Mục lục [Ẩn]
Bạo lực học đường là một vấn đề mang tính thời sự, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận trong những năm trở lại đây. Tình trạng này để lại nhiều sự ám ảnh, vết thương tâm lý đối với các em học sinh, thậm chí là gây ra những hậu quả thương tâm.
Đây được cho là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm của giới trẻ hiện nay. Vậy, bạo lực học đường là gì? Trẻ bị bạo hành sẽ có những biểu hiện gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Bạo lực học đường là gì? Cách nhận diện trẻ bị bạo hành
Bạo lực học đường là gì?
Bạo lực học đường là những hành vi có tính chất xâm phạm gây tác động tiêu cực đến thể chất và tinh thần, diễn ra trong phạm vi trường học, hoặc các cơ sở giáo dục khác.
Đây là điều xảy ra trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng gì tại Việt Nam.
Các hình thức của bạo lực học đường là gì?
Dựa trên những tác động và ảnh hưởng từ các hành vi, bạo lực học đường có thể chia ra thành hai dạng là:
Bạo lực về thể chất
Bạo lực về thể chất phổ biến nhất là hành vi đánh nhau do những mâu thuẫn, tranh chấp trong môi trường học đường. Ở mức độ nhẹ, tình trạng này là xô xát, ẩu đả giữa hai cá nhân với nhau. Mức độ cao hơn là giữa hai tập thể trong cùng một trường, hoặc giữa các trường với nhau,...
Mức độ nguy hiểm nhất là hành vi hội đồng, nhiều học sinh cùng bắt nạt, hành hung hay đánh đập một học sinh khác. Hoặc, đó là hành vi sử dụng vũ lực gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng nạn nhân.
Bạo lực học đường có thể là hành vị đánh nhau, xô xát
Bạo lực về tinh thần
Bạo lực về mặt tinh thần khó nhận biết hơn nhiều so với bạo lực về thể chất. Nó cũng để lại nhiều sang chấn tâm lý nghiêm trọng, khiến nạn nhân rơi vào trầm cảm, thậm chí là phải tự tử.
Bạo lực về mặt tinh thần có thể kể đến là hành vi bài xích, tẩy chay, cô lập thường diễn ra trong phạm vi lớp học. Một học sinh bị các thành viên khác quay lưng, loại bỏ, xua đuổi khỏi những hoạt động tập thể.
Một trường hợp khác là nạn nhân bị lăng mạ, mắng chửi, xúc phạm đến ngoại hình, danh dự, và nhân phẩm hay gia đình. Từ đó, nạn nhân có thể trở nên tự ti, mặc cảm, chán ghét về chính bản thân, thậm chí là cả những người thân trong gia đình.
Nhiều người cho rằng, bạo lực về tinh thần nguy hiểm hơn rất nhiều so với bạo lực về thể chất. Bởi lẽ, bạo lực tinh thần có thể diễn ra trên không gian mạng, các tin tức xấu, độc hại, sai lệch lan truyền mạnh mẽ, nhanh chóng.
Nạn nhân trở thành tâm điểm của các cuộc chửi bới, lăng mạ bởi hàng trăm người, vào bất kỳ thời điểm nào. Điều này không chỉ khiến họ ngày càng mặc cảm, mà còn tạo ra tâm lý sợ hãi, nhận thức sai lệch, sống thu mình, thậm chí là hoảng loạn, trầm cảm, hay có hành vi tự hủy hoại bản thân.
Bạo lực về tinh thần có mức độ nguy hiểm cao hơn
Cách nhận diện khi trẻ bị bạo lực học đường là gì?
Trong phần lớn các trường hợp, trẻ bị bạo hành tại trường lớp sẽ đều không chia sẻ với gia đình, hay nhà trường, do sợ bị mắng, hoặc bị đe dọa. Tuy nhiên, đây chính là lúc mà các em cần đến sự quan tâm của cha mẹ nhiều nhất.
Bạn có thể nhận diện trẻ bị bạo hành thông qua những dấu hiệu dưới đây:
Những chấn thương liên tiếp xuất hiện trên cơ thể
Những chấn thương trên cơ thể là thứ dễ nhận biết nhất khi trẻ bị bạo hành tại học đường. Nếu bạn nhận thấy con, em mình thường xuyên có những vết bầm tím, trầy xước,... và tỏ ra sợ sệt, trốn tránh khi bị hỏi thì hãy thật lưu ý.
Liên tục kêu bị mất, hoặc hỏng đồ dùng cá nhân, đồ học tập
Có không ít các vụ bạo lực học đường lại nhằm vào việc phá hoại tài sản cá nhân, ví dụ như sách vở, xe đạp, điện thoại, dụng cụ học tập,... Chính vì vậy, nếu trẻ thường xuyên kêu bị mất đồ, hỏng đồ nhưng không đưa ra được lý do, thì, bạn cần quan sát thật kỹ các biểu hiện khác của trẻ.
Luôn thấy mệt mỏi sau khi đi học về và sợ đến trường
Việc bị đánh hay cô lập đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của trẻ. Những gánh nặng từ tâm lý có thể khiến cho trẻ thường sẽ có những biểu hiện mệt mỏi, bơ phờ, thiếu sức sống,... mỗi khi đi học về. Trẻ cũng có thể sẽ ở lì trong phòng, không ra khỏi nhà, không muốn tiếp xúc với ai,...
Bên cạnh đó, trẻ bị bạo hành cũng thấy sợ đến trường, luôn tìm lý do để được nghỉ học như: bị ốm, đau bụng, mệt,...
Trẻ chỉ ở trong phòng, không giao tiếp, hay đi chơi với bạn bè có thể là dấu hiệu khi bị bạo hành
Có biểu hiện sợ sệt, né tránh khi được hỏi về chuyện trường lớp
Những việc xảy ra tại trường học sẽ là nỗi ám ảnh đối với trẻ. Do đó, khi được hỏi về chuyện trường lớp, trẻ sẽ có biểu hiện sợ sệt, hay né tránh, không muốn chia sẻ, hoặc chỉ trả lời nhát gừng cho qua chuyện.
Kết quả học tập sa sút
Khi ở trong một môi trường độc hại, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ và áp lực tâm lý nặng nề, thì không có đứa trẻ nèo có thể dành toàn tâm, toàn ý cho việc học được. Thế nên, nếu nhận thấy kết quả học tập của trẻ bất ngờ “tuột dốc không phanh”, sa sút, thì cha mẹ nên từ từ tìm hiểu, không nên nóng giận mà lớn tiếng với các con.
Hiện tại, bạo lực học đường vẫn đang trở thành tâm điểm chú ý của toàn xã hội. Mặc dù luật pháp đã có nhiều điều khoản để bảo vệ các em học sinh, nhưng sự quan tâm của nhà trường, gia đinh, bạn bè vẫn là điều cần thiết nhất để ngăn chặn tình trạng này, cũng như những hệ lụy mà nó có thể gây ra. Do đó, tất cả mọi người cần nâng cao nhận thức để tự bảo vệ mình, cũng như con, em để tránh trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập