Mục lục [Ẩn]
Thông thường sau khi trải qua cú sốc tâm lý hoặc bị áp lực kéo dài, con người sẽ có nguy cơ rơi vào trầm cảm. Bên cạnh đó, một số thói quen, lối sống sinh hoạt không lành mạnh cũng là yếu tố thường gặp, thúc đẩy căn bệnh này xuất hiện. Vậy cụ thể, đó là những thói quen xấu nào?
Những thói quen xấu tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là căn bệnh tâm lý phổ biến, đặc trưng bởi khí sắc buồn bã, chán nản, mất hứng thú và động lực trong cuộc sống. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, chẳng hạn như:
- Di truyền
- Cú sốc tâm lý: Mất người thân, mắc bệnh hiểm nghèo, di chứng sau đột quỵ, ngoại tình,…
- Áp lực căng thẳng, stress kéo dài
- …
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng của não bộ, tác động trực tiếp đến cảm xúc của con người, cụ thể:
Thói quen ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống hàng ngày không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, mà còn tác động trực tiếp đến quá trình hoạt động của hệ thần kinh và não bộ. Khi cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là omega-3 sẽ làm cho não bộ giảm hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các hormone điều chỉnh tâm trạng như serotonin, dopamin…
Ngoài ra, việc thiếu hụt dinh dưỡng cũng khiến hoạt động của hệ thần kinh bị đình trệ, gây tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Lười vận động
Vận động cơ thể là cách kích thích não bộ tiết ra các hormone hạnh phúc, điều chỉnh tâm trạng, mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ. Thói quen lười vận động sẽ làm giảm tiết các hormone đó, khiến con người dễ xuất hiện suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
Các nhà khoa học ở Úc đã tiến hành nghiên cứu dựa trên 8950 phụ nữ độ tuổi từ 50-55. Kết quả cho thấy, đối tượng không vận động, chỉ ngồi trong thời gian dài có khả năng cao gặp phải vấn đề tâm lý, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với những người thường xuyên hoạt động thể chất.
Thói quen xấu lười vận động góp phần dẫn đến bệnh trầm cảm
Ngủ không đủ giấc
Người trưởng thành cần duy trì giấc ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày để cơ thể hoạt động tốt. Trong thời gian đó, các tế bào trong cơ thể sẽ phục hồi lại năng lượng, đào thải độc tố. Do vậy, người có thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc sẽ luôn trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi, dễ căng thẳng, kích động, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cũng tăng cao.
Làm việc quá sức
Khi cố gắng làm việc liên tục trong thời gian dài, não bộ và các bộ phận khác không có thời gian để nghỉ ngơi. Cuối cùng, tình trạng mệt mỏi, căng thẳng xuất hiện. Nếu bạn không thay đổi cách làm việc độc hại này, cả thể chất lẫn tinh thần đều sẽ bị suy kiệt.
Tự cô lập bản thân
Các mối quan hệ xã hội thường mang lại nhiều điều mới, niềm vui mới. Bạn bè thân thiết cũng là những người đáng tin cậy để chúng ta chia sẻ, giúp ta vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, rất nhiều người có xu hướng muốn tìm cho mình một khoảng trống để ổn định tâm trạng sau khi trải qua những sự việc đau buồn, thất vọng. Đây là cách mà họ đối mặt với biến cố, dần chấp nhận sự thật. Thế nhưng, nếu nó xảy ra thường xuyên và kéo dài liên tục, cảm giác cô đơn sẽ làm tăng suy nghĩ tiêu cực, dễ làm họ bị trầm cảm.
Tự cô lập bản thân với người khác dễ gây suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực
Những người nhìn nhận mọi việc theo hướng bi quan, tiêu cực có nguy cơ cao bị trầm cảm. Bởi lẽ suy nghĩ tiêu cực tạo ra cảm xúc và năng lượng tiêu cực. Chúng khiến họ không còn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
So sánh bản thân với người khác
Thói quen so sánh hơn thua với người khác, nhất là với người vượt trội hơn mình sẽ mang lại cảm giác ghen tị, tự ti, thất vọng về bản thân. Những cảm xúc tiêu cực đó là nguồn cơn dẫn đến các vấn đề tâm lý, điển hình là trầm cảm.
Dành nhiều thời gian cho mạng xã hội
Hiện nay xã hội phát triển, có rất nhiều trang mạng phục vụ nhu cầu liên lạc, giao lưu, kết nối người thân, bạn bè gần xa như Twitter, Instagram, Zalo, Facebook, Snapchat,…
Chúng giúp con người dễ dàng trò chuyện, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng… Tuy nhiên, nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, bạn sẽ bỏ lỡ cuộc sống thực tế, mất dần các mối quan hệ.
Đặc biệt, việc sử dụng mạng xã hội liên tục còn làm bạn dễ tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Thậm chí, bạn còn có nguy cơ trở thành nạn nhân, bị vu khống, lăng mạ hay bị người khác tung hình ảnh, clip riêng tư, thêu dệt những câu chuyện không có thực… Những lời nói cay nghiệt, chửi rủa của cộng đồng mạng chính là nguyên nhân khiến người dùng bị trầm cảm.
Dành nhiều thời gian cho mạng xã hội làm tăng nguy cơ trầm cảm
Tự đổ lỗi
Một số người thường xuyên cảm thấy bản thân có lỗi hoặc chưa thể đối xử tốt với một ai đó. Họ có nguy cơ gặp phải căn bệnh trầm cảm bởi họ luôn có cảm giác bất an, lo lắng về những điều mà mình vừa thực hiện.
Thông thường, những đối tượng này sẽ khá tự ti, không có niềm tin vào bản thân, khó kết bạn, xu hướng né tránh các mối quan hệ xã hội. Việc tự cô lập bản thân cũng là yếu tố dẫn đến bệnh trầm cảm.
Duy trì các mối quan hệ độc hại
Những mối quan hệ độc hại thường gây ảnh hưởng tiêu cực cả về thể chất và tinh thần. Chúng vừa làm tổn thương tâm lý, lại để lại vết thương thể xác. Nếu kéo dài những mối quan hệ này, bạn sẽ sống trong cảm giác lo lắng, sợ hãi, lòng tự trọng thấp.
Thậm chí, bạn còn có nguy cơ bị thao túng tâm lý. Bạn sẵn sàng làm theo những gì họ mong muốn và phục tùng họ vô điều kiện. Đáng lo ngại là khi đã quá đắm chìm vào những mối quan hệ kiểu như này, bạn thường khó mà thoát ra được.
Về lâu dài, người có nhiều mối quan hệ độc hại có nguy cơ phải đối mặt với nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm như suy nhược thần kinh, hoặc các bệnh lý rối loạn tâm thần nghiêm trọng như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Như vậy, những thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm rất đa dạng. Để tránh bản thân bị căn bệnh này, bạn nên thay đổi những thói quen đó, đồng thời giữ tinh thần thoải mái kết hợp chế độ ăn uống khoa học. Chúc các bạn sức khỏe!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập