Mục lục [Ẩn]
Có phải cha mẹ nào khi có con cũng đã “trưởng thành”? Thực tế không phải như vậy, có nhiều đứa trẻ đã phải lớn lên với những cặp cha mẹ dù trưởng thành về thể chất nhưng chưa trưởng thành về mặt cảm xúc, và điều đó đã gây ra những hậu quả tiêu cực cho con cái.
Thế nào là trưởng thành về mặt cảm xúc?
Trưởng thành về mặt cảm xúc là biết cách kiểm soát cảm xúc của chính mình, chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình thay vì đổ lỗi cho người khác và chấp nhận quan điểm của người khác.
Việc thiếu trưởng thành về mặt cảm xúc ở cha mẹ được định nghĩa là thiếu sự tự nhận thức về mặt cảm xúc và đồng cảm. Nói một cách đơn giản, những cha mẹ này coi trọng nhu cầu của bản thân hơn con cái mình, họ không biết cách giao tiếp hiệu quả và thường có những hành vi “khó đoán”.
Điều này không có nghĩa là họ không yêu thương con của mình. Với nhiều cặp cha mẹ, dù họ vẫn yêu thương con của mình nhưng sự thiếu chín chắn trong cách nhận biết các cảm xúc khiến họ không thể đáp ứng được nhu cầu cảm xúc của con mình. Việc nuôi dạy mà thiếu sự đồng cảm và chia sẻ với con sẽ tác động lâu dài và mạnh mẽ đến cách trẻ xử lý cảm xúc và tương tác với người khác.
Cụ thể, theo các chuyên gia, khi được nuôi dưỡng bởi một phụ huynh chưa trưởng thành về mặt cảm xúc, trẻ sẽ dần trở thành một người chú ý nhiều đến cảm xúc, rất nhạy cảm với trạng thái cảm xúc của người khác, cũng như những nhu cầu cảm xúc chưa được đáp ứng của chính họ.
Bên cạnh đó, một số hệ quả tiềm ẩn khác với trẻ là lòng tự trọng thấp, luôn cố gắng làm hài lòng người khác và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt cảm xúc từ người khác. Điều này khiến trẻ dễ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu,...
Trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ chưa trưởng thành vệ mặt cảm xúc thường nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
Có 2 phản ứng thường gặp ở những người được nuôi dưỡng bởi cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc:
- Tin rằng bản thân cần phải thay đổi, phải cố gắng hơn để nhận được tình yêu và sự quan tâm mà mình khao khát.
- Có xu hướng nổi giận hoặc xung đột với người khác trong mối quan hệ nếu mọi việc không như ý.
Những tác động lâu dài khác của việc này là:
- Trẻ gặp khó khăn trong việc thiết lập các ranh giới cá nhân.
- Trẻ có nhu cầu được công nhận rất cao.
- Trẻ dễ hình thành nỗi sợ bị bỏ rơi.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc của mình.
- Trẻ phát triển các cơ chế đối phó không lành mạnh, như sử dụng chất gây nghiện để làm tê liệt cảm xúc và trốn tránh thực tế.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa những cặp cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc và con cái của họ thường khó gắn kết. Bởi sự chia sẻ với nhau những cảm xúc thầm kín nhất tạo ra một mối liên kết vững chắc sẽ làm họ trân trọng lẫn nhau nhưng những bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc không làm được điều đó.
Dấu hiệu cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc
Các dấu hiệu của cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc có thể khác nhau tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của hành vi. Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp:
Họ thiếu sự đồng cảm hoặc dễ bị tổn thương khi ở cạnh con
Một dấu hiệu của bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc là sự thiếu đồng cảm. Trong suy nghĩ của họ, họ là những người duy nhất biết cách làm đúng và con cái phải luôn đặt họ lên hàng đầu và để họ quyết định mọi thứ. Nếu bạn có ý kiến khác, họ sẽ phủ nhận và luôn bắt con cái làm theo thứ họ muốn. Nếu không nghe lời, họ sẽ cho bạn có cảm giác tủi hổ, tội lỗi và sợ hãi cho đến khi bạn làm điều họ muốn.
Khi trưởng thành, bạn vẫn có thể thấy rằng những người cha mẹ này vẫn đáp lại các vấn đề của bạn bằng cách gạt bỏ, hạ thấp hoặc rút lui.
Họ thường xuyên thể hiện những cảm xúc cực đoan
Những người cha, người mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Vì vậy, họ có thể mất bình tĩnh và thậm chí đổ lỗi cho con mình về bất cứ điều gì khiến họ khó chịu. Khi còn nhỏ, bạn phải rất cẩn thận về những gì bạn nói hay làm xung quanh cha mẹ vì bạn sợ điều đó sẽ khiến họ tức giận.
Ví dụ: Họ đã nổi cơn thịnh nộ nếu bạn không đạt được điểm số mà họ mong đợi. Họ rất dễ nổi nóng với một sai lầm rất nhỏ.
Họ luôn tập trung vào bản thân mình đầu tiên
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của sự chưa trưởng thành về mặt cảm xúc là tính ích kỷ và sự thu hẹp suy nghĩ chỉ xoay quanh bản thân mình. Một người trưởng thành sẽ xem xét đến cả cảm xúc và suy nghĩ của những người khác. Vì vậy, nếu bạn có cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thì nhu cầu của bạn sẽ chỉ là thứ yếu so với nhu cầu của họ. Điều này sẽ gây ra cảm giác bất an và dễ làm tổn thương trẻ.
Con cái đã hoặc đang cô đơn về mặt tình cảm
Những bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường chỉ đáp ứng được nhu cầu vật chất của con cái họ, chẳng hạn như cung cấp thức ăn, nhà cửa, giáo dục, chăm sóc trẻ khi ốm... Tuy nhiên, họ lại không đáp ứng được nhu cầu tình cảm của con cái mình.
Ví dụ: Khi trẻ lo lắng hoặc buồn phiền về điều gì đó, họ gạt bỏ những cảm xúc của trẻ vì không thể hiểu được tại sao một đứa trẻ đang trong cảnh chăn ấm, nệm êm lại có thể có điều gì để phàn nàn.
Trẻ thường cảm thấy cô đơn về mặt cảm xúc.
Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy vô cùng cô đơn, dần dần, trẻ không còn chia sẻ với cha mẹ. Khi lớn lên, chúng cũng không biết cách chia sẻ và tìm sự hỗ trợ cần thiết về mặt cảm xúc.
Hay đổ lỗi cho con cái
Như đã nói ở trên, các bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường không biết cách thể hiện cảm xúc của mình lành mạnh, nên khó có thể nói được cảm xúc riêng của bản thân. Tuy nhiên, họ thường mong đợi con cái của họ bằng cách nào đó biết được những cảm xúc mà họ đang trải qua và những gì họ cần. Và nếu đứa trẻ không biết điều đó, những bậc cha mẹ này sẽ trở nên khó chịu và đổ lỗi cho con mình vì đã không quan tâm đến cha mẹ mình.
Khi mối quan hệ với con cái có vấn đề, việc điều chỉnh cảm xúc thì rất cấp thiết. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc lại không làm được điều này. Thay vì khắc phục hay chia sẻ, họ thường làm mọi việc tệ hơn bằng cách đổ lỗi, buộc tội người khác và không chịu trách nhiệm cho hành vi của họ.
Lớn lên với cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ để lại những tổn thương sâu sắc trong lòng con trẻ, trẻ dễ trở thành người nhạy cảm, dễ bị tổn thương và không biết cách xây dựng một mối quan hệ lành mạnh. Nếu bạn thấy mình đang có những dấu hiệu trong bài, hãy tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các chuyên gia tâm lý và học xây dựng các mối quan hệ lành mạnh trong tương lai. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập