Mục lục [Ẩn]
Hiện nay, theo thống kê của Bộ y tế, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, tương đương khoảng 15 triệu người. Các nhà nghiên cứu cho biết, con số này thực tế còn cao hơn và có xu hướng gia tăng từng ngày, đặc biệt ở đối tượng người cao tuổi và người trẻ đang trong độ tuổi lao động. Vậy nguyên nhân nào khiến các vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến ở những đối tượng này? Mời bạn theo dõi bài viết sau để cùng tìm hiểu nhé!
Tại sao hiện nay các vấn đề tâm lý lại đang ngày càng trở nên phổ biến?
Thực trạng các vấn đề tâm lý ở người cao tuổi và người trẻ tuổi
Trên toàn cầu, cứ 8 người thì có một đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 khiến nhiều người bị ảnh hưởng, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng, phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy sự gia tăng của rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên đại dịch.
Theo số liệu công bố của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người bị ảnh hưởng. Trong đó, người cao tuổi và người trẻ đang trong độ tuổi lao động là hai đối tượng dễ mắc các vấn đề tâm lý nhất.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khoảng 14% người lớn từ 60 tuổi trở lên mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu. Theo Ước tính Sức khỏe Toàn cầu (GHE) 2019, các rối loạn tâm thần này chiếm 10,6% tổng số thương tật ở người lớn tuổi. Các vấn đề tâm lý phổ biến nhất ở người lớn tuổi là trầm cảm và rối loạn lo âu. GHE 2019 cho thấy trên toàn cầu, khoảng 1/4 số ca tử vong do tự tử (27,2%) là những người từ 60 tuổi trở lên.
Tai Việt Nam, theo số liệu từ năm 2017, 15 - 45% người cao tuổi (ở độ tuổi từ 55 trở lên) tại Việt Nam mắc bệnh trầm cảm, đây là một tỷ lệ cao bất ngờ và ở mức đáng báo động. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận từ 700 - 1.200 bệnh nhân đến khám ngoại trú, khoảng 15 - 20% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, trong số này có khoảng 20% là người cao tuổi. Số liệu này chắc chắn đã tăng lên rất nhiều hiện nay.
Tại sao tỷ lệ người già mắc các vấn đề tâm lý ngày càng tăng?
Một số nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm lý của người già là:
Sức khoẻ
Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi). Đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.
Hầu hết các bệnh lý của người cao tuổi như tăng huyết áp, tiểu đường,... đều là bệnh lý mãn tính, cần phải theo dõi và điều trị trong một khoảng thời gian dài. Người bệnh phải trải qua nhiều biện pháp điều trị khác nhau. Điều này khiến rất nhiều người bệnh cao tuổi dễ cảm thấy lo lắng, bất an về tình trạng sức khỏe của mình. Các triệu chứng của bệnh cứ kéo dài liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến cơ thể, làm suy giảm cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
>>> Xem thêm: Người già và nỗi lo âu bệnh tật.
Mất ngủ
Ở người cao tuổi, chất lượng giấc ngủ hạ thấp rất nhiều. Nhiều người cao tuổi bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ chập chờn,.... Mất ngủ sẽ khiến người cao tuổi gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, họ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, trở nên nhạy cảm hơn. Các vấn đề về giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của chất dẫn truyền thần kinh serotonin, góp phần vào cơ chế hình thành các vấn đề tâm lý, đặc biệt là bệnh trầm cảm.
Mất ngủ là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới các vấn đề tâm lý ở người già.
Nỗi lo về con cái
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Dù con đã trưởng thành nhưng nhiều người già vẫn không ngày nào ngơi đi nỗi lo lắng cho con. Họ lo khi con cái chậm lấy vợ, lấy chồng, lo cho sự nghiệp của con, lo lắng khi con cái nợ nần. Những nỗi lo cứ chồng chất lên khiến nhiều người cao tuổi bị rối loạn lo âu, trầm cảm.
Do cô đơn
Do nhiều nguyên nhân như vợ/ chồng mất trước, con cái đi làm, đi học xa hoặc khoảng cách giữa các thế hệ mà rất nhiều người già cảm thấy cô đơn. Sự cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự hạnh phúc của người già. Người cao tuổi sống một mình thường có nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, đặc biệt là bệnh trầm cảm cao.
>>> Xem thêm: Người già cô đơn: Đối mặt với nguy cơ trầm cảm.
Do tai biến
Tai biến là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người cao tuổi. Sau tai biến, ngoài những di chứng thể chất, người bệnh còn phải đối diện với sự thay đổi lớn trong tâm lý.
Theo thống kê, 30-50% bệnh nhân có nguy cơ trầm cảm sau tai biến. Nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi sinh học do tổn thương mạch máu, các tế bào não, cũng như áp lực tâm lý khi phải đối diện với tình trạng thể chất đi xuống và nỗi lo bị đột quỵ lần thứ hai. Tai biến cũng khiến nhiều người cao tuổi mặc cảm cho rằng bản thân vô dụng, là gánh nặng của con cái và người thân, từ đó ngày càng buồn bã, khép mình và khó chia sẻ hơn.
>>> Xem thêm: Những thay đổi cảm xúc thường gặp ở bệnh nhân sau tai biến mạch máu não.
Nỗi lo tiền bạc
Nỗi lo về tiền bạc là một nguyên nhân thường gặp khác gây ra các vấn đề tâm lý ở người cao tuổi. Theo thống kê tại Việt Nam, trong số hơn 13 triệu người cao tuổi, có hơn 1 nửa là không có lương hưu và trợ cấp. Điều này dẫn tới khi bước vào tuổi già, không ít người phải đối mặt với nhiều trăn trở, lo lắng khi không đủ tiền bạc để chi tiêu, phụ thuộc vào con cái hay thậm chí rơi vào tình trạng nợ nần. Những áp lực tài chính khiến nhiều người già có biểu hiện tiêu cực, tinh thần trở nên bất ổn và bế tắc. Hơn nữa còn gây ra nhiều triệu chứng thể chất đi kèm.
>>> Xem thêm: Người già và nhọc nhằn mưu sinh và áp lực tài chính.
Tại sao tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý ở người trẻ tuổi lại tăng?
Cuộc sống hiện đại khiến những người trẻ phải đối mặt với vô vàn áp lực, phải "chạy đua" với tốc độ phát triển của thời đại nên tỷ lệ rối loạn tâm lý ngày càng nhiều. Một số nguyên nhân gây ra các vấn đề tâm lý của người trẻ là:
Áp lực công việc
Một trong những nguyên nhân chính gây ra các vấn đề tâm lý hiện nay cho những người trẻ đang trong độ tuổi lao động là áp lực công việc. Theo thống kê gần đây, hơn 70% người lao động đang phải đối mặt với áp lực công việc. Ảnh hưởng đầu tiên của áp lực công việc là tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể suy nhược và các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất. Nếu không được giải tỏa sớm, căng thẳng tích tụ ngày qua ngày có thể gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm, suy nhược thần kinh,…
>>> Xem thêm: Những cách hữu hiệu giúp bạn đối phó với áp lực tại nơi làm việc.
Áp lực tiền bạc
Sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến áp lực tiền bạc đang dần trở thành một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra các vấn đề tâm lý. Áp lực tiền bạc gây lo lắng, tạo ra sự không chắc chắn về tương lai, đặc biệt là khi các cá nhân đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Tình trạng nợ nần chồng chất có thể dẫn đến cảm giác xấu hổ và bối rối, điều này làm gia tăng căng thẳng.
Suy thoái kinh tế khiến áp lực tiền bạc ngày càng đè nặng lên vai nhiều người.
Mâu thuẫn trong gia đình
Trong cuộc sống gia đình, những mâu thuẫn là không thể nào tránh khỏi. Những mâu thuẫn gia đình có thể bắt nguồn giữa các cặp vợ chồng, giữa ba mẹ - con cái hoặc giữa những người con với nhau. Nguyên nhân gây mâu thuẫn gia đình cũng rất đa dạng như bất đồng quan điểm, thiếu sự tôn trọng, vợ hoặc chồng ngoại tình… Những mâu thuẫn xảy ra khiến gia đình không còn là tổ ấm, là điểm tựa cho các thành viên, khiến họ cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề tâm lý cho các thành viên.
Sự phát triển của mạng xã hội
Thiết bị công nghệ giúp tạo ra một thế giới phẳng nhưng việc dành phần lớn thời gian giao tiếp qua mạng dễ làm mất đi kết nối trực tiếp với những người xung quanh. Mạng xã hội còn làm tăng áp lực đồng trang lứa. Nhiều người cảm thấy căng thẳng, mặc cảm khi nhìn thấy những người cùng lứa tuổi thành công, hạnh phúc hơn mình quá nhiều.
>>> Xem thêm: Vì sao mạng xã hội có thể gây rối loạn lo âu, trầm cảm?
Kỳ vọng từ gia đình
Các vấn đề tâm lý còn đến từ áp lực gia đình. Cha mẹ có suy nghĩ rằng chất lượng cuộc sống hiện nay có sự giúp đỡ của công nghệ thông tin nên việc làm việc, học tập sẽ không còn khó khăn như trước nữa nên kỳ vọng họ dành cho con cái cũng tăng lên, mong muốn con cái của mình phải làm được nhiều điều lớn lao trong xã hội, cho con cái học nhiều thứ mà không quan tâm tới cảm nhận của con.
Trên đây là một số nguyên nhân khiến mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm ngày càng phổ biến ở cả người trẻ và người cao tuổi. Để biết các biện pháp phòng tránh và cải thiện các vấn đề tâm lý, mời bạn gọi đến tổng đài 0243.760.6666 để được tư vấn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập