Mục lục [Ẩn]
Bệnh trầm cảm đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, mất hứng thú, mất động lực với mọi việc. Nếu các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số thuốc chống trầm cảm để hỗ trợ. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, một số người lại mắc sai lầm, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc đột ngột, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
Sai lầm thường gặp khi dùng thuốc chống trầm cảm là gì?
Khi nào người bệnh được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm?
Bệnh trầm cảm được chia thành 3 mức độ từ nhẹ, trung bình và nặng. Thực tế, thuốc chống trầm cảm chỉ được sử dụng và có hiệu quả đối với trầm cảm từ mức độ trung bình trở lên.
Với trầm cảm nhẹ, người bệnh thường được khuyên áp dụng biện pháp không dùng thuốc, chẳng hạn như:
- Thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thể thao
- Nghe nhạc
- Trị liệu tâm lý để loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, tập trung cho những suy nghĩ, cảm xúc tích cực hơn.
Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả hoặc trầm cảm tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc chống trầm cảm.
Hiện nay, thuốc chống trầm cảm có khoảng 30 loại khác nhau. Đa phần, chúng đều tác dụng theo cơ chế tăng khả năng hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ như serotonin, dopamin và noradrenalin. Từ đó, chúng tác động đến cảm xúc và tâm trạng của người bệnh.
Một số nhóm thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng bao gồm:
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Gồm có citalopram (Celexa), escitalopram (Lexapro), fluvoxamine (Luvox), paroxetine (Paxil), Prozac và sertraline (Zoloft)...
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI): Có tác dụng ngăn chặn tái hấp thu cả serotonin và norepinephrine. Các loại thuốc được sử dụng bao gồm duloxetine (Cymbalta), venlafaxine (Effexor), desvenlafaxine ER (Khedezla), levomilnacipran (Fetzima) và desvenlafaxine (Pristiq).
Thuốc chống trầm cảm có nhiều loại khác nhau
- Các chất ức chế tái hấp thu norepinephrine và dopamine (NDRI): Đại diện là bupropion (Wellbutrin), giúp ngăn chặn tái hấp thu norepinephrine và dopamine.
- Thuốc đối kháng serotonin và chất ức chế tái hấp thu (SARIs): Nhóm thuốc này hoạt động theo hai cách, vừa ngăn chặn cơ thể tái hấp thu serotonin, vừa ngăn serotonin liên kết với các thụ thể không mong muốn. Thay vào đó, chúng chuyển hướng serotonin đến các thụ thể khác nhằm giúp cải thiện tâm trạng tốt hơn. Ví dụ như nefazodone (Serzone) và trazodone.
Tuy nhiên khi được kê thuốc chống trầm cảm, một số người lại mắc sai lầm trong việc dùng thuốc, vừa làm giảm hiệu quả điều trị, vừa tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.
Top 5 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc chống trầm cảm
Những sai lầm thường gặp ở người bệnh khi dùng thuốc chống trầm cảm gồm có:
Ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột
Đây là sai lầm thường gặp ở nhiều bệnh nhân trầm cảm. Sau khi dùng thuốc một thời gian, họ thấy các triệu chứng bệnh cải thiện liền tự ý ngừng để tránh tác dụng phụ.
Thực tế, thuốc chống trầm cảm phải dùng đủ liệu trình, thường khoảng vài tháng đến 1 năm. Việc ngừng thuốc đột ngột khiến người bệnh trở lại trạng thái trầm cảm. Thậm chí, triệu chứng bệnh còn trở nên tồi tệ hơn.
Đặc biệt, nhiều trường hợp ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột còn xuất hiện dấu hiệu tương tự hội chứng cai thuốc như: Hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, đau cơ, buồn nôn, mệt mỏi, khó chịu trong người, lơ mơ…
Ngừng thuốc đột ngột dễ gây đau nhức cơ, khó chịu
Không thông báo cho bác sĩ khi gặp tác tác dụng phụ của thuốc
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm bao gồm: Tăng cân, thay đổi khẩu vị, khô miệng, buồn nôn, táo bón, mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, bồn chồn hoặc lo lắng, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương…
Khi gặp những triệu chứng này, người bệnh không thông báo cho bác sĩ mà lại tự ý bỏ thuốc. Sai lầm này khiến bệnh tình của họ càng tồi tệ.
Không nói với bác sĩ khi thuốc chống trầm cảm không có tác dụng
Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm không có tác dụng, nhiều bệnh nhân lại tự ý bỏ luôn mà không trao đổi lại với bác sĩ. Sai lầm này vừa khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn, vừa gây khó khăn trong quá trình điều trị tiếp theo.
Cũng có trường hợp, người bệnh không báo với bác sĩ mà vẫn tiếp tục sử dụng thuốc không có tác dụng. Theo đó, bệnh tình của họ không thuyên giảm mà nguy cơ gặp tác dụng phụ do thuốc lại tăng lên.
Không báo cho bác sĩ về các loại thuốc/chất bổ sung đang dùng
Thuốc chống trầm cảm có thể tương tác với nhiều loại thuốc hay chất bổ sung khác. Vì vậy, nếu người bệnh không báo cho bác sĩ về những thuốc đang dùng, tình trạng tương tác thuốc có nguy cơ xảy ra. Hậu quả là hiệu quả điều trị bị suy giảm hoặc họ dễ gặp tác dụng phụ.
Không nói với bác sĩ về các bệnh đang mắc phải
Thuốc chống trầm cảm có thể gây ảnh hưởng đến một số bệnh lý khác. Do đó, việc không trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh đang mắc sẽ khiến chính bản thân người bệnh gặp rủi ro nghiêm trọng. Chẳng hạn như, thuốc chống trầm cảm cần được kê đơn một cách thận trọng cho những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, vì chúng có thể gây ra cơn hưng cảm.
Người bệnh không nói với bác sĩ về bệnh lý đang mắc phải
Có thể thấy, những sai lầm của người bệnh khi dùng thuốc chống trầm cảm rất đa dạng. Chúng làm giảm hiệu quả điều trị, thậm chí khiến triệu chứng bệnh ngày càng tồi tệ hơn. Do đó, bạn nên tránh các sai lầm trên và sử dụng thuốc đúng cách.
Dùng thuốc chống trầm cảm như thế nào là đúng cách?
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu muốn thay đổi bất kỳ việc gì như liều lượng, loại thuốc… bạn nên trao đổi trước với bác sĩ.
- Nếu xuất hiện một trong các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, bạn hãy báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Họ sẽ kiểm tra và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp.
- Đối tượng sử dụng thuốc chống trầm cảm là trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Bởi lẽ, thuốc có thể khiến các triệu chứng của bệnh nặng hơn (như mất ngủ, dễ bị kích động). Đặc biệt, nó còn làm tăng nguy cơ có ý định hoặc suy nghĩ về vấn đề tự tử.
- Với đối tượng là người cao tuổi, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm cũng cần theo dõi chặt chẽ, đồng thời kiểm tra chức năng gan thận định kỳ.
- Nhận biết các tương tác thuốc có thể xảy ra: Thuốc chống trầm cảm có nhiều tương tác nghiêm trọng với một số loại thuốc và thực phẩm. Do đó cần thông báo cho bác sĩ điều trị về những loại thuốc đang sử dụng và thói quen ăn uống của bạn.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Chỉ dùng thuốc là không đủ trong điều trị trầm cảm, người bệnh vẫn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết những sai lầm khi dùng thuốc chống trầm cảm. Loại thuốc này gây nhiều tác dụng phụ khác nhau, hại đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Chúc các bạn sức khỏe!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập