Mục lục [Ẩn]
Bạn có bao giờ tự hỏi bản thân rằng tại sao mình luôn cảm thấy lo lắng trong một mối quan hệ? Hay tại sao bạn thích người ấy nhưng lại luôn muốn né tránh đối phương? Thuyết gắn bó (Attachment theory) sẽ giúp bạn lý giải những điều này. Vậy thuyết gắn bó là gì? Mời bạn theo dõi bài viết sau nhé!
Mối quan hệ với cha mẹ ảnh hưởng thế nào tới các mối quan hệ của trẻ sau này?
Thuyết gắn bó là gì?
Thuyết gắn bó (Attachment theory) là một học thuyết tâm lý giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong mối quan hệ của con người. Thuyết này được giới thiệu bởi nhà tâm lý học người Anh John Bowlby năm 1958.
Hiểu đơn giản, thuyết gắn bó ra đời nhằm mô tả cách con người xây dựng các mối quan hệ xung quanh họ (như gia đình, người yêu, bạn đời,...) dựa trên tác động của tình yêu gia đình từ tấm bé. Thuyết này sẽ cho chúng ta hiểu cơ chế vận hành của các mối quan hệ, lý giải vì sao một số người giỏi xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh trong khi những người khác thì lại thường sa vào mối quan hệ độc hại.
Có 4 loại gắn bó theo thuyết gắn bó là:
- Gắn bó an toàn.
- Gắn bó lo âu.
- Gắn bó né tránh.
- Gắn bó hỗn hợp né tránh - lo âu.
Kiểu gắn bó của một người sẽ được hình thành trong những năm tháng đầu đời của họ với những người chăm sóc.
Ví dụ: Nếu đứa trẻ luôn được bố mẹ chăm sóc chú ý và đáp ứng các nhu cầu cần thiết, nó sẽ hình thành kiểu gắn bó an toàn khi trưởng thành. Ngược lại, nếu trẻ bị bỏ bê, không đáp ứng đủ các nhu cầu (cả về mặt thể chất và mặt tình cảm), trẻ sẽ hình thành các kiểu gắn bó không an toàn (như lo âu, né tránh hoặc cả hai).
Tin mừng là bạn có thể thay đổi kiểu gắn bó theo thời gian (dù khá chậm và khó khăn). Những người thuộc kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh khi có mối quan hệ với những người thuộc kiểu gắn bó an toàn có thể được thay đổi thành kiểu gắn bó an toàn. Tuy nhiên, người gắn bó theo kiểu lo âu hay né tránh cũng có thể vô tình “hạ mức” an toàn của người khác.
Để hiểu rõ hơn về các kiểu gắn bó, mời bạn theo dõi phần tiếp theo.
Các giai đoạn hình thành kiểu gắn bó
Trong một nghiên cứu dài hạn, các nhà nghiên cứu đã quan sát trẻ sơ sinh 4 tuần một lần trong năm đầu đời và khi 18 tháng. Dựa trên sự quan sát, người ta đã vạch ra 4 giai đoạn hình thành sự gắn bó, là:
- Giai đoạn trước khi gắn bó: Giai đoạn này từ khi sinh ra đến khi trẻ 3 tháng tuổi. Lúc này, trẻ không thể hiện sự gắn bó rõ ràng nào với một đối tượng cụ thể. Thay vào đó, trẻ sẽ phát các tín hiệu (như quấy khóc) thu hút sự chú ý của những người chăm sóc một cách tự nhiên.
- Gắn bó không phân biệt: Giai đoạn này bắt đầu từ khi trẻ 3 tháng tuổi đến 7 tháng tuổi. Lúc này, trẻ sơ sinh thể hiện sự ưa thích với những người chăm sóc trẻ và phát triển niềm tin rằng những người chăm sóc sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng. Trẻ bắt đầu phân biệt được người quen và người lạ và sẽ có những phản ứng tích cực hơn với người chăm sóc chính của chúng.
- Gắn bó phân biệt: Giai đoạn này bắt đầu khi trẻ 7 - 11 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh sẽ thể hiện sự gắn bó và yêu thích với một cá nhân cụ thể. Trẻ có những hành động thể hiện sự phản đối (như quấy khóc) khi bị tách khỏi người chăm sóc chính và bắt đầu thể hiện sự lo lắng khi phải tiếp xúc với những người lạ.
- Gắn bó với nhiều người: Sau khoảng 9 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hình thành mối liên hệ tình cảm với những người chăm sóc khác trừ người chăm sóc chính, ví dụ như cha mẹ, anh chị em và ông bà.
Kiểu gắn bó của một người sẽ bắt đầu hình thành từ thời thơ ấu.
4 kiểu gắn bó của con người
Gắn bó an toàn
Kiểu gắn bó an toàn thường gặp ở những đứa trẻ được bố mẹ đáp ứng đủ nhu cầu về tình cảm và vật chất và có tuổi thơ êm ấm.
Đặc điểm của kiểu gắn bó an toàn:
- Đặc điểm gắn bó an toàn ở trẻ: Những đứa trẻ thuộc kiểu này luôn cảm thấy an toàn, được đánh giá cao, được thấu hiểu và sẻ chia khi ở cạnh người chăm sóc chính. Khi bé, chúng thường khóc khi phải rời xa người chăm sóc chúng. Tuy nhiên, trẻ sẽ nhanh chóng cảm thấy vui vẻ, yên tâm khi người chăm sóc trở về. Khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi, trẻ sẽ tìm kiếm sự an ủi từ người chăm sóc.
- Đặc điểm gắn bó an toàn ở người lớn: Người trưởng thành có kiểu gắn bó an toàn có khả năng thể hiện tình cảm và sự thân mật một cách tự nhiên. Họ có lòng tự tôn và tự tin cao, vì thế sẵn sàng đón nhận mọi đóng góp về mình và dễ chấp nhận hơn khi biến cố xảy ra. Khi xảy ra vấn đề, những người thuộc kiểu gắn bó này biết lắng nghe, trao đổi về cảm xúc, biết nêu lên ý kiến, nhu cầu của mình và biết cảm thông với bên còn lại. Họ sẽ là người bạn, người yêu, người thân lý tưởng nhất.
Gắn bó lo âu
Những người có kiểu gắn bó lo âu thường lớn lên trong môi trường thiếu thốn tình thương, không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cảm xúc như lắng nghe, bày tỏ quan điểm, chia sẻ và cảm thông từ bố mẹ hoặc người chăm sóc. Họ luôn luôn mong muốn được lấp đầy thiếu hụt tâm lý từ thời thơ ấu. Vì thế họ đòi hỏi nhiều sự đảm bảo về tình cảm dành cho mình. Họ hay suy đoán tiêu cực, phản ứng thái quá với chính họ và nửa kia, ví dụ như đăng rất nhiều ảnh tình cảm trên mạng xã hội, ghen tuông vô cớ, thường xuyên kiểm soát qua gọi điện và nhắn tin, đe doạ bỏ đi,...
Đặc điểm cụ thể:
- Có xu hướng bám dính trong mối quan hệ, liên tục tìm kiếm sự đảm bảo và chấp nhận từ người khác.
- Thường trong trạng thái lo âu và thiếu an toàn trong mọi mối quan hệ. Vì vậy, họ thường nhạy cảm thái quá, kiểm soát, hay ghen,...
- Không thích phải ở một mình.
Gắn bó tránh né
Những người có kiểu gắn bó tránh né lại thu mình trước những cơ hội xây dựng tình cảm. Vì từ nhỏ họ đã trải qua sự lạnh nhạt hoặc thiếu vắng của người nuôi dưỡng, bản thân họ sẽ ít có nhu cầu chủ động gắn bó với bất kỳ ai. Tác hại của điều này là họ sẽ khó xây dựng được mối quan hệ bền vững vì có nỗi sợ cam kết.
Đặc điểm cụ thể:
- Có vấn đề trong việc hình thành cam kết (thường sẽ chọn độc thân). Nếu ở trong mối quan hệ tình cảm cũng thường có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân.
- Họ đặt những mục tiêu lên trên các mối quan hệ.
- Dù có thể có nhiều mối quan hệ nhưng lại ít cái nào thực sự thân thiết.
- Né tránh sự thân mật về cả thể xác lẫn tinh thần.
Gắn bó lo âu - né tránh (Fearful - Avoidant)
Đây là tập hợp những điều tiêu cực nhất của hai kiểu gắn bó lo âu và né tránh. Người thuộc kiểu gắn bó lo âu - né tránh có cách tiếp cận các mối quan hệ rất mâu thuẫn. Họ tìm đến những mối quan hệ khi có nhu cầu. Nhưng lại sợ hãi muốn chạy trốn khi mối quan hệ bước vào giai đoạn thân mật, gần gũi.
Điều này khiến chính người trong cuộc cũng cảm thấy bối rối. Vì không hiểu được bản thân, họ khó lòng bày tỏ tình cảm của mình.
Đặc điểm cụ thể:
- Luôn khao khát sự thân mật nhưng lại chối bỏ nó.
- Có xu hướng, suy đoán nghi ngờ ý định, hành động của người khác.
- Giữ khoảng cách với mọi người và ít có mối quan hệ thân thiết.
Tổng hợp 4 kiểu gắn bó (Nguồn ảnh: Vietcetera).
Làm sao để con mình thuộc kiểu gắn bó an toàn?
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp con mình gắn bó an toàn:
- Chăm sóc, chú ý tới nhu cầu của con: Việc dành cho con sự chú ý 100% là không thực tế. Tuy nhiên, bạn hãy dành thời gian cho con mình nhiều nhất có thể, chú ý tới các nhu cầu cảm xúc của con. Đặc biệt, bạn hãy cho con biết rằng bạn dành thời gian với con vì bạn yêu nó chứ không phải vì những gì con đã làm (giúp đỡ cha mẹ, học tập tốt,...).
- Chú ý đến cảm xúc của con: Bạn hãy chú ý đến những cảm xúc của con và giúp con gọi tên các cảm xúc. Ngoài ra, bạn hãy giúp con học được cách quản lý các cảm xúc tiêu cực (ví dụ như tức giận,...).
- Quan tâm, tìm hiểu về sở thích và các mối quan tâm của con.
- Tận hưởng việc ở bên nhau: Bạn hãy tương tác với con bằng tình yêu thương ấm áp, cho con biết rằng bạn yêu con. Bạn không nên chăm sóc, quan tâm, dạy dỗ con bằng cách tiêu cực như mắng mỏ, chỉ trích,.... và cho rằng bạn làm điều này để tốt cho con
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về thuyết gắn bó. Mối quan hệ của đứa trẻ với người chăm sóc trong thời thơ ấu ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành tính cách và các mối quan hệ của trẻ sau này. Do đó, các bậc phụ huynh nên dành cho con sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ, giúp con hình thành kiểu gắn bó an toàn.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập