Mục lục [Ẩn]
Vào tháng 8 năm nay, bộ phim Mask Girl - bộ phim chuyển thể từ webtoon kinh điển của Hàn Quốc được ra mắt và nhận được sự yêu thích của người xem trên nhiều quốc gia. Từ bộ phim này, chúng ta chợt ngộ ra vấn nạn miệt thị ngoại hình đang nhức nhối đến mức nào.
Vấn nạn miệt thị ngoại hình ngày càng trở nên nhức nhối.
Vấn nạn miệt thị ngoại hình hiện nay
Hiện nay, miệt thị ngoại hình vẫn đang là một vấn nạn nhức nhối, đặc biệt là trên mạng xã hội. Dưới lớp vỏ bọc của một tài khoản, cậy rằng không ai biết mình, rất nhiều cư dân mạng sẵn sàng buông lời chê bai, miệt thị về ngoại hình của người khác.
Những câu nói như "Béo quá", "Mặt thế kia mà cũng đăng hình á?", “Nhìn trông có giống *** không”… là những lời không hề xa lạ với những người dùng mạng xã hội. Khi bị người khác phản bác lại, họ lại biện minh “tôi chỉ đùa thôi mà”, “sao căng thế?”, “nghiêm túc thế thì đừng dùng mạng xã hội”. Và khi đối tượng bày tỏ sự tổn thương, họ lại cho rằng người kia là “yếu đuối”, “mong manh”.
Rất nhiều người khi tâm sự với chúng tôi chia sẻ rằng mình đã từng bị chế giễu ngoại hình. Như trường hợp của chị G, chị kể rằng đầu năm nay, chị có chụp bức ảnh gia đình và dùng làm ảnh đại diện trên Facebook. Bên cạnh những lời chúc của người thân, lại có những người xa lạ vào bình luận chê bai, chế giễu chị. Họ nói có bao nhiêu cái xấu của gia đình thì chị nhận hết, như: béo, đen, mặt mụn như cơm cháy. Sau khi đọc được những lời đó, chị xóa hết ảnh trên Facebook. Chị đã tổn thương và khóc rất nhiều, muốn nói chuyện hay tiếp xúc với người thân nữa. Vậy là từ một người khá hoạt bát, tự tin, chị bỗng trở nên khép kín và không dám đăng tải bất kỳ hình ảnh nào trên mạng xã hội.
Miệt thị ngoại hình không chỉ phổ biến trên mạng xã hội, nhiều người phải đối mặt với tình trạng này trong cuộc sống hằng ngày, như môi trường học đường - nơi mà đáng lẽ phải là một môi trường trong sáng, tích cực. Vậy mà nhiều em lại phải chịu đựng những lời chọc ghẹo, cười cợt mỗi khi xuất hiện. Hoặc khi có hoạt động tập thể nào, thì những bạn có ngoại hình bị cho là “không đẹp” sẽ rất khó tìm được bạn hợp tác cùng. Thậm chí, có những bạn còn lập hẳn một nhóm trên mạng xã hội chỉ để bình phẩm về ngoại hình của một bạn nữ “quá cỡ”, nói rằng bạn làm mất mặt lớp vì “quá xấu”.
Hay trong môi trường công sở, người ta hay nói đùa rằng những cô nàng xinh đẹp sẽ được ưu ai làm những việc nhẹ nhàng. Ngược lại, những ai “xấu” thì phải làm các công việc nặng nhọc vì không có anh chàng nào chịu giúp đỡ. Đây cũng là một hình thức của miệt thị ngoại hình.
>>> Xem thêm: Những cách giúp bạn đối phó với việc bị miệt thị ngoại hình
Các hình thức của miệt thị ngoại hình
Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của miệt thị ngoại hình, dù là người nổi tiếng, người bình thường, nam giới, phụ nữ, người già hay trẻ em. Người ta có thể chê bai, chế giễu bất kỳ điều gì trên ngoại hình của người khác, từ các đường nét trên khuôn mặt, vóc dáng, màu da, cân nặng, kiểu tóc, cách ăn mặc. Thậm chí, với một người trông có vẻ hoàn hảo nhưng họ vẫn có thể tìm ra những khuyết điểm bé xíu để chỉ trích, châm chọc.
Các hình thức phổ biến của miệt thị ngoại hình là:
- Miệt thị ngoại hình người khác: Bao gồm chê bai người khác công khai trên các trang mạng xã hội, chế giễu trước mặt hoặc bàn tán sau lưng người khác. Nhưng những người thực hiện hành vi này thường không công nhận rằng mình đang miệt thị ngoại hình người khác mà là “thẳng thắn”, “có sao nói vậy”, “béo thì người ta nói là béo chứ miệt thị gì” hay “nói đùa chứ có gì đâu”.
- Tự miệt thị ngoại hình bản thân: Ví dụ như tự soi gương và nói rằng “trông mình thật xấu xí”, “sao mình lại mập như thế này”,... Họ luôn sống trong sự tiêu cực do chính bản thân tạo ra, luôn sợ hãi mình bị những người xung quanh bàn tán, chỉ trỏ. Điều này khiến họ ngày càng tự ti, mặc cảm.
Hình thức miệt thị ngoại hình không chỉ là những lời lẽ xấu xí, chê bai mà có thể qua hành động hay được “biến hóa” thành những câu chuyện có vẻ hài hước, bông đùa. Điều này khiến những nạn nhân của miệt thị ngoại hình không dám lên tiếng vì sẽ lại bị những người kia dùng danh nghĩa trêu, đùa để phản bác lại.
Nhiều người có hành vi tự miệt thị ngoại hình bản thân.
Vì sao hành vi miệt thị ngoại hình xuất hiện và ngày càng phổ biến?
Con người tự tạo ra những “quy chuẩn xã hội” trong suốt quá trình hình thành, phát triển và dựa vào đó để đánh giá những người khác có phù hợp với “quy chuẩn đó hay không. Trong đó, ngoại hình chính là thứ rất dễ để đánh giá bằng mắt thường. Ví dụ như ở Việt Nam, con gái phải thon gọn, có thân hình đồng hồ cát, da trắng, mắt to hai mí,... Chúng ta tự mặc định đây là quy chuẩn cái đẹp, ai không đạt tiêu chí nào sẽ bị coi là thiếu hoàn hảo, xấu. Trên thực tế, rất ít người có thể đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn trên, do đó, ai cũng đều có nguy cơ bị miệt thị ngoại hình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dựa trên những tiêu chuẩn này để đi “tấn công”, chê bai người khác. Những người thường đi miệt thị ngoại hình người khác thường có những đặc điểm sau:
- Người quá quan trọng ngoại hình: Những người này luôn đề cao vẻ ngoài, nếu người khác không đạt được những tiêu chuẩn của họ thì họ sẽ khó chịu, bực bội và dùng những từ ngữ tiêu cực để chê bai, chế giễu người khác.
- Người có nhận thức, tính cách sai lệch: Không phải ai yêu cái đẹp cũng chê bai ngoại hình người khác và không phải ai thường đi miệt thị ngoại hình người khác cũng có ngoại hình hoàn hảo. Hành động miệt thị ngoại hình của người khác thường liên quan đến tính cách, tư duy của họ. Những người tiêu cực, thiếu tinh tế, tự cho mình là nhất thường chính là người chuyên đi soi mói, chỉ trích, miệt thị ngoại hình người khác.
Chế tài xử lý đối với hành vi miệt thị ngoại hình
Miệt thị người khác không phải là một trò đùa vui, một thú vui tao nhã trong cuộc sống hàng ngày mà là một vấn nạn cần được loại bỏ.
Trên thực tế, Pháp luật đã có những chế tài xử lý đối với hành vi miệt thị ngoại hình người khác. Theo Điều 20 Hiến pháp 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Bất kỳ ai, dù là vô tình hay cố ý cũng không được phép bạo lực người khác bằng cách dùng những ngôn từ miệt thị để miêu tả hình thể của họ. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 - 300.000 đồng. Với những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và thể xác có thể sẽ bị phạt lên tới 30 triệu đồng.
Miệt thị ngoại hình không phải là một thú vui.
Trên đây là một số thông tin về vấn nạn miệt thị ngoại hình. Đây không phải là thú vui như nhiều người vẫn nhầm tưởng mà là một hành vi bạo lực tinh thần, có thể gây tổn thương cho người khác. Ông cha ta có câu “lời nói chẳng mất tiền mua”, đừng dùng lời nói làm vũ khí gây tổn thương người khác, bởi mỗi người có một vẻ đẹp khác nhau.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập