Mục lục [Ẩn]
Nhiều người vẫn cho rằng, phụ nữ ở nhà nội trợ, không phải lo kinh tế, được “chồng nuôi” là sướng. Tuy nhiên trên thực tế lại không phải như vậy. Đa phần các bà nội trợ đều không hài lòng với cuộc sống của mình, thậm chí còn gặp phải các vấn đề tâm lý như stress, trầm cảm. Tại sao lại như vậy? Những người phụ nữ ở nhà nội trợ cần làm gì để giảm bớt căng thẳng, stress? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Phụ nữ nội trợ mang rất nhiều căng thẳng, stress.
Những áp lực của phụ nữ ở nhà nội trợ
Quá nhiều việc phải làm
Trong con mắt của nhiều “trụ cột gia đình” và xã hội, phụ nữ ở nhà nội trợ thật sung sướng, họ không phải làm việc gì cả, không bị sếp mắng, không bị áp deadline, định mức công việc, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, họ đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác… Tuy nhiên, trên thực tế, người nội trợ không hề nhàn hơn, thậm chí là ngược lại.
Giờ làm việc của họ không phải là 8 tiếng/ ngày như những người đi làm mà kéo dài từ 16 - 18 tiếng/ngày, 16 – 18 tiếng áp lực, căng mình hoạt động hết năng suất với ti tỉ những việc không tên.
Hạn chế giao tiếp với người xung quanh
Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa khiến những người nội trợ stress không chỉ nằm ở công việc quá tải. Người phụ nữ ở nhà chăm lo cho gia đình thường có môi trường tiếp xúc khá hạn hẹp. Với những người phụ nữ nội trợ toàn thời gian, thế giới của họ dường như chỉ xoay quanh chồng con, vui với nỗi vui của chồng, buồn cùng nỗi buồn của con. Và khi có chuyện gì đó xảy ra, người stress nhất, người dễ có cảm giác đơn độc nhất lại là người nội trợ.
Họ không dám than thở mệt mỏi hay áp lực. Thậm chí, nếu muốn nhờ chồng làm hộ một việc gì đó cũng rất dễ nhận về những lời chỉ trích, chỉ vì “Ở nhà cả ngày, có việc gì đâu mà…”. Việc giải trí, nằm xem tivi, ra ngoài ăn uống hay đi chơi với bạn bè nhiều người cũng không dám đi, vì “đã không làm ra tiền, còn tiêu pha tốn kém”, hoặc vì họ tự nhìn lại bản thân thấy vẻ ngoài của mình quá luộm thuộm, xấu xí, thậm chí nhiều người phụ nữ còn không có lấy một bộ quần áo “đẹp đẽ, tử tế” để đi gặp mọi người.
Không được chồng và xã hội coi trọng
Có rất nhiều ông chồng không thấy được sự hy sinh của vợ khi ở nhà nội trợ cơm nước mà cho rằng vợ “ăn bám” mình. Mỗi lần đưa tiền cho vợ, họ sẽ kể lể, than phiền, trách móc vợ tiêu pha tốn kém, khinh miệt vợ lạc hậu. Trực tiếp làm ra tiền, người chồng mặc nhiên tự cho mình cái quyền được phục vụ, quyền được quát mắng, coi thường, thậm chí được quyền… đánh đập vợ con! Lúc đó, cuộc sống của người phụ nữ ở nhà nội trợ sẽ khổ sở vô cùng.
Họ ít có “tiếng nói” trong các công việc mua sắm xe cộ, nhà cửa, con cái học hành… mà chồng đều là người quyết định.
Mặc cảm vì phụ thuộc kinh tế
Xã hội hiện nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng việc nhà là thiên chức, trách nhiệm của riêng người phụ nữ mà không công nhận đây cũng là một nghề tạo ra giá trị đóng góp cho gia đình, xã hội.
Chính vì vậy, nhiều người phụ nữ nội trợ dù lúc nào cũng mệt mỏi chăm chồng chăm con nhưng vẫn mang mặc cảm tâm lý cho rằng mình không làm được trò trống gì, phụ thuộc vào chồng, ăn bám chồng….
Nhiều người phụ nữ dù làm rất nhiều việc nhưng vẫn bị chồng nghĩ là “ăn bám”.
Phụ nữ nội trợ làm thế nào để giảm căng thẳng, stress?
Nhận ra giá trị bản thân
Trước tiên, người phụ nữ nội trợ cần giải phóng tư tưởng. Chính họ phải tự ý thức rằng nội trợ cũng là một nghề bình đẳng và quan trọng như bao nghề khác. Gia đình là tế bào của xã hội, nếu không có ai đầu tư thời gian, công sức cho những công việc chăm sóc thiết yếu hằng ngày này thì các cộng đồng, công sở và toàn bộ nền kinh tế sẽ bị trục trặc.
Những người phụ nữ nội trợ là những người cực kỳ giỏi giang chứ không phải là người kém cỏi như nhiều người vẫn nghĩ. Không chỉ làm công việc nhà, họ còn phải kiêm luôn cả bác sĩ tâm lý trẻ em, phải giỏi kỹ năng của một “giám đốc tài chính” trong nhà, phải có kỹ năng sắp xếp thời gian chuyên nghiệp…
Với những kỹ năng và hàm lượng công việc mà họ phải làm hàng ngày, đáng lẽ họ phải trả lương cao hơn nhiều, ít nhất là bằng giúp việc gia đình chuyên nghiệp (ít nhất 7 triệu đồng) + một người trông trẻ chuyên nghiệp (5 triệu đồng).
Do đó, nếu bạn đang ở nhà nội trợ thì không có gì phải mặc cảm cả, vì công việc mà bạn đang phải làm là một việc vĩ đại và vô cùng quan trọng với gia đình.
Dành thời gian nghỉ ngơi
Một trong những nguyên nhân khiến các bà nội trợ bị căng thẳng là việc ôm đồm nhiều việc. Lúc này, bạn nên tạm dừng mọi việc, tìm chút thời gian thư giãn, hít thở thật sâu và nghỉ ngơi một lúc. Bạn có thể dành thời gian làm những việc mà mình yêu thích như nghe một bản nhạc, đọc một cuốn sách,... để giảm bớt căng thẳng. Tự mua cho mình những bộ cánh đẹp, tút tát lại bản thân để đi gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè. Điều này cũng giúp các bà nội trợ nhanh chóng thoát khỏi cảm giác bị stress và có thể quay trở về trạng thái bình thường.
Đầu tư, phát triển bản thân
Bạn nên dành riêng một quỹ thời gian nhất định cho bản thân. Đây là lúc cho cơ thể được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Ngoài ra, để không bị thụt lùi so với xã hội, bạn cũng nên tham gia học tập một môn học nào đó bạn yêu thích, tham gia các câu lạc bộ,... như nấu ăn, thêu thùa, học ngoại ngữ,.... Việc này sẽ giúp cuộc sống của bạn không còn phải xoay quanh chồng con, bạn sẽ có những mối quan hệ mới, những mục tiêu mới hơn,...
Đến gặp các chuyên gia tâm lý
Nếu bạn cảm thấy sự căng thẳng, áp lực đã trở nên quá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thì bạn nên đến gặp các chuyên gia tâm lý để được tư vấn. Bạn nên đưa cả chồng đến tư vấn. Thông qua liệu pháp trò chuyện, các chuyên gia tâm lý sẽ tìm được nguyên nhân gây căng thẳng của bạn, giúp bạn điều chỉnh lại những suy nghĩ sai lệch - thường là căn nguyên gây căng thẳng, stress và cho bạn các biện pháp đối phó với áp lực.
Vợ chồng có thể đến gặp các chuyên gia tâm lý nếu không thể có tiếng nói chung.
Trên đây là một số điều khiến phụ nữ làm nội trợ thường cảm thấy áp lực, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm. Nếu bị vấn đề đó, mời bạn gọi đến tổng đài 0243.760.6666 để được tư vấn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập