Mục lục [Ẩn]
Thông thường khi nhìn thấy vật nhọn, chúng ta có cảm giác sợ hãi, rợn người nhưng chỉ là thoáng qua. Đó là cảm xúc tự nhiên của cơ thể, chúng ta không lo lắng nhiều về chúng và cũng không để tâm đến chúng. Thế nhưng, nếu trông thấy chúng mà bạn lại cảm thấy tim đập nhanh, tức ngực, khó thở… thì chứng tỏ, bạn đang bị hội chứng sợ vật nhọn!
Hội chứng sợ vật nhọn là gì?
Hội chứng sợ vật nhọn là gì?
Hội chứng sợ vật nhọn - Aichmophobia là tình trạng mà một người bị ám ảnh sợ hãi quá mức khi trông thấy vật nhọn như kim tiêm, kim khâu, mũi dao nhọn, đầu đinh…
Tình trạng này thuộc nhóm bệnh rối loạn lo âu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.
Các triệu chứng của hội chứng sợ vật nhọn
Một người mắc hội chứng sợ vật nhọn thường có các triệu chứng sau đây:
Triệu chứng về tâm lý
- Cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc hoảng loạn dữ dội, mất kiểm soát nếu vô tình thấy các vật nhọn.
- Luôn tránh những vật sắc nhọn hoặc những nơi, tình huống có thể gặp phải những vật sắc nhọn.
Triệu chứng thể chất
- Toàn thân run rẩy
- Toát mồ hôi
- Khó thở, nhịp thở nhanh
- Tim đập nhanh, tăng huyết áp
- Buồn nôn, nôn
- Một số trường hợp còn ngất xỉu.
Hội chứng sợ vật nhọn ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người bệnh?
Hội chứng sợ vật nhọn ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người bệnh?
Thực tế, nếu người bệnh không thấy các vật nhọn thì tâm lý của họ vẫn hoàn toàn bình thường. Họ hoạt động, chơi đùa như bao người khác.
Tuy nhiên, xung quanh chúng ta có rất nhiều vật nhọn mà chúng lại được dùng phổ biến như dao, kéo, kim khâu, đầu bút chì vừa được gọt… Theo đó, người bệnh luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng để tránh né, không đối mặt với chúng.
Họ có xu hướng tránh các hoạt động sinh hoạt thường ngày và cả hoạt động xã hội vì sợ gặp vật nhọn. Chẳng hạn như họ sẽ không thể tự nấu những món ăn cần dùng dao kéo hỗ trợ, không thể tập trung học tập vì có đầu bút bi, bút máy, bút chì đều nhọn…
Đặc biệt, người mắc chứng sợ vật nhọn nói chung và sợ kim tiêm nói riêng đều sợ và tránh đến các cơ sở y tế, kể cả khi sức khỏe có vấn đề. Thậm chí nhiều trường hợp chỉ cần nhìn thấy bác sĩ cầm kim tiêm đã tăng huyết áp, ngất xỉu, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thăm khám, chữa trị.
Nguyên nhân nào gây hội chứng sợ vật nhọn?
Hội chứng sợ vật nhọn thường được hình thành do nhiều yếu tố tác động khác nhau, bao gồm:
- Ám ảnh sợ hãi từ quá khứ: Người từng bị các vật sắc nhọn đâm vào cơ thể, gây thương tích nặng sẽ có nguy cơ cao mắc chứng này, chẳng hạn như: Bị bạo hành bằng cách đóng đinh vào cơ thể, bị tấn công bằng dao…
- Từng bị bệnh nặng phải tiêm truyền liên tục trong thời gian dài.
- Ảnh hưởng từ gia đình: Nếu trong gia đình có người mắc hội chứng này hoặc việc cha mẹ thường xuyên mô tả quá mức về sự nguy hiểm của các loại vật nhọn để con tránh xa cũng làm tăng nguy cơ hình thành nỗi sợ ở đứa trẻ.
Hội chứng sợ vật nhọn được chẩn đoán như thế nào?
Hội chứng sợ vật nhọn được chẩn đoán như thế nào?
Biện pháp chẩn đoán hội chứng sợ vật nhọn chủ yếu là hỏi thăm về tiền sử và triệu chứng của người đó.
Một người được cho là mắc hội chứng sợ vật nhọn khi đáp ứng được 4 tiêu chí sau:
- Có nỗi sợ vô lý, quá mức và dai dẳng về các vật sắc nhọn bao gồm những vật không thực sự nguy hiểm như bút chì, bút bi,…
- Sợ hãi tột độ, hoảng loạn khi nhìn thấy hoặc tiếp xúc với các vật nhọn.
- Lảng tránh: Người bệnh chủ động tránh né các vật nhọn hoặc tình huống có thể tiếp xúc với các vật đó.
- Nỗi sợ hãi ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Cách điều trị hội chứng sợ vật nhọn
Biện pháp điều trị hội chứng sợ vật nhọn thường là trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc tây y nếu cần thiết.
Trị liệu tâm lý
Nhà trị liệu sẽ đi sâu vào tâm trí người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân và từ đó gỡ bỏ nút thắt, giúp họ dần đối diện với nỗi sợ của bản thân và có cách chế ngự nó. Các liệu pháp được áp dụng cho hội chứng sợ vật nhọn là:
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Các chuyên gia sẽ giúp người bệnh nhìn nhận rõ những suy nghĩ sai lệch về các vật nhọn. Từ đó, họ hướng người bệnh đến các suy nghĩ đúng đắn tích cực hơn.
- Liệu pháp phơi nhiễm: Đây là liệu pháp được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị hội chứng sợ vật nhọn. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh giảm nỗi sợ thái quá khi nhìn thấy vật sắc nhọn, đồng thời có thể thoải mái khi nhìn hoặc sử dụng những vật đó.
Liệu pháp phơi nhiễm được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ tăng dần. Ban đầu, người bệnh sẽ quan sát hình ảnh của các vật nhọn, sau đó nhìn các vật nhọn từ xa và cuối cùng là chạm vào các vật sắc nhọn. Quá trình trị liệu sẽ được thực hiện trong một thời gian dài để bệnh nhân có thể thích nghi và giảm dần nỗi sợ vô lý của bản thân.
Trong liệu pháp phơi nhiễm, bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn cách đối phó với cảm giác sợ hãi và hoảng loạn. Nếu tích cực điều trị, đa phần người bị chứng sợ vật nhọn đều có cải thiện rõ rệt. Một số người có thể bình thường hóa các hoạt động như viết bằng bút, cắt gọt thực phẩm, cắt móng tay,…
Dùng thuốc tây y
Khi triệu chứng thể chất xuất hiện quá nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định thêm một số thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần để xoa dịu thần kinh, hạn chế các phản ứng thái quá.
Các nhóm thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ. Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng chúng khi có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, bạn cần tuân thủ về liều dùng, cách dùng, liệu trình để đạt hiệu quả điều trị mà bác sĩ mong muốn.
Đến đây, hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về hội chứng sợ vật nhọn. Hội chứng này có thể được kiểm soát khi bạn quyết tâm, điều trị đúng hướng dẫn của các chuyên gia tâm lý. Chúc các bạn sức khỏe!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập