Mục lục [Ẩn]
Ngày hôm đó, tổng đài tư vấn tâm lý của chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một người mẹ với giọng đầy lo lắng và khẩn thiết: “Chị ơi, em cần làm gì bây giờ. Con em muốn bỏ học, đóng kín cửa không chịu ra ngoài, em không thể nói chuyện được với con!”. Chị chỉ là một trong hàng vạn người làm cha, làm mẹ hiện đang bất lực, không biết làm cách nào để cứu con mình trước hố đen của căn bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần. Vậy, nếu cũng đang trong hoàn cảnh ấy thì bạn nên làm gì?
Hàng vạn lời kêu cứu của cha mẹ có con bị rối loạn tâm thần
Xin hãy cứu con em!
Hiện nay, những lời kêu cứu tương tự của các bậc làm cha, làm mẹ, tìm kiếm sự giúp đỡ con của mình ngày càng nhiều, ngày càng khẩn thiết. Các trường hợp này có một điểm chung đó là đứa trẻ có thể trước đây đã từng vui vẻ, sức khỏe thể chất và tâm thần bình thường nhưng giờ bỗng trở nên bất hợp tác, thích tự nhốt mình trong phòng, không muốn nói chuyện với cả những người thân thiết nhất, suy nghĩ tiêu cực, chán nản, muốn bỏ học…
Những người làm cha, làm mẹ khi thấy con mình như vậy, ngoài khuyên nhủ ngọt nhạt, dọa dẫm, mắng nhiếc, khóc lóc, bế tắc và kêu cứu thì không biết làm gì khác. Họ bất lực khi con mình dường như trở thành con người hoàn toàn khác, không còn là đứa con ngoan ngoãn, nghe lời, vui vẻ trước đây.
Khi lắng nghe, hỏi han, chúng tôi dần tìm ra nút thắt của vấn đề. Đây là câu chuyện có mối liên hệ nhân quả, tình trạng các em đang gặp phải là kết quả của một chuỗi những sự kiện, những áp lực và cung bậc cảm xúc khác nhau mà các em gặp phải trong suốt thời gian qua. Hàng ngày, con bạn có thể đang phải chịu áp lực trong học tập và thi cử, bị bạn bè cô lập, bắt nạt, thậm chí là bạo lực học đường, miệt thị ngoại hình, dậy thì…
Những đứa trẻ ấy, khi không chia sẻ được với gia đình và được giải tỏa áp lực, nhẹ thì bị mất phương hướng, nặng thì trầm cảm đến mức phải điều trị. Nhiều trường hợp đã tự tử bất thành, không chỉ một lần mà là nhiều lần.
Theo báo cáo của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc), hiện nay có 8-29% trẻ em và vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có nghĩa là, có đến ba triệu trẻ em đang phải vật lộn với những vấn đề trên sức khỏe tâm thần của mình, và yêu cầu đặt ra là cần có phương pháp để giúp các em vượt qua nó.
Trước tiên, mỗi gia đình phải tự cứu lấy mình
Với các vấn đề trên sức khỏe tâm thần, những đứa trẻ cũng như bất kỳ ai khác, cũng đều cần được trợ giúp bởi các chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, để thu được kết quả tích cực, trước hết, mỗi bậc cha mẹ cần tự nhìn nhận lại và thay đổi, để tự thân cứu lấy chính gia đình mình. Câu hỏi đặt ra là làm điều đó bằng cách nào?
Hiểu đúng vai trò của gia đình
Là bậc làm cha làm mẹ, bạn cần xác định đúng vai trò của gia đình, và biến gia đình thành “hầm trú ẩn cảm xúc” cho mọi người, đặc biệt là con trẻ.
Mỗi chúng ta khi đến tuổi đều sẽ lập gia đình, kết hôn và sinh con đẻ cái. Vậy nhưng, có thể, chúng ta đều chưa thực sự đủ thấu hiểu các cung bậc cảm xúc của cuộc sống hôn nhân và bản chất của cuộc sống gia đình.
Có những người quá cầu toàn, cho rằng mình sinh ra đứa trẻ thì có quyền được quát nạt, điều hướng phát triển của trẻ theo mong muốn của mình, biến chúng trở thành món trang sức lấp lánh để khoe với xã hội. Có những người lại để mặc, cứ để trẻ phát triển theo tự nhiên, rồi con sẽ tự trưởng thành trước những xô đẩy của sóng gió cuộc đời, nhưng điều đó vô tình trở thành kiểu bỏ bê con trẻ. Có những người lại học cách cha mẹ đã dạy mình trước đây để áp đặt, kiểm soát hoặc bao bọc quá mức với con cái, trong khi hoàn cảnh, thời đại và nhu cầu của các thế hệ là khác hẳn nhau.
Tất cả những cách này đều không đúng. Nó có thể khiến trẻ bị mất phương hướng, mất cảm xúc hoặc cảm thấy bí bách, chúng cảm thấy gia đình không còn là nơi mình có thể thể hiện cảm xúc, từ đó giấu đi những áp lực mà chúng đang phải chịu đựng. Thậm chí, trước những bậc cha mẹ có cách nuôi dạy con độc hại, gia đình lại chính là nơi tạo ra áp lực, khiến chúng bị tổn thương tâm lý.
Bạn cần hiểu rằng, gia đình cần là nơi mà mỗi người cảm thấy an toàn và được chăm sóc về cảm xúc, chứ không phải là nơi mài giũa về lý trí. Gia đình phải là nơi mỗi người cảm thấy được ghi nhận, an ủi, vỗ về... chứ không để nhận các góp ý, chỉ đạo, phê bình.
Gia đình cần là nơi mà trẻ cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc
Khi gia đình là nơi mà trẻ được an toàn về mặt cảm xúc, trẻ muốn trở về, muốn được chia sẻ sau một ngày học tập, làm việc nhiều sức ép. Nếu không, trẻ sẽ dần thu mình lại, muốn sống một mình một thế giới và dễ trở thành nạn nhân của các vấn đề trên sức khỏe tâm thần.
Cần nuôi dạy con đúng cách
Việc dạy con là cần thiết, bởi nếu không được dạy dỗ, trẻ dễ bị mất phương hướng đánh mất chính mình. Vậy nhưng, bạn cần biết cách nuôi dạy như thế nào cho hợp cảnh, hợp tình và đặc biệt phải đúng lúc, đúng việc. Sau đây là 5 điều cần ghi nhớ khi nuôi dạy con cái:
- Không nên tham dạy: Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người định hướng chứ không phải bất kỳ điều gì trong cuộc sống và quá trình phát triển của trẻ đều cần bạn “dạy” và uốn nắn theo ý của mình.
- Không bỏ bê, nhưng cũng không kiểm soát và bao bọc con quá mức.
- Không dùng bạo lực thể xác, không bạo hành tinh thần trong quá trình dạy con.
- Có nhiều bài học cuộc sống không nhất thiết tất cả đều phải học từ cha mẹ. Những gì cha mẹ không kịp dạy và không thể dạy, con sẽ học từ cuộc đời. Phải dám tin và dám chấp nhận sự thật đó, thì việc dạy con mới không căng thẳng.
- Không nên cài cắm các ý đồ riêng. Trẻ cần được tự xây dựng tương lai và có ước mơ riêng của mình. Chúng không phải là người hoàn thành nốt mục tiêu đang dang dở nào đó của bạn, không phải người sẽ vẽ lại ước mơ mà bạn mong muốn nhưng chưa làm được. Vì vậy, đừng ép trẻ làm điều gì để phục vụ mong muốn của bạn.
Khi ghi nhớ những điều này, ta sẽ có một cách tiếp cận thoáng đạt hơn về việc nuôi dạy con. Đặc biệt, ta sẽ biết cách để đồng hành cùng con, xây dựng để gia đình thành nơi trú ẩn cảm xúc của trẻ.
Hãy luôn đồng hành cùng con trong quá trình trị liệu tâm lý
Nếu con bạn đang có những biểu hiện bất thường trên tâm lý, hãy nhìn vào những điều trên, xem bạn có đang phạm phải sai lầm gì khiến trẻ thu mình lại, từ đó thay đổi để dần dần đưa con ra khỏi vòng vây của những cảm xúc tiêu cực. Hoặc chí ít, bạn cũng sẽ được con chấp nhận là người đồng hành cùng con thoát ra khỏi hố đen của trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Với trẻ bị rối loạn tâm thần, bạn cần đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để được áp dụng các phương pháp trị liệu thích hợp. Trong quá trình này, hãy luôn là người đồng hành cùng con của mình nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập