Mục lục [Ẩn]
Thế giới luôn vận động và thay đổi từng giờ, từng phút. Muốn không bị bỏ lại, con người buộc mình phải học tập, làm việc không ngừng. Và để thực hiện được điều đó, nhiều khi thứ chúng ta mang ra đánh đổi chính là thời gian cho những nhu cầu hạnh phúc cá nhân của mình. Điều này khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng, thậm chí là stress tới mức rối loạn lo âu, trầm cảm. Vậy có cách nào để cân bằng giữa việc học, công việc và cuộc sống cá nhân?
Nguyên nhân khiến chúng ta mất cân bằng giữa việc học, công việc và cuộc sống cá nhân
Mất cân bằng trong cuộc sống là điều rất phổ biến trong xã hội hiện nay, đặc biệt ở giới trẻ. Và có khá nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự mất cân bằng này, ví dụ:
- Mất định hướng: Rất nhiều bạn trẻ có thể đang không sống một cuộc sống của mình, mà sống theo kỳ vọng của người khác, phần lớn là kỳ vọng của cha mẹ. Chúng ta đang không thực sự biết bản thân mình yêu thích công việc gì, mình giỏi ở lĩnh vực nào. Điều này khiến các bạn cảm thấy mất phương hướng trong cuộc sống, các bạn vẫn học, vẫn làm nhưng không thực sự biết mình học để làm gì và những gì mình đang làm sẽ giúp ích cho sau này như thế nào.
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Bạn lựa chọn cuộc sống độc lập hay dựa dẫm?
- Đặt mục tiêu quá cao: Thông thường điều này hay xuất hiện ở những bạn trẻ có xuất phát điểm từ một gia đình có nền tảng tài chính không khá giả. Cuộc sống trong những ngày thơ ấu của họ không nhận được nhiều sự giáo dục, quan tâm về đời sống tinh thần bởi nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, áp lực tiền bạc đã chiếm gần hết thời gian trong ngày của họ.
Những bạn trẻ đó khi lớn lên cũng sẽ mang trong mình một tư duy đó là bản thân phải thật giỏi, phải thật thành công để bù đắp cho những tháng ngày cực khổ trước kia. Điều này là một nguồn động lực to lớn nhưng đồng thời nó cũng khiến họ dành quá nhiều thời gian cho học tập, làm việc mà bỏ quên đi những giá trị tinh thần của mình.
- Không biết cách sắp xếp thời gian: Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cuộc sống bị mất cân bằng giữa việc học, công việc và đời sống cá nhân. Điều này cũng thường xuất hiện ở những bạn trẻ, những người chưa có nhiều kinh nghiệm để bố trí thời gian sao cho hợp lý nhất giữa học tập, làm việc và đời sống cá nhân.
- Gặp nhiều mâu thuẫn trong các mối quan hệ: Khác với những trường hợp trên thì những người này lại có một cuộc sống tinh thần với nhiều những mối quan hệ xã hội quá phức tạp. Việc dành thời gian để giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan hệ đó đã chiếm hết thời gian của họ, khiến việc học tập và làm việc của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.
- Lối sống buông thả: Những người mang trong mình một lối sống buông thả, họ bỏ mặc tương lai của mình, để nó “muốn tới đâu thì tới”, họ đắm chìm vào những thói quen độc hại như những cuộc tiệc tùng vô bổ, những buổi đi chơi chẳng mang lại ý nghĩa gì… Để có thời gian cho những sở thích xấu đó, họ gần như bỏ mặc hoàn toàn công việc và vấn đề học tập của mình.
Mất cân bằng trong cuộc sống ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào?
Mất cân bằng giữa học tập, làm việc và đời sống cá nhân sẽ để lại những hậu quả khác nhau, tùy theo việc bạn ưu tiên vấn đề nào hơn.
- Nếu bạn là người dành nhiều thời gian cho học tập, công việc:
Trong thời đại 4.0, “deadline” và “overtime” dần trở thành những cụm từ quen thuộc. Rất nhiều người vì mong muốn bắt kịp với tốc độ phát triển điên cuồng của thế giới hiện đại, họ lựa chọn phương án dành tối đa thời gian cho công việc và sự nghiệp học tập của mình. Dần dần, họ mất cân đối về thời gian, bỏ bê người thân và cả bản thân họ vì áp lực của công việc, áp lực của đồng tiền.
Nếu không sớm cân bằng lại mọi thứ, họ có thể bị kiệt sức, hiệu quả công việc và học tập giảm sút, họ mất đi sự tín nhiệm trong công ty. Tệ hơn cả, tình trạng mất cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân còn dẫn đến những vấn đề tâm lý tiêu cực như stress, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh, trầm cảm.
- Nếu bạn là người dành quá nhiều thời gian cho đời sống cá nhân:
Chăm sóc đời sống tinh thần là điều rất cần thiết, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn bỏ quên sự nghiệp, việc học tập nhằm nâng cao học vấn của mình. Điều này khiến công việc của bạn trong tương lai trở nên không mấy thuận lợi, bạn choáng ngợp trước sự thay đổi không ngừng của thế giới. Bạn cảm thấy bản thân mình kém cỏi so với những người khác, về lâu dài thì chứng trầm cảm cũng sẽ rất dễ ghé thăm bạn.
Làm thế nào để cân bằng giữa học tập, công việc và cuộc sống cá nhân?
1. Xác định thứ tự ưu tiên của bạn
Xác định thứ tự ưu tiên giữa các công việc, lịch học và thời gian cho bản thân là điều quan trọng nhất giúp bạn cân bằng được mọi thứ. Thứ tự ưu tiên sẽ khác nhau, phụ thuộc vào từng giai đoạn trong cuộc đời của bạn và khác nhau giữa các cá nhân cụ thể.
Ví dụ, nếu bạn đang là một sinh viên vẫn còn học tập dưới mái nhà trường thì tất nhiên, việc học sẽ là ưu tiên số một. Do đó, bạn không nên để những công việc làm thêm gây ảnh hưởng quá nhiều tới việc học của bạn. Nhưng nếu bạn là một người đã ra trường và đi làm, việc học với bạn lúc này là điều mà bản thân tự đề ra nhằm nâng cao kiến thức, phục vụ cho những dự định sau này thì bạn có thể ưu tiên công việc hơn một chút, dành thời gian học tập đó cho những quãng thời gian ở nhà vào buổi tối chẳng hạn.
Sau khi đã xác định được thứ tự ưu tiên của mình, hãy bắt đầu với thói quen lập thời gian biểu cho những hoạt động trong ngày. Mới đầu, bạn có thể thấy việc làm này khiến thời gian trong ngày của mình có phần hơi gò bó, không được linh hoạt, nhưng đây lại là cách rất tốt giúp bạn quản lý hiệu quả nhất quỹ thời gian hữu hạn của mình.
Xác định thứ tự ưu tiên và xây dựng thời gian biểu
2. Nói không với “trì hoãn”
Chần chừ là thói quen xấu nhất không phải chỉ ở học sinh, sinh viên, mà ở cả những người đã đi làm. Hãy thử nghĩ lại xem trong tuần vừa qua, có bao nhiêu dự định, công việc, bài tập… bạn tự nhủ là bản thân mình sẽ thực hiện, nhưng tới tận bây giờ, chúng vẫn chỉ nằm trong trí tưởng tượng? Nếu câu trả lời là “Có”, thì điều đó có nghĩa là bạn đang mắc phải thói quen rất xấu, đó là trì hoãn.
Ngay khi bản thân đã có một kế hoạch cho những công việc, hành động nào đó, hãy cố gắng thực hiện chúng đúng như dự định. Việc chần chừ, trì hoãn sẽ gây tích lũy những kế hoạch này, tới một lúc nào đó, bạn sẽ không đủ thời gian để thực hiện tất cả chúng.
3. Không bao giờ “đa nhiệm”
Những người trẻ tuổi không phải là những doanh nhân trưởng thành, những chính trị gia lỗi lạc, họ không thể xử lý nhiều nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc. Nếu bạn thường xuyên có thói quen này, điều đó sẽ làm giảm chất lượng của từng công việc, từng hoạt động mà bạn thực hiện, đặc biệt nếu các hoạt động đó lại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tốt hơn hết, bạn nên thực hiện từng hoạt động một, việc tập trung vào một hành động duy nhất sẽ giúp cải thiện tối đa năng suất của bạn. Và tất nhiên, bạn sẽ tốn ít thời gian hơn cho việc đó và có thêm thời gian cho những công việc hoặc hoạt động giải trí khác.
4. Đừng quên nghỉ giải lao
Nghỉ giải lao hay dành thời gian cho những hoạt động chăm sóc bản thân, duy trì các mối quan hệ xã hội là điều cực kỳ cần thiết. Đến cỗ máy cũng cần phải có thời gian để nghỉ ngơi, bảo dưỡng thì đương nhiên con người cũng vậy. Con người khác cỗ máy ở chỗ chúng ta có những giá trị tinh thần cho riêng mình và chúng ta không được bỏ quên giá trị này.
Hãy dành một chút thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc ngay cả trong khi chúng ta đang làm việc hoặc học tập. Cuối tuần, chúng ta nên dành thời gian đi một nơi nào đó cùng với những người bạn, người thân để tận hưởng khoảng thời gian cho riêng mình. Đó là một hình thức “reset” bản thân hiệu quả để sẵn sàng cho một tuần làm việc, học tập mới đầy hiệu quả.
Đừng quên dành thời gian cho bản thân sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng
5. Nói không với “cả nể”
Nhiều khi, sự mất cân bằng, quá tải lại đến từ chính thói quen cả nể của chúng ta. Bạn nhận giúp đỡ một người nào đó xử lý công việc hoặc bài tập của họ trong khi chính bản thân mình còn chưa làm xong. Việc san sẻ, giúp đỡ người khác là tốt bởi nó cũng có thể là nền tảng cho một mối quan hệ lành mạnh và đôi khi bạn cũng cần sự giúp đỡ từ đối phương. Tuy vậy, nếu bạn đang quá mệt mỏi vì mất cân bằng trong cuộc sống, tốt hơn hết là bạn nên tự giúp đỡ mình trước. Khi nào bạn thấy ổn, hãy nghĩ tới việc giúp đỡ người khác.
Hy vọng những lời khuyên trên đây sẽ phần nào giúp bạn cân bằng lại cuộc sống giữa học tập, làm việc và nhu cầu cá nhân. Đừng cố gắng phấn đấu cho một sự cân bằng hoàn hảo. Một số ngày, bạn có thể ưu tiên công việc, học tập hơn, nhưng một số ngày khác, bạn cũng có thể dành nhiều thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè hơn. Chúc các bạn thành công!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập