Mục lục [Ẩn]
Chủ nghĩa cầu toàn thôi thúc chúng ta muốn làm mọi thứ một cách hoàn hảo, thôi thúc chúng ta trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của mình. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi tính cầu toàn bắt đầu lấn át bạn? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn không thể hài lòng về bản thân bởi không đáp ứng được những kỳ vọng đã đề ra? Đó chính là lúc bạn đã sập bẫy của chủ nghĩa cầu toàn.
Bạn có phải người cầu toàn?
Cầu toàn là một đặc điểm tính cách được đặc trưng bởi việc không ngừng theo đuổi và hướng tới sự hoàn hảo tuyệt đối. Người cầu toàn luôn cố gắng tìm kiếm sự hoàn hảo trên mọi khía cạnh, từ công việc cho tới những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của một người theo chủ nghĩa cầu toàn:
1. Đặt mục tiêu bất thường và cực kỳ cao cho bản thân
Chắc chắn rồi, đây chính là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của một người cầu toàn. Chủ nghĩa cầu toàn thuyết phục bạn rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi tất cả mục tiêu ở mức độ tuyệt đối, bất kể bạn có thể đau khổ và đánh mất chính mình như thế nào trong quá trình này.
Đôi khi, sâu thẳm bên trong bạn có thể biết rằng điều này là không thể và chắc chắn việc theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo sẽ lấy đi của bạn rất nhiều thứ. Nhưng bạn vẫn tiếp tục, bởi vì có một giọng nói nhỏ vẫn đang văng vẳng trong đầu bạn rằng “Tôi phải là người giỏi nhất trong số họ”, sự hoàn hảo tuyệt đối là tất cả, bạn chỉ có thể đạt được nó khi không ngừng đặt ra cho mình những mục tiêu thật cao và bạn chỉ nên tập trung vào điều đó.
2. Không thể thừa nhận và ăn mừng những thành tựu của mình
Một người bình thường khi họ đạt được một thành tựu nào đó dù là rất nhỏ như một điểm số tốt, một lời khen ngợi từ mọi người thì họ sẽ tự thưởng cho mình một lời tán dương hoặc vài giây phút thư giãn cho những thành tựu đó. Nhưng với người cầu toàn, cho dù bạn hoàn thành công việc của mình hoàn hảo tới mức nào, bạn vẫn sẽ thấy không hài lòng với những điều đó.
Bạn cảm thấy khó để tự chúc mừng bản thân mình vì đã hoàn thành tốt công việc. Thay vào đó, bạn soi mói mọi khía cạnh nhỏ nhặt và nghĩ rằng đáng lẽ ra mình đã có thể làm tốt hơn. Bạn tiếp tục tìm ra khuyết điểm và tự phàn nàn cho đến khi bắt đầu chán ghét mình. Bạn thề sẽ làm công việc đó tốt hơn vào lần tới, và cứ như vậy, bánh xe luẩn quẩn của chủ nghĩa cầu toàn vẫn tiếp tục quay.
3. Thành tựu là công cụ để bạn xác định lòng tự trọng và giá trị bản thân
Khi bạn là một người cầu toàn, bạn xác định giá trị của bản thân mình dựa trên những gì đã đạt được. Thành tích quyết định tới tính “hữu ích” của bạn đối với người khác và xã hội nói chung. Sự công nhận và chấp thuận từ mọi người là điều duy nhất khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.
Bạn quá ám ảnh bởi sự tán thưởng từ mọi người
Tìm kiếm sự công nhận đôi khi không sao, nhưng nếu bạn phụ thuộc quá nhiều vào những gì người khác nghĩ về bạn thì bạn đang trở thành một người thiếu độc lập. Thứ duy nhất mà bạn khao khát đó là sự thừa nhận từ người khác. Cho dù cuộc sống của bạn có thể tuyệt vời đến đâu, sẽ không có gì là đủ và bạn sẽ không thể có được hạnh phúc.
4. Không ngừng so sánh bản thân với người khác
So sánh bản thân với người khác là công cụ để người cầu toàn hướng tới sự hoàn mỹ của mình. Và trong một thời đại phát triển bùng nổ của internet cùng các nền tảng mạng xã hội thì điều này lại càng trở nên độc hại. Bạn luôn bị cuốn hút vào mạng xã hội của mình vì bạn muốn biết những gì người khác đang làm, những gì họ đang đạt được và cách mà mọi người đánh giá bạn.
So sánh với người khác có thể là động lực để bạn phát triển lành mạnh nhưng sự so sánh ở người cầu toàn thì lại diễn ra một cách cực đoan. Do đó đây là một điều độc hại.
5. Bạn đặt mục tiêu quá cao cho người khác
Sự cầu toàn đôi khi không chỉ dừng lại ở việc bạn đặt mục tiêu quá cao cho bản thân mình mà còn cho cả người khác. Bạn ép buộc họ phải đạt được tất cả những gì mình đã đưa ra một cách hoàn hảo nhất. Nếu họ không thể đáp ứng, bạn cảm thấy thất vọng, tức giận và không ngừng chỉ trích đối phương.
Điều gì khiến bạn trở thành một người cầu toàn?
Có hai nguyên nhân lớn có thể biến bạn trở thành một con người cầu toàn, đó là: hoàn cảnh và yếu tố tâm lý.
Hãy cùng nói về yếu tố thứ nhất: hoàn cảnh xuất thân. Phần lớn người cầu toàn sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Sự nghèo khó thôi thúc họ phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Họ buộc phải đặt những mục tiêu rất cao cho bản thân mình với mục đích lớn nhất đó là có một cuộc sống sung túc, bù đắp cho những gì họ thiếu hụt trong những ngày thơ ấu.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ những tổn thương tâm lý, nhận thức sai lệch. Họ sợ bị chỉ trích, sợ phơi bày những sai lầm hoặc một ngoại hình xấu xí hay sự kém cỏi của mình. Họ luôn cảm thấy bản thân không đủ tốt trên một khía cạnh nào đó, chẳng hạn như ngoại hình, tính cách, sức khỏe thể chất hoặc trí thông minh. Sự hoàn hảo chính là công cụ để họ bù đắp cho sự xấu hổ tiềm ẩn của mình.
Nỗi xấu hổ của họ có thể xuất phát từ tính cách bẩm sinh, nhưng phần lớn là từ tổn thương tâm lý gây ra bởi những trải nghiệm bất lợi trong thời thơ ấu. Sự thờ ơ, bỏ bê, chửi bới từ cha mẹ hay sự dè bỉu, bắt nạt của bạn bè đã tiêm nhiễm vào đầu họ một suy nghĩ rằng bản thân mình là một kẻ kém cỏi, rằng họ sẽ không bao giờ đủ tốt để đáp ứng kỳ vọng của mọi người. Cứ như vậy, nhận thức sai lệch đó sẽ đi theo họ tới khi trưởng thành và những vấn đề tương tự sẽ lại tiếp diễn.
Nỗi sợ sai lầm xuất phát từ những tổn thương thời thơ ấu
Chủ nghĩa cầu toàn có phải một cái bẫy đầy đau đớn?
Trong một số trường hợp, cầu toàn có thể giúp bạn tiến một bước xa hơn trong công việc, học tập. Nhưng nó luôn đi kèm với những mặt tối nghiêm trọng nếu bạn để nó kiểm soát cuộc sống của mình. Tự phê bình gay gắt, hạ thấp lòng tự trọng và lo lắng về việc phạm sai lầm là những khía cạnh tiêu cực phổ biến của việc phấn đấu cho sự hoàn hảo tuyệt đối.
Vì lo sợ thất bại, người cầu toàn sẽ có xu hướng trì hoãn trong việc đưa ra quyết định để xử lý các vấn đề. Bạn mong muốn mọi thứ phải diễn ra thật hoàn hảo, phải đúng với những gì dự tính và không muốn bất kỳ một sai sót nào. Do đó, lưỡng lự, chần chừ có thể gây ảnh hưởng xấu tới tiến độ công việc, cách gây dựng các mối quan hệ của bạn.
Không những vậy, cầu toàn có thể gây tổn hại thực sự cho sức khỏe của bạn. Việc chạy đua với những mục tiêu ngoài tầm với sẽ khiến bạn cạn kiệt sức lực về mặt thể chất. Khi không đạt được những chỉ tiêu đó, bạn cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, không ngừng tự dằn vặt bản thân. Đây chính là những yếu tố dẫn đến những bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Làm thế nào để ngăn chủ nghĩa cầu toàn kiểm soát cuộc sống của bạn?
Không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoặc ngăn chặn hoàn toàn hậu quả mà xu hướng tính cách này gây ra. Nhưng nếu bạn thấy mình là một người cầu toàn thì cũng đừng quá lo lắng, chúng ta hoàn toàn có thể giành lại quyền kiểm soát bằng một số biện pháp sau đây:
1. Đặt mục tiêu vừa phải cho bản thân
Sẽ rất khó để khuyên một người cầu toàn chỉ nên đặt ra cho mình những mục tiêu vừa phải. Nhưng khi bạn đang theo dõi bài viết này và biết mình cần thay đổi, thì nhận biết được giới hạn của bản thân là điều vô cùng quan trọng để bạn xây dựng mục tiêu cho riêng mình. Dưới đây là hai cách để bạn xác định được giới hạn của mình:
- Hãy nhìn vào điểm số: Mọi người vẫn thường nói điểm số không phản ánh thực lực của bạn. Nhận định đó không hoàn toàn đúng. Nhìn vào điểm số của bản thân từ những ngày tháng còn đi học sẽ là một trong những cách hiệu quả để bạn biết được năng lực của mình đến đâu, mình có thể nỗ lực như thế nào.
- Nhìn vào những thất bại trước đó. “Thất bại là mẹ thành công”, câu tục ngữ này rất chính xác cho những người cầu toàn. Thay vì cảm thấy chán nản, xấu hổ và tiếp tục đặt những mục tiêu “trên trời” tiếp theo, bạn hãy thử ngồi lại, suy ngẫm về những lý do, nguyên nhân khiến mình thất bại. Bạn sẽ thấy rằng mình đã đặt kỳ vọng quá cao, đó là những điều phi thực tế. Thay vì đặt mục tiêu quá cao ngay từ đầu, hãy hạ thấp chỉ tiêu của mình và tăng dần khi bạn đã đạt được nó.
Từng bước xây dựng mức mục tiêu phù hợp cho bản thân
2. Rộng lượng với bản thân
Đối với người cầu toàn, họ luôn thấy bản thân mình còn nhiều thiếu sót và không dễ hài lòng với những gì đã đạt được. Thay vì tự trách bản thân, hãy động viên và tự khen ngợi chính mình vì những thành tựu bạn đã đạt được dù là nhỏ nhất.
Nếu gặp thất bại, hãy tự nhủ với mình rằng không có ai là hoàn hảo, đôi khi mọi thứ diễn ra không theo cách mình muốn là điều bình thường. Thất bại này sẽ là cơ hội học hỏi để bản thân đưa ra những mục tiêu thực tế hơn.
3. Ngừng so sánh bản thân với người khác
So sánh bản thân với người khác là một thói quen của người cầu toàn. Bất cứ khi nào bạn bắt gặp mình đang có ý nghĩ so sánh với người khác, hãy ngay lập tức dừng dòng suy nghĩ đó lại. Đây là một điều khá khó khăn bởi đôi khi, sự so sánh đó đã quá quen thuộc tới nỗi nó diễn ra một cách độc lập với chủ đích của bạn.
Hãy bắt đầu bằng cách hạn chế thời gian của mình trên các trang mạng xã hội bởi đây là nơi thuận lợi thúc đẩy việc bạn so sánh bản thân với người khác.
Xin mời bạn theo dõi bài viết liên quan: 5 điều nên làm thay vì so sánh bản thân với người khác.
4. Gặp gỡ chuyên gia tâm lý
Nếu tính cầu toàn đã gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tinh thần của bạn và bạn cảm thấy mình thường xuyên chán nản, lo lắng thì đi trị liệu là lựa chọn tốt nhất.
Để kiểm soát tính cầu toàn, bạn sẽ cần áp dụng một số biện pháp trị liệu tâm lý, trong đó nổi tiếng nhất là Thay đổi nhận thức - hành vi (CBT). Các chuyên gia tâm lý sẽ cung cấp cho bạn chiến lược đối phó hiệu quả.
Từ bỏ niềm tin rằng bạn cần phải thật hoàn hảo chắc chắn sẽ là một quá trình đầy khó khăn và phũ phàng. Chấp nhận giới hạn và rộng lượng với bản thân không chỉ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện hơn mà còn có thể giúp bạn đi một chặng đường dài trong cuộc sống. Chúc các bạn thành công!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập