Mục lục [Ẩn]
Hội chứng sợ máu là một rối loạn ám ảnh sợ thường gặp. Theo thống kê, cứ 100 người thì có 3 - 4 người mắc phải hội chứng này. Đây là tình trạng một người có nỗi sợ hãi thái quá và dai dẳng với máu. Qua bài viết này, mời cùng tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục hiệu quả hội chứng này.
Hội chứng sợ máu là gì?
Hội chứng sợ máu là gì?
Hội chứng sợ máu ( tên tiếng anh Hemophobia) được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi tột độ, thái quá khi nhìn thấy máu (dù là máu của bản thân hay của người khác). Những người bình thường sẽ chỉ cảm thấy sợ hãi khi thấy một lượng máu lớn và khó chịu, buồn nôn khi ngửi thấy mùi tanh nồng của máu. Nhưng những người mắc hội chứng sợ máu thì sự sợ hãi này sẽ khủng khiếp hơn. Thậm chí, họ có thể ngất xỉu chỉ vì một lượng máu rất nhỏ khi bị đứt tay.
Hội chứng này được công nhận là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu chính thức và được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đề cập đến trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5).
Các biểu hiện của người mắc hội chứng sợ máu
Giống như các rối loạn ám ảnh sợ khác, người mắc hội chứng sợ máu có thể có các biểu hiện về cả thể chất, cảm xúc và hành vi khi nhìn thấy máu.
Các phản ứng thể chất
Một số phản ứng thể chất thường gặp của người mắc hội chứng sợ máu khi thấy máu là:
- Chóng mặt.
- Ngất xỉu.
- Ban đầu nhịp tim tăng, sau đó là nhịp tim và huyết áp giảm đột ngột
- Buồn nôn và rối loạn tiêu hóa
- Thở nhanh
- Run rẩy, căng cơ.
- Cảm thấy ngứa ran hoặc tê.
- Đổ mồ hôi
- Tức ngực, khó thở.
Các phản ứng về cảm xúc
- Lo lắng và sợ hãi tột độ khi nhìn thấy máu hoặc nghĩ đến máu.
- Có cảm giác ghê tởm mãnh liệt khi nhìn thấy máu.
- Xuất hiện các cơn hoảng loạn (Panic attacks).
- Nỗi sợ quá lớn khiến một số bệnh nhân mất kiểm soát, thậm chí là cảm giác như sắp chết khi nhìn thấy máu.
- Nhận thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể kiểm soát nó.
Người bệnh xuất hiện các cơn hoảng loạn.
Các phản ứng về hành vi
- Cố gắng thoát khỏi những tình huống có sự xuất hiện của máu như chuyển kênh trên tivi, không muốn đến bệnh viện, từ chối tiêm vaccine, phẫu thuật,…
- Một số người có xu hướng ít vận động và chơi thể thao vì sợ sẽ bị chấn thương, chảy máu.
- Trẻ nhỏ mắc hội chứng sợ máu thường có các phản ứng như: Khóc lóc, đeo bám, không tách rời khỏi bố mẹ, không dám đến bệnh viện hay phòng khám vì sợ thấy máu,..
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ máu
Một số yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ máu là:
Từng bị sang chấn tâm lý liên quan đến máu
Một số người bị hội chứng sợ máu do trải qua những trải nghiệm đáng sợ liên quan đến máu trong quá khứ, như:
- Chứng kiến những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.
- Từng bị phẫu thuật hoặc các biến chứng liên quan tới việc lấy máu hoặc truyền máu.
- Đã từng gặp tai nạn hoặc người thân gặp tai nạn.
Các trải nghiệm đáng sợ này khiến người bệnh bị ám ảnh trong thời gian dài. Chỉ cần nhìn thấy máu, những trải nghiệm đáng sợ kia sẽ quay trở lại khiến họ lo lắng đến mất ngủ. Điều này khiến bệnh nhân hình thành hội chứng sợ máu.
Người bệnh có thể bị ám ảnh bởi lần phẫu thuật trong quá khứ.
Có người thân trong gia đình mắc hội chứng này
Yếu tố di truyền cũng sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến ám ảnh về máu. Những đứa trẻ có người thân trong gia đình bị mắc hội chứng sợ máu hoặc các rối loạn ám ảnh sợ khác thì có nguy cơ mắc hội chứng sợ máu cao hơn.
Hiện nay cơ chế di truyền chưa được xác định rõ nhưng nhiều giả thuyết cho rằng, điều này có liên quan đến gen quy định cấu trúc và hoạt động của não bộ.
Do hoàn cảnh gia đình
Những đứa trẻ được gia đình bao bọc quá mức thường yếu ớt, dễ sợ hãi trước các vấn đề bình thường. Trong khi đó, những trẻ được tiếp xúc với môi trường ngay từ khi còn nhỏ thường can đảm hơn và ít có nỗi sợ hãi vô lý trước những vấn đề không thật sự nguy hiểm.
Trẻ sống chung với những người mắc hội chứng sợ máu thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bởi khi thấy những người xung quanh có một nỗi sợ quá mức với máu thì trẻ cũng sẽ dần hình thành nỗi sợ tương tự.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc phải hội chứng sợ máu nếu bị những người xung quanh, chẳng hạn như cha mẹ “nhồi nhét” các suy nghĩ tiêu cực về máu, chẳng hạn như mất máu là mất mạng,…. Những suy nghĩ tiêu cực này sẽ dần gây ra các nhận thức sai lệch về máu, khiến trẻ dần hình thành nỗi sợ.
Có tiền sử bị các rối loạn ám ảnh sợ khác
Người mắc hội chứng sợ kim tiêm, sợ chấn thương, sợ vi trùng, sợ chết,… sẽ có nguy cơ mắc hội chứng sợ máu cao hơn.
Theo các chuyên gia, hạch hạnh nhân trong não ở những bệnh nhân này hoạt động quá mức nên tạo ra nỗi sợ lớn và thái quá trước những vấn đề không thực sự nguy hiểm. Do đó, một người có thể mắc đồng thời rất nhiều dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác nhau.
Những ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng sợ máu
Hội chứng sợ máu có thể gây ra các hệ lụy tiêu cực sau cho cuộc sống người bệnh, như:
- Người bệnh luôn ở trong trạng thái căng thẳng, sợ hãi và bất an, ít khi cảm thấy thoải mái vì luôn phải suy nghĩ làm sao để né tránh tất cả các tình huống có sự xuất hiện của máu.
- Người bệnh từ chối đến bệnh viện thăm khám và điều trị khi gặp các vấn đề sức khỏe. Thậm chí, nhiều người vì sợ hãi quá mức đã né tránh việc tiêm ngừa, các thủ thuật nha khoa và từ chối phẫu thuật. Điều này khiến người bệnh của hội chứng sợ máu phải đối diện với các vấn đề sức khỏe và tăng nguy cơ gặp biến chứng do không được thăm khám, điều trị bệnh lý sớm.
- Ngăn cản người bệnh tham gia các hoạt động có thể gây thương tích như chơi thể thao, leo núi, cắm trại,… Điều này khiến trải nghiệm cuộc sống của bệnh nhân trở nên nên nghèo nàn, trẻ lớn lên sẽ thiếu kinh nghiệm sống, nhút nhát và không tự tin về bản thân.
- Một số người bệnh bị đánh giá là vô cảm khi thấy người bị nạn lại bỏ chạy không giúp. Thậm chí, khi con của họ bị thương chảy máu rất nhỏ hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì họ cũng sợ hãi không dám băng bó.
Người bệnh thiếu vắng các trải nghiệm vì sợ bị thương.
Biện pháp khắc phục hội chứng sợ máu
Trị liệu tâm lý
Các liệu pháp tâm lý giúp người bệnh hiểu thêm về nỗi sợ hãi của mình và tích cực hỗ trợ để giảm bớt nỗi sợ. Các liệu pháp tâm lý thường được sử dụng là:
- Liệu pháp tiếp xúc: Người bệnh sẽ được tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ hãi của bản thân với mức độ tăng dần. Chẳng hạn ban đầu là nhìn hình ảnh về máu, clip về máu và cuối cùng là máu thật.
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Thông qua liệu pháp này, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân điều chỉnh suy nghĩ về máu theo chiều hướng tích cực hơn. Điều này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nỗi sợ và giữ được bình tĩnh khi nhìn thấy máu.
- Liệu pháp thư giãn luyện tập: Nỗi sợ vô lý về máu có thể khiến bệnh nhân bị căng thẳng, bất an và lo lắng dai dẳng. Các liệu pháp thư giãn như liệu pháp hít thở, thiền hay yoga,... giúp giảm đáng kể các triệu chứng thể chất và cảm xúc do hội chứng sợ máu gây ra.
Điều trị bằng thuốc
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để điều trị chứng sợ máu. Tuy nhiên nó không được dùng như một phương pháp điều trị độc lập mà cần kết hợp với tâm lý trị liệu. Mục đích là để làm giảm các triệu chứng và giúp bệnh nhân đáp ứng tốt hơn
Các loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:
- Thuốc an thần, ví dụ benzodiazepines.
- Thuốc chẹn beta, thuốc điều trị huyết áp cao ngăn chặn adrenaline để cải thiện các triệu chứng lo âu sinh lý.
- Thuốc chống trầm cảm, thường là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc SSRI.
Bệnh nhân kết hợp sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hội chứng sợ máu. Hội chứng sợ máu (Hemophobia) gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống, thậm chí còn tổn hại đến sức khỏe. Do đó người bệnh cần chủ động thăm khám và nghiêm túc điều trị khi ý thức được bản thân có nỗi sợ hãi thái quá và phi lý về máu.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập