Mục lục [Ẩn]
Việc bắt nạt trực tuyến dường như đã trở thành thói quen của một bộ phận cư dân mạng. Hành vi này khiến không ít nạn nhân rơi vào trầm cảm, thậm chí là tìm đến cái chết để giải thoát đau khổ. Vậy, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng bắt nạt trực tuyến, bảo vệ chính mình và những nạn nhân khác? Chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây nhé!
Bắt nạt trực tuyến gây ra những hậu quả gì?
Bắt nạt trực tuyến có thể gây ra những hậu quả gì?
Các hành vi bắt nạt trực tuyến luôn được đánh giá là có mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều so với bắt nạt trực tiếp. Bởi lẽ, trên không gian mạng, các thông tin lan truyền nhanh chóng, có thể thu hút hàng triệu lượt bình luận và chia sẻ.
Vì rất ít khi phải chịu trách nhiệm cho những gì mình nói hoặc viết, và nếu có sai thì chỉ cần xóa là được, nên nhiều người không cần tìm hiểu đúng sai, mà ngay lập tức đưa ra sự phán xét ác ý.
Trên không gian mạng, một cá nhân dễ dàng bị hàng ngàn người công kích cũng một lúc, với vô vàn lời lẽ lăng mạ, sỉ nhục, hạ thấp danh dự và nhân phẩm. Những điều này gây ra tổn thương tinh thần nghiêm trọng, thậm chí là còn đau đớn hơn cả vết thương thể xác. Cụ thể:
Mất cảm giác an toàn
Hiện nay, xã hội luôn đề cao đến quyền riêng tư và tính bảo mật trong cả đời thực và không gian mạng. Chính vì vậy, khi các thông tin cá nhân, chuyện đời tư bị đem ra bàn tán, soi mói công khai, bất kỳ ai cũng đều sẽ cảm thấy không an toàn.
Nạn nhân của hành vi bắt nạt trực tuyến luôn có cảm giác bản thân bị dò xét và theo dõi. Thậm chí, nhiều người còn rơi vào trạng thái lo lắng quá mức, hoảng sợ, chỉ cần một thông báo tin nhắn, cuộc gọi nhỡ cũng có thể khiến họ hoang mang.
Căng thẳng, phiền muộn, trầm cảm
Khi bị nhiều người công kích và chỉ trích cùng lúc, nạn nhân của việc bắt nạt trực tuyến sẽ rơi vào bất lực, suy sụp. Họ cảm thấy dường như tất cả mọi người đang chống đối lại mình, cuộc sống xung quanh không còn chút hy vọng nào. Cảm giác cô đơn, lạc lõng sẽ dần bao trùm lấy tâm trí họ, khiến họ trở nên căng thẳng, stress, dần trở thành rối loạn lo âu trầm cảm.
Bắt nạt trực tuyến khiến nạn nhân rơi vào căng thẳng, trầm cảm
Ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ
Những bê bối cá nhân dù chính xác hay bịa đặt đều sẽ gây ảnh hưởng đến danh dự của nạn nhân. Các thông tin bôi nhọ, hạ thấp, kết tội trên mạng xã hội có thể khiến cuộc sống của nạn nhân bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ có thể phải nghỉ làm, đình chỉ học một thời gian, hoặc thậm chí là buộc thôi việc, thôi học.
Bên cạnh đó, những mối quan hệ xung quanh họ cũng có thể trở nên tồi tệ hơn. Bạn bè, đồng nghiệp có thể xa lánh, con cái có thể ghét bỏ họ,...
Tăng nguy cơ tự tử
Dưới những áp lực quá lớn từ mạng xã hội, các mối quan hệ xung quanh đổ vỡ, tinh thần của nạn nhân sẽ ngày càng bị suy sụp. Khi cảm thấy bất lực, bị dồn vào đường cùng, cuộc sống không còn ý nghĩa, họ sẽ tìm đến con đường cuối cùng là tự tử để chấm dứt tất cả những đau khổ.
Vào tháng 3 năm 2021, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp cứu cho một nữ sinh mới chỉ 13 tuổi (ở Long An) dùng thuốc trừ sâu để tự tử. Nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột này chính là việc em bị bạn bè trong lớp tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội Facebook.
Bắt nạt trực tuyến có thể khiến nạn nhân phải tìm đến cái chết để giải thoát
Ngăn chặn tình trạng bắt nạt trực tuyến bằng cách nào?
Có thể thấy, mạng xã hội là ảo, nhưng hệ lụy của chúng là thật. Nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến sẽ phải gánh chịu những tổn thương cả thể chất và tinh thần. Đối mặt với sự công kích từ cộng đồng mạng chưa bao giờ là điều dễ dàng, ngay cả với những người có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, một số cách dưới đây sẽ phần nào giúp bạn đối diện và vượt qua những lúc khó khăn nhất:
Chia sẻ với gia đình và nhà trường
Bạn không hề đơn độc trong “cuộc chiến” này, trừ khi bạn quyết định che giấu và muốn đối mặt một mình. Gia đình sẽ luôn ở bên, cùng đồng hành, sát cánh với bạn trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, bạn cần giải thích rõ mọi chuyện với họ, hãy trung thực và đừng che giấu bất cứ điều gì.
Nếu việc bắt nạt diễn ra trong phạm vi trường học, bạn nên báo cáo tình hình với nhà trường. Trường học thường sẽ không dung túng cho các hành vi bắt nạt, cô lập, đe dọa, uy hiếp, tẩy chay diễn ra cả trên đời thực lẫn mạng xã hội.
Báo cáo nội dung xấu, chặn tài khoản
Nếu biết rõ đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt là ai, bạn hoàn toàn có thể gửi báo cáo về những nội dung của họ. Bất kỳ mạng xã hội nào cũng đều có bộ phận kiểm duyệt và đánh giá. Khi nhận được các báo cáo xấu, hoạt động của những người này sẽ bị hạn chế trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chủ động chặn tài khoản của những người công kích mình, để họ không thể gửi tin nhắn, hình ảnh hay gọi điện đe dọa, xúc phạm bạn.
Hạn chế sử dụng mạng xã hội
Khi đối diện với các thông tin xấu, nhiều người thường không thể cưỡng lại được sự tò mò, mà liên tục truy cập để xem các bài đăng, bình luận về mình. Điều này sẽ khiến tâm lý của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Vì vậy, nếu không may trở thành nạn nhân, bạn hãy giữ bình tĩnh, tắt điện thoại và tạm thời rời xa mạng xã hội một thời gian.
Bạn hãy tạm thời tắt điện thoại và không sử dụng mạng xã hội
Trình báo cơ quan chức năng
Nếu những thông tin trên mạng là bịa đặt, sai sự thật và gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, công việc, thiệt hại tài sản, bạn hãy trình báo lên cơ quan chức năng. Bạn chỉ cần cung cấp những bằng chứng cho thấy những hành vi này là trái pháp luật. Khi đó, các đối tượng đăng tải thông tin sẽ bị điều tra và xử lý nghiêm, còn bạn sẽ được trả lại sự trong sạch.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về những hệ lụy của tình trạng bắt nạt trực tuyến, cũng như cách ngăn chặn nó. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 0243.760. 6666. Cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian theo dõi!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập