Mục lục [Ẩn]
Tuổi hưu trí là giai đoạn con người nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian dài lao động vất vả. Nhẽ ra, đây là lúc chúng ta hưởng thụ hương vị cuộc sống. Thế nhưng sau khi về hưu, nhiều người lại khủng hoảng tâm lý, dễ rơi vào các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Vì sao sau khi về hưu, nhiều người dễ bị khủng hoảng tâm lý?
Vì sao sau khi về hưu, nhiều người dễ bị khủng hoảng tâm lý?
Những nguyên nhân khiến nhiều người dễ bị khủng hoảng tâm lý sau khi về hưu bao gồm:
- Thời gian trống quá nhiều: Đây chính là cú sốc lớn nhất khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu. Lúc này, cơ thể họ chưa kịp làm quen với việc được nghỉ ngơi toàn thời gian. Cảm giác bận rộn, nhớ công việc, nhớ các mối quan hệ công sở khiến người lớn tuổi không thoải mái, thậm chí có phần bức bối, dễ nóng giận. Họ hụt hẫng vì không biết làm gì cho hết ngày. Con cái thì đi làm, cháu chắt lại đi học, họ ở nhà một mình nhàn rỗi, suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực dần xuất hiện.
- Lo lắng về tài chính: Bước vào tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc thu nhập giảm sút hoặc không có thu nhập. Điều này tạo cho người lớn tuổi cảm giác bất an. Dù một số người cũng chuẩn bị kỹ càng cho việc nghỉ hưu nhưng nỗi lo bệnh tật, gánh nặng cho con cái vẫn hiện hữu. Mà càng lo lắng, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất càng sụt giảm.
- Cảm giác là người thừa trong gia đình: Việc suy nghĩ quá nhiều về tài chính, cộng thêm thời gian nhàn rỗi kéo dài khiến người có tuổi cảm thấy yếu thế. Họ ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên cảm thấy bản thân lạc hậu. Con cái đi làm về cũng chỉ chào hỏi mấy câu rồi vào phòng riêng. Họ không được quan tâm, chia sẻ nên nghĩ mình là người thừa, là gánh nặng cho con cháu. Những suy nghĩ tiêu cực đó khiến họ trở nên nhạy cảm, cáu gắt mọi thứ, thậm chí là trầm cảm.
- Hoạt động tình dục suy giảm: Độ tuổi nghỉ hưu cũng là khoảng thời gian nam giới bị mãn dục nam, nữ bị mãn kinh. Khả năng sinh lý của họ đều sụt giảm nghiêm trọng, khó đáp ứng được nhu cầu của đối phương. Đây cũng là nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý sau khi về hưu.
Tuổi về hưu cũng là lúc khả năng sinh lý suy giảm nghiêm trọng
- Phải đối mặt với nhiều bệnh tật: Khi có tuổi, ngoại hình, sức khỏe đều suy giảm. Họ dễ gặp vấn đề về xương khớp, các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường… Đồng thời, họ còn có nguy cơ đối mặt với nỗi đau mất người thân. Tất cả đều tác động tiêu cực đến tâm lý, gây khủng hoảng sau khi về hưu.
Có thể thấy, những yếu tố gây khủng hoảng tâm lý sau khi về hưu rất đa dạng. Nếu không biết cách kiểm soát chúng, bạn sẽ dễ mắc các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Khủng hoảng tâm lý sau khi về hưu: Làm gì để phòng tránh?
Để tránh bản thân bị khủng hoảng tâm lý sau khi về hưu, bạn nên:
- Chuẩn bị tâm lý: Đây là khoảng thời gian bạn nghỉ ngơi sau khi đã cống hiến, chăm lo cho gia đình và xã hội. Lúc này, bạn nên ưu tiên thời gian cho bản thân, thực hiện những mong muốn của mình mà trước đây chưa kịp làm, chẳng hạn như: Học thêm điều mới đúng sở thích, đi du lịch, ăn những món ngon, tham gia các hoạt động xã hội…
Ngoài ra, để tâm lý bình ổn và tránh những cảm xúc tiêu cực xuất hiện, bạn nên thư giãn tinh thần bằng cách tập yoga, thiền định, nghe nhạc…
- Chuẩn bị tốt tài chính: Để tránh nỗi lo tài chính sau khi về hưu, ngay từ khi còn đi làm, bạn nên tích góp một khoản để dự phòng cho bản thân. Việc chủ động về tài chính vừa giúp tinh thần bạn thoải mái hơn, lại tránh phải phụ thuộc con cái.
Chuẩn bị tốt tài chính sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc chi tiêu sau khi về hưu
- Tích cực gắn kết với gia đình: Chính sự im lặng mới là lý do chủ yếu ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bạn nên chủ động chia sẻ rõ ràng về suy nghĩ, mong muốn của bản thân với con cháu. Ngược lại, các thành viên trong gia đình cần dành thời gian lắng nghe, trò chuyện nhiều hơn với ông bà, cha mẹ.
- Duy trì các mối quan hệ xã hội: Bạn nên nhắn tin, trò chuyện với các đồng nghiệp cũ, hẹn uống cà phê với nhóm bạn thân, đi bộ theo nhóm... Những việc này vừa giúp duy trì bền vững các mối quan hệ xã hội, vừa tạo thêm niềm vui mới, giúp xua tan cảm giác cô đơn khi về hưu.
- Thiết lập thói quen tốt: Những thói quen đơn giản như ngủ đủ giấc, thức dậy đúng giờ, ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày… sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn. Chúng còn giúp bạn tránh bị nhàm chán quá mức sau khi về hưu.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh giúp cơ thể bạn tràn đầy năng lượng, giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như tim mạch, tiểu đường… Khi thể chất tốt, tinh thần cũng phấn chấn hơn. Cụ thể, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống bao gồm:
- Uống đủ 1.5-2 lít nước sạch mỗi ngày
- Bổ sung nhiều rau củ quả tươi, đa dạng
- Uống nước ép rau củ quả để kiềm hóa cơ thể, giúp các tế bào hoạt động tốt. Bạn nên kết hợp đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, cụ thể: Cây cần tây, củ dền đỏ, dưa chuột, cà rốt, gừng, táo hoặc ổi.
- Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, món chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn…
- Không uống rượu bia, không hút thuốc lá
Đến đây, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về tình trạng khủng hoảng tâm lý sau khi về hưu. Nghỉ hưu là khoảng thời gian vàng để bạn làm những điều mình muốn. Do đó, bạn hãy chuẩn bị thật tốt cả về tâm lý lẫn tài chính để tránh cảm giác hụt hẫng, nhàm chán. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập