơ, bỏ bê được đặc trưng bởi việc không đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ, bao gồm chăm sóc sức khỏe thể chất, giáo dục, tình cảm và tâm lý. Cha mẹ bỏ bê có thể không cung cấp đủ thức ăn, quần áo, chỗ ở cho con cái, khiến chúng dễ bị tổn hại về thể chất và các vấn đề sức khỏe.
Ngoài ra, những bậc cha mẹ này cũng có lối sống xa cách về mặt tình cảm, không dành cho con cái tình yêu và sự hỗ trợ cần thiết mà chúng cần để phát triển.
Những đứa trẻ phải lớn lên trong sự thờ ơ của cha mẹ phải vật lộn với chứng nghiện ngập và các hành vi phá hoại khi chúng cố gắng đương đầu với nỗi đau của những trải nghiệm thời thơ ấu. Đồng thời, chúng cũng phải đấu tranh với lòng tự trọng thấp, gặp khó khăn ở trường học hoặc xã hội. Nguy hiểm hơn, chúng cũng có xu hướng trở thành những cha mẹ thiếu trách nhiệm tương tự như chính cha mẹ mình.
4. Cha mẹ cầu toàn
Cha mẹ cầu toàn là kiểu cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao vào con cái, thường chỉ trích thành tích của chúng và trừng phạt chúng vì bất kỳ sai lầm, thiếu sót nào.
Cha mẹ cầu toàn tạo quá nhiều áp lực cho con cái
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ cầu toàn sẽ phải chịu đựng lòng tự trọng thấp, cảm giác kém cỏi và gặp khó khăn trong việc xác định giá trị bản thân mình. Áp lực luôn phải đáp ứng các tiêu chuẩn “trên trời” sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm và rối loạn lo âu. Hơn nữa, những đứa trẻ như vậy sẽ có xu hướng sợ rủi ro, sợ thất bại và tránh né những thử thách mới.
5. Cha mẹ thao túng
Đây là những bậc cha mẹ thường xuyên sử dụng hành vi thao túng cảm xúc để kiểm soát con cái của họ. Điều này có thể ở dạng châm chọc, đe dọa hay phổ biến nhất là so sánh con cái với “con nhà người ta”.
Trẻ em được nuôi dạy bởi những cha mẹ như vậy có thể phát triển các vấn đề bất ổn về niềm tin, lòng tự trọng, lo lắng, và vật lộn với việc đưa ra quyết định, khó khăn trong thiết lập các ranh giới lành mạnh, ngay cả khi đã trở thành người lớn.
6. Cha mẹ nghiện ngập
Sự nghiện ngập của cha mẹ là một vấn đề nghiêm trọng và gây ra những hậu quả nguy hiểm cho trẻ em.
Cha mẹ nghiện ngập là những người có cuộc sống gắn liền với việc sử dụng rượu hoặc ma túy, hoặc cả hai, hay các loại nghiện khác, chẳng hạn như cờ bạc, game online. Họ có thể bỏ bê những nhu cầu cơ bản của con cái, gây tổn hại đáng kể về mặt cảm xúc và tâm lý cho con cái họ.
Không những vậy, những gia đình có một trong hai người cha hoặc mẹ nghiện ngập sẽ có xu hướng phát triển những hành vi bạo lực. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến cảm xúc và tâm lý cho con cái họ và đặc biệt, về sau này con cái họ cũng có khả năng phát triển các vấn đề nghiện ngập tương tự cha mẹ mình.
7. Cha mẹ kiểm soát
Cha mẹ kiểm soát là kiểu cha mẹ độc hại thường xuyên ra lệnh cho mọi hoạt động, cách xây dựng tình bạn và thậm chí là cả sự lựa chọn nghề nghiệp của con cái họ.
Trẻ thiếu tự lập khi bị cha mẹ kiểm soát quá mức
Trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ kiểm soát là những đứa trẻ không có được sự độc lập, thường gặp khó khăn trong việc tự mình đưa ra quyết định, trở nên yếu đuối về tinh thần cảm cảm xúc. Ngay cả khi đã trưởng thành, chúng vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ để đưa ra mọi quyết định cho chúng.
8. Cha mẹ bao bọc
Đây là kiểu nuôi dạy con cái mà cha mẹ sẵn sàng “hạ gục” bất kỳ trở ngại hoặc thử thách nào mà con họ có thể gặp phải để giúp cuộc sống của con họ dễ dàng hơn. Đáng nói, hành vi bao bọc của họ đôi khi trở nên quá mức, bất chấp những hành động của con họ là đúng hay sai.
Ví dụ như họ có thể trông con không cẩn thận, để con chạy ra đường khi đang có nhiều phương tiện di chuyển và một chiếc xe tông trúng con họ. Phản ứng của họ khi đó là chửi bới, thậm chí đánh đập tài xế dù lỗi lớn nhất là nằm ở sự thiếu trách nhiệm của họ.
Một ví dụ khác, con cái họ không làm bài tập, khi bị giáo viên nhắc nhở thì thay vì nhận lỗi, đứa trẻ đó lại có những phản ứng không đúng mực với thầy cô. Khi bậc cha mẹ được nhà trường gọi lên thì họ lại phủ nhận hành vi của con mình là sai, họ đổ lỗi cho người giáo viên là đã không dạy bảo con mình đúng cách.
Phong cách nuôi dạy con cái kiểu bao bọc quá mức sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ, chẳng hạn như thiếu khả năng độc lập và giải quyết vấn đề, chúng gặp khó khăn trong việc xử lý căng thẳng, trở thành một con người thiếu trách nhiệm trước những hành động của mình.
9. Cha mẹ đạo đức giả
Cha mẹ đạo đức giả có thể được coi là một trong những bậc cha mẹ độc hại nhất trong danh sách này. Họ luôn rao giảng cho con họ một tập hợp các giá trị hoặc hành vi trong cuộc sống họ cho là đúng đắn nhưng bản thân lại hành động theo cách hoàn toàn trái ngược. Họ mong đợi con cái tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn nghiêm ngặt nhưng bản thân họ lại không tuân theo chúng.
Cha mẹ đạo đức giả khiến con cái mất lòng tin vào họ
Điều này có thể gây ra sự mất lòng tin nghiêm trọng ở con cái họ, những người luôn phải cố gắng dung hòa lời nói và hành động của cha mẹ mình. Trong đầu đứa trẻ đó luôn có những suy nghĩ nhằm cố trấn an bản thân rằng cha mẹ mình thực ra là những người tuyệt vời, những hành động mà chúng nhìn thấy hoàn toàn không phải sự thật, ắt hẳn phải có nhầm lẫn gì đó.
Con cái của những bậc cha mẹ đạo đức giả có thể trải qua sự đau khổ và bối rối về cảm xúc và tinh thần, chúng cảm thấy mình giống như bị phản bội và trở nên ngờ vực chính những giá trị và niềm tin mà cha mẹ đã gieo rắc vào đầu chúng. Đồng thời những đứa trẻ này cũng gặp khó khăn trong việc phát triển ý thức đạo đức của mình và có thể trở thành những kẻ có hành vi lừa đảo trong tương lai.
10. Cha mẹ kiểu hưởng thụ
Kiểu cha mẹ này coi con cái như một công cụ để họ được hưởng thụ một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc. Đứa trẻ có thể phải đảm nhận vai trò chăm sóc em và thậm chí là chính cha mẹ của chúng ngay từ khi còn nhỏ tuổi, thứ vốn phải thuộc phạm vi trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ.
Con cái của những bậc cha mẹ này phải trải qua những đau khổ đáng kể về cảm xúc và tâm lý, chúng bị cướp đi tuổi thơ, không được chăm sóc đầy đủ. Thậm chí trách nhiệm chăm sóc cha mẹ đó ngày càng đè nặng lên vai những đứa trẻ này hơn khi cha mẹ chúng đã về già. Những đứa trẻ này sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ lành mạnh và cả việc xác định ý nghĩa của cuộc sống, bởi trách nhiệm là thứ đã chiếm trọn tuổi thơ và cuộc đời của họ.
Đối phó với cha mẹ độc hại
Đối phó với cha mẹ độc hại có thể là một thách thức rất lớn, nhưng điều cần thiết là bảo vệ bạn khỏi hành vi có hại của họ. Sau đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng:
- Đặt ranh giới: Thiết lập ranh giới rõ ràng và trao đổi chúng với cha mẹ của bạn. Cho họ biết hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào không.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân: Xung quanh bạn vẫn còn những thành viên trong gia đình, thầy cô, những người mà bạn có thể tin tưởng. Nếu tiếng nói của bạn là không đủ để làm thay đổi cha mẹ, hãy tìm tới những người đó, họ có thể sẽ giúp đỡ được bạn phần nào đó.
- Tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia: Cân nhắc tìm kiếm lời khuyên của những chuyên gia tâm lý, họ sẽ giúp bạn đối phó với tổn thương tinh thần do cha mẹ độc hại gây ra.
- Quan tâm chăm sóc bản thân: Chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui cho bạn.
- Hạn chế tiếp xúc: Nếu những hành vi của cha mẹ là quá mức độc hại, bạn đã thử mọi cách nhưng vẫn không thể thay đổi, hãy cân nhắc tới việc hạn chế tiếp xúc tối đa với cha mẹ mình. Đồng ý rằng cha mẹ là người đã có công sinh thành và nuôi nấng bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn làm gì bạn thì làm.
Cha mẹ độc hại có thể tác động đáng kể tới cuộc sống của bạn, dẫn đến các vấn đề cảm xúc, tâm lý và thể chất. Nhận biết hành vi độc hại của họ và thiết lập ranh giới là điều cần thiết để bảo vệ bạn khỏi những hành động có hại đó. Nếu bạn đang là người làm cha, làm mẹ, sau khi đọc bài viết này, nếu thấy mình có lỡ thuộc một trong những kiểu cha mẹ như vậy, hãy thay đổi để con cái mình có được một cuộc sống hạnh phúc với những bản sắc riêng. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập