Mục lục [Ẩn]
Theo quan niệm phương Đông, con cả thường phải gánh trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ và chăm sóc các em. Cũng vì vậy, ở nhiều gia đình, đứa con đầu lòng phải gánh nhiều kỳ vọng của cha mẹ, dẫn đến áp lực tâm lý.
Mắc tâm thần bởi áp lực là con trưởng.
Mắc tâm thần bởi áp lực là con trưởng
Thời gian qua, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp áp lực con trưởng dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Như trường hợp của chị Loan, là con trưởng của gia đình có ba người con gái ở Thái Bình, mọi gánh nặng đổ dồn xuống chị. Nhiều năm nay, người phụ nữ này gánh trách nhiệm kiếm tiền nuôi hai em ăn học rồi xin việc làm. Người em thứ hai tốt nghiệp đại học có thể tự kiếm tiền thì chị lại phải nuôi thêm em út. Khi tâm sự, chị cho biết chị cảm thấy mình như người mẹ thứ hai của các em chứ không phải là một người chị nữa.
Thêm vào đó, vài năm gần đây, bố mẹ tuổi cao lại hay ốm đau, mỗi tháng Loan phải dành 2 - 3 triệu đồng để gửi cho bố mẹ. Cũng vì vấn đề tài chính mà vợ chồng chị thường xuyên cãi vã, Loan bị căng thẳng kéo dài. Đỉnh điểm cách đây hai tháng, bố Loan bị đột quỵ, cần phải có khoản tiền lớn để điều trị. Chị phải chạy vạy vừa lo vay tiền, vừa nghỉ làm để chăm bố, các em không giúp đỡ được gì. Sau khi bố qua đời, Loan bị mất ngủ, mệt mỏi, sống thu mình lại và tự làm đau bản thân để giải tỏa. Chị được chẩn đoán mắc trầm cảm do hội chứng tâm lý con trưởng.
Hay như trường hợp khác là anh Dũng (37 tuổi, Thanh Hóa). Em trai anh sa vào cờ bạc gây nợ rất nhiều khiến gia đình anh liên tục bị làm phiền. Bố Dũng yêu cầu anh phải gánh nợ cho em và nuôi thêm cả hai cháu. Làm được bao nhiêu tiền lại phải “dốc cạn” để trả nợ cho em khiến Dũng stress kéo dài.
Tuy nhiên, có anh trai trả nợ cho nên người em Dũng vẫn không biết đường hối cải, vẫn “chứng nào tật nấy” khiến số nợ ngày một lớn. Khi Dũng nói không giúp đỡ trả nợ để em tự chịu trách nhiệm thì anh lại bị bố mẹ chê trách là người “vô trách nhiệm, vô tâm”, muốn từ mặt. Anh đành phải nhận thêm 2 - 3 công việc để trang trải cuộc sống. Áp lực tài chính cộng với mâu thuẫn gia đình, Dũng bị căng thẳng kéo dài, thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi và mất hứng thú với mọi thứ. Khi đi khám, anh được chẩn đoán trầm cảm, mắc hội chứng tâm lý con trưởng.
Áp lực tiền bạc khiến anh Dũng stress và căng thẳng kéo dài, dẫn đến trầm cảm.
Những trường hợp phải chịu áp lực khi là con trưởng như chị Loan và anh Dũng không phải là số ít. Thực tế, nhiều người chịu áp lực con trưởng khiến tâm lý căng thẳng kéo dài, thúc đẩy phát sinh bệnh tâm thần hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần vốn có, như trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý.
Áp lực khi là con trưởng
Áp lực khi là con cả không phải là vấn đề xa lạ trong xã hội Việt Nam. Con trưởng thường phải mang nhiều kỳ vọng của cha mẹ, đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong gia đình hoặc thậm chí gánh vác vai trò của cha mẹ vì phải chăm sóc các em nhỏ hơn, đặc biệt khi cha mẹ bận rộn hoặc trong gia đình đơn thân.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần sau này của trẻ. Chúng không được dành thời gian, sự chăm sóc, tình yêu thương, sự hỗ trợ tinh thần hoặc sự an toàn cần thiết để phát triển và lớn mạnh như bình thường. Một số ảnh hưởng tiêu cực có thể kể đến là:
- Lòng tự trọng thấp:
Để có thể gánh vác nhiều trách nhiệm trong gia đình, trẻ cần phải hạ thấp nhu cầu của bản thân xuống, tức là trẻ cần coi trọng những nhu cầu của người khác hơn chính bản thân mình. Chúng luôn có xu hướng đổ lỗi cho bản thân mình khi mọi thứ không đúng ý, và không ngừng cố gắng sửa chữa cho những thứ không thể sửa được.
Những đứa trẻ cũng có xu hướng kìm hãm nhu cầu và cảm xúc của chính bản thân mình bởi chúng sợ bị cho là ích kỷ, vô ơn và không muốn bị cha mẹ chỉ trích.
- Khó hình thành các mối quan hệ lành mạnh:
Những đứa trẻ mà phải gánh vác nhiều trách nhiệm thường sẽ quen với việc đảm nhận vai trò là người chăm sóc, có xu hướng gặp khó khăn trong việc tin tưởng vào người khác và cảm thấy lạc lối và bối rối nếu không nhận được vai trò này trong mối quan hệ. Họ thường né tránh sự thân mật mặc dù rất khao khát có được điều đó.
Đứa trẻ phải gánh vác nhiều trách nhiệm khi còn nhỏ khó hình thành các mối quan hệ lành mạnh.
- Dễ hình thành các vấn đề tâm lý
Lòng tự trọng thấp và các mối quan hệ không lành mạnh khiến cho trẻ dễ bị trầm cảm. Chúng rất dễ cảm thấy bản thân mình vô dụng, kém cỏi,... do tính cầu toàn và xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân.
Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên phải gánh vác những trách nhiệm vượt quá sức của mình thì lớn lên sẽ có nguy cơ mắc phải rối loạn lo âu. Bởi chúng đã từng phải đối mặt và giải quyết những khó khăn quá phức tạp với sự phát triển của chúng. Điều này khiến chúng thường có cảm giác rằng thế giới thật sự vô cùng khó khăn và nguy hiểm, không ai có thể giúp đỡ và hỗ trợ chúng. Do đó, những đứa trẻ này thường cảm thấy sợ hãi, cô lập và bất lực.
Điều này sẽ không kết thúc mà sẽ kéo dài đến khi những người con trưởng này lớn lớn. Cụ thể:
- Nữ giới là con trưởng nỗ lực học tập, kiếm nhiều tiền để làm vui lòng phụ huynh, trong khi vẫn phải bảo vệ, thậm chí nuôi dưỡng những người em ở dưới.
- Dâu trưởng phải lo việc nhà chồng, cân đối tài chính chi tiêu, bếp núc, giỗ chạp, bầu bí, sinh nở...
- Con trai trưởng thường gặp áp lực phải làm gương, thành công, báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ già yếu, xây nhà, có con trai nối dõi.
Nếu kinh tế gia đình khá giả, con trưởng cũng sẽ đỡ một phần gánh nặng. Tuy nhiên, nếu chẳng may sinh ra trong nghèo khó, người con cả còn phải vật lộn để thoát nghèo, chăm sóc cha mẹ ốm đau và lo cho những đứa em rất dễ dẫn đến kiệt sức, căng thẳng kéo dài, lâu dần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý.
Để con cái không bị rơi vào hội chứng tâm lý con trưởng, các bậc phụ huynh nên lắng nghe và thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của trẻ, giảm áp lực và kỳ vọng lên trẻ. Thay vì đòi hỏi trẻ phải thành công, bạn hãy đánh giá nỗ lực và quá trình phát triển của trẻ.
Nếu tình trạng của trẻ nghiêm trọng, hãy xem xét gặp nhà tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn để hỗ trợ cả gia đình trong việc đối mặt với vấn đề này.
Con trưởng thường là đứa con chịu nhiều kỳ vọng của cha mẹ. Việc gánh quá nhiều kỳ vọng và trách nhiệm của gia đình dễ dẫn đến căng thẳng, kiệt sức, từ đó dẫn đến các vấn đề về cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập