Mục lục [Ẩn]
Trong những năm trở lại đây, tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm ở học sinh, sinh viên đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Một yếu tố hàng đầu gây ra tình trạng này chính là từ việc học tập, nhất là trong giai đoạn thi cử, chuyển cấp.
Những áp lực này là vô hình, nhưng ảnh hưởng của chúng thì có thể thấy được một cách rõ ràng, thậm chí là khiến chúng ta phải cảm thấy đau xót. Vậy, làm cách nào để vượt qua áp lực thi cử? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn 9 cách để thực hiện điều này!
Áp lực thi cử - 9 cách giúp bạn vững bước để vượt qua
1. Xác định năng lực của bản thân
Chúng ta thường hay ví von rằng các kỳ thi vào trung học phổ thông, thi đại học giống như những cuộc chiến. Các sĩ tử thì giống như những chiến binh đã được tôi luyện qua nhiều năm đèn sách, chỉ chờ ngày được ghi danh lên bảng vàng.
Trên thực tế, có những kỳ thi còn khốc liệt hơn. Bởi lẽ, chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường có giới hạn, có những trường tỷ lệ chọi rất cao. Thậm chí, mỗi bạn thí sinh có khi phải chiến đấu với 10 - 20 bạn khác. Do đó, nếu như không tự lượng sức mình, thì áp lực mà bạn phải chịu là rất lớn.
Bên cạnh đó, bạn hãy xem mình thực sự giỏi nhất ở mảng kiến thức nào. Bạn có năng khiếu ở các môn tự nhiên, hay xã hội, hay thiên về hội họa, âm nhạc,...
Nếu giỏi về các môn tự nhiên, bạn hãy thi vào các ngành như: y dược, sinh học, kỹ thuật, viễn thông,... Nếu mạnh về các môn xã hội bạn có thể thì vào truyền thông, báo chí,... Nếu mạnh về hội họa, bạn hãy thi vào kiến trúc, mỹ thuật,...
Chung quy lại, bạn hãy “liệu cơm, gắp mắm”, đưa ra những sự lựa chọn phù hợp với bản thân, đừng dồn ép mình quá mức. Chúng ta không thể bắt một con cá leo cây được, đúng không?
Bạn hãy xác định xem khả năng của mình đến đâu nhé!
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Nghệ thuật khám phá bản thân: Cách tìm kiếm năng lực thực sự của bạn.
2. Hiểu rõ mình muốn gì và cần gì
Đôi khi, những thứ chúng ta ao ước, muốn có được lại không phải là thứ mà chúng ta cần nhất. Tuy nhiên, có nhiều người lại không nhận ra điều này, và tự trói buộc mình trong những mơ mộng hão huyền.
Ví dụ, bạn cần thi vào một ngành học có điểm chuẩn là 21 điểm, thì mỗi môn bạn cần có trung bình là 7 điểm. Với mức điểm này, bạn chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là được.
Tuy nhiên, nếu muốn đứng TOP trường, như làm thủ khoa chẳng hạn, bạn sẽ cần phải học cả phần kiến thức nâng cao, làm được cả những câu khó đến rất khó, câu hỏi lấy điểm 10. Theo đó, bạn không chỉ tốn thêm nhiều công sức, mà còn mất cả thời gian. Bạn phải sẽ phải học, ôn luyện nhiều hơn và vất vả hơn.
Do đó, bạn hãy cân nhắc xem, điều mình muốn có thực sự là điều bản thân cần nhất lúc này hay không. Khi xác định được rõ ràng điều này rồi, bạn sẽ giảm tải được rất nhiều áp lực từ việc thi cử, tiết kiệm được sức lực và cả thời gian.
Hãy thật sự hiểu rõ bản thân cần gì và muốn gì bạn nhé!
3. Sử dụng lý trí thay vì đi theo cảm xúc
Thi chuyển cấp là một giai đoạn quan trọng, không giống như thi hết học kỳ. Kỳ thi này sẽ quyết định việc bạn có vào được một môi trường học tập phù hợp với bản thân hay không. Do đó, bạn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định xem mình sẽ thi vào trường gì.
Có một số trường hợp, các bạn sĩ tử vì chạy theo “tiếng gọi của trái tim”, vì một người mình thích, một lời hứa hẹn, hay chạy theo các “ngành hot”, danh giá,... mà đưa ra những lựa chọn quá sức với bản thân.
Đương nhiên, để thực hiện được điều này, bạn sẽ cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần bình thường, học ngày, học đêm. Điều này sẽ khiến cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn đều bị tổn hại đáng kể.
Tuy nhiên, việc từ bỏ những ham muốn cá nhân này là điều không hề dễ dàng. Một cách có thể giúp bạn thoát khỏi những ràng buộc của chúng, là hãy nghĩ xem người bạn kia có thể đồng hành với mình được bao lâu, hay xu hướng nghề nghiệp này có còn hot trong tương lai không,...
Bạn hãy cân nhắc về những lợi ích và rủi ro về quyết định của mình, hãy luôn giữ cho mình một “cái đầu lạnh”, và thật tỉnh táo nhé!
Hãy suy nghĩ thật kỹ xem nên chạy theo xướng hay không nhé!
4. Nói rõ nguyện vọng của mình với cha mẹ
Áp lực thi cử không chỉ xuất phát từ chính những ham muốn của các bạn học sinh, mà trong nhiều trường hợp, nó còn đến từ gia đình, cha mẹ của các bạn. Các bậc phụ huynh thì đều mong muốn con mình được vào một môi trường tốt, một ngành học được trọng vọng, hay dễ dàng để xin được việc sau này,...
Tuy nhiên, điều này có thể lại trở thành một sự áp đặt, một gánh nặng cho các bạn học sinh, khi sắp bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Mỗi người sẽ có một khả năng khác nhau. Việc áp đặt các tiêu chuẩn từ người này, qua người khác có thể gây ra sự bất mãn và mâu thuẫn giữa cha, mẹ với con cái.
Chính vì vậy, nếu cảm thấy những sự chọn lựa của cha, mẹ không phù hợp với mình, bạn hãy đừng ngần ngại mà đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, trước hết, bạn cần thực sự hiểu rõ về năng lực và nhu cầu của bản thân.
Bạn đã cố gắng hết sức hay chưa? Bạn có còn khả năng để cố gắng nữa hay không? Quá trình ôn luyện có khiến bạn mệt mỏi hay không? Bạn thực sự có năng khiếu về lĩnh vực gì, hay yếu ở mặt nào? Sau khi đã suy nghĩ thật kỹ, bạn hãy ngồi xuống, giữ bình tĩnh, và nói lên quan điểm của mình, sẵn sàng đưa ra những ý kiến phản bác với những lựa chọn, yêu cầu không phù hợp.
Bạn hãy lắng nghe, suy nghĩ và tự tin đưa ra quan điểm của mình nhé!
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Nhận diện và đối phó với 10 kiểu nuôi dạy con độc hại của các bậc cha mẹ.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh
Bất cứ bạn thí sinh nào cũng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong khi ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp. Đó có thể là khó khăn trong việc phân chia thời gian học tập trên trường, học tại nhà, học thêm, hay những lỗ hổng về kiến thức, kinh nghiệm và các mẹo khi làm bài thi.
Để giải quyết được điều này, bạn hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người xung quanh như ông bà, cha mẹ, anh chị hay thầy cô. Bạn có thể nhờ cha mẹ sắp xếp thời gian, cân bằng giữa việc học trên trường, và học thêm bên ngoài, hoặc hỗ trợ việc nhà để bạn có thêm thời gian ôn luyện.
Bạn cũng có thể nhờ thầy cô giải đáp những khúc mắc, những phần kiến thức mà mình chưa thực sự hiểu rõ, những cách làm bài mới lạ, cách làm nhanh, hay những “tiểu xảo” khi làm những câu hỏi trắc nghiệm. Bạn có thể xin kinh nghiệm từ các anh chị khóa trên, anh chị họ hàng về những điều cần lưu ý khi ôn tập, cũng như làm bài thi.
Sự hỗ trợ của họ là điều vô cùng hữu ích và cần thiết với bạn trong giai đoạn quan trọng này. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại mà tìm kiếm sự giúp đỡ từ họ nhé!
Bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ người cha mẹ, thầy cô, anh chị
6. Cho phép bản thân được nghỉ ngơi, phục hồi
Đối với các bạn sĩ tử sắp đến ngày thi, việc thức khuya, dậy sớm để ôn bài là một điều hết sức bình thường. Thậm chí, có những bạn thức đến 2, 3 giờ sáng để học, rồi 7 giờ sáng lại vào lớp, 5 giờ chiều mới về, chỉ kịp ăn uống, tắm rửa rồi lại tiếp tục học. Việc được ngủ và nghỉ ngơi ít hơn sẽ khiến cho các bạn vô cùng mệt mỏi, kiệt sức.
Bên cạnh đó, hầu hết các bạn đều có tâm lý lo lắng, không biết rằng phần kiến thức này mình đã nắm chắc hay chưa, mình có bỏ qua phần nào chưa ôn lại hay không, hay tại sao đã học đi học lại mà vẫn không nhớ được,... Điều này sẽ tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của các bạn, từ đó ảnh hưởng đến kết quả ôn tập.
Chính vì vậy, bạn hãy chú ý tới sức khỏe của bản thân, đừng để mình rơi vào trạng thái quá tải. Một chiếc lò xo khi bị nén quá mức sẽ có thể bị biến dạng vĩnh viễn, thế nên bạn cũng nên “ co giãn” cho phù hợp nhé!
Cách đơn giản nhất để thực hiện được điều này chính là hãy dành cho mình những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, khi cảm thấy quá mệt mỏi. Bạn có thể tìm một chỗ yên tĩnh để nghe những bài hát mà mình ưa thích, ra ngoài và đi chơi với bạn bè, thực hiện các sở thích cá nhân, hay đơn giản là ngủ một giấc thật ngon.
Bạn thậm chí có thể dành nguyên 1 ngày cho việc nghỉ ngơi. Khi sức khỏe đã hồi phục, bạn sẽ có thể tiếp tục đương đầu với áp lực đến từ kì thi này!
Bạn hãy dành cho bản thân khoảng thời gian để nghỉ ngơi
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Làm thế nào để giới trẻ cân bằng giữa việc học, công việc và cuộc sống cá nhân?
7. Suy nghĩ về kết quả tích cực từ sự nỗ lực của bản thân
Để đạt được sự thành công trong bất cứ công việc gì, thì động lực luôn là một thứ không thể thiếu. Đương nhiên, việc ôn thi cũng không ngoại lệ. Khi được tiếp thêm động lực đúng cách, các bạn sẽ như có được một chiếc đòn bẩy để nâng cả thế giới lên vậy.
Nguồn động lực này có thể đến từ sự động viên của thầy cô, cha mẹ, hay đến từ một “người bạn đặc biệt” chẳng hạn,... Tuy nhiên, có một cách để bạn tự tiếp thêm động lực cho bản thân. Đó chính là suy nghĩ về kết quả tích cực từ sự nỗ lực của bản thân.
Đầu tiên, bạn hãy nghĩ đến việc mình đã cố gắng như thế nào trong thời gian vừa qua. Bạn hãy nhớ về những thành tích mà bản thân đã đạt được, và nhìn về con đường phía trước, chỉ còn lại một vài tháng nữa thôi.
Sau đó, bạn hãy nghĩ đến việc sắp được học trong ngôi trường mà mình hằng mơ ước rồi, mình sẽ có được nhiều người bạn mới, đến từ nhiều vùng miền trên khắp đất nước, có thêm những trải nghiệm mới,... Đây sẽ là nguồn động lực giúp bạn hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra, và vượt qua áp lực thi cử.
Bạn hãy suy nghĩ về kết quả tích cực từ sự nỗ lực của bản thân
8. Chăm chỉ và tiếp tục chiến đấu một cách kiên cường
Sau khi đã có những khoảng lặng để nghỉ ngơi, và suy nghĩ về thành quả từ sự nỗ lực của bản thân, điều tiếp theo mà bạn cần thực hiện là chăm chỉ và tiếp tục chiến đấu như một chiến binh.
Chung quy lại, để có được thành công trong tương lai, việc cần làm nhất vẫn là ôn tập thật tốt mà thôi. Kiến thức không phải là thứ vũ khí duy nhất, nhưng lại quan trọng nhất để bạn có được những gì mà mình mong muốn.
Do đó, bạn hãy dành thời gian để hệ thống lại kiến thức, liệt kê ra tất cả những gì mà mình cần học, để không bỏ sót bất cứ điều gì. Sau đó, bạn hãy học lại chúng một cách tuần tự, từ dễ đến khó, hãy chắc chắn mình sẽ không mắc sai lầm ở những phần kiến thức cơ bản.
Bạn luyện lại những bộ đề ở các năm gần đây, chú ý vào cách ra đề, những “chiếc bẫy” được giấu trong các câu hỏi. Bạn cũng có thể đăng ký thi thử nhiều hơn, nhất là tại các trường đại học để làm quen không khí phòng thi. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn có một hành trang tốt nhất, giảm bớt gánh nặng thi cử.
Bạn hãy chăm chỉ và tiếp tục chiến đấu một cách kiên cường
9. Tìm kiếm những người bạn đồng hành
Hãy luôn nhớ rằng, bạn có thể phải đối đầu với rất nhiều người trong kỳ thi này, nhưng cũng sẽ có những người đồng minh cùng sát cánh với bạn. Bạn không hề đơn độc trong cuộc chiến này!
Bên cạnh người thân hay thầy cô, thì những bạn sĩ tử cũng đang trong quá trình ôn thi sẽ có thể trở thành những người đồng hành cùng với bạn. Họ có thể là những người bạn thân, bạn gần nhà, bạn học chung cấp 2, cấp 3 hay tại lớp học thêm,...
Bạn hãy mạnh dạn mở rộng các mối quan hệ, đừng ngần ngại đề nghị họ cùng ôn tập chung với mình. Các bạn sẽ có thể bổ sung những kiến thức mà mình còn thiếu, chưa nắm vững hay đã vô tình bỏ sót, hoặc có thêm nhiều cách giải bài mới lạ. Nhiều người cùng suy nghĩ, bổ trợ lẫn nhau sẽ tốt hơn rất nhiều.
Đồng thời, việc có thêm những người đồng hành cũng sẽ giúp bạn có thêm nhiều sự liên kết hơn, bớt cảm thấy cô độc hơn so với khi chỉ có một mình. Các mối quan hệ này cũng rất có ích với bạn trong tương lai, cuộc sống sau này!
Bạn hãy tìm những người bạn đồng hành
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm những cách thức hữu ích để vững bước vượt qua áp lực thi cử. Trên hết, bạn hãy luôn suy nghĩ lạc quan, tích cực, quan tâm đến sức khỏe của bản thân, và có cho mình những mối quan hệ lành mạnh. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua được mọi áp lực trong cuộc sống.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập