Mục lục [Ẩn]
Tình trạng nghiện game online đang ngày một gia tăng trong giới trẻ, và nhận được không ít sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Nó để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em sau này.
Mới đây, tại tọa đàm “Nghiện game online - hậu quả khôn lường”, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao, ông Đặng Lê Anh cho hay, tác hại của nghiện game online không thua gì nghiện ma túy.
Chuyên gia cảnh báo: Tác hại của nghiện game online không thua gì nghiện ma túy
Chơi game online - Tử sở thích trở thành nghiện
Nghiện game online (video game addiction) là một tình trạng được bắt gặp nhiều ở giới trẻ trên toàn thế giới. Các bạn trẻ có sở thích chơi game online vì chúng giúp giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tập vất vả. Tuy nhiên, vì quá đam mê, nên nhiều bạn trẻ đã mất kiểm soát và trở thành “nô lệ” của những trò chơi điện tử.
Nhiều bạn trẻ có thể chơi game liên tục trong nhiều giờ liền, thâu đêm suốt sáng. Không chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi, các bạn còn chiếm dụng luôn cả thời gian của việc học tập, chăm sóc bản thân để chơi game. Với họ, chơi game luôn là sự ưu tiên hơn bất kỳ điều gì khác.
Người nghiện game online có xu hướng tự cô lập bản thân khỏi gia đình, bạn bè, xã hội và luôn có nhu cầu được chơi game một cách liên tục. Đồng thời, càng chơi nhiều thì họ lại càng khó tách rời khỏi việc chơi game. Ngược lại, nếu nhu cầu không được đáp ứng, họ sẽ trở nên cáu gắt, kích động, thậm chí gây ra các hành vi bạo lực nguy hiểm.
Vào tháng 6/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp nghiện game online vào một dạng bệnh tâm thần, và được thêm vào danh sách bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD).
Chơi game đang trở nên vô cùng phổ biến ở trẻ em
Nghiện game online tác hại như nghiện ma túy
Vào ngày ngày 16/6, tại tọa đàm “Nghiện game online - hậu quả khôn lường” ở trường THPT Thành Nhân với hơn 300 học sinh, một nữ sinh đã kể về quá trình nghiện game online quên ăn quên ngủ của mình.
Nữ sinh kể lại rằng, để tách em khỏi game online, gia đình đã nhốt em ở trong nhà, nhưng em đã trốn ra ngoài, sống lang thang và tự kiếm tiền để chơi game. Sau khi được gia đình tìm thấy, em được đưa đi cai nghiện game và sau nửa năm thì tâm lý dần ổn định.
Nữ sinh cũng chia sẻ, vì mê game, em suýt chút nữa đã vứt bỏ đi ước mơ và tương lai của mình. May mắn, nhờ có gia đình luôn quan tâm, giúp đỡ, nên em đã rời xa được game. Nếu không, bây giờ, em có thể đang sống lang thang hoặc sa ngã vào tệ nạn xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao, ông Đặng Lê Anh cho hay, tác hại đến từ việc nghiện game online hoàn toàn không thua kém gì so với nghiện ma túy.
Ông đã từng tiếp xúc và điều trị chứng nghiện game online cho hàng trăm học sinh. Một khi đã nghiện game, các em sẽ rất khó bỏ, mặc cho gia đình có khuyên bảo, ngăn cấm như thế nào chăng nữa.
Nghiện game online biến nhiều em học sinh rất giỏi, giành được cả học bổng du học, trở thành một người không còn có ước mơ. Nhiều em học sinh nghiện game còn bỏ học và luôn cảm thấy chán nản. Có em bị gia đình nhốt trong nhà để cai nghiện game, nhưng lại tìm mọi cách trốn, hoặc có hành vi bạo lực.
Ông Đặng Lê Anh, chia sẻ tại tọa đàm “Nghiện game online - hậu quả khôn lường”
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Nghiện game gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, thể chất và cuộc sống.
Những hệ lụy khác đến từ nghiện game online
Tại buổi tọa đàm, Giảng viên Bộ môn Tâm lý học, Đại học Nguyễn Tất Thành, Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh An cũng nhấn mạnh, việc nghiện game online khiến học sinh chìm đắm vào thế giới ảo, tách rời xã hội. Các em cảm thấy cuộc sống bên ngoài không có gì thú vị, dần trở nên cô đơn, muốn xa lánh mọi người.
Giảng viên Đại học An ninh Nhân dân, TS. Lê Hoàng Việt Lâm cũng cho biết, game online thường tạo ra tâm lý hiếu thắng, ăn thua, cay cú cho game thủ. Người nghiện game online dễ bị ám ảnh bởi những điều xảy ra trong trò chơi.
Không ít trường hợp, người nghiện game online đã thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật. Một số người còn trở nên hung hăng, liều lĩnh, bạo lực, thậm chí là dám giết người. Giữa những cá nhân nghiện game cũng dễ nảy sinh bất hòa, xung đột, tranh chấp, dẫn đến đánh nhau.
Vai trò của gia đình và nhà trường trong cai nghiện game online cho trẻ em
Có thể thấy, cai nghiện game online không phải là một điều dễ dàng. Nếu như gia đình, nhà trường giải quyết không đúng cách thì sẽ phản tác dụng. Vì vậy, nếu muốn giúp trẻ cai nghiện game online, gia đình và nhà trường cần vừa khuyên bảo, vừa cho trẻ chơi thể dục, thể thao. Từ đó, các ảnh hưởng tâm lý đến từ việc chơi game sẽ dần cải thiện.
Trẻ em chỉ nên chơi game dưới 30 phút mỗi ngày, đồng thời chọn những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn, trí tuệ, giúp giải tỏa căng thẳng, tránh xa các trò bạo lực, kích động, lôi cuốn - ông Đặng Lê Anh cho biết.
Ông Lê Hoàng Việt Lâm bổ sung thêm, gia đình có vai trò quan trọng trong kiểm soát hành vi nghiện game online của con em. Ví dụ, một số cha mẹ cho trẻ chơi game để dỗ dành hoặc không muốn chúng làm phiền. Vì vậy, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với game ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời dành thời gian cho các hoạt động vui chơi bổ ích, sinh hoạt tập thể ngoài đời thực.
Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175, bác sĩ Nguyễn Văn Ca cho biết, tùy trường hợp nghiện sẽ có những biện pháp chữa trị khác nhau. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều cơ sở điều trị người nghiện game. Do đó, điều quan trọng nhất là gia đình phải quan tâm con cái, phát hiện sớm, tạo ra môi trường thuận lợi để điều trị.
Cha mẹ nên cùng với con cái tham gia các hoạt động ngoài trời
Xin mời bạn theo dõi bài viết: Con bị rối loạn tâm thần do nghiện game, cha mẹ phải làm sao?
Có thể thấy, mối nguy hại đến từ tình trạng nghiện game online không thua kém gì so với nghiện ma túy. Chính vì vậy, gia đình cần luôn quan tâm đến con em, không để trẻ sa đà vào việc chơi game. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 0243.760. 6666. Cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian theo dõi!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập