Mục lục [Ẩn]
Người trầm cảm thường tự ti, cô lập bản thân với những người xung quanh, sợ giao tiếp, nói chuyện với người khác nhất là người lạ. Do đó việc giao tiếp, nói chuyện được với người bệnh không phải dễ dàng. Và ngược lại, nếu người bệnh không trò chuyện, tiếp xúc với mọi người thì họ sẽ càng thu mình lại, bệnh tình càng tồi tệ hơn. Bởi vậy, bài viết dưới đây sẽ hé lộ cách nói chuyện với người trầm cảm, mời các bạn cùng đón đọc!
Cách nói chuyện với người trầm cảm là thế nào?
Để nói chuyện được với người trầm cảm, bạn nên:
Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân thật tốt
Cảm xúc tiêu cực có thể lan truyền mạnh hơn gấp nhiều lần niềm vui. Bởi vậy, nếu bạn không biết cách giữ vững tinh thần, bạn có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ suy nghĩ tiêu cực của người bệnh trầm cảm khi giao tiếp với họ.
Chính vì thế, để nói chuyện được với người trầm cảm, trước hết bạn nên:
- Trao đổi với các bác sĩ tâm lý để hiểu rõ hơn về cách chăm sóc và giúp đỡ người trầm cảm
- Dành thời gian thư giãn tinh thần thông qua các hoạt động giải trí như đọc sách, nghe nhạc…
- Đảm bảo giấc ngủ hằng ngày, hạn chế suy nghĩ về các vấn đề tiêu cực
- Luyện tập thể dục thể thao để giải tỏa tâm trạng, bạn có thể rủ người bệnh trầm cảm tham gia cùng.
- Nhìn nhận vấn đề của người trầm cảm một cách toàn diện, đồng cảm và tìm ra cách giúp đỡ họ.
Bắt đầu câu chuyện một cách chân thành và ấm áp
Nhiều người cho rằng, nói chuyện với người trầm cảm cần phải đeo mặt nạ vui vẻ, lạc quan, phải luôn chọc cười người đó. Tuy nhiên, đối tượng này rất nhạy cảm, việc làm đó của bạn có thể sẽ bị phản tác dụng. Họ sẽ dễ dàng phát hiện ra bạn đang giả vờ và từ chối tiếp chuyện, thậm chí họ còn nghĩ theo hướng tiêu cực là bạn đang thương hại họ, lấy họ làm trò cười. Do vậy, bạn hãy chân thành với họ, hãy bắt đầu bằng những câu nói quan tâm thiết thực như “hôm nay cậu ổn chứ?” hoặc “trời lạnh rồi cậu nhớ mặc ấm vào nhé!”.
Đôi khi, bạn chẳng cần nói gì mà chỉ ngồi bên cạnh, lắng nghe những tâm tư, cảm xúc của họ. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ để xoa dịu tâm hồn đang tổn thương.
Bạn nên bắt đầu một cách ấm áp khi nói chuyện với người trầm cảm
Hãy nói rằng “Cậu rất quan trọng!”
Người trầm cảm thường có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử bởi họ thấy cô đơn, vô dụng, là gánh nặng của người khác. Họ sống trong mặc cảm tội lỗi, không có cách nào thoát ra được.
Do đó, cách nói chuyện với người trầm cảm là bạn hãy nói rằng họ thật quan trọng. Bạn có thể gợi ý về những sự việc mà nếu thiếu họ thì sẽ như thế nào để cho họ biết giá trị của bản thân.
“Cậu không cô đơn vì mình luôn ở đây!”
Con người luôn có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Nếu nhu cầu này không được thực hiện, cảm xúc cô đơn, lạc lõng sẽ ăn mòn tâm trí con người. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm.
Vì vậy, bạn hãy cho người đó biết họ không cô đơn vì luôn có mình ở đây. Khi họ chủ động mở lòng, bạn nên sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm với những cảm xúc của người bệnh.
Bạn cũng có thể tặng cho người trầm cảm một món quà đặc biệt nào đó như chiếc móc khóa để tượng trưng cho việc bạn luôn bên cạnh họ.
Hãy nói rằng “Hôm nay cậu đã làm tốt rồi!”
Nhiều người trầm cảm có suy nghĩ sai lệch rằng cuộc sống thật bất công vì những điều tồi tệ luôn đến với họ. Dù họ cố gắng thế nào cũng không có kết quả gì nên rất đau khổ, tuyệt vọng.
Vì thế, cách nói chuyện với người trầm cảm là đừng bao giờ nói “cố lên” hay “cậu phải cố gắng vui vẻ lên” bởi điều này chẳng khác gì bạn xé toạc vết thương của họ. Những câu nói đó khiến họ càng cảm thấy mình thực sự là kẻ thất bại, vô dụng.
Thay vào đó, bạn chỉ cần nói “hôm nay cậu đã làm tốt rồi” là đã đủ để an ủi trái tim của người bệnh trầm cảm.
Đôi khi chỉ cần nói “Hôm nay bạn đã làm tốt rồi” là đủ để an ủi người trầm cảm
Cách nói chuyện với người trầm cảm là nói về ngày mai
“Ngày mai” giống như sợi dây hy vọng cho người bệnh trầm cảm. Bạn có thể bắt đầu bằng câu nói rủ rê “Ngày mai trời rất đẹp, mình đi dạo đi!” và thực hiện đúng như lời đã nói.
Điều này sẽ giúp họ gợi lên nỗi niềm mong chờ một ngày mới, tâm trạng tiêu cực cũng sẽ vơi bớt đi.
Phát triển câu chuyện theo hướng tích cực hơn
Hướng tích cực ở đây không có nghĩa là bạn phải hài hước mà chỉ cần tránh nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn tiêu cực. Chẳng hạn như khi thấy trời mưa, chúng ta thường than vãn “trời mưa thật là chán!”. Tuy nhiên, lúc nói chuyện với người trầm cảm, bạn nên tránh những lời than buồn bã như vậy bởi tâm hồn họ đã quá nhiều sự u ám rồi.
Thay vào đó, bạn hãy nói “trời mưa sẽ ngủ rất ngon!” để họ thấy sự tích cực trong sự việc, tinh thần họ cũng tốt hơn.
Những lời không nên nói với người trầm cảm
Trong cách nói chuyện với người trầm cảm, bạn không nên nói những lời như:
- “Bạn sẽ ổn thôi” hay “Mọi thứ sẽ qua thôi”: Đây chỉ là lời nói sáo rỗng, khiến người bệnh càng cảm thấy bi quan hơn.
- “Cố gắng hơn nữa đi”: Câu nói này chỉ làm cho người bệnh chìm trong mặc cảm tội lỗi, ngày càng tuyệt vọng hơn về bản thân.
- “Mình thấy bạn luôn vui vẻ mà, có buồn chút nào đâu”: Đây là một câu nói thể hiện thái độ ngạc nhiên hoặc nghi ngờ đối phương có bị trầm cảm hay không. Có nhiều người trầm cảm không muốn bộc lộ cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài mà che giấu bằng sự vui vẻ, hạnh phúc (trầm cảm cười). Vì vậy, bạn không nên nói câu này bởi họ sẽ cảm thấy bạn đùa giỡn, không tin họ.
- “Còn nhiều người khổ hơn” hoặc “Do bạn nghĩ quá lên thôi”: Người bệnh trầm cảm luôn suy nghĩ mọi việc theo hướng tiêu cực, kể cả việc đó rất bình thường. Vì vậy, nếu bạn nói những lời phủ nhận như thế, họ sẽ càng cảm thấy bản thân tồi tệ, bi quan hơn.
Trên đây là một số cách nói chuyện với người trầm cảm. Bạn hãy dùng sự ấm áp, chân thành của bản thân để xoa dịu những tổn thương, giúp họ tìm lại niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Nếu cần tư vấn gì khác, hãy liên hệ với chúng tôi qua số đt 0243.760.6666 giờ hành chính nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập