Mục lục [Ẩn]
Ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái diễn ra khá phổ biến với nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không được giải quyết, những mâu thuẫn này sẽ trở thành vết thương lớn trong lòng mỗi người, khiến cha mẹ và con cái ngày càng trở nên xa cách nhau. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái? Làm sao để hàn gắn những mâu thuẫn này? Mời bạn theo dõi bài viết sau để có câu trả lời nhé!
Làm sao để hóa giải mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái?
Nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ - con cái
Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự thiếu hòa hợp giữa cha mẹ và con cái là:
Sự khác biệt thế hệ
Mỗi thế hệ lại lớn lên trong một môi trường khác nhau, có các quy chuẩn riêng về cuộc sống, tính cách, giá trị và kỳ vọng khác nhau. Những người làm cha, làm mẹ đã có rất nhiều kiến thức và trí tuệ được bồi đắp dần trong cuộc đời của họ còn những đứa trẻ thì chịu ảnh hưởng của những xã hội hiện đại. Sự khác biệt thế hệ này sẽ thể hiện ở rất nhiều khía cạnh của cuộc sống như cách ăn mặc, chi tiêu, quan điểm về sự nghiệp, gia đình,... Tất cả những điều này đều có thể là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
Thiếu sự giao tiếp
Khi con càng trưởng thành, sự giao tiếp giữa con cái và cha mẹ ngày càng ít đi. Bởi ai cũng trở nên ngày càng bận rộn và ngày càng có ít vấn đề chung để trò chuyện cùng nhau.
Ngoài ra, ở một số gia đình, một số cha mẹ và con cái thấy khi giao tiếp không có tiếng nói chung thì đã hạn chế giao tiếp với nhau để tránh nảy sinh mâu thuẫn. Tuy nhiên, đây là cách làm hoàn toàn sai lầm. Sự thiếu giao tiếp lại khiến cha mẹ và con cái rất khó thấu hiểu nhau. Trong quan điểm của người làm cha mẹ, con cái vẫn là những đứa trẻ bé bỏng, chưa có kinh nghiệm, chưa có vốn sống. Trong quan điểm của những người làm con, cha mẹ của họ vẫn là những người lớn “cổ hủ” với những quan điểm “cũ kỹ” ngày nào. Do đó, họ càng có xu hướng không tôn trọng quan điểm của nhau. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
Thiếu sự bao dung với người thân
Có một nghịch lý là chúng ta thường kiên nhẫn, bao dung với người lạ nhưng lại thiếu sự bao dung với những người thân của mình. Khi làm việc với khách hàng, chúng ta có nhiều lúc phải xin lỗi khách hàng dù bản thân mình có đúng. Tuy nhiên, với cha mẹ thì dù bạn biết bản thân mình có lỗi nhưng rất ít khi mở lời xin lỗi, thậm chí là cáu giận ngược lại.
Ngược lại, cha mẹ cũng vậy, nhiều khi chính họ cũng đã nhận thấy mình đã nói lời khiến con cái bị tổn thương trong lúc nóng giận nhưng không biết mở lời thế nào. Nhiều người cũng có quan điểm rằng việc xin lỗi con cái sẽ làm mất sự uy nghiêm của mình nên cứ để vậy cho qua mọi chuyện.
Và cứ thế các tổn thương lớn dần theo thời gian, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái của họ cũng ngày một lớn dần, tình cảm dành cho nhau không còn được như trước và mâu thuẫn cũng nhiều hơn.
Các vấn đề từ phía cha mẹ
Dưới đây là một số sai lầm mà các bậc phụ huynh hay mắc phải gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái:
- Cha mẹ can thiệp, kiểm soát quá mức vào cuộc sống của con: Nhiều bậc cha mẹ có xu hướng muốn kiểm soát cuộc sống của con mặc dù chúng đã trưởng thành. Họ không muốn để con mình học hỏi, để con có thể mắc sai lầm mà chỉ coi chúng là “những đứa trẻ to xác" mà không tôn trọng rằng những đứa trẻ của mình đã trưởng thành, có những quan điểm và lựa chọn riêng cho cuộc sống.
- Cha mẹ độc hại: Các kiểu cha mẹ độc hại có các hành vi bạo hành (có thể bằng bạo lực chân tay, ngôn từ hoặc cảm xúc) có thể gây tác động sâu sắc đến con cái, tạo ra những mâu thuẫn không thể xóa nhòa giữa hai thế hệ.
Cha mẹ kiểm soát con quá mức cũng dễ làm nảy sinh mâu thuẫn.
Các vấn đề từ con
Mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ thường bùng nổ khi những đứa con bước vào tuổi dậy thì. Ở tuổi này, với sự thay đổi tâm sinh lý, trẻ tự cảm nhận rằng mình đã trưởng thành và có cái tôi cá nhân khá cao. Trẻ thường có nhu cầu thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ một cách mạnh mẽ. Những lúc này, trẻ sẽ có xu hướng bỏ ngoài tai những lời nói của cha mẹ, dù tốt hay xấu.
Các biện pháp hàn gắn mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái nên được giải quyết sớm để tránh mối quan hệ của hai bên trở nên căng thẳng, ảnh hưởng đến không khí gia đình và tình cảm cả hai phía. Để làm được điều này, cần có sự cố gắng của cả hai phía. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn.
Dành thời gian cho nhau nhiều hơn
Thiếu sự giao tiếp là nguyên nhân phổ biến gây ra mâu thuẫn gia đình, khiến cha mẹ và con cái thiếu sự thấu hiểu và đồng cảm với nhau, từ đó dẫn đến các mâu thuẫn trong gia đình. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất để hàn gắn và ngăn ngừa mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái chính là dành thời gian cho nhau nhiều hơn.
Cha mẹ và các con có thể dành thời gian để chia sẻ về sở thích, ước mơ, cảm xúc của bản thân và lắng nghe đối phương để hiểu nhau hơn. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng xóa bỏ được những mâu thuẫn không đáng có trong cuộc sống.
Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau
Đa số phụ huynh ở Việt Nam đều có xu hướng muốn con cái nghe theo những gì mình đang suy nghĩ, thậm chí áp đặt suy nghĩ của mình lên các con. Điều này rất không nên. Để hàn gắn được những mâu thuẫn này, cả phụ huynh và các con đều nên giảm bớt cái tôi của mình, lắng nghe và tôn trọng quan điểm của đối phương.
Khi bạn thật sự lắng nghe những gì đối phương đang nghĩ, bạn sẽ biết được họ đang nghĩ gì và mục đích của các hành động của họ. Nhờ vậy, các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái sẽ giảm bớt đáng kể.
Học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân
Để có thể giải quyết được tốt các mâu thuẫn thì việc kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân là vô cùng quan trọng. Cố gắng hóa giải mâu thuẫn trong trạng thái nóng giận và mất bình tĩnh sẽ chỉ khiến cả hai bên tổn thương hơn. Về vấn đề này, cha mẹ cần là tấm gương tốt cho con cái noi theo. Việc bạn thường xuyên nóng giận và mất bình tĩnh sẽ khiến con bị tác động tiêu cực và bắt chước theo những hành vi này.
Khi xảy ra bất hòa, nếu bạn cảm thấy mất bình tĩnh thì hãy hẹn nhau cùng trò chuyện khi tâm trạng đã ổn định trở lại. Lúc này, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn nhận mọi thứ chính xác và khách quan hơn.
Thống nhất các quy tắc chung
Để hạn chế các mâu thuẫn không đáng có, cha mẹ và con cái nên thống nhất với nhau những quy tắc chung, ví dụ:
- Cha mẹ cần tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của con, không tự ý kiểm tra điện thoại và đồ dùng cá nhân của con khi chưa có sự đồng ý.
- Con cái cần đi về trước 10 giờ đêm, nếu về muộn cần có nguyên nhân chính đáng và thông báo với cha mẹ.
Việc này sẽ giúp cả hai bên có trách nhiệm với những việc mình làm, cha mẹ sẽ quan tâm con cái một cách hiệu quả mà không quá kiểm soát hay khắt khe với con. Con cái cũng biết cách tự thay đổi và rèn luyện mình để tránh những sai lầm không đáng có.
Gặp các chuyên gia tâm lý
Nếu mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trở nên nghiêm trọng và không thể làm hòa, gia đình có thể chủ động đến gặp các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu được mong cầu thực sự từ đối phương, gỡ rối và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn.
Gặp chuyên gia tâm lý để được hóa giải khúc mắc, hiểu lầm.
Trên đây là những nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Việc giải quyết những bất hòa cần có sự cố gắng từ hai phía. Hy vọng rằng các lời khuyên trong bài viết này đã giúp bạn có những biện pháp phù hợp để tháo gỡ các khúc mắc trong gia đình. Nếu còn điều gì muốn tâm sự, chia sẻ, mời bạn gọi đến tổng đài 0243.760.6666. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập