Mục lục [Ẩn]
Chiếc điện thoại là một phát minh thần kỳ của nhân loại. Nó giúp chúng ta liên lạc với người thân dù cách xa vạn dặm. Chỉ cần nơi nào có sóng, bạn đều có thể sử dụng nó để giao tiếp với mọi người. Thế nhưng, lại có người mắc hội chứng sợ gọi điện thoại, họ trở nên hoảng loạn khi phải cầm máy gọi điện dù đầu dây bên kia là bất kỳ ai.
Hội chứng sợ gọi điện thoại là gì?
Hội chứng sợ gọi điện thoại là gì?
Hội chứng sợ gọi điện thoại hoặc nghe điện thoại (Telephobia) đặc trưng bởi tình trạng một người cảm thấy lo lắng, sợ hãi cực độ khi phải tham gia vào cuộc nói chuyện qua điện thoại. Nó được xem là một loại bệnh tâm lý thuộc nhóm rối loạn lo âu xã hội (social anxiety).
Người mắc hội chứng này có xu hướng né tránh, sợ hãi, lo lắng bất thường, tỏ ra khó chịu và đau khổ khi phải liên lạc qua điện thoại. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến việc sử dụng thiết bị này. Người bệnh chỉ hoảng loạn khi phải gọi hoặc trò chuyện, còn với mục đích khác thì không bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ gọi điện thoại
Một số nguyên nhân phổ biến góp phần dẫn đến hội chứng sợ gọi điện thoại (Telephobia) bao gồm:
Sợ người gọi
Người gọi được xem là mối đe dọa của bệnh nhân. Có thể trong quá khứ, những người gọi đến từng khiến bệnh nhân ám ảnh và sang chấn tâm lý. Với các cuộc gọi số lạ, bệnh nhân không biết đầu dây bên kia là ai. Điều này làm tăng thêm sự lo lắng và sợ hãi. Khi chuông reo bất ngờ, họ sẽ rơi vào tâm lý lo lắng, hoảng sợ quá mức.
Người sợ gọi điện thoại vì sợ người gọi
Sợ thông tin của cuộc gọi
Đây là nguyên nhân phổ biến đến hội chứng sợ gọi điện thoại. Có lẽ trước đây, người bệnh đã từng nhận cuộc gọi với thông tin xấu hoặc mang tính đe dọa. Họ bị sốc, ám ảnh sau khi nghe cuộc gọi như vậy. Theo thời gian, họ trở nên lo lắng, sợ phải nghe những điều tiêu cực nên không dám bắt máy.
Ngoài ra, một số người còn khởi phát hội chứng này sau khi bị khủng bố, làm phiền, đùa giỡn, chơi khăm,… qua điện thoại.
Sợ tiếng chuông điện thoại/âm thanh khi gọi
Một số trường hợp rất nhạy cảm với âm thanh hoặc mắc hội chứng sợ tiếng ồn nên khi có chuông điện thoại reo đột ngột sẽ làm họ hoảng sợ.
Sợ mất kiểm soát trong diễn đạt lời nói
Nhiều người không thể tự tin khi nói chuyện gián tiếp qua một vật nào đó. Họ cảm thấy không thể truyền đạt hết được những suy nghĩ và mong muốn của mình cho đối phương hiểu.
Việc thiếu tự tin khi giao tiếp dẫn đến sự mất kiểm soát trong việc diễn đạt. Người bệnh trở nên lúng túng, lắp bắp và hay nói lặp lại. Chính điều này dẫn đến việc sợ hãi khi phải nói chuyện điện thoại.
Tình trạng mất kiểm soát còn xảy ra mạnh mẽ hơn khi bệnh nhân phải nói chuyện điện thoại với một người quan trọng như cấp trên, đối tác, khách hàng, người phỏng vấn,…
Sợ bị đánh giá, phán xét
Quan tâm quá mức đến suy nghĩ của người khác cũng gây ra hội chứng sợ gọi điện thoại. Nhiều người lo lắng cuộc trò chuyện gián tiếp sẽ không trôi chảy và khiến đầu dây bên kia đánh giá thấp họ.
Sợ bị phán xét đánh giá
Ngoài ra, trong quá trình nói chuyện điện thoại ít nhiều sẽ có những khoảng lặng. Tức là hai người không biết làm sao nối tiếp câu chuyện và cùng nhau im lặng. Điều này cũng gây ám ảnh cực độ cho người bệnh. Họ sợ rằng người kia sẽ cảm thấy nhàm chán khi nói chuyện với mình, cảm thấy khả năng giao tiếp của bản thân yếu kém.
Các triệu chứng của hội chứng sợ gọi điện thoại
Một số những biểu hiện thường thấy của một người mắc hội chứng sợ gọi điện thoại bao gồm:
- Tìm mọi lý do để tránh né cuộc gọi.
- Cố tình không bắt máy hoặc gọi lại sau.
- Luôn để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc không làm phiền.
- Luôn dùng hình thức nhắn tin thay vì gọi.
- Cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện nhanh chóng.
- Hay suy nghĩ và băn khoăn về những gì vừa nói.
- Sợ người khác hiểu sai ý.
- Tim đập nhanh khi nghe điện thoại.
- Tay chân run rẩy, đổ mồ hôi.
- Buồn nôn, khó thở.
- Khô miệng.
- Một số trường hợp còn hoảng loạn quá mức đến nỗi ngất xỉu.
Cách khắc phục hội chứng sợ gọi điện thoại
Một số biện pháp giúp khắc phục hội chứng sợ gọi điện thoại bao gồm:
Trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Phương pháp trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi được áp dụng cho nhiều dạng rối loạn lo âu, trong đó bao gồm hội chứng sợ điện thoại.
Trước hết, chuyên gia sẽ xác định rõ nguyên nhân của nỗi sợ. Khi họ biết rõ được vấn đề xuất phát từ đâu, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Sau khi xác định được vấn đề, người bệnh sẽ được tư vấn những kỹ năng để có thể đối phó và chống lại nỗi sợ của bản thân.
Trị liệu tâm lý giúp vượt qua hội chứng sợ gọi điện thoại
Trị liệu bằng liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc buộc người bệnh đối mặt với nỗi sợ hãi của mình và chống trả nó. Quá trình này thường thực hiện trong thời gian dài để họ quen và dần vượt qua nỗi sợ của bản thân.
Nếu việc nói chuyện với người lạ quá khó khăn, chuyên gia sẽ bắt đầu cho họ giao tiếp với những người thân thiết gần gũi để dần lấy lại sự tự tin. Người bệnh có thể bắt đầu bằng những mẩu chuyện ngắn và nhỏ, những câu giao tiếp thông thường đơn giản.
Sau khi đã quen với việc nói chuyện với người thân, ngừng được hoàn toàn nỗi sợ, người bệnh tiếp tục được thực hành với người lạ.
Thông thường khi mới bắt đầu liệu pháp tiếp xúc, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên theo thời gian, họ dần đối phó được với nỗi sợ của bản thân, đồng thời các chuyên gia cũng hướng dẫn họ cách lấy lại bình tĩnh, giảm căng thẳng.
Sau mỗi cuộc gọi, chuyên gia sẽ để người bệnh nghỉ ngơi vài phút để tinh thần được ổn định trở lại. Bạn không nên thực hiện cuộc gọi liên tục và dồn dập, tránh xuất hiện cảm giác lo lắng, giảm hiệu suất. Bạn nên nhớ lại cảm giác thoải mái, thành công sau một cuộc điện thoại tích cực và giữ nó cho những cuộc gọi tiếp theo.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết thông tin chi tiết về hội chứng sợ gọi điện thoại. Chỉ cần cố gắng, phối hợp tốt với chuyên gia tâm lý, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua được hội chứng này. Chúc các bạn thành công!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập