Mục lục [Ẩn]
Trị liệu tâm lý là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn cho các chứng bệnh rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bước vào buổi trị liệu đầu tiên với tâm thế chưa sẵn sàng, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của buổi trị liệu. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu những thứ cần chuẩn bị trước khi đến tham gia buổi trị liệu tâm lý đầu tiên nhé!
Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi tham gia buổi trị liệu đầu tiên?
Bạn cần chuẩn bị gì khi tham gia buổi trị liệu tâm lý đầu tiên?
Chuẩn bị một tâm thế thoải mái, cởi mở và trung thực
Trung thực và cởi mở là hai điều cần thiết giúp bạn đạt được hiệu quả cao nhất từ buổi trị liệu. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế thoải mái trước khi tiến hành buổi trị liệu tâm lý đầu tiên.
Hãy coi quá trình đi trị liệu tâm lý như một cách để bạn chia sẻ, nhờ giúp đỡ và chuyên gia tâm lý sẽ là những người bạn đồng hành cùng bạn vượt qua khó khăn.
Đừng quá lo lắng về việc phải nói gì
Khi quyết định đi trị liệu tâm lý là bạn đã tiến được bước lớn trên con đường cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Việc bạn lo lắng, bồn chồn khi bước vào buổi tư vấn tâm lý đầu tiên là điều hoàn toàn bình thường. Bạn cố gắng đừng băn khoăn về việc mình phải nói hoặc hành động như thế nào. Việc tự chỉ trích, trách móc bản thân vì lo lắng sẽ gây phản tác dụng với mục tiêu điều trị của bạn. Thậm chí, khi bắt đầu buổi trị liệu bạn có thể nói về sự sợ hãi hoặc lo lắng của mình để chuyên gia tâm lý giúp bạn.
Nếu cảm thấy quá căng thẳng trước buổi hẹn, bạn có thể nhờ chuyên gia tư vấn qua điện thoại với mình. Cách này giúp bạn làm quen hơn với “người xa lạ” và giảm dần sự phòng bị của bản thân trong buổi trị liệu.
Vạch ra các mục tiêu rõ ràng
Trước buổi tư vấn đầu tiên, bạn nên vạch ra các mục tiêu trị liệu rõ ràng mà bạn hy vọng đạt được từ việc tư vấn. Hiệu quả của cuộc trị liệu tâm lý sẽ tăng lên rất nhiều nếu bạn có một mục tiêu điều trị nào đó.
Ví dụ:
- Bạn muốn trị liệu để khắc phục được một nỗi ám ảnh sợ hãi nào đó như sợ đám đông.
- Bạn muốn tìm những phương pháp để đối mặt với sự lo lắng.
- Bạn muốn tìm kiếm một nơi an toàn để chia sẻ, tâm sự về những mất mát, đau thương.
Trong quá trình trị liệu, bạn hoàn toàn có thể thay đổi mục tiêu điều trị của bản thân. Tuy nhiên, nếu như bạn không chắc chắn bạn hy vọng đạt được điều gì từ buổi trị liệu thì cũng đừng căng thẳng. Đôi khi, mục tiêu thật sự của bạn chỉ xuất hiện khi bạn cảm nhận được sự tin tưởng, cảm thông và chia sẻ.
Chuẩn bị một danh sách các vấn đề của bản thân
Khi tham gia buổi trị liệu, chắc hẳn chuyên gia sẽ hỏi bạn những vấn đề, khó khăn mà bạn đang gặp phải. Việc lập các danh sách vấn đề sẽ giúp bạn tăng hiệu quả cho ca trị liệu và bạn sẽ không bị bỏ sót một vấn đề nào.
Lập ra một danh sách các vấn đề của bản thân.
Các vấn đề mà bạn nên nói tới là:
- Những thách thức mà bạn đang phải đối mặt.
- Những thay đổi gần đây về bản thân hoặc hoàn cảnh sống khiến bạn phải tìm đến trị liệu.
- Những việc bạn đã thử làm để cảm thấy tốt hơn.
- Đánh giá của gia đình, bạn bè hoặc những người xung quanh bạn (những người xung quanh bạn có cảm thấy lo ngại về một số hành vi hoặc tâm trạng nào của bạn không)?
- Bạn đã gặp những vấn đề này trong bao lâu (Ví dụ: Bạn có những triệu chứng rối loạn lo âu xã hội trong một thời gian dài hoặc chỉ mới gần đây?).
- Các hành vi liên quan đến lối sống và sinh hoạt của bạn. Ví dụ: Môi trường làm việc và nghề nghiệp đặc thù, thói quen thức khuya hay sử dụng các chất kích thích (như thuốc lá, rượu, bia,...).
Chuẩn bị các câu hỏi cho chuyên gia tâm lý
Trong buổi trị liệu tâm lý, bạn đừng ngại ngần nêu những băn khoăn, thắc mắc của mình với chuyên gia tâm lý. Bạn có thể đặt các câu hỏi về tình trạng bệnh của mình hoặc liệu trình trị liệu.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Những điều tôi chia sẻ có được giữ bí mật không? - Nhiều người luôn lo ngại chia sẻ những bí mật của mình với người khác, đặc biệt là người mới tiếp xúc. Việc chắc chắn những tâm sự của mình được giữ bí mật sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn, cởi mở hơn trong tiến trình điều trị.
- Liệu trình trị liệu sẽ kéo dài bao lâu? - Chuyên gia tâm lý sẽ đề xuất với bạn lộ trình phù hợp với tài chính và tình trạng bệnh của bạn. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng thời gian này chỉ mang tính chất tương đối. Bởi thời gian trị liệu còn phụ thuộc vào hiệu quả trị liệu.
- Hỏi về kinh nghiệm và chuyên môn của chuyên gia tâm lý - Việc đặt câu hỏi này giúp bạn xây dựng niềm tin với chuyên gia trị liệu cho mình, giúp tăng hiệu quả trị liệu.
Chuẩn bị lịch trình trị liệu phù hợp
Bạn sẽ không biết được bản thân mình cảm thấy như thế nào sau buổi trị liệu. Một số người sau khi trị liệu vẫn cảm thấy ổn để quay lại làm việc hoặc đi học. Trong khi đó, một số người khác lại cần một thời gian để ngồi lại với những cảm xúc của bản thân.
Do đó, bạn hãy chuẩn bị thời gian trị liệu phù hợp với bản thân, ví dụ như ngày nghỉ. Bạn cố gắng tránh lập bất kỳ một lịch trình nào sau trị liệu để đề phòng những trường hợp bạn bị quá tải cảm xúc hoặc muốn ở một mình.
Ăn mặc thoải mái
Bạn không cần phải áp lực về việc mình phải mặc gì trong buổi trị liệu tâm lý. Đây không phải là một cuộc phỏng vấn xin việc hay sự kiện nào yêu cầu sự trang trọng. Bạn hãy mặc những gì mà bạn cảm thấy thoải mái. Sự thoải mái về thể chất sẽ làm tăng sự thoải mái về tinh thần, giúp bạn cởi mở hơn trong suốt buổi trị liệu.
Ăn mặc thoải mái, lịch sự giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi trị liệu.
Những điều cần lưu ý khi tham gia trị liệu tâm lý
Bạn cần lưu ý một số điều sau khi tham gia trị liệu tâm lý:
- Hiểu rằng sự thay đổi cần có thời gian: Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, một liệu trình trị liệu trung bình thường kéo dài khoảng 3-4 tháng. Do đó, nếu trong những buổi trị liệu đầu tiên bạn chưa thấy sự thay đổi mạnh mẽ là hoàn toàn bình thường.
- Hiểu rằng việc khóc hoặc xúc động trong buổi trị liệu là hoàn toàn bình thường: Khóc hay xúc động là một điều bình thường khi chúng ta bày tỏ những cảm xúc đã che giấu lâu nay. Do đó, bạn không cần cảm thấy xấu hổ hay cố gắng che giấu cảm xúc của mình.
- Hãy tìm kiếm một chuyên gia tâm lý phù hợp với bản thân: Trong buổi đầu tiên, bạn hãy cân nhắc xem chuyên gia tâm lý này có phù hợp với bản thân mình không. Bạn hãy tự đặt ra những câu hỏi “Mình có nhận được sự chấp nhận và tôn trọng từ chuyên gia không?”, “Mình có cảm nhận được sự đồng cảm từ chuyên gia không?” hoặc “Mình có đồng ý với liệu trình và kết quả điều trị mà chuyên gia đưa ra không?”,...
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu được những gì cần chuẩn bị khi tham gia buổi trị liệu tâm lý đầu tiên. Việc lo lắng trước một cuộc khám tư vấn tâm lý đầu tiên là việc hoàn toàn bình thường. Đừng để sự băn khoăn đó khiến bạn trì hoãn việc nhận được sự trợ giúp. Hãy khiến mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta đều là ngày đáng sống! Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập