Mục lục [Ẩn]
Những thay đổi lớn trong cuộc sống như chuyển đến một nơi ở mới, sự ra đi của một người thân yêu,... đều có thể gây ra căng thẳng, stress. Hầu hết mọi người đều thích nghi với những thay đổi này trong vòng một vài tháng. Tuy nhiên, với một số người, việc đối phó với căng thẳng do những thay đổi này là quá sức với họ và gây ra cho họ tình trạng rối loạn thích ứng. Trong bài viết này, mời bạn cùng tìm hiểu về tình trạng này nhé!
Tìm hiểu về rối loạn thích ứng.
Rối loạn thích ứng là gì?
Rối loạn thích ứng hay còn gọi là rối loạn thích nghi, rối loạn điều chỉnh (tên tiếng Anh: Adjustment Disorder) là tình trạng được xác định bằng việc một người khó thích nghi với các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống. Bệnh nhân có các phản ứng tiêu cực kéo dài một cách bất thường và quá mức đối với yếu tố gây căng thẳng.
Các triệu chứng rối loạn sự thích ứng bắt đầu trong vòng ba tháng kể từ khi tác nhân gây căng thẳng xuất hiện. Stress được xem là yếu tố tác động trực tiếp đến rối loạn sự thích ứng. Nếu không có stress thì rối loạn này không xảy ra
Một số yếu tố gây căng thẳng có thể khiến ai đó bị rối loạn thích ứng là chuyển đến một nơi ở mới, chia tay người đã yêu từ rất lâu hoặc chuyển sang một nghề nghiệp mới.
Rối loạn thích ứng là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần được chẩn đoán phổ biến nhất, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 1% dân số có thể bị rối loạn thích ứng ở bất kỳ thời điểm nào.
Các loại rối loạn thích ứng
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ năm (DSM - 5), rối loạn thích ứng được chia thành sáu loại, mỗi loại có các triệu chứng và dấu hiệu riêng biệt như sau:
- Rối loạn thích ứng kèm trầm cảm: Những người mắc rối loạn thích ứng loại này có xu hướng cảm thấy buồn bã và tuyệt vọng, đau khổ. Họ thường xuyên khóc và mất hứng thú với các hoạt động từng làm trước đây.
- Rối loạn thích ứng kèm rối loạn lo âu: Rối loạn thích ứng kèm theo lo âu được biểu hiện bằng sự hồi hộp, lo lắng hoặc bồn chồn. Người bệnh bị rối loạn thích ứng dạng này cũng có thể gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung. Đối với trẻ em, chẩn đoán này thường liên quan đến lo âu chia tách khỏi cha mẹ và những người thân yêu.
- Rối loạn thích ứng kèm trầm cảm và lo âu: Người bệnh có triệu chứng hỗn hợp của cả hai dạng trên.
- Rối loạn thích ứng kèm với rối loạn hành vi: Bệnh nhân có xu hướng thay đổi hành vi, đặc biệt là các hành động vi phạm chuẩn mực và quy tắc xã hội. Thanh thiếu niên mắc chứng thích ứng kèm rối loạn hành vi có thể ăn cắp hoặc phá hoại tài sản. Họ cũng có thể có hành vi trốn học.
- Rối loạn thích ứng kèm với rối loạn hành vi và cảm xúc: Bệnh nhân có các triệu chứng là kết hợp của các dạng bên trên (bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn hành vi).
- Rối loạn thích ứng không xác định: Những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thích ứng không xác định có các triệu chứng không liên quan đến các loại rối loạn điều chỉnh khác. Các triệu chứng của chứng rối loạn thích ứng này thường là các triệu chứng thể chất hoặc các vấn đề với bạn bè, gia đình, cơ quan hoặc trường học.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn thích ứng
Các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân cụ thể tại sao một người có thể phải vật lộn với chứng rối loạn thích ứng, nhưng có một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này, như:
- Các tình huống và trải nghiệm gây căng thẳng: Các tình huống này có thể xuất hiện một cách riêng lẻ như đổi việc, chuyển nhà, thiên tai hoặc xuất hiện từ những vấn đề khó khăn đang diễn ra xung quanh.
- Trải nghiệm sống trong quá khứ: Những trải nghiệm căng thẳng đáng kể thời thơ ấu có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn, bao gồm cả chứng rối loạn thích ứng.
- Hoàn cảnh sống khó khăn: Việc gặp nhiều căng thẳng hơn bình thường khiến bạn khó có thể chịu đựng thêm bất kì một thay đổi gây căng thẳng nào nữa.
Làm sao để chẩn đoán rối loạn thích ứng?
Rối loạn thích ứng thường khó được chẩn đoán vì nó có các triệu chứng giống với các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Theo DSM-5, để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thích ứng, bệnh nhân phải đáp ứng được 1 hoặc cả 2 tiêu chí sau:
- Các triệu chứng không tương xứng mức độ căng thẳng của sự kiện.
- Các triệu chứng làm ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống cá nhân, chức năng xã hội của bệnh nhân.
Ngoài ra, để được chẩn đoán:
- Các triệu chứng của bạn phải bắt đầu xuất hiện trong vòng ba tháng kể từ khi tác nhân gây căng thẳng xảy ra.
- Các triệu chứng không phải do các rối loạn tâm thần khác gây ra (chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau sang chấn, trầm cảm hay rối loạn lo âu).
- Đây không phải là một sự đau buồn thông thường
- Khi tác nhân gây căng thẳng được loại bỏ, các triệu chứng giảm dần trong vòng 6 tháng.
Điều trị rối loạn thích ứng như thế nào?
Phương pháp điều trị rối loạn sự thích ứng gồm:
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý thường được ưu tiên trong việc điều trị rối loạn thích ứng. Nhìn chung, các chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ về mặt tinh thần, đưa ra các kỹ năng ứng phó lành mạnh, các chiến lược kiểm soát căng thẳng và giúp bạn hình thành những thói quen tốt cho sức khỏe.
Trị liệu tâm lý thường được ưu tiên trong việc điều trị rối loạn thích ứng.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc có thể được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn thích ứng kèm trầm cảm hoặc rối loạn lo âu để kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối chỉ định.
Các biện pháp cải thiện tại nhà
Ngoài các biện pháp điều trị, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp cải thiện tại nhà sau:
- Tham gia các hoạt động giải trí: Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt mức độ căng thẳng.
- Học cách quan tâm bản thân hơn. Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và chăm hoạt động thể chất.
- Chuyển sang các cách đối phó lành mạnh: Như nghe nhạc hay ngồi thiền,...
- Chia sẻ với người thân yêu: Chia sẻ với những người thân yêu cũng là một cách để giảm căng thẳng, áp lực. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích khi đối diện với các tình huống gây căng thẳng.
Trên đây là một số thông tin về rối loạn thích ứng. Hầu hết mọi người sẽ trải qua rối loạn thích ứng vào bất kỳ thời điểm nào trong đời. Đó không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối nên bạn đừng tự trách bản thân và nghĩ rằng mình cần làm tốt hơn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập