Mục lục [Ẩn]
Tiền không mua được hạnh phúc, người ta thường nói vậy. Nhưng nếu có ai đó nói rằng tiền có thể giúp bạn hạnh phúc thì sao? Thực tế là tiền rất quan trọng cho hạnh phúc, nhưng tiền có thực sự mang lại hạnh phúc hay không lại là điều chúng ta cần tìm hiểu.
Tiền có quan trọng cho hạnh phúc không?
“Tiền có mua được hạnh phúc không?” là một câu hỏi còn nhiều tranh cãi. Nhưng “Tiền có quan trọng cho hạnh phúc không?” thì câu trả lời chắc chắn là có. Nếu bạn tin rằng tiền có hay không, không quan trọng thì đây là một số cách mà sự giàu có và dư giả có thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn trong cuộc sống:
1. Nhiều lựa chọn hơn
Tiền cung cấp cho chúng ta các lựa chọn và cơ hội để theo đuổi sở thích, du lịch và tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui. Đó là một trong những lý do chính tại sao nhiều người lại tin rằng tiền thực sự mua được hạnh phúc.
Tiền có thể mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng nó không phải yếu tố đảm bảo hạnh phúc, quan trọng là chúng ta phải biết tận dụng cơ hội đó một cách khôn ngoan.
2. Cải thiện sự tự tin
Tiền có thể nâng cao lòng tự trọng bằng cách khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn với địa vị và những giá trị vật chất mình đang có. Tức là khi chúng ta có nhiều của cải, địa vị trong tay, chúng ta thường cảm thấy tự tin hơn về chính mình.
3. Đưa ra giải pháp thiết thực
Của cải có thể giúp giải quyết những vấn đề thực tế gây căng thẳng và bất hạnh. Bạn có nhiều lựa chọn hơn và có thể tiếp cận các vấn đề của mình theo cách sáng suốt hơn khi bạn có sẵn các nguồn lực.
Ví dụ, có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay đang không xác định được mục tiêu và phương hướng cho bản thân mình. Họ nghi ngờ bản thân, luôn trong trạng thái bất an và có những suy nghĩ tiêu cực. Còn với những bạn được sinh ra trong một gia đình khá giả hơn, họ có nhiều điều kiện để khám phá bản thân hơn, họ có cơ hội để thử nghiệm những ý tưởng và dự định của mình.
4. Tăng cường sự hào phóng
Mặc dù từ thiện là điều xuất phát từ cái “tâm” của con người nhưng nhiều tiền hơn cho phép bạn hào phóng hơn và hoạt động từ thiện lớn hơn, điều này sẽ cải thiện mức độ hạnh phúc. Có nhiều nguồn lực cho phép bạn đóng góp tích cực cho xã hội thông qua hoạt động quyên góp, vận động chính sách…
5. Giảm căng thẳng tài chính
Nghèo đói tạo ra những trở ngại thực sự cho hạnh phúc do các vấn đề tài chính, sự thiếu hụt các nhu cầu cơ bản và thiếu lựa chọn. Nhưng khi bạn có nhiều của cải, tất cả những phiền muộn đó sẽ không còn. Bạn có được sự ổn định, luôn an tâm trước những vấn đề có thể ập tới bất cứ lúc nào với bản thân và gia đình.
Xin mời bạn theo dõi bài viết liên quan: Áp lực tiền bạc có đang khiến bạn stress, trầm cảm?
6. Theo đuổi sở thích và đam mê
Không phải ai cũng có thể sẵn sàng theo đuổi sở thích và đam mê của mình từ khi còn trẻ bởi họ không chắc chắn rằng điều đó có giúp họ nuôi sống mình hay không hoặc đơn giản là những sở thích đó tiêu tốn quá nhiều tiền. Nhưng khi đã có một nền tảng tài chính vững chắc, con người ta bắt đầu có xu hướng tiếp cận với những đam mê của mình. Và chắc chắn rồi, được làm những gì mình thích sẽ mang lại rất nhiều hạnh phúc cho bạn.
7. Tăng tính độc lập
Có thêm nguồn lực có thể mang lại cho mọi người cảm giác tự do và tự chủ trong cuộc sống. Chúng ta trở thành những con người độc lập về mặt tài chính, mọi quyết định mà chúng ta đưa ra không chịu sự chi phối của bất kỳ ai khác.
8. Những trải nghiệm ý nghĩa
Sự giàu có cho phép mọi người đi du lịch và khám phá thế giới, mang lại những trải nghiệm phong phú. Chúng ta được tiếp cận với những nền văn hóa đặc sắc và văn minh. Chúng ta được mở mang đầu óc, nhận ra được nhiều điều có ý nghĩa trong cuộc sống mà trước đây thường bỏ qua.
9. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn
Căng thẳng, stress, lo âu và thậm chí trầm cảm là hậu quả lâu dài của việc không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, khi có một nguồn tài chính vững vàng, chúng ta có thể cân bằng giữa hai khía cạnh này dễ dàng hơn với sự linh hoạt và nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Dù vậy, đây không phải điều mà người có tiền nào cũng làm được.
Xin mời bạn theo dõi bài viết liên quan: Làm thế nào để giới trẻ cân bằng giữa việc học, công việc và cuộc sống cá nhân?
10. Dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn
Không thể phủ nhận rằng mức độ hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc một phần không nhỏ vào việc chúng ta có sức khỏe tốt hay không. Và với tiền, chúng ta được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tiền có mua được hạnh phúc không?
Tiền có mua được hạnh phúc không? Đây là một câu hỏi đã được tranh luận trong nhiều thế kỷ. Mặc dù tiền có thể mang lại sự thoải mái và cơ hội, nhưng nó không phải điều kiện duy nhất để chúng ta có hạnh phúc.
1. Tới một mức nào đó, càng nhiều tiền, chúng ta càng ít hạnh phúc
Năm 2018, có một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc được tiến hành tại Zambia - một quốc gia thuộc khu vực Nam Phi. Theo đó, thu nhập tăng lên có thể góp phần mang lại hạnh phúc lớn hơn cho tới một thời điểm nhất định.
Quả thực như vậy, mức độ hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc một phần không nhỏ vào những nhu cầu cơ bản của mình và tiền bạc chính là công cụ đáp ứng cho ta những điều đó. Hay nói cách khác, nhiều tiền hơn tương quan với mức độ hạnh phúc lớn hơn.
Tuy nhiên, khi thu nhập của chúng ta đạt tới một mức độ nhất định, ở đó, tất cả nhu cầu cơ bản đều đã được đáp ứng thì tiền bạc không còn là yếu tố tiên quyết quyết định tới mức độ hạnh phúc của chúng ta nữa. Thậm chí, mối liên hệ này càng trở nên xấu đi khi chúng ta có nhiều tiền hơn.
Lý giải cho nguyên nhân này, có thể giải thích rằng khi chúng ta càng có nhiều tiền, chúng ta lại càng ít thời gian rảnh hơn, chúng ta ít quan tâm, chăm sóc cho bản thân hơn. Mặt khác, để có được thành công như hiện tại, chúng ta có thể phải đánh đổi rất nhiều thứ quan trọng. Chúng ta sẽ phải đánh đổi những giây phút bên gia đình, bên cạnh những đứa con để làm việc, đi gặp đối tác. Chúng ta phải đánh đổi sức khỏe vì luôn căng thẳng, lo nghĩ cho công việc,.... Chính điều này đã làm cho chúng ta ít hạnh phúc hơn.
2. Hạnh phúc không giới hạn ở tiền bạc
Tại sao nhiều người dù có rất nhiều của cải ở bên nhưng họ vẫn phải vật lộn với những ngày tồi tệ, thậm chí là đối mặt với chứng bệnh trầm cảm nặng? Đó là bởi tiền chỉ có thể mang đến cho bạn hạnh phúc nếu bạn biết cách sử dụng, đầu tư và tiêu tiền của mình.
Tiền là một yếu tố bên ngoài có thể giúp cải thiện hoàn cảnh nhưng không thể thay đổi suy nghĩ bên trong chúng ta. Hạnh phúc thực sự phụ thuộc nhiều hơn vào việc nuôi dưỡng các thói quen tinh thần như lòng biết ơn, từ bi hoặc khi chúng ta có được những mối quan hệ bền chặt hay khi chúng ta được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mà tiền không giải quyết được.
Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã xây dựng và phát triển lý thuyết về sự thỏa mãn phổ biến nhất của con người. Theo đó, con người có 5 cấp độ nhu cầu được sắp xếp theo trình tự tăng dần, bao gồm:
- Nhu cầu sinh lý: Bao gồm các nhu cầu cơ bản như được ăn ngon, mặc đẹp.
- Nhu cầu an toàn: Mong muốn được sinh sống trong một xã hội ổn định, nơi mà con người được bảo vệ trước những mối đe dọa tiềm ẩn.
- Nhu cầu xã hội: Chúng ta muốn có những mối quan hệ xã hội để đáp ứng các yêu cầu về tinh thần, cảm xúc.
- Nhu cầu được tôn trọng: Đây là nhu cầu mong muốn được yêu quý, tôn trọng trong bất cứ tổ chức hay môi trường nào.
- Nhu cầu được thể hiện: Đây là nhu cầu cao nhất. Chúng ta mong muốn được chứng minh giá trị của bản thân mình. Chúng ta muốn được theo đuổi những đam mê, sở thích của mình và mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Như vậy, tiền bạc là yếu tố trực tiếp giúp chúng ta giải quyết nhu cầu cơ bản nhất đó là sinh lý. Tuy nhiên, ở các cấp độ cao hơn, vai trò của tiền bạc bắt đầu giảm dần. Ngoài tiền bạc, chúng ta cần rất nhiều yếu tố khác nữa để đạt được những nhu cầu này. Hay nói cách khác, “tiền là công cụ chứ không phải mục đích sống”.
Xin mời các bạn đọc thêm bài viết: 10 điều bạn nên buông bỏ để có cuộc sống hạnh phúc.
Tóm lại, tiền không mua được hạnh phúc. Đạt được sự cân bằng giữa “giàu có bên trong tâm hồn” và “giàu có bên ngoài” mới thực sự là chìa khóa mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập