Mục lục [Ẩn]
Người làm cha, làm mẹ nào cũng mong muốn bảo đảm sự an toàn và hạnh phúc cho con. Chính vì vậy, nhiều người tin rằng với kinh nghiệm sống của mình, họ sẽ áp đặt được những khuôn khổ đúng đắn cho con, con chỉ cần nghe theo là sẽ thành công và không phải vấp ngã. Điều này liệu có đúng không? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Phát bệnh tâm thần bởi bố mẹ gia trưởng, áp đặt
Phát bệnh tâm thần bởi bố mẹ gia trưởng, áp đặt
Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn đảm bảo sự an toàn cho con. Có lẽ vì vậy, cha mẹ tin rằng một vài nguyên tắc và luật lệ cần tuân thủ sẽ đảm bảo con có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không ít phụ huynh đã trở nên áp đặt quá mức khi yêu cầu trẻ phải tuân theo mọi yêu cầu mình đưa ra.
Đối với nhiều người, việc bị cha mẹ áp đặt ý kiến đã quá quen thuộc. Có nhiều người chia sẻ rằng bố mẹ quyết định toàn bộ mọi điều, kể cả cái nhỏ nhất trong cuộc sống của con.
Như trường hợp của Ngân (23 tuổi), cô cho biết mình như "tù nhân" trong nhà, bởi bố mẹ đã kiểm soát mọi hoạt động và mối quan hệ. Bố của Ngân là một người vô cùng nghiêm khắc, mỗi lần đi chơi tối, cô phải nhờ bạn gọi điện cho bố để xin phép và không được về quá 21h. Nếu Ngân đi chơi quá 21h, cô sẽ bị "khủng bố" bởi hàng chục cuộc gọi của phụ huynh, về nhà bị tra khảo và răn đe. Không những vậy, mẹ cô hay đọc trộm nhật ký, kiểm soát mọi chi tiêu, giữ tiền lương và hộ chiếu của con.
Mặc dù Ngân đã nhiều lần bày tỏ mong muốn ra ở riêng nhưng đều bị gạt phắt đi, sau đó là răn dạy, thậm chí là mắng nhiếc, đánh đập. Theo quan niệm của ông bà, Ngân là con một, để nuôi dạy cô thành tài thì gia đình đã phải hy sinh rất nhiều. Vì vậy, Ngân có trách nhiệm phải nghe lời, nếu không thì là “bất hiếu”, sẽ chịu “quả báo”. Lâu dần, cô gái trở nên thu mình, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, chỉ quanh quẩn hai nơi là nhà và nơi làm việc.
Vài tháng gần đây, Ngân thường xuyên có những cơn sợ hãi đột ngột, khởi đầu với tim đập nhanh, choáng, đau ngực, kéo dài vài phút. Ngoài ra, nhiều đêm cô mất ngủ, không thể tập trung làm việc. Tình trạng này kéo dài khiến cô buồn bã, có ý định tìm đến cái chết vì nghĩ không ai yêu thương mình, bản thân đang sống trong "địa ngục". Đi khám tâm lý, Ngân được chẩn đoán bị rối loạn lo âu hỗn hợp trầm cảm, phải điều trị bằng thuốc.
Cách nuôi dạy đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tính cách, theo các chuyên gia. Nguyên nhân của việc nuôi dạy con gia trưởng có thể xuất phát từ việc chính cha mẹ từng bị ông bà áp đặt, nên áp dụng chính hình thức nuôi dạy đó với con cái mình. Ngoài ra, tính cách, khoảng cách thế hệ, suy nghĩ, quan niệm sống khác nhau khiến nhiều người vô tình nuôi dạy con theo kiểu "gia trưởng".
Nhiều người vô tình nuôi dạy con theo kiểu "gia trưởng".
Theo Báo cáo Tiếng nói của trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) thực hiện cho thấy, nhiều trẻ em có mong muốn được người lớn như cha mẹ, thầy cô lắng nghe, quan tâm đến ý kiến hoặc cho trẻ được tham gia lập kế hoạch, ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân trẻ.
Cha mẹ áp đặt ảnh hưởng đến trẻ thế nào?
Trong quan niệm của nhiều người Việt, con cái phải sống theo sự sắp xếp và gò ép theo định hướng của bố mẹ là chuyện hiển nhiên. Người lớn với nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, giúp trẻ tránh được những sai lầm trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc cha mẹ áp đặt và gây áp lực cho con quá mức có thể phản tác dụng. Đồng thời, có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Làm suy giảm lòng tự trọng của con
Việc cha mẹ áp đặt con cái cũng khiến con khó thể hiện bản thân, bộc lộ cảm xúc, thậm chí trẻ còn luôn lo lắng vì bị đánh giá, hoặc bị mắng mỏ nặng lời nếu chẳng may đi chệch với quy tắc nghiêm ngặt của cha mẹ. Những lời chỉ trích gay gắt có thể khiến trẻ cảm thấy thua kém so với bạn bè và khiến con mặc cảm.
Vì vậy. sự áp đặt của cha mẹ về lâu dài sẽ khiến con đánh mất lòng tự trọng và sự tự tin vào chính bản thân mình.
Làm giảm các kỹ năng tương tác xã hội
. Bởi khi áp đặt con là bạn đã tước đi quyền được sai, quyền được đương đầu với khó khăn của con, chính điều này sẽ khiến trẻ bị suy giảm các kỹ năng cần thiết trong tương lai. Cụ thể, thái độ độc đoán của cha mẹ cũng hạn chế khả năng tự khám phá bản thân, ảnh hưởng đến tư duy con trẻ, làm hạn chế khả năng tự do lựa chọn và đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề, đứa trẻ trở nên phụ thuộc vào người khác, thiếu lòng tin vào bản thân, cảm thấy bất an khi phải đối mặt với các thử thách trong cuộc sống.
Bạn hãy nhớ rằng, mình không thể bao bọc, áp đặt con mãi mãi được, vì vậy, việc áp đặt quá mức sẽ chỉ khiến con bạn ngày càng khó khăn hơn trong tương lai mà thôi.
Trẻ sống xa cách, tách biệt với gia đình
Thực tế, nhiều trường hợp cảm thấy mặc cảm, lạc lõng vì cha mẹ không lắng nghe và hiểu những mong muốn thực sự của con, từ đó vô hình tạo ra bức tường tâm lý. Thói quen áp đặt con cái của các bậc phụ huynh sẽ gây ra hậu quả là trẻ sống tách biệt với gia đình và che giấu những vấn đề đang gặp phải như áp lực học tập, mâu thuẫn với bạn bè, bị bắt nạt, tẩy chay,…
Hậu quả đầu tiên của việc áp đặt con cái là trẻ phải chịu áp lực lớn từ chính gia đình của mình.
Gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý
Nếu cha mẹ áp đặt, con cái ban đầu có thể kìm nén bản thân để làm vui lòng người lớn, tạm mất dần ý thức về cảm xúc thật của mình. Tuy nhiên lâu dài, trẻ sẽ sinh ra ức chế cảm xúc - tiền đề gây ra nhiều vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn nhân cách, gây trở ngại cho quá trình học tập
Một số lưu ý cho cha mẹ để tránh áp đặt con cái
Cách hiệu quả nhất có thể ngăn chặn các hậu quả của việc áp đặt con cái là thay đổi cách giáo dục. Phụ huynh nên:
- Lắng nghe và ghi nhận cảm xúc của con, tạo không gian cho con thể hiện ý kiến và cảm xúc của mình, đồng thời cho phép con được lựa chọn. Đây là cách hiệu quả để trẻ phát triển khả năng ra quyết định và tự quản lý, con sẽ cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng.
- Cha mẹ nên đề ra những nguyên tắc rõ ràng và giải thích cho con hiểu, để con cái có thể nhìn nhận toàn diện hơn về các quyết định trong cuộc sống,.
- Dạy con học được cách tự chịu trách nhiệm với các hành động và lựa chọn của mình.
- Không nên chỉ trích con quá mức khi trẻ mắc lỗi mà hãy tận dụng cơ hội này để giúp con hiểu rõ hơn về lý do tại sao hành vi đó là không tốt, cung cấp cho con những bài học rút ra từ sai lầm, cũng là tiền đề để con hiểu hơn về những quyết định của cha mẹ, tạo gắn kết mối quan hệ.
Trên đây là một số lưu ý về hậu quả của việc áp đặt quá mức lên con cái và một số lưu ý để tránh được hậu quả này. Cha mẹ nên dành thời gian quan tâm tới những gì con đang trải qua. Bằng cách này, con sẽ cảm thấy được yêu thương và chấp nhận, giúp tự tin về bản thân hơn. Điều này cũng giúp con cảm nhận được sự gắn kết với cha mẹ, khiến mối quan hệ gia đình trở nên gần gũi. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập