Mục lục [Ẩn]
Những năm gần đây, số lượng trẻ ở độ tuổi học sinh mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu có xu hướng tăng. Các chuyên gia cho rằng, áp lực học tập và kỷ luật khắc nghiệt của gia đình là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tổn thương tâm lý ở trẻ em. Không ít học sinh thậm chí còn mắc các rối loạn tâm thần vì áp lực “con ngoan trò giỏi”.
Nhiều đứa trẻ cảm thấy mệt mỏi vì áp lực con ngoan trò giỏi.
Nhiều học sinh rối loạn tâm thần vì áp lực “con ngoan trò giỏi”
Con ngoan trò giỏi dường như đã là chuẩn mực ăn sâu vào tiềm thức các bậc phụ huynh Việt Nam. Dạy con nghe lời và tuân thủ răm rắp những yêu cầu của cha mẹ là cách mà nhiều bậc phụ huynh vẫn đang uốn nắn con.
Tuy nhiên, hiện nay không ít trường hợp các trẻ ở độ tuổi học sinh bị rối loạn tâm thần mà các chuyên gia cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc phải chịu áp lực “con ngoan trò giỏi”.
Như trường hợp của em Nguyên (18 tuổi), phải đến gặp chuyên gia tâm lý do nhiều lần nghĩ đến cái chết vì quá căng thẳng với áp lực phải học giỏi . Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, người nhà cho biết Nguyên vốn là người hiền lành, ít nói, đúng chuẩn hình mẫu “con nhà người ta” của nhiều cha mẹ, luôn tập trung học tập, khi rảnh em chỉ đọc sách và học thêm, hầu như không ra ngoài chơi.
Cách đây 3 năm, em thi đỗ vào lớp chuyên tiếng Anh của ngôi trường danh giá nhất tỉnh và được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi khiến niềm vui của gia đình như được nhân đôi. Nguyên trở thành niềm tự hào của cả gia đình, họ hàng.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm, Nguyên bất ngờ xin ra khỏi đội tuyển tiếng Anh. Từ đấy, những trận tranh cãi giữa em với bố mẹ nổ ra thường xuyên. Mỗi lần nói bản thân mình "chán nản, áp lực" với việc học thì Nguyên lại bị bố mẹ mắng nhiếc, xúc phạm, khiến em bỏ vào phòng, tự nhốt mình lại, thức đến 2-3h sáng chơi điện tử.
Khi tâm sự với người cô của mình, Nguyên cho biết mỗi lần cha mẹ nói chuyện với mình thì chỉ luôn nhắc nhở em học tập, so sánh mức độ ngoan ngoãn, chăm chỉ của em với bạn bè cùng tuổi. Điều này khiến em cảm thấy dù mình cố gắng thế nào cũng không thể làm hài lòng cha mẹ, em cảm thấy vô cùng suy sụp, bất lực, môn học từng yêu thích đã trở thành cơn ác mộng. Bây giờ em không thích học tiếng Anh nữa, không thể ghi nhớ kiến thức mới và không có thêm sở thích nào khác nên luôn cảm thấy bức bối, muốn buông xuôi, thậm chí nghĩ chết đi để được giải thoát.
Nguyên cảm thấy dù mình cố gắng thế nào cũng không thể làm hài lòng cha mẹ.
Nguyên được chẩn đoán mắc trầm cảm nặng do áp lực thi đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh và kỳ vọng của gia đình, thầy cô. Theo đó, ban đầu áp lực này là động lực để bệnh nhân học tập và em đã đỗ trường chuyên, lớp chọn. Tuy nhiên, kỳ vọng của người lớn ngày càng nhiều khiến em bị mất cân bằng. Lúc này, áp lực không còn là động lực đạt thành tích cao hơn, mà trở thành sợ, chán học tiếng Anh, chán tất cả môn khác, biến thành nguyên nhân gây trầm cảm. Đặc biệt, em không nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ người thân khi đã trao đổi với gia đình nhưng không được thấu hiểu, đồng cảm. Trong khi đó, em cũng không có bạn bè, không có hoạt động xã hội nên khả năng đối phó với căng thẳng của em rất thấp.
Nguyên được điều trị bằng thuốc kết hợp với các liệu pháp tâm lý và thư giãn. Hiện nay, tình trạng của em đã được cải thiện nhiều, đã kết nối được với bố mẹ và có định hướng cho tương lai.
Trên thực tế, Nguyên chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất bị các vấn đề tâm lý do áp lực, kỳ vọng phải là “con ngoan trò giỏi” từ cha mẹ. Theo thông tin từ Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai cho biết, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 20-25 trẻ, 50% số này là trẻ vị thành niên. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm mỗi năm là 0,3-7,8% ở trẻ dưới 13 tuổi, 1-2% ở tuổi 13 và 3-7% ở tuổi 15. Năm 2022, Bộ Y tế thống kê tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần trên toàn quốc là 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Tại sao áp lực “con ngoan trò giỏi” lại dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý ở trẻ?
Bố mẹ nào cũng muốn con mình trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, đạt thành tích cao, do đó áp đặt mong muốn, kỳ vọng ấy cho con. Sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ là “hòn đá” đè nặng lên vai trẻ. Những bạn trẻ được gắn danh hiệu con ngoan, trò giỏi lâu năm thường có tâm lý sợ làm bố mẹ thất vọng nên sẽ mang theo áp lực và luôn phải cố gồng mình để đáp ứng. Về lâu dài, điều đó khiến trẻ mệt mỏi, chán nản, bế tắc. Liên tục phải đối diện với áp lực gia đình sẽ khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý. Có bạn trở nên lo âu và tự đổ lỗi cho bản thân là mình không được như bố mẹ mong muốn, có bạn bị trầm cảm.
Kỳ vọng “con ngoan trò giỏi” rất dễ khiến trẻ bị kiệt sức.
Học tập trong tâm thế không thoải mái cũng sẽ khiến trẻ chậm tiếp thu, học trước quên sau và mất đi sự say mê, hứng thú trước đây, gây ra sa sút trong học tập. Bên cạnh đó, việc cha mẹ thường xuyên đem con ra so sánh với những bạn cùng trang lứa cũng khiến cho trẻ cảm thấy mất dần sự tự tin, trở nên nhút nhát, cho rằng bản thân yếu kém, bất tài.
Hơn thế nữa, nhiều khi sự kỳ vọng của cha mẹ lại không đúng với mong muốn, ước mơ của con. Ví dụ như các con thích và có năng khiếu về những môn xã hội nhưng cha mẹ lại định hướng cho con học các môn tự nhiên, tuy nhiên, các con vẫn phải theo quan điểm của bố mẹ. Vì vậy nhiều khi tạo sự xung đột: Bố mẹ cho rằng con phải phát triển theo hướng này mới tốt, có thể giúp con thành đạt, thành công trong cuộc sống, nhưng con lại không muốn vậy, con có năng lực khác muốn đi theo năng lực mà con giỏi, yêu thích.
Mặt khác, những bạn trẻ ở độ tuổi học sinh là độ tuổi có rất nhiều vấn đề, như khó kiểm soát về mặt cảm xúc, khó kiểm soát về mặt hành vi. Trẻ sẽ có những suy nghĩ khá là khác so với suy nghĩ của bố mẹ nên rất hay có sự "nổi loạn" dẫn đến những xung đột rất lớn với bố mẹ. Nếu bố mẹ không nắm bắt được, không hiểu được nguyên nhân cốt lõi của sự xung đột đấy thì các em sẽ rất dễ nghĩ rằng “Bố mẹ không hiểu gì con cả!”. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy các con đến với suy nghĩ và hành vi tiêu cực, như tâm lý chống đối, thù địch những người sinh ra mình. Trong thực tế, đã có không ít các trường hợp trẻ em nghiện ngập, trộm cắp, bạo lực cũng bởi những trải nghiệm tâm lý tồi tệ do cha mẹ gây ra.
Làm sao để áp lực “con ngoan trò giỏi” không còn là gánh nặng cho con?
Với phụ huynh
Vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc dự phòng và điều trị các vấn đề tâm lý của học sinh. Cha mẹ luôn muốn con mình thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, những kỳ vọng này đôi khi vượt quá khả năng của trẻ và khiến chúng trở thành nỗi lo lắng cho con. Vì vậy, thay vì cứng nhắc áp dụng quan niệm “cứ học ở trường giỏi nhất, tốt nhất thì có lợi nhất” thì phụ huynh nên đưa ra vấn đề, trao đổi bình đẳng với con, xem xét liệu môn học có phù hợp với điểm mạnh của con hay không. Cha mẹ cũng cần đồng hành cùng con trong học tập, vui chơi, thậm chí khi sử dụng mạng xã hội, quản lý các nguồn thông tin xấu.
Cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng của trẻ.
Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình cần nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của trầm cảm và ảnh hưởng của chúng đến mối quan hệ của trẻ với gia đình, bạn bè để phát hiện sớm các triệu chứng cần điều trị, có biện pháp can thiệp kịp thời
Với học sinh
Như đã chia sẻ ở trên, những sự kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái dường như đều xuất phát từ sự yêu thương, muốn con đạt được những thành công và có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.
Khi phải đối diện với những áp lực do kỳ vọng quá lớn của cha mẹ, các em nên:
- Thẳng thắn chia sẻ và tâm sự với họ hoặc những người thân thiết trong gia đình. Hãy nói về những suy nghĩ, cảm nhận và mong muốn của bản thân để mọi người xung quanh có thể san sẻ và hiểu rõ hơn về những điều mà con đang phải gánh chịu.
- Lắng nghe và trò chuyện nhiều hơn với cha mẹ để cả đôi bên có thể thấu hiểu cho nhau nhiều hơn.
- Nếu cha mẹ quá hà khắc và bảo thủ thì con cái có thể nhờ đến sự hỗ trợ của ông bà, thầy cô.
Như vậy có thể thấy rằng, việc cha mẹ kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo nên các áp lực vô hình đè nặng lên con cái. Đôi khi điều này không mang lại kết quả tốt mà ngược lại còn kìm hãm sự phát triển của con. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần đánh giá khách quan năng lực của con và lắng nghe mong muốn của trẻ thay vì áp đặt. Hãy để cho trẻ có cơ hội học những gì con thích và trở thành người mà con mong muốn.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập